Tiếp theo của:
7. Cảnh sát địa phương đến nhà sách nhiễu sau khi tôi được thả khỏi trại lao động cưỡng bức
Nhận thấy rằng tôi đang cận kề cái chết, trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân muốn trốn tránh trách nhiệm và đã thả tôi vào đêm ngày 10 tháng 08 năm 2001.
Em trai tôi ngay lập tức bật các bài audio giảng Pháp của Sư phụ để tôi nghe và mẹ tôi đã gọi một phòng khám y tế đến truyền IV cho tôi. Tôi đã bị mất phương hướng trong vòng vài ngày và khi trở nên tỉnh táo, tôi vẫn còn vấn đề trong việc nuốt thức ăn. Tôi đã nôn ra bất cứ thứ gì ăn vào và phải dựa vào các chất lỏng để có thể vượt qua.
Chưa đầy một tuần sau khi tôi được thả, các nhân viên từ đồn công an Tiểu Minh và ủy ban khu phố đã đến để dò xét tôi. Họ đã cảnh báo mẹ tôi rằng họ cần theo dõi mọi hành tung của tôi vì tôi là một tín đồ Pháp Luân Công ngoan cố hiện đang nổi tiếng khắp tỉnh Liêu Ninh.
Mẹ tôi đã đương đầu với họ và nói: “Hãy xem con gái tôi bị ngược đãi trầm trọng thế nào và chúng tôi đã không nhân cơ hội để kiện các trại lao động cưỡng bức có liên quan. Sao các ông vẫn có thể đến đây để sách nhiễu chúng tôi?” Tôi cũng đã giải thích cho họ lý do mà tôi giữ vững niềm tin của mình và họ đã không nói lên lời.
Sau khi họ rời đi, mẹ đã than phiền với tôi: “Thế đấy, hiện tại chúng ta đang gặp phải rắc rối lớn. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công không khác gì với Cách mạng Văn hóa. Một cái mác lớn đã gán lên con, không có cách nào để gỡ bỏ nó. Con đang bị coi là ‘một phần tử Pháp Luân Công ngoan cố’ và mẹ chắc chắn rằng chúng ta sẽ gặp nhiều tai họa hơn nữa đang đến. Khi chính phủ xả súng vào các sinh viên biểu tình trong suốt phong trào dân chủ ngày 04 tháng 06, mẹ đã ở trong đường hầm gần quảng trường Thiên An Môn và nghe thấy tiếng súng nổ rõ ràng. Chính phủ quả là tàn nhẫn khi đàn áp chính người dân của mình. Mẹ thực sự lo lắng về những gì dành cho chúng ta.”
Cô Doãn Lệ Bình cùng con trai trước khi cuộc đàn áp bắt đầu
Hai ngày sau, Trương Phúc Tài, Lưu Phúc Đường và các công chức khác cùng với phòng An ninh Nội địa Điều Binh Sơn đã xuất hiện trở lại. Con trai tôi đã rất sợ hãi đến nỗi không biết tìm nơi nào để trốn. Tất cả hàng xóm của tôi bàn tán với nhau và tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra.
Tôi vẫn còn nằm liệt giường, vì vậy họ đã nói với mẹ tôi: “Doãn Lệ Bình hiện đang là mục tiêu chính tại tỉnh Liêu Ninh vì cô ta là một phần tử Pháp Luân Công ngoan cố.”
Mẹ tôi đã đáp lại: “Con gái tôi đã bị bắt thậm chí trước khi nó học được toàn bộ năm bài công pháp. Làm sao mà nó có thể trở thành một phần tử Pháp Luân Công ngoan cố sau 20 tháng bị giam? Con gái tôi đã được khiêng về nhà và vẫn trong tình trạng nguy kịch. Các ông không nhìn thấy nó vẫn đang không thể ra khỏi giường được hay sao?”
Họ đã rời đi sau khi nhận ra rằng tôi đang thực sự trong trạng thái tồi tệ.
Trong các ngày tiếp theo, các nhân viên từ đồn công an Tiểu Minh và ủy ban khu phố vẫn tiếp tục đến nhà để sách nhiễu tôi. Họ muốn xem liệu tôi đã đủ khỏe để có thể bị giam giữ trở lại chưa.
Để tránh bị bắt giữ trong tương lai và giảm bớt áp lực lên gia đình, tôi đã quyết định rời nhà và sống ở nơi khác.
