Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra biết bao lời hứa mật ngọt để tranh thủ sự ủng hộ của người dân nhằm giành được chính quyền, nhưng sau đó mọi người mới dần vỡ lẽ ra tất cả chỉ là ‘bong bóng xà phòng’.
Năm 1949, dưới sự hỗ trợ của Liên Xô, ĐCSTQ vốn đang náu mình sau hậu phương để bồi dưỡng tinh lực, kiện toàn binh mã trong cuộc kháng chiến chống Nhật, cuối cùng đã có thể giành được quyền lực chính trị tại Trung Quốc đại lục từ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, lúc đó vừa mới chiến tranh kháng Nhật xong còn chưa kịp nghỉ ngơi.
ĐCSTQ tuyên bố nhân dân Trung Quốc “Từ đây vùng dậy đứng lên, giành được tự do”… nhưng thực tế cùng với tấm “lưới sắt” màu đỏ mà ĐCSTQ giăng ra, cuộc sống của người dân càng ngày càng trở nên nhục nhã và không có tôn nghiêm, những quyền lợi vốn dĩ thuộc về người dân cũng biến mất.
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền vào năm 1949, người dân Trung Quốc Đại lục đã mất đi những quyền lợi gì? Có thể liệt kê những điểm chính ở dưới đây:
1. Tự do ngôn luận
Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, mọi người bàn luận về các vấn đề quốc gia rất nhiệt tình. Bình thường, cũng không cần phải quá lo lắng rằng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng do lời nói mang lại.
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, mọi người ngay từ đầu đã tố giác, tự làm hại lẫn nhau đến nỗi bị gia đình quay lưng. Thậm chí cho đến ngày nay, mọi người chỉ vì một hoặc hai từ được gọi là nhạy cảm mà bị “an ninh”, “công an” mời “uống trà”, kiểm soát tự do cá nhân, thậm chí là chửi rủa, đánh đập, giam giữ.
2. Tự do diễu hành, biểu tình
Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, mọi người vì bất mãn với chính phủ mà tổ chức hàng loạt các cuộc kháng nghị, biểu tình và diễu hành. Ngay cả những bộ phim và tác phẩm truyền hình khác nhau mà ĐCSTQ tự “mỹ hóa” mình thành cái gọi là lịch sử “cách mạng”, cũng không thể thiếu hình ảnh về các cuộc diễu hành biểu tình với quy mô khác nhau.
Có thể thấy rằng mọi người lúc đó được tự do diễu hành, biểu tình. Xem qua một số hình ảnh lịch sử, nhiều cuộc biểu tình và diễu hành lúc đó đã được tổ chức gần dinh tổng thống, và đã được đích thân tổng thống Tưởng Giới Thạch tiếp nhận ý kiến và đối thoại.
ĐCSTQ đã đàn áp đẫm máu những sinh viên thỉnh nguyện ôn hòa ở quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. (Ảnh: Lihkg)
Ngược lại, khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, mọi người chưa khi nào tổ chức được những cuộc diễu hành biểu tình thực sự. Ngay cả 60 năm sau, trong thế kỷ 21 này, các cuộc diễu hành và biểu tình vẫn là một giấc mơ xa vời đối với người dân.
Bởi vì ĐCSTQ biết tính phi pháp trong hệ thống chính trị của mình, lo sợ các cuộc biểu tình của người dân sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính họ, vì vậy từ trước tới nay luôn trấn áp mạnh mẽ bất kỳ hình thức diễu hành và biểu tình nào.
ĐCSTQ đã không ngừng nỗ lực thực hiện chính sách “loại bỏ các yếu tố không ổn định ngay trong giai đoạn manh nha”. Vì vậy, đừng nói là tổ chức diễu hành biểu tình, chỉ cần có bất kỳ xu hướng diễu hành hay biểu tình nào, thì tất cả những người liên quan đều sẽ bị bắt giữ và bức hại.
3. Tự do lập hội
Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, các đảng chính trị Trung Quốc mọc lên như nấm, ĐCSTQ lúc đó là một tổ chức phản loạn mà vẫn có thể tồn tại, chứ đừng nói các tổ chức khác nhiều như “lá rụng mùa thu”, có thể thấy xã hội có quyền tự do lập hội.
Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ nắm quyền, không có tổ chức nào khác được phép tồn tại ngoại trừ một vài tổ chức “làm màu” được ĐCSTQ “cho phép” hoạt động để che mắt mọi người.
Tuy nhiên, khi thấy người dân chuẩn bị có xu hướng thành lập các tổ chức đoàn thể, ĐCSTQ sẽ vô cùng lo lắng và nhanh chóng phái cảnh sát bắt giữ và kết án những người có liên quan. Điều trớ trêu là, nhiều thành viên, thậm chí lãnh đạo của một số tổ chức “làm màu” đều là đảng viên “ngầm” của ĐCSTQ.
4. Tự do báo chí
Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, việc các nhà văn làm báo và xuất bản sách là chuyện thường tình. Cũng chính lúc này, Trung Quốc đã xuất hiện một số lượng lớn các tác phẩm văn học xuất sắc.
Hồ Thích và Lỗ Tấn đều là những nhân vật “làm mưa làm gió” vào thời điểm đó. Họ có thể công khai xuất bản và chào bán nhiều cuốn sách “bất đồng chính kiến” ngay “dưới mũi” của chính phủ.
