Trong số 6 cựu quan chức bị tuyên án thì có 3 người bị tù chung thân và tất cả họ đều có liên quan đến phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

vuong-bao-anCựu Giám đốc Cục Thống kê Vương Bảo An tham dự một cuộc họp báo

Ngày 31/5, nhiều tòa án tại Trung Quốc đã tuyên án 6 cựu quan chức phạm tội tham nhũng. Trong đó, ba người là cựu Giám đốc Cục Thống kê Vương Bảo An, cựu lãnh đạo thành phố Lạc Dương Trần Học Phong, và cựu Thị trưởng thành phố Ninh Ba Lô Tử Diệu đã nhận hối lộ tổng cộng giá trị hàng trăm triệu nhân dân tệ (khoảng chục triệu USD), và bị kết án tù chung thân.

Ba người còn lại gồm cựu Chủ tịch China Telecom Trương Tiểu Bình, cựu Phó Chủ tịch thành phố Tứ Xuyên Lê Thành Vận, và cựu Chủ tịch Đặng Khi Lâm của Tập đoàn Sắt thép Vũ Hán đã bị kết án 6, 10, và 15 năm vì tội nhận hối lộ từ hàng triệu đến hàng chục triệu nhân dân tệ.

Ông Trương Tiểu Bình có lẽ là trường hợp đáng chú ý nhất trong sáu cựu quan chức bị tuyên án. Ông này từng điều hành China Telecom và China Unicom, hai công ty viễn thông quốc doanh lớn nhất Trung Quốc. China Unicom được nhiều người cho rằng đã từ lâu thuộc về ông Giang Miên Hằng, con trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Trương Tiểu Bình, cựu giám đốc của China Telecom và China Unicom

Ông Trương nổi tiếng thân cận với những người thân tín thuộc phe cánh ông Giang Trạch Dân. Ông này cũng là trợ lý hàng đầu của ông Giang Miên Hằng. Khi bị điều tra vào năm 2015, một số trang tin Trung Quốc đưa tin ông Trương đã bán một tòa nhà văn phòng thuộc sở hữu nhà nước trị giá 1,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 176 triệu USD) cho Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng bằng một phần ba giá trị thị trường. Người bảo trợ chính trị của ông Quách cũng chính là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, vì ông Trương đã thành thật khai báo những người phạm tội khác, nên Tòa án Nhân dân Trung cấp Bảo Định ở phía Bắc tỉnh Hà Bắc, nơi kết án ông Trương đã quyết định giảm án phạt cho ông này. Ông Trương bị phạt 500.000 nhân dân tệ (73.000 USD) và bị tuyên án 6 năm tù giam.

Mặc dù không được đề cập trong các báo cáo của nhà nước Trung Quốc, nhưng một số quan chức bị kết án trên có liên quan đến chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân.

Cảm thấy bị đe doạ bởi sự phổ biến của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc, (có khoảng 70 – 100 triệu người thực hành vào năm 1999 theo ước tính của người tập và chính quyền), ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh trấn áp môn tu luyện này vào tháng 7/1999. Sau đó, ông Giang đã khuyến khích các quan chức Trung Quốc tích cực tham gia vào cuộc bức hại bằng cách hứa hẹn cho họ quyền lực và giàu có.

Ông Trần Học Phong, cựu Bí thư thành ủy Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam là một ví dụ trong số đó. Ông này đã được khen thưởng vì tuân thủ chính sách bức hại Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân.

Ông Trần là cộng sự lâu năm của ông Lý Trường Xuân, một đồng minh hàng đầu của ông Giang, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị từng công tác tại vị trí Bí thư của tỉnh Hà Nam.

Trước đây, ông Trần Học Phong từng lãnh đạo các công ty năng lượng nhà nước ở địa phương, sau đó được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam vào tháng 1/2011. Hai năm sau, ông này được thăng chức lên làm Chủ tịch thành phố Lạc Dương. Theo trang Minghui.org của Pháp Luân Công, tình hình bức hại diễn ra nghiêm trọng tại thành phố Lạc Dương trùng hợp với nhiệm kỳ của ông Trần từ giữa năm 2013 – 2016.

Ông Trần đã bị điều tra về tội tham nhũng từ tháng 1/2016. Ngày 31/5/2017, Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Trịnh Châu miền Trung Trung Quốc đã tuyên án ông này có tội nhận hối lộ vượt quá 125 triệu nhân dân tệ (khoảng 18 triệu USD) trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2015 cũng như gây tổn thất 224 triệu nhân dân tệ cho quốc gia với tội danh “xử lý tùy tiện của tài sản nhà nước.” Ông Trần bị tuyên án tù chung thân.

Theo Trithucvn