Mẹ tôi đã khóc: “Con có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác nhưng còn con trai con thì sao? Thậm chí người giữ trẻ tốt nhất cũng không thể sánh được với mẹ của nó.” Tôi đã rất đau lòng khi nhìn con trai đang say giấc.
Trong khi tôi bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức, đệ tử Đại Pháp tên Vương Kiệt đến từ thành phố Thẩm Dương đã đưa tôi thông tin liên lạc của bà ấy. Tôi quyết định tìm nơi trú ẩn nơi bà ấy.
Đầu tháng 09 tôi đã tới Thẩm Dương và rất hạnh phúc khi tìm thấy Vương Kiệt tại nhà, vẫn sống và có tinh thần tốt. Tuy nhiên, bà ấy trông rất hốc hác và nặng chưa đến 40 kg. Bà ấy đã bảo tôi đoán xem ai đang ở cùng bà ấy và tôi ngay lập tức nói: “Trâu Quế Vinh” – một học viên khác đã từng bị giam cùng tôi. Hóa ra là Trâu Quế Vinh đã bị sách nhiễu mỗi ngày sau khi được thả, do vậy cô ấy cũng tìm nơi trú ẩn nơi Vương Kiệt.
Vương Kiệt đã tìm được một căn nhà chưa dùng đến của người thân để cả ba chúng tôi sống tạm trong một thời gian. Trong vài ngày đầu, vì quá yếu để ngồi dậy nên tôi đã nằm trên giường và nghe họ đọc các sách Đại Pháp. Khi cảm thấy khá hơn một chút, tôi đã xoay sở để ngồi dậy và tham gia học Pháp cùng họ.
Chỉ đến khi ở Thẩm Dương tôi mới nhận ra rằng thế giới bên ngoài các trại lao động cưỡng bức và nhà tù không khác nhiều so với bên trong các cơ sở giam giữ. Các tin đồn vu khống Pháp Luân Công lan tràn khắp mọi nơi và người thường cảm thấy sợ hãi khi đề cập đến Pháp Luân Công. Tôi đã buồn bã khi chứng kiến nhiều đệ tử Đại Pháp có gia đình bị phá hủy bởi cuộc đàn áp.
Trâu Quế Vinh và tôi đã thống nhất rằng chúng tôi sẽ ghi lại những gì đã xảy ra với mình và đưa các thủ phạm ra trước công lý. Sau đó, Triệu Tố Hoàn – một học viên đến từ Thẩm Dương đã tham gia với chúng tôi, thế là cả ba chúng tôi viết ra những lá thư khiếu nại và quyết định đến Bắc Kinh tìm công lý.
8. Lại bị đưa đến trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân vì thỉnh nguyện tại Bắc Kinh
Sau khi Trâu Quế Vinh, Triệu Tố Hoàn và tôi đến Bắc Kinh vào cuối tháng 09, chúng tôi đã bị cảnh sát Bắc Kinh theo dõi và bắt giữ tại khách sạn của mình. Họ đã lục soát mọi thứ chúng tôi đem theo người và thẩm vấn chúng tôi một cách riêng biệt.
Khi tìm thấy lá thư khiếu nại của tôi kèm theo tên và địa chỉ trên đó, họ đã lên mạng và tìm hiểu thêm thông tin về tôi. Tôi đã hiểu ra rằng vì bản thân đang bị giam giữ nên không cần thiết phải che giấu mục đích chuyến đi đến Bắc Kinh của chúng tôi. Do vậy tôi đã kể cho họ việc cảnh sát tại Liêu Ninh đã bức hại chúng tôi như thế nào và yêu cầu họ chỉ ra một cơ quan hợp pháp để nộp đơn khiếu nại của chúng tôi.
Họ đã đề nghị chúng tôi làm theo những thủ tục pháp lý và hãy đệ trình khiếu nại tại tỉnh Liêu Ninh. Tôi đã nói tôi nghi ngờ tính khả thi của việc các nạn nhân gửi khiếu nại cho những người bức hại họ. Họ đã không đáp lại.
Cả ba chúng tôi đã được Văn phòng Liên lạc riêng tại Bắc Kinh đưa trở lại khu vực địa phương của mình.
Tôi đã bị đưa tới trung tâm giam giữ Điều Binh Sơn.
