Từ xưa đến nay, rất nhiều bộ óc vĩ đại đã cố gắng khám phá những bí ẩn về trực giác, nhưng nghiên cứu của họ hầu như không có kết quả. Tuy nhiên, khám phá mới đây của một nhà khoa học hàng đầu nước Đức có thể sẽ thay đổi suy nghĩ của chúng ta về trực giác.
Trực giác là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản nhất: Trực giác là khả năng tiếp thu kiến thức và hiểu ngay lập tức một vấn đề mà không cần bất kỳ bằng chứng hay lý do nào. Vì thế, nếu bạn cho rằng trực giác không liên quan gì đến trí thông minh thì cũng không có gì lạ cả, vì trực giác là thứ rất khó đo lường và rất khó quan sát.
Trực giác là bản năng đầu tiên của chúng ta; đó là những gì chúng ta cảm thấy ngay tại thời điểm đó trước khi tư tưởng của mình có thời gian phân tích nó một cách có chủ ý. Chúng ta thường nghe nói rằng trực giác xuất hiện chủ yếu ở những người đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Khi đó, mọi thứ mà họ cảm nhận được sẽ trở nên rõ ràng và họ chỉ biết làm theo bản năng để thoát khỏi tình huống tử vong. Bởi vì đơn giản là lúc ấy chúng ta sẽ không có thời gian để do dự và cân nhắc các lựa chọn. Và trong tình huống nguy cấp như vậy thì trực giác chiếm lấy mọi suy nghĩ nếu chúng ta cho phép nó.
Gerd Gigerenzer, Giám đốc Viện phát triển con người Max Planck và là tác giả cuốn sách The Intelligence of the Unconscious (Tạm dịch: Linh Cảm: Trí thông minh vô thức) nói rằng ông là người vừa trực quan lại vừa lý trí:
“Trong công trình khoa học của mình, tôi luôn có những linh cảm. Tôi không thể giải thích lý do tại sao tôi lại nghĩ rằng một hướng đi nào đó là đúng, nhưng tôi cần tin tưởng nó và tiếp tục. Tôi cũng có khả năng kiểm tra những linh cảm này và tìm hiểu xem chúng đang nói về điều gì. Đó là phần khoa học. Bây giờ, trong cuộc sống riêng tư, tôi dựa vào bản năng. Chẳng hạn khi lần đầu tiên gặp vợ tôi, tôi không hề tính toán gì và cô ấy cũng vậy”.
Ông Gerd Gigerenzer, Giám đốc Viện phát triển con người Max Planck. (Ảnh qua Zimbio)
Trực giác đến từ đâu?
Đôi khi chúng ta có thể “linh cảm” được điều gì đó bất ổn sắp xảy đến. Đó chính là trực giác của bạn, đôi khi chúng ta cảm thấy nó nằm trong ruột hoặc dạ dày, và nhiều người lại cho rằng nó bắt nguồn từ trái tim vì trái tim là cơ quan đầu tiên biết những gì đang diễn ra.
Trực giác là hình thức thông minh cao nhất
Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học tin rằng trực giác là một dạng của trí thông minh. Tuy nhiên, nó cần phải đi kèm với một cái gì đó khác. Chúng ta không thể ngồi xung quanh không làm gì và chờ đợi kiến thức hay linh cảm đến. Đây là lý do tại sao những người làm việc theo linh cảm thường thông minh hơn những người còn lại. Họ làm việc chăm chỉ để có được kiến thức nhưng cũng sở hữu bản năng cần thiết để tiến về phía trước.
Gigerenzer nói rằng ông là người tin vào sức mạnh của trực giác kỷ luật. Điều đó có nghĩa rằng: Bạn phải làm việc, sử dụng bộ não của mình, chia sẻ những lập luận hợp lý thì khi đó người khác mới tin tưởng và tôn trọng sức mạnh trực giác của bạn. Còn nếu bạn chỉ ngồi yên và yêu cầu người khác tin vào trực giác của mình thì đó là điều không thể nào.
Trực giác tự nó không phải là trí thông minh, nhưng trực giác đi kèm với hành động thì nó có thể là trí thông minh. Trước đây có lẽ bạn đã tự nói với bản thân: Tôi biết đó là câu trả lời; Tôi nên làm theo bản năng đầu tiên của mình. Đúng như những gì Gigerenzer đã nói, ông luôn kiểm tra xem trực giác của mình có đúng không và thường thì nó luôn luôn đúng. Vì vậy, trực giác là một dạng của trí thông minh.
Albert Einstein từng nói: “Tư duy trực giác là một món quà thiêng liêng, còn tư duy lý luận là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ nhưng lại quên mất món quà kia”.
Albert Einstein từng nói: “Tư duy trực giác là một món quà thiêng liêng…” (Ảnh qua Telegrafi)
Trong một số trường hợp, tư duy lý luận sẽ không hoạt động, nó đưa bạn đi theo một con đường sai và trực giác là điều duy nhất có thể đưa bạn đi đúng hướng một lần nữa. Người thông minh lắng nghe những cảm xúc đó. Và những người thông minh nhất trong chúng ta – những người tạo ra bước nhảy vọt về trí tuệ thì không thể làm điều này mà không khai thác sức mạnh của trực giác.
Vì vậy, hãy tin vào trực giác của bạn, nhưng đừng chỉ dựa vào nó. Hãy sử dụng nó cùng với logic để có được kiến thức. Vậy thì khi đó, nó sẽ là hình thức thông minh cao nhất mà chúng ta sở hữu.