Người hay la mắng và nói điều không hay về người khác có thể nghĩ rằng chỉ là lời nói vô hại, tuy nhiên ác khẩu gây khẩu nghiệp và cũng phải chịu quả báo không hề nhẹ. Câu chuyện Phật gia dưới đây là lời răn chúng ta tránh tạo ác khẩu để phải nhận báo ứng về sau.
Tại thành cổ Xá Vệ có một người tên Sư Chí rất tín Phật. Một ngày nọ, hay tin Đức Phật sắp qua nơi mình sống, Sư Chí bèn chuẩn bị đồ chay và chờ đến ngày Ngài đi qua. Gặp được Đức Phật, Sư Chí kính cẩn dâng lên đồ chay, Đức Phật nhận lấy, mở ra dùng đôi chút với đệ tử rồi đưa cả đoàn tăng lữ về chùa.
Đi nửa đường, Đức Phật và các đệ tử của mình ngồi nghỉ dưới tán cây bên dòng sông. Bỗng dưng có một con khỉ từ đâu nhảy ra, kính cẩn xin mượn chiếc bát của Đức Phật rồi nó chạy nhanh đi đâu đó. Một lát sau con khỉ quay về kính cẩn dâng lên Ngài bát đầy mật ong thơm ngon. Đức Phật nhận lấy bát mật và nói những lời hay về nhân quả cho khỉ nghe, nó rất vui sướng, nhảy nhót hạnh phúc.
Chẳng lâu sau, con khỉ kia chết, nó được đầu thai làm người và thác sinh vào nhà của Sư Chí. Ngày khỉ hóa thân làm người chào đời, mọi chén bát trong nhà Sư Chí bỗng đều đầy ắp mật ong thơm ngon. Gia đình thấy rất lạ nên đặt tên cho đứa trẻ là Mật Sinh.
Thời gian trôi đi nhanh chóng, chẳng mấy chốc Mật Sinh trưởng thành và có nguyện vọng muốn vào chùa xuất gia. Cha mẹ cậu đều rất ưng ý và đưa Mật Sinh lên chùa. Mật Sinh được nhận vào chùa quy y, nhờ công quả kiếp trước nên tinh tấn rất nhanh.
Một ngày nọ, Mật Sinh cùng các tỳ kheo khác ra ngoài khất thực. Trời nắng nóng, giữa đường ai cũng mệt và khát nhưng lại hết sạch đồ ăn nước uống. Khi ấy, Mật Sinh bèn cầm chiếc bát, vung lên trời và rồi hứng lấy. Chiếc bát bỗng dưng đầy ắp mật ong thơm ngon, Mật Sinh lần lượt chia mật ong cho các tỳ kheo.
Trở về chùa, mọi người đều ngạc nhiên và tới hỏi Đức Phật: “Thưa Đức Phật, Mật Sinh có phúc phận gì mà lúc nào cũng có thể thưởng thức mật ong thơm ngon như vậy ạ?”.
Đức Phật đáp: “Các con còn nhớ vài năm trước có một con khỉ đã mượn ta chiếc bát rồi đi lấy mật ong về dâng biếu không? Con khỉ đó có trái tim lương thiện, tấm lòng hướng Phật nên sau đó được đầu thai làm người, và chính là Mật Sinh. Vì Mật Sinh thành kính dâng Phật mật ong nên kiếp này được hưởng phúc phận đó”.
Một tỳ kheo khác bèn hỏi tiếp: “Thưa Đức Phật, Mật Sinh trước đó làm gì để phải đầu thai làm khỉ như vậy ạ?”.
Lúc ấy có rất nhiều đệ tử vây quanh, Đức Phật nhìn họ rồi từ bi đáp: “Mật Sinh bị đầu thai làm kiếp súc sinh là có nguyên do. Chuyện xảy ra hơn 500 năm trước, khi ấy còn là một vị tỳ kheo. Có lần nhìn thấy một đồng môn khác