Văn hóa truyền thống các nước Á Đông được đặt định bởi văn hóa của 3 gia phái là Nho gia, Phật gia và Đạo gia. Nho gia nhập thế, Đạo gia viên dung, Phật gia siêu thoát đã bổ trợ lẫn nhau, tạo ra nền văn hóa huy hoàng…
Lão Tử dùng Đạo để giải thích sự phát triển và biến hóa của vạn vật vũ trụ. Ông nói: “Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật…”; “Đạo tôn, đức quý, hết thảy không can thiệp, làm chủ vạn vật mà để vạn vật tự nhiên”. Do đó “Người thuận theo đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Vạn vật đều có quy luật vận hành.
Những câu nói trí huệ của Lão Tử đã hòa nhập vào cuộc sống, rất nhiều người đã đem những đạo lý giản đơn này áp dụng vào thực tiễn cuộc sống của họ, khiến họ sống nhẹ nhàng thoải mái vui vẻ, trở thành những người thành công.
1. Thỏa mãn biết đủ thì luôn có được sự hài lòng
Nguyên văn: Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ.
Lão Tử nói: “Họa hại không gì lớn bằng không biết đủ, lỗi lầm không gì lớn bằng dục vọng ham muốn có được nhiều hơn. Thỏa mãn, biết đủ thì luôn có được sự hài lòng’.
Người biết đủ có thể không có nhiều tài sản, xe sang, hoặc tài khoản ngân hàng, nhưng họ hiểu được đạo lý “biết đủ” này, do đó họ có thể sống một cuộc sống hạnh phúc.
2. Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh
Nguyên văn: Thánh nhân chi Đạo, vi nhi bất tranh.
Lão Tử nói: “Đạo của Thánh nhân là làm mà không tranh”; “Vì không tranh nên thiên hạ không ai có thể tranh”.
Điều đó có nghĩa là, Thánh nhân làm việc, hành xử thì không tranh đoạt với người. Chính vì họ không tranh với người nên khắp thiên hạ không có người nào có thể tranh với họ.
Đúng như Lão Tử đã nói: “Đại thiện như nước. Nước thiện, lợi ích vạn vật mà không tranh, ở nơi mọi người không thích, do đó gần với Đạo”.
3. Biết dừng thì không nguy hiểm. Do không đầy nên có thể từ bỏ cái cũ thay đổi cái mới.
Nguyên văn: Tri chỉ khả dĩ bất đãi. Phù duy bất doanh, cố năng tế nhi tân thành.
Vạn vật phát triển lớn mạnh đạt đến mức độ đầy thì sẽ dần dần đi đến suy bại hoặc kết thúc. Có thể tránh được vận mệnh này không? Lão Tử đã nói hai câu rất nổi tiếng: “Biết dừng thì không nguy hiểm. Do không đầy nên có thể từ bỏ cái cũ thay đổi cái mới”.
Đại ý là: biết dừng lại thì có thể không rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm. Cũng vì không tự mãn nên có thể không ngừng trừ bỏ cái cũ, thay đổi cái mới.
4. Kẻ biết người là trí tuệ, kẻ biết mình là sáng suốt
Nguyên văn: Tri nhân giả trí, tự tri giả minh.
Lão Tử nói: “Kẻ biết người là trí tuệ, kẻ biết mình là sáng suốt. Kẻ thắng người là có sức lực, kẻ thắng mình là mạnh mẽ”.
Người có thể nhìn rõ người khác thì là người có trí tuệ, người có thể hiểu rõ bản thân thì là người sáng suốt. Người có thể chiến thắng người khác thì là người có sức lực, nhưng người có thể kiểm soát bản thân, chiến thắng chính mình, thì mới là người mạnh mẽ.
5. Vô vi mà không gì là không làm
Nguyên văn: Vô vi nhi vô bất vi.
Lão Tử nói: “Việc học thì ngày một thêm thụ ích, tu Đạo thì ngày một thêm tổn hao. Tổn hao rồi lại tổn hao, cho đến vô vi. Vô vi mà không gì không làm”.
Ý nghĩa là, việc học tập truy cầu tri thức, học vấn thì sẽ khiến chúng ta càng ngày càng tăng thêm tri thức và cách suy nghĩ. Nhưng tu Đạo thì lại cần trừ bỏ các loại dục vọng, đoạn trừ các loại vọng niệm, đạt đến cảnh giới thuận theo tự nhiên, không cần cố ý làm. Trong trạng thái như vậy, sẽ không làm bừa, sẽ khiến bất kỳ sự tình nào cũng có thể có được thành công.