Khi bị công an địa phương thẩm vấn, tôi đã giải thích rõ rằng tôi đã tới Bắc Kinh để đệ đơn kiện chống lại họ và hỏi họ tại sao lại sợ chúng tôi làm việc đó. Họ đáp lại: “Cô đang nằm mơ giữa ban ngày. Cô nghĩ rằng có thể kiện chúng tôi tại Trung Quốc sao? Đi mà kiện chúng tôi với Liên Hợp Quốc.” Tôi đã chỉ ra rằng họ đã vi phạm luật pháp và đảm bảo với họ rằng sẽ có một ngày tôi kiện họ ra tòa án quốc tế.
Tôi không biết bao nhiêu ngày đã trôi qua trước khi Phương Kiến Nghiệp và một cảnh sát đến từ phòng An ninh Nội địa Điều Binh Sơn cùng hai công an từ đồn công an Tiểu Minh đưa tôi ra khỏi trung tâm giam giữ và chuyển tôi đến trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân.
Khi tôi tới đó, Phương Kiến Nghiệp cùng đồng sự đã vào trong để thương lượng việc giam giữ tôi tại trại lao động. Cuộc nói chuyện đã diễn ra trong thời gian dài nhưng trại lao động cưỡng bức đã từ chối nhận tôi. Phương Kiến Nghiệp liền hối lộ trại lao động 8.300 nhân dân tệ mà ông ta lấy từ tôi và cuối cùng trại lao động đã đồng ý chấp nhận tôi.
Họ kéo tôi tới một căn phòng riêng nơi mà Phương Kiến Nghiệp đã “khéo” đưa cho tôi biên lai gốc của khoản tiền “phạt” 8.300 nhân dân tệ.
Trong chưa đầy 20 phút, đồng sự của Phương Kiến Nghiệp đã chạy tới chỗ tôi và đưa tôi một bản sao của biên lai gốc. Khi ông ta yêu cầu tôi giao nộp bản biên lai gốc ban đầu, tôi đã từ chối. Ông ta bắt đầu khám xét tôi, tay của ông ta sờ khắp cơ thể tôi. Tôi đã kháng cự quyết liệt, nhưng cuối cùng ông ta vẫn lấy được bản biên lai gốc từ áo ngực của tôi sau khi đã tháo rời dây cài. Tôi khóc: “Ông hoàn toàn không phải là cảnh sát. Ông là kẻ lừa đảo!” Viên công an họ Vương đến từ đồn công an Tiểu Minh đã nhìn tôi với ánh mắt cảm thông nhưng ông ấy đã không thể làm gì cả.
Khi nhặt bản sao biên lai lên, tôi để ý thấy rằng họ đã thay đổi năm từ 2001 thành 2000.
Bản sao thay thế biên lai gốc chỉ ra rằng Phương Kiến Nghiệp đã đưa cho trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân 8.300 nhân dân tệ mà ông ta lấy từ Doãn Lệ Bình
Suốt thời gian ở tù này, tôi đã bị biệt giam mà không có thức ăn và nước uống trong một tuần trước khi được đưa đến bệnh viện của trại lao động.
Sau ba ngày trong bệnh viện, tôi đã trở nên khá yếu và trại lao động đã quyết định thả tôi. Đồn công an địa phương đã đón tôi và thông báo cho mẹ tôi đến đón con.
Mẹ tôi đã đến nhưng từ chối đưa tôi về nhà. Bà ấy nói: “Ai đã đón con gái tôi ra khỏi trại lao động thì phải trông nom cô ấy. Con gái tôi đã bị tra tấn tàn bạo và các ông muốn một người phụ nữ lớn tuổi như tôi đến chăm sóc cho nó sao? Tôi không còn tiền để chữa trị cho con gái và vẫn đang chăm sóc cháu trai tôi. Hãy để tôi nói rõ việc này: Tôi sẽ kiện các ông nếu như con gái tôi chết trong khi bị các ông giam cầm.”
Sau khi mẹ tôi rời đi, cảnh sát đã ngay lập tức đưa tôi về nhà. Họ đã đặt tôi ở trước cửa nhà trước khi mẹ tôi quay về.
Tôi đã quyết tâm làm chứng cho những tội ác đã diễn ra đối với đệ tử Đại Pháp. Thời gian này đồn công an địa phương đã không dám làm phiền tôi thường xuyên vì bây giờ họ trực tiếp biết rằng đưa tôi vào trại lao động rất khó khăn.
