Người xưa nói kinh doanh phải có đạo đức thì mới lâu bền. Chữ tâm là một nội hàm quan trọng trong đạo đức, vì thế khuyên con người làm gì cũng phải có tâm, phải dụng tâm thì mới thành. Người kinh doanh giàu có phải có tâm đức mới được nể trọng và là điều mong mỏi của xã hội.

billgateẢnh minh họa

Đạo đức trong kinh doanh

Ngày nay chúng ta đã chứng kiến những người giàu có nhất trên thế giới đang lập những quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Nhiều người giàu còn hiến toàn bộ, hoặc phần lớn tài sản cho từ thiện. Điều ấy đã nói lên rằng, kiếm tiền không phải là mục đích tối hậu của các doanh nhân, mà kiếm tiền sao cho có đạo đức, có nhân văn, minh bạch, chính đáng.

Các doanh nhân giàu có cũng nói rằng tiền không phải là động lực, mà họ mong mỏi xã hội tiến tới công bằng, tốt đẹp, nhân văn trong khi bảo vệ môi trường thiên nhiên vì sự bền vững của trái đất chúng ta. Vì thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 20/1/2016 tại Thụy Sĩ rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh hiện nay, đạo đức được gắn thêm với việc bảo vệ môi trường.

Khi có “tâm”, người kinh doanh sẽ biết tôn trọng luật pháp, không dùng thủ đoạn thấp hèn để cạnh tranh trục lợi, sẽ nghĩ đến lợi ích của khách hàng, đặt khách hàng lên vị trí hàng đầu, như thế thì kinh doanh mới có uy tín dài lâu và xã hội cũng sẽ hưởng lợi từ đó như tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, thêm các sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt.

Bản chất của kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận, làm giàu, làm giàu hợp pháp và hợp đạo đức là điều đáng được tuyên dương, đề cao. Lợi nhuận là kết quả mong đợi của kinh doanh, nhưng lợi nhuận không phải là tất cả, nghĩa là tiền không phải là tất cả đối với doanh nhân.

Chân thật trong kinh doanh được hiểu là không lừa dối trong kinh doanh, không bơm phồng các giá trị ảo trong quảng cáo, chân thật trong những gì cam kết. Chân thật là cách tốt nhất để giữ hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng đang có cũng như các khách hàng tiềm năng.
Việc đảm bảo cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt nhất cho thị trường sẽ làm cho khả năng tiêu thụ bền vững, đây cũng chính là thể hiện chân thật thực sự của doanh nghiệp. Nếu làm ăn giả dối đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng chỉ để lại trong tâm trí người tiêu dùng một ám ảnh không tốt về doanh nghiệp, sẽ tự mình loại trừ và đào thải mình ra khỏi thị trường vốn luôn có sự cạnh tranh.

Kinh doanh phải luôn minh tỏ việc nhân quả

Nhân quả luôn đồng hành trong cuộc sống và kinh doanh. Nếu bạn làm việc tốt, hết lòng vì con người, vì xã hội, vì khách hàng thì bạn sẽ được hưởng điều tốt lành. Trước hết do bạn dụng “tâm” để là việc kinh doanh, mong muốn đưa đến những sản phẩm dịch vụ tốt cho xã hội thì chắc chắn những sản phẩm của bạn sẽ tốt, nếu sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ dễ dàng tiêu thụ. Nếu tiêu thụ được nhiều sản phẩm thì lợi nhuận thu về sẽ cao.

Ngược lại nếu bạn làm việc xấu, chỉ mong giàu lên nhanh chóng, chỉ muốn được tiền mà không muốn bỏ nhiều công sức thì cùng lắm bạn chỉ giàu “sổi”, không lâu bền, sản phẩm của bạn sẽ không có uy tín, không tiêu thụ lâu dài được. Đó là lý của việc nhân quả, nếu bạn làm điều xấu ác nữa thì hậu quả mà bạn nhận được sẽ còn tệ hại hơn nhiều.

Như vậy sao vẫn có chuyện chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả, nhiều người chỉ vì tiền mà không việc gì không dám làm, họ kinh doanh cả thuốc phiện đầu độc thanh thiếu niên làm hại cả một thế hệ trẻ? Họ làm cả những nghề bất chính như buôn người, buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ; buôn bán nội tạng người, tiếp tay cho những hành động giết người, mổ cướp nội tạng người ở Trung Quốc đang bị cả thế giới căm phẫn phản đối.

Hiện nay còn có nhiều người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tràn lan, làm hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn, thức ăn bẩn độc hại đang đầu độc người dân. Nhận thức của xã hội đang ngày càng tăng lên, đang tẩy chay những người sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng bẩn; chính quyền cũng mạnh tay hơn, sẽ đến lúc không còn cơ hội cho sản xuất kinh doanh chụp giật như vậy tồn tại. Nhưng thực sự kinh doanh không có đạo đức thì sẽ không lâu bền và tự hủy diệt chính mình.

Kỳ vọng những người kinh doanh giữ gìn tâm trong sáng, nâng cao đạo đức kinh doanh, tránh xa các điều phi pháp và phi đạo đức trong kinh doanh, đồng thời sử dụng lợi tức hợp pháp làm từ thiện, bảo vệ môi trường là mô hình kinh doanh mới chắc chắn sẽ mang lại sự phát triển bền vững.

Theo SKCĐ