Chính quyền Trung Quốc tiếp tục thắt chặt sự kìm kẹp đối với cuộc sống của người dân khi đưa ra các cơ chế giám sát mới hơn, để duy trì kiểm soát công dân của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Bitter Winter, một cựu nhân viên của một công ty viễn thông Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn, đã tiết lộ mức độ mà chính quyền Bắc Kinh đang theo dõi mọi thông tin liên lạc của người dân.

Giám sát người dân Trung Quốc

Phát biểu với Bitter Winter, cựu nhân viên này, người đã từng làm việc tại bộ phận kiểm duyệt của công ty viễn thông, cho biết: “Đơn giản là không có sự riêng tư ở Trung Quốc. Phương tiện truyền thông xã hội, các cuộc gọi và tin nhắn trên điện thoại di động đều bị giám sát. Nếu ai nói bất cứ điều gì được coi là bất lợi cho chính quyền, anh ta hoặc cô ta sẽ bị trừng phạt. Mọi người đều bị theo dõi và kiểm soát dưới cái cớ ‘trấn áp sự gây rối’”.

Theo cựu nhân viên, công ty viễn thông giám sát tin nhắn và cuộc gọi điện thoại của tất cả khách hàng của họ tại 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung Quốc, ngoại trừ Macau, Hồng Kông và Đài Loan. Bất kỳ từ nào được người sử dụng nói ra hoặc nhắn tin, mà có liên quan đến tôn giáo, chính trị và các chủ đề “nhạy cảm khác”, sẽ bị “đánh dấu” một cách tự động. Các nhân viên công ty sẽ được chỉ định để xem xét chúng. Các cụm từ bị coi là nhạy cảm là Pháp Luân Công, Sự kiện 4 tháng 6 (sự kiện nói về thảm sát tại Thiên An Môn)….

Nếu một tin nhắn bị chặn có nội dung nói về việc chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng sống của những người tập Pháp Luân Công, thì “các biện pháp tức thì” sẽ được thực hiện ngay để ngăn chặn sự rò rỉ. Những người nhắn tin trên mạng xã hội, nhắn tin hoặc nói bất kỳ từ nhạy cảm nào, sẽ khiến hệ thống tự động chặn lại, và dịch vụ của họ sẽ bị làm cho không hoạt động được ngay lập tức. Nếu người đó muốn kích hoạt lại kết nối của mình, họ phải nộp thẻ căn cước công dân cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, và ký một tuyên bố, cam kết rằng họ sẽ không bao giờ nói về các chủ đề nhạy cảm nữa.

Tuy nhiên, theo Vision Times, hình phạt có thể khá nghiêm khắc nếu nhà chức trách Trung Quốc xác định rằng cá nhân đó đã phạm tội nghiêm trọng. Chẳng hạn, một người dân ở tỉnh Phúc Kiến, người đã bị bắt ở biên giới, đã bị hủy hộ chiếu, và được thông báo rằng anh ta bị cấm đi ra nước ngoài vì đã chỉ trích chính quyền và các nhà lãnh đạo đảng trên các kênh liên lạc khác nhau. Hành vi của anh ta được coi là làm náo động đối với “trật tự công cộng”, và là một sự xúc phạm đối với chính phủ.

Quét khuôn mặt

Trung Quốc gần đây đã thực thi một đạo luật, trong đó yêu cầu mọi người phải quét khuôn mặt của mình khi đăng ký các dịch vụ điện thoại di động mới.

Bộ Công Nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc công bố vào tháng 9/2019 rằng qui định mới rõ ràng là “nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của các công dân trực tuyến.

“Những người đăng ký một số điện thoại mới sẽ phải ghi lại hình ảnh của chính mình. Ngay từ đầu, các khách hàng của dịch vụ điện thoại di động đã bị yêu cầu xuất trình giấy tờ nhận diện (căn cước công dân) khi ký một hợp đồng dịch vụ điện thoại mới, nhưng giờ đây việc quét khuôn mặt, sẽ được sử dụng để xác minh xem nó có tương ứng thật với căn cước công dân của họ hay không”, theo tờ tin tức DW của Đức.

Luật pháp Trung Quốc bắt buộc quét khuôn mặt người dân để thiết lập các dịch vụ điện thoại di động mới (ảnh chụp màn hình YouTube).

Người dùng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc chỉ trích động thái này, nói rằng những quy định bổ sung này cuối cùng chỉ lấy đi quyền riêng tư của họ. Một người dùng nhận xét rằng những tên trộm trước đây chỉ biết tên của họ, nhưng từ bây giờ trở đi, chúng sẽ biết bạn trông như thế nào. Một người dùng khác đã hỏi đùa rằng liệu những kẻ chuyên gọi điện thoại để lừa đảo, có thể bị chặn, không cho nhìn thấy người bị gọi trông như thế nào không?

Nhìn chung, người dân Trung Quốc có quan điểm cho rằng qui định mới này là tiêu cực. Tuy nhiên, vì ý kiến của họ không có giá trị trong nước, người dân bất lực khi yêu cầu chính phủ xóa bỏ qui định mới này.

Chính phủ Trung Quốc đang đặt mục tiêu lắp đặt khoảng 400 triệu camera giám sát mới ở trong nước vào năm 2020, bên cạnh hàng triệu chiếc camera cũ đã tồn tại, theo Vision Times.

Theo Đại Kỷ Nguyên