9. Suy nghĩ về tất cả học viên vẫn đang chịu đựng trong các cơ sở giam giữ
Tết Nguyên đán năm 2002 là kỳ nghỉ đầu tiên mà tôi có thể ở bên gia đình kể từ năm 1999. Một nam học viên đã từng vô gia cư nhằm tránh bị bắt giữ đã đến đón năm mới với chúng tôi. Mẹ tôi rất hạnh phúc và bà đã nấu tám món ăn ngon cùng với các bánh hấp với hai loại nhân thịt.
Tuy nhiên, cả anh ấy và tôi đều cảm thấy buồn sâu sắc khi nhấc đũa để gắp bánh. Chúng tôi đã cúi đầu để che đi những giọt nước mắt. Mẹ tôi đã phàn nàn: “Tại sao con lại khóc trong một dịp vui như thế này? Con đã không thể đón Tết cùng với chúng ta trong vài năm. Giờ khi đang ở nhà con lại khóc.”
Tôi không thể nén nổi nước mắt được nữa và đã khóc òa. Tôi nói: “Thưa mẹ, mẹ có biết bao nhiêu người mẹ của các học viên Pháp Luân Công đang đợi con gái họ trở về nhà để đón Tết? Và bao nhiêu bé gái đang chờ mẹ của chúng trở về? Từng giây từng phút đang có rất nhiều học viên bị tra tấn. Thậm chí cả những ai có thể trốn thoát khỏi trại giam cũng phải di chuyển hết từ nơi này đến nơi khác để tránh bị bắt giữ thêm nữa. Con biết một học viên như thế, người này đang ở thuê trong thành phố của chúng ta và có gia đình đang phải ngủ trên sàn xi măng. Các con của anh ấy thậm chí không dám ra ngoài chơi vì lo sợ bị bắt giữ.”
Mẹ tôi biết rất rõ mức độ nghiêm trọng của cuộc bức hại, do vậy bà cũng thấy buồn. Mẹ và tôi đã làm thêm nhiều bánh hấp và người học viên nam cùng tôi đã chuyển chúng cho các học viên ngoài thị trấn đang tìm kiếm chỗ trú trong thành phố mà chúng tôi biết được.
10. Các học viên bị bắt giữ và tử vong hàng loạt vì tra tấn tại Thiết Lĩnh
Một thời gian ngắn sau dịp Tết Nguyên đán năm 2002, Trâu Quế Vinh đã tự mình tới nhà tôi. Tất cả chúng tôi đã rất hạnh phúc khi gặp cô ấy. Cô ấy nói với tôi rằng muốn viết lại đơn khiếu nại của mình vì cái trước đó đã bị tịch thu. Để đảm bảo an toàn cho cô ấy, mẹ tôi đã giữ cô ấy trong một phòng trống tại sân sau nhà chúng tôi và chuyển đồ ăn nóng cho cô ấy hai lần một ngày.
Trong căn phòng trống lạnh lẽo, Trâu Quế Vinh đã viết bài viết cuối cùng của mình với tiêu đề: “Tôi không bao giờ dao động đức tin trong suốt thời gian bị giam cầm tại Mã Tam Gia, Trương Sĩ, Thẩm Tân và các trại lao động tại Đại Bắc.” Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng rằng thời gian ngắn ngủi của cô ấy với chúng tôi là lần cuối cùng mà chúng tôi có thể nhìn thấy cô ấy.
Tôi không thể tin rằng Trâu Quế Vinh đã mất khi biết tin vào ngày 23 tháng 04 năm 2002, nhưng nhiều nguồn tin đã xác nhận thảm kịch này. Không từ nào có thể miêu tả sự đau đớn của tôi. Mẹ tôi cũng vô cùng thương xót và nói: “Thật là một người phụ nữ tuyệt vời làm sao! Cô ấy rất lịch sự và chu đáo. Cô ấy đã luôn giúp các công việc gia đình khi ở cùng chúng ta. Cô ấy cũng có con đúng không? Thật đáng buồn!”
Vương Kiệt đã đến thăm chúng tôi khi biết tin Trâu Quế Vinh qua đời. Khuôn mặt của Trâu Quế Vinh luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Cô ấy đã dùng tên thật để vạch trần sự thật về cuộc đàn áp và những bài viết của cô đã làm những kẻ ác khiếp đảm. Các bài viết này đã phơi bày những tội ác trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia và các cơ sở giam giữ còn lại đã giảm bớt áp lực đối với các học viên khác.
