Cả 3 đứa đều bần cùng khốn khổ nhưng rất giàu tình cảm và những cung bậc cảm xúc rung động lòng người.

mh
(Ảnh: Internet)

1 đứa trẻ lặng thinh, 1 đứa trẻ không ăn cơm và 1 đứa trẻ chỉ biết cầu nguyện

Ba câu chuyện ngắn kể về 3 đứa trẻ, tuy ở trong hoàn cảnh sống thật khốn khổ bần cùng, nhưng ở chúng lại toát lên một thứ tình cảm ấm áp, một lòng nhân ái hơn người…

Câu chuyện thứ nhất: Đứa trẻ không chịu nói một lời nào

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy đứa trẻ này là khoảng thời gian 30 – 40 năm trước. Lúc ấy tôi đang học đại học, vừa đẩy xe đạp chuẩn bị đi đến trường, thì nhìn thấy một vị cảnh sát dùng dây thừng trói một đứa trẻ ở bên đường.

Đứa trẻ đại khái chưa đến 10 tuổi, không mặc áo, vừa gầy vừa đen, hai tay bị trói gô ra đằng sau lưng, một đầu dây thừng trói ở tay, đầu dây kia thì anh cảnh sát giữ chặt.

30 năm trước, rất ít ô tô, xe cảnh sát cũng chẳng có nhiều, vậy nên nếu cảnh sát bắt được phạm nhân thì thường trực tiếp lôi người đó đi bộ về đồn. Bởi vì phạm nhân còn quá ít tuổi, người đi đường đều tò mò đều muốn hỏi chuyện gì?

Vị cảnh sát dừng lại, giải thích với mọi người. Nguyên là đứa nhỏ này mẹ đã qua đời, cha thì bị bệnh nằm liệt giường, nó nhiều lần lấy trộm đồ nhà người ta để nuôi gia đình. Tuy rằng chỉ là trộm chút gì đó để ăn, nhưng những nhà bị trộm không chịu nhịn nữa, buổi sáng hôm nay bắt được nó thì liền không để nó trốn thoát nữa.

Tôi chú ý tới biểu cảm của đứa trẻ này, vẻ mặt nó như không biết gì, có thể nói là không một chút biểu cảm, nó chẳng mảy may né tránh ánh mắt của chúng tôi, nhưng lại không ngừng giãy giụa, rõ ràng là nó bị trói quá chặt.

Khi ấy tôi là tình nguyện viên ở trại giam nên chẳng gì lạ lúc gặp lại cậu nhóc, nó vẫn cởi trần, đi chân đất, và đang quét rác. Tôi tìm viên quản lý tốt bụng, nói với ông rằng đứa bé này không có áo mặc, ông lập tức đi lấy một cái áo sơ mi màu đỏ cho nó mặc vào.

Ông nói đứa nhỏ này cứ im lặng suốt, chẳng hở môi nói một câu nhưng lại rất phục tùng, bảo gì làm nấy, cũng không tức giận, nói đúng hơn là chẳng có một biểu cảm nào. Đây là lần thứ hai tôi gặp nhóc.

Lần thứ 3 tôi nhìn thấy nó là một hôm trời mưa to, mưa như trút, bên trong rất nhiều ruồi bọ. Cậu bé này bị viên quản lý bắt đưa đến hành lang đập bắt đám ruồi. Nhưng vì không có kỹ thuật, nên cũng chẳng mấy khi trúng đích.

Tôi dù sao cũng không có việc gì làm, bèn qua chỗ nó giúp một tay. Sau khi xong việc, đứa bé bỗng nhiên ôm lấy tôi, dựa đầu vào vai tôi, vẫn không nói một câu nào, nhưng tôi cảm thấy nước mắt nó nhỏ xuống vai mình.

Tôi đứng ở đó, không biết làm thế nào cho phải, nó không nói một lời nào, nhưng những giọt nước mắt dường như đã kể rõ tâm tình với tôi.

Một đứa bé 10 tuổi, bị người ta trói gô diễu phố trước hàng trăm con mắt, có thể tưởng tưởng được trong lòng nó trào dâng bao đau khổ và tủi nhục. E rằng cả đời này, nó chỉ có thể câm lặng để người ta trách mắng, để người ta đuổi đánh và chẳng bao giờ dám mơ về việc có người quan tâm đến mình. Những giọt nước mắt lăn xuống vai tôi, rõ ràng là những giọt nước mắt biết ơn.

Câu chuyện thứ hai: Đứa trẻ không chịu ăn cơm

Đứa trẻ này hơi ngớ ngẩn, nữ tu sĩ cô nhi viện nói cho tôi biết cậu bị thiểu năng trí tuệ, nhưng không phải quá nghiêm trọng, cậu vẫn có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng cậu không thể học bài, và phải tham gia lớp học đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Mỗi lần tôi hỏi cậu bé chuyện gì đó, cậu đều trả lời là không biết, khiến tôi tức gần chết. Chân của cậu bị thương, nữ tu sĩ đưa cậu vào bệnh viện, ông nội của cậu là người thân duy nhất, vội vã tới bệnh viện trông, bởi vì nữ tu sĩ không thể trông cậu suốt 24 giờ.

Cậu bé bỗng nhiên không chịu ăn gì. Nhưng trong tình trạng chấn thương, cậu không ăn gì là không được, ngặt nỗi người ta dỗ thế nào cậu cũng không chịu ăn, mỗi lần cậu đều chỉ ăn một chút rau, còn những thứ khác thì không đụng vào. Ông nội của cậu nhìn cậu không chịu ăn, đành phải tự mình ăn hết chỗ đồ ăn còn lại.