Tân Hoa Xã với tư cách là cơ quan ngôn luận của tổ chức phiến loạn ĐCSTQ, vẫn có thể được phát hành công khai “đường hoàng” ngay tại thủ đô của Nam Kinh và thủ đô của Trùng Khánh. Đây là chuyện “không tưởng” ngày nay! Nhưng thực tế lại là như vậy.
Sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền, tất cả các ấn phẩm xuất bản tự do đều bị thủ tiêu. Bao gồm một lượng lớn nhà văn lúc đầu ủng hộ ĐCSTQ, sau khi trải qua các hoạt động “chỉnh đốn” của ĐCSTQ không tự sát thì bị bắn chết, không bị bắn chết thì cũng phát điên… Tóm lại là không chết thì cũng bị thương, một số ít người sống sót thì cũng chỉ còn thoi thóp hơi tàn, không dám lên tiếng dù chỉ nửa câu đôi chữ.
Nhìn vào Trung Quốc đại lục ngày nay, có tờ báo và tạp chí nào không bị kiểm soát bởi ĐCSTQ? Có “cuốn sách cấm” nào có thể được tự do phát hành? Ngay cả các phóng viên và biên tập viên trong thể chế, số người vì không “giữ mồm giữ miệng” mà bị xử lý còn không ít sao?
Nhà văn Vương Thực Vị (Wang Shiwei) là phần tử trí thức đầu tiên bị giết hại trong chỉnh đốn Diên An. (Ảnh: Epoch Times)
5. Tự do học thuật
Trong thời Trung Hoa Dân Quốc, các trường đại học không bị kiểm soát bởi chính phủ, mà bởi các giáo sư, học giả và thậm chí cả sinh viên. Chính phủ không tham gia nhiều vào việc quản lý ngoài việc tài trợ. Do đó, mới xuất hiện tình huống tranh luận về mặt học thuật. Ngay cả trong thời kỳ 8 năm kháng chiến, giới học thuật vẫn đạt được nhiều thành tựu lớn.
Vào thời điểm đó, các giáo sư và học giả luôn giữ lương tâm học thuật và được mọi người tôn trọng. Nếu họ không hài lòng với các bộ ngành của chính phủ, giáo viên và học sinh cũng sẽ bãi khóa kháng nghị.
Ngoài ra, công dân được tự do thành lập trường học, vì vậy vào thời điểm đó có nhiều trường đại học, trường trung học cơ sở và trường tiểu học tư thục nổi tiếng.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, kết quả là gì? Các giáo sư và học giả đã bị chỉ trích và chửi rủa là “Xú lão cửu” (cách gọi miệt thị phần tử trí thức trong Đại Cách mạng Văn hoá). Học sinh ở trường học ngoài việc tiếp nhận giáo dục “tẩy não”, thì không thể làm bất kỳ việc gì khác.
Ngày nay, khi ĐCSTQ tuyên bố thành lập hệ thống trường đại học mang tầm cỡ thế giới, các giáo sư và học giả nếu không phải chịu cái danh “Khuyển nho” (chỉ những nhà triết học coi thường hiện thực xã hội thời xưa ở Hy Lạp) dưới sự bôi nhọ của ĐCSTQ, thì cũng bận rộn “chạy” các dự án, kêu gọi tài trợ, hoặc bận rộn với việc đánh giá chức danh, “chạy” chức vị…
Còn học sinh thì sao? Bị kiểm soát nghiêm ngặt trong khuôn viên trường, không thể tổ chức các hiệp hội sinh viên chân chính và các xã đoàn chân chính, không có cá tính và suy nghĩ độc lập.
Nếu không yêu đương “nhăng nhít” thì cũng bận rộn vào Đảng. Chứ đừng nói đến việc đòi quyền lợi và có suy nghĩ về các cuộc kháng nghị, diễu hành, biểu tình, bãi khóa. Công dân nếu không muốn bị kiểm soát hoặc được độc lập thành lập trường là chuyện không thể.
6. Tự do tín ngưỡng
Trong thời Trung Hoa Dân Quốc, mọi người tin vào Phật, hiểu đạo, không có ai can thiệp hay hạn chế. Những ngôi chùa cổ, đạo quán, giáo đường có ở khắp mọi nơi.
Điều gì đã xảy ra sau khi ĐCSTQ thành lập chính quyền? Về mặt vật chất, ĐCSTQ đã phá hủy tất cả các địa điểm tôn giáo thông qua các thủ đoạn “Phá tứ cựu” và “Đại Cách mạng Văn hóa“…
Về mặt tinh thần, ĐCSTQ đã thông qua việc cưỡng chế để thúc đẩy phổ biến giáo dục “Vô thần luận”, khiến mọi người chỉ được biết đến giáo phái Mác-xít chứ không biết đến Chúa Giê-su.
Ngày 20/7/1999, môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công đã chính thức bị đàn áp ở Trung Quốc, chỉ vì sự ganh ghét đố kỵ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. (Ảnh: Epoch Times)
ĐCSTQ cũng kiểm soát các tín đồ tôn giáo thông qua các cơ quan chức năng vô thần như “Cục quản lý tôn giáo” và thông qua việc thành lập cái gọi là “Hiệp hội Phật giáo” cùng Hiệp hội giáo dục dân ái quốc “Tam tự”.
Đối với những tín đồ không chấp nhận sự kiểm soát tôn giáo của ĐCSTQ, thì ĐCSTQ sẽ gây rối và bắt giữ. Một trong những ví dụ mới nhất là vụ phá hủy tượng Phật, nhà thờ trên khắp Trung Quốc trong thời gian gần đây.