Vương Kiệt và tôi đã chuẩn bị tinh thần để tố giác những tội ác trong các trại lao động cho thế giới biết đến nhiều nhất có thể. Tôi đã quyết định vào một ngày sẽ khởi kiện để chống lại những kẻ bất lương tại tòa án quốc tế.
Chúng tôi đã bắt đầu thu thập chứng cứ việc các cảnh sát tại tỉnh Liêu Ninh bức hại các đệ tử Đại Pháp ở địa phương bằng việc phỏng vấn những nạn nhân và ghi âm các bài tường thuật của họ.
Vào ngày 08 tháng 10 năm 2002, khi tôi đang biên soạn các sự kiện thì các nhân viên đến từ đồn công an Thiết Lĩnh đã dùng một chiếc chìa khóa vạn năng để mở cửa phòng. Các đệ tử Đại Pháp là Vương Hồng Thư và Trương Ba đã ở trong một phòng khác và không hề biết rằng có kẻ đột nhập. Công an đã lục tung toàn bộ nơi này trước khi đưa cả ba chúng tôi tới đồn công an Ngân Bắc.
Trương Phúc Tài đã đá Vương Hồng Thư mạnh đến nỗi làm gẫy lưng của ông ấy. Để trốn tránh trách nhiệm, cảnh sát đã thả ông ấy. Trương Phúc Tài và Lưu Phúc Đường đã đưa tôi và Vương Hồng Thư trở lại trung tâm giam giữ Điều Binh Sơn để bức thực.
Tại thời điểm đó, Vương Lập Quân là người đứng đầu cục công an thành phố Thiết Lĩnh. Để đạt được những lợi ích chính trị, ông ta đã tích cực thuận theo Đảng để đàn áp Pháp Luân Công. Ông ta đã yêu cầu những kẻ côn đồ tra tấn các học viên với tất cả phương tiện có thể để moi ra “lời thú tội” và ngụy tạo bằng chứng. Ông ta đã đe dọa kết án chung thân các học viên.
Chúng tôi đã thường xuyên bị đánh bằng dùi cui cao su và âm thanh của đòn roi cùng tiếng la hét đau đớn có thể nghe thấy vào mỗi nửa đêm.
Thêm vào đó, các lính canh thường bắt các học viên chịu một loại tra tấn có tên là “Treo lên”, với việc bàn tay của nạn nhân bị còng lên cao vào một khung thép cùng bàn chân không chạm đất.
Bà Vương Kiệt và hai học viên nữa đã có lần bị tra tấn như vậy suốt hai ngày trong khi bị đánh đập bằng các dùi cui cao su. Trọng lượng của toàn bộ thân thể dồn hết lên cánh tay gây đau đớn vô cùng. Ngón tay cái của bà Vương đã bị tê liệt trong vòng nửa năm và các móng chân cái đã rời ra. Trong tám năm bà ấy đã không thể nhấc được cánh tay phải của mình.
11. Thêm hai lần bị tống giam trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia
Vào ngày 05 tháng 03 năm 2003, tòa án quận Ngân Châu thuộc thành phố Thiết Lĩnh đã xét xử và kết án các học viên Vương Kiệt, Thái Thiệu Kiệt, Trương Ba mỗi người bảy năm tù, Lý Vĩ Tích tám năm tù. Học viên Vương Kiệt đã bị đưa tới nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh và đã qua đời chỉ một năm sau khi kết thúc hạn tù bảy năm của mình.
Tôi đã bị giam cầm ba năm trong trại lao động cưỡng bức và bị chuyển tới trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia lần nữa.
Trại lao động cưỡng bức đã thả tôi chỉ sau bảy tháng vì tôi bị liệt từ thắt lưng trở xuống do bị tra tấn liên tục. Khi tôi được đưa về nhà vào khoảng tháng 06 năm 2003, mẹ tôi đã cảnh báo tôi: “Nếu con có thể sống sót qua lần này thì hãy chỉ ở nhà. Chẳng có ích gì khi đấu tranh với chính phủ.”
Trên thực tế, tôi đã không có khả năng đi tới bất cứ đâu vì không thể di chuyển đôi chân của mình.