Con người sau khi hiểu lý sự, do hùng tâm tráng chí, hy vọng đạt được thành tựu nhất định, danh lợi sẽ theo đó mà đến. Làm thế nào để thoát khỏi sự ỷ lại và tham luyến đối với danh lợi thì chỉ có thể dựa vào tu luyện, nhìn rõ thế cuộc, và nhìn rõ hơn vai trò của bản thân trên vũ đài nhân sinh, không bị danh lợi điều khiển, đạt đến làm việc một cách tự nhiên.
6. Nói nhiều mau khốn cùng, chi bằng thủ trung
Nguyên văn: Đa ngôn số cùng, bất như thủ trung.
Dưỡng thành thái độ khiêm hạ, tự nhiên có thể làm được nhanh nhẹn hành sự mà lại cẩn thận nói năng, sẽ không nói những lời chưa cân nhắc xem xét kỹ, không nói lời sáo rỗng, vô nghĩa.
7. Người sống mềm mại, khi chết cứng đơ
Nguyên văn: Nhân chi sinh dã nhu nhược, kỳ tử dã kiên cường.
Lão Tử có một tư tưởng rất quan trọng: “Người sống mềm mại, khi chết cứng đơ. Vạn vật cỏ cây sống cũng mềm mại, khi chết khô cứng. Do đó người cứng rắn là kẻ chết, người mềm mỏng là kẻ sống. Thế nên dùng binh lực mạnh thì sẽ bị tiêu diệt, cây cối cứng thì sẽ bị gãy. Lớn mạnh ở dưới, mềm yếu ở trên”.
Đại ý là: con người khi sống thì thân thể mềm mại, sau khi chết thì thân thể cứng đơ. Cây cỏ khi sống cũng mềm mại tươi tắn, khi chết cũng biểu hiện khô cứng. Do đó người cương cường, mạnh bạo khó mà sinh tồn được, còn người mềm mỏng, khéo léo thì mới có không gian sinh tồn. Vì vậy, dùng binh khoe mạnh thì sẽ bị diệt vong, cây cối lớn mạnh thì sẽ bị chặt, bị gãy.
Hễ lớn mạnh thì luôn ở vị trí thấp, còn mềm yếu thì trái lại lại ở vị trí cao. Cường tráng trông có vẻ là tốt, nhưng lại khiến sinh mệnh không dễ kéo dài, mềm yếu thì trái lại ở vị trí cao, đó cũng chính là “lấy nhu khắc cương”.
8. Trị quốc bằng chính Đạo, dụng binh bằng thần kỳ, được thiên hạ bằng vô sự
Nguyên văn: Dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ.
Lão Tử nói: “Trị quốc bằng chính Đạo, dụng binh bằng thần kỳ, được thiên hạ bằng vô sự”, ý nghĩa là dùng chính Đạo trị sửa quốc gia, dụng binh cần giỏi biến hóa, giành được sự tín nhiệm của thiên hạ bằng cách không quấy nhiễu làm phiền dân chúng.
Luật lệ pháp lệnh trong thiên hạ càng nhiều thì dân chúng càng nghèo khổ. Thuế khóa càng nhiều thì quốc gia càng hỗn loạn. Tâm trí và kỹ xảo của dân chúng càng nhiều thì những sự việc kỳ quái, tà ác cũng càng dễ xảy ra.
Thánh nhân cổ đại nói: “Ta vô vi mà dân tự giáo hóa, ta thích tĩnh mà dân tự quy chính, ta vô sự mà dân tự giàu có, ta vô dục mà dân tự chất phác”.
9. Người giỏi dùng người thì biết đặt mình ở dưới người.
Nguyên văn: Thiện dụng nhân giả vi chi hạ.
Lão Tử nói: “Người giỏi làm tướng thì không thể hiện uy vũ, người giỏi đánh trận thì không tức giận, người giỏi thắng địch thì không giao tranh với địch, người giỏi dùng người thì biết đặt mình ở dưới người. Đó gọi là đức không tranh, gọi là biết dùng sức của người, gọi là tương xứng với Trời, gọi là cảnh giới cao nhất của người cổ xưa”.
10. Trị sửa người, thờ Trời, không gì bằng quý tiếc.
Nguyên văn: Trị nhân sự Thiên, mạc nhược sắc.
Lão Tử nói: Trị sửa người, thờ Trời, không gì bằng quý tiếc. Chỉ có quý tiếc thì nhân tâm mới sớm quy phục. Sớm quy phục gọi là coi trọng tích đức, coi trọng tích đức thì không việc gì mà không khắc phục được.
Theo Sound of Hope