Hai ngày sau, cậu vẫn chỉ ăn một chút rau, ông nội sốt ruột, vội gọi điện gọi nữ tu sĩ đến. Nữ tu sĩ biết khá rõ tính tình của cậu bé nhưng nghĩ mãi cũng không ra. Bà biết đứa nhỏ này từ trước đến nay ăn uống cũng không hề kén chọn, giờ không chịu ăn nhất định có nguyên nhân. Nhưng rốt cuộc là nguyên nhân gì đây?

đứa trẻ, hiếu thảo, câu chuyện, Bài chọn lọc, (Ảnh: Internet)

Nữ tu sĩ quả là rất lợi hại, bà đoán ngay đứa bé này nhất định là sợ ông nội nghèo quá, mua không nổi đồ ăn, buộc lòng mình không ăn, nhường ông nội được ăn thoải mái. Ông nội của cậu quả nhiên phải ăn, điều này khiến cậu càng thêm tin rằng chỉ có để mình chịu đói mới có thể khiến ông nội có cái để ăn.(Ảnh: Internet)

Nữ tu sĩ liền xuống dưới lầu mua hai suất ăn nhanh, một suất cho ông nội cậu, một cho mình, hai người họ bắt đầu ăn. Khi thấy ông nội đã có đồ ăn, đứa nhỏ lập tức như hổ đói gọi điều dưỡng bệnh viện mang thật nhiều đồ ăn tới và ăn rất nhiều, không chỉ ăn hết cơm của bệnh viện mang tới, cậu còn muốn nữ tu sĩ mua thêm cho mình một suất đồ ăn nhanh nữa.

Mọi người trong phòng bệnh đều thở phào nhẹ nhõm, y tá bác sĩ đều đến nhìn cậu ăn cơm, trong phòng gần như giống một bữa tiệc ăn mừng.

Câu chuyện thứ ba: Đứa trẻ chỉ có thể cầu nguyện

Khoảng bốn năm trước, lần đầu tiên ở trung tâm trẻ em tôi gặp đứa bé này, nó chỉ khoảng trên dưới 6 tuổi, chạy nhảy hiếu động.

Nó chủ động nói cho tôi biết: “Mẹ cháu ra đi quá sớm, cha cháu phải đi làm công nhân, không thể chăm sóc cháu, nên đành phải đưa cháu đến đây”.

Lúc ấy nghe xong tôi cảm thấy xót xa, bởi vì một đứa trẻ mới có 6 tuổi, lại phải nói những lời như “Mẹ cháu ra đi quá sớm” này.

Bốn năm sau, trước lễ Giáng Sinh mấy ngày, tôi đi đến giáo đường trung tâm trẻ em này, lại thấy đứa trẻ ấy. Lúc đó trong giáo đường hoàn toàn vắng vẻ, chỉ có đứa bé ấy quỳ gối cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ.

Tôi hỏi là có chuyện gì xảy ra, cậu nói: “Cha của cháu bị bệnh, cháu là một đứa trẻ, không có khả năng tìm bác sĩ giỏi cho cha, đành phải khẩn cầu Đức mẹ phù hộ cho cha”.

Sau đó tôi rời khỏi giáo đường, không đành lòng nên lại tiếp tục quay đầu lại nhìn một chút. Trong giáo đường trước mặt tượng Đức Mẹ có mấy ngọn nến đang cháy, đứa bé quỳ gối trước mặt Đức mẹ, khi ngẩng đầu lên, ánh nến chiếu vào khuôn mặt của cậu bé, từ xa nhìn lại, rất giống một bức tranh vẽ tuyệt đẹp, cũng rất thích hợp dùng để làm một tấm thiệp Giáng Sinh.

Lúc ấy tôi cảm thấy hạnh phúc thay cho cha cậu bé, có mấy người có thể hiếu thuận như cậu bé này chứ?

Tái bút

Đứa bé thứ nhất rất nhanh sau đó đã ra khỏi tù, cha của nó sau khi được một nhân viên trại tù có thiện tâm giúp đỡ thuốc men, cuối cùng đã khỏi bệnh và khỏe mạnh.

Sau khi nó ra tù, một số sinh viên bộ môn Kỹ thuật điện tại Đại học quốc gia Đài Loan đã tình nguyện dạy bổ túc văn hóa cho nó, nó cũng bắt đầu nói chuyện với họ.

Còn cậu bé thứ hai, cậu được một nhóm chuyên gia ở bệnh viện cấp cho tờ xác nhận cậu bị thiểu năng trí tuệ, rồi giúp cậu có được sổ khuyết tật, nhờ đó mà có thể hưởng trợ cấp chính phủ. Một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ mà lại hiếu thuận như vậy, thật là điều mọi người cũng không nghĩ tới.

Về đứa trẻ thứ ba, cha của cậu bệnh không quá nghiêm trọng, nên khi biết cha khỏi bệnh, tâm tình đã khá lên nhiều. Một thời gian sau tôi nhìn thấy cậu lại đang nhảy nhót vui vẻ.

Bản thân tôi khi còn bé chưa bao giờ phải chịu khổ, nhưng chính mình lại có cơ duyên gặp gỡ với rất nhiều những đứa trẻ nghèo khổ. Những đứa trẻ này, chúng đều mong muốn sự quan tâm của chúng ta.

Khi chúng ta cho chúng tình yêu thương, cũng giống như cơn mưa rơi xuống mảnh đất khô cằn, chắc chắn là chúng đang mong ngóng. Một điều quan trọng khác chính là, những đứa trẻ này tuy rằng bần cùng khốn khổ, nhưng dường như chúng lại giàu tình cảm hơn những đứa trẻ khác rất nhiều.

Bảo An, dịch từ Kannewyork
Theo tinhhoa.net