Tất cả bạn bè của con trai tôi đều thích chơi tại nhà tôi vì gia đình chúng tôi đối xử rất tốt với chúng. Dần dần tôi đã biết nhiều hơn về gia cảnh của chúng. Cha của một cậu bé đang phải chịu 20 năm tù và mẹ cậu đã mất tích. Bác họ của cậu bé này là Phương Kiến Nghiệp thuộc phòng An ninh Nội địa Điều Binh Sơn. Mẹ một cậu bé khác đã bỏ rơi hai cha con cậu. Mẹ của cậu bé thứ ba thì chơi mạt chược suốt ngày.
Tôi đã trở thành mẹ và người bạn tốt của chúng. Tôi đã thường xuyên kể cho chúng những câu chuyện về tu luyện và bảo chúng ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Khi tôi di chuyển được, tôi cũng tắm cho chúng và đảm bảo rằng chúng được sạch sẽ, khỏe mạnh.
Vào tháng 07, một nam học viên đã mang một cậu bé có tên là Hoàng Xuân Lâm đến sống tạm cùng với chúng tôi. Mẹ cậu bé là Kim Hồng Ngọc, một đệ tử Đại Pháp đang bị giam giữ.
Hoàng Xuân Lâm đã dành một lúc để kể cho tôi về việc cậu bé bị giam giữ. Du Đức Hải, Tôn Lập Trung, Dương Đông Thăng thuộc đồn công an Thiết Lĩnh đã bắt cậu bé thức cả đêm và cố gắng khiến cậu kể ra các học viên Đại Pháp mà cậu biết. Họ cũng đã hỏi cậu về nơi mẹ cậu ở. Cậu hạnh phúc khi học viên Cao Khiết (hiện đang bị liệt) đã không bị bắt. Cậu cũng kể cho tôi rằng cậu đã từ chối nói bất cứ điều gì trong suốt cuộc thẩm vấn và khóc to khi bị họ đe dọa. Họ đã chở cậu đi khắp nơi suốt cả ngày để xác định nơi trú ẩn của các học viên.
Khoảng 9 giờ tối ngày 19 tháng 07 năm 2003, tôi vừa đưa con trai mình và Hoàng Xuân Lâm đi ngủ thì cửa phòng bị phá tung. Trương Phúc Tài và Lưu Phúc Đường đến từ Phòng An ninh Nội địa Điều Binh Sơn đã dẫn một nhóm công an xông vào phòng.
Một trong các nhân viên cảnh sát đã vặn tay tôi ra sau lưng, nắm tóc và đập đầu tôi xuống đất. Khi mẹ tôi chạy ra ngoài kêu cứu, một công an viên trẻ cao lớn đã đấm bà và xương đòn của bà ngay lập tức trở nên bị sưng và nhô ra ngoài.
Một số người hàng xóm đến xem xét tình hình của chúng tôi, và người mẹ thích chơi mạt chược đã cầu xin công an viên đang đánh tôi dừng lại. Ông ta đã thả tôi nhưng lại quay sang đánh bà ấy, cáo buộc bà ấy về tội tấn công công an. Bà ấy vặn lại: “Ai có thể chứng minh cho tôi rằng các ông là công an? Tôi đang bảo vệ bản thân khỏi băng cướp.”
Ngay sau đó, nam học viên (người đưa Hoàng Xuân Lâm đến với chúng tôi) tới để cung cấp nhu yếu phẩm cho cậu ấy. Thấy tôi bị đánh gục và mẹ tôi bị thương nên công an đã bắt ông ấy để thay thế.
Mẹ tôi đã gọi cho em trai tôi, cậu ấy nghi ngờ rằng tất cả sự om sòm này là do sắp đến ngày 20 tháng 07 (20 tháng 07 năm 1999 đánh dấu chính thức sự khởi đầu của cuộc đàn áp). Mẹ tôi đã bảo cậu ấy tìm một chiếc xe ô tô và đưa chúng tôi đến một nơi an toàn hơn.
Căn nhà bị lục soát vào tháng 07 năm 2003
Mẹ tôi, con trai tôi, Hoàng Xuân Lâm và tôi đã chạy trốn khỏi nhà đêm hôm đó. Hai đứa trẻ vẫn còn khiếp sợ trong suốt chuyến đi.
Sau khi đưa học viên nam đến trung tâm giam giữ, công an đã trở lại nhà tôi để bắt tôi. Vì tôi đã rời đi nên họ đã đi khắp nơi để sách nhiễu người thân của tôi. Để không làm liên lụy đến người thân, mẹ và tôi đã thỏa thuận rằng tôi sẽ về nhà trong khi bà sẽ chăm sóc con tôi và Hoàng Xuân Lâm tại nơi trú ẩn.
Ngay khi về Thiết Lĩnh, tôi đã bắt đầu thu thập số điện thoại của tất cả công an viên có liên quan đến vụ bắt giữ người học viên nam và tôi. Tôi liền gọi cho từng số một và nói với gia đình của những kẻ bất lương về cuộc bức hại tàn bạo đối với các học viên. Tôi đã cảnh báo họ để thuyết phục người thân của mình ngừng làm điều ác; nếu không họ sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.
Trương Phúc Tài và Lưu Phúc Đường đã đưa tôi tới trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia lần thứ ba vào ngày 14 tháng 10 năm 2004. Chỉ sau ba tháng của kỳ hạn ba năm, trại lao động đã thả tôi khi tôi đang cận kề cái chết.
Khi được đưa về nhà, tôi đã không còn có thể đo thấy được huyết áp. Để cứu tôi, mẹ tôi, vốn không phải là học viên đã đọc cho tôi nghe một mạch bốn bài giảng trong Chuyển Pháp Luân. Thật kỳ diệu, tôi đã sống sót.
Đồng tu Tần Thanh Phương đến từ thành phố Phủ Thuận đã đưa tôi số điện thoại của con trai bà ấy khi chúng tôi bị giam cùng nhau. Bà ấy đã nhờ tôi nói với con trai bà về cuộc bức hại mà bà ấy phải chịu đựng nếu như tôi có cơ hội được thả ra trước. Bà ấy muốn chắc chắn rằng con trai của mình không là nạn nhân của những lời dối trá do Mã Tam Gia bịa đặt. Tuy nhiên khi trở về nhà, tôi để ý thấy rằng số điện thoại bị thiếu một chữ số và đã rất đau lòng vì không thể giữ lời hứa gọi điện cho con trai của bà ấy.
Hai lần cuối cùng bị giam tại Mã Tam Gia, tôi đã để ý thấy sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất và nhân viên của họ. Những tòa nhà mới được trang trí hiện đại, có các phòng hội nghị, các thiết bị giám sát cũng như có đủ các lính canh nam và nữ để theo dõi các học viên bị bắt giữ.
Tuy nhiên, những tòa nhà hiện đại này trên thực tế lại là địa ngục trần gian. Hàng ngày, các học viên đã bị tấn công dồn dập và gây áp lực để ép họ từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Những ai từ chối sẽ phải nếm trải nhiều cực hình. Chúng tôi bị cưỡng ép đeo tai nghe để nghe những lời vu khống của họ. Loa trong phòng giam bật quá to đến nỗi tôi đã bị di chứng. Thậm chí sau khi được thả, tôi đã hoảng sợ mỗi khi nghe thấy tiếng ồn lớn.
Học viên Vương Linh đến từ thành phố Thiết Lĩnh đã gãy hết răng do bị tra tấn. Học viên Thôi Chấn Hoàn và Lý Xuân Lan đã bị bức hại hoàn toàn thành các bệnh nhân tâm thần.
Lời kết
Những gì tôi viết ra chỉ là một phần của các sự kiện chi tiết về việc tôi bị bức hại như thế nào. Vì những tra tấn tàn bạo đã phá hủy vài ký ức nên tôi không thể nhớ lại được một số chi tiết.
Tôi thừa nhận có thể có sai sót nhỏ khi nói đến thời gian chính xác và chi tiết của mỗi vụ việc, nhưng các sự kiện chính đều là những gì tôi đã trực tiếp trải qua.
Với những ai không tin tôi, tôi phải nói rằng: “Tôi có thể hiểu các vị, vì không ai có thể tin rằng một chính phủ sẽ làm những điều khủng khiếp như vậy đối với một phụ nữ. Các vị phải trải nghiệm nó thì mới tin được. Thậm chí Trương Hoa, người có các bài viết phơi bày những gì bà ấy phải chịu đựng tại Mã Tam Gia, dường như đã không tin sự tàn bạo của các lính canh ở Mã Tam Gia trước khi bà ấy bị bức hại tại đó.”
Một số người tò mò về tình hình hiện tại của tôi và tôi muốn nói rằng tôi sống sót đến ngày hôm nay là nhờ phép màu của Đại Pháp. Tôi chia sẻ những thử thách của mình với mọi người, để nhiều người có thể đến để chứng kiến sự tàn bạo và nhẫn tâm của chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Xin cảm ơn mọi người.
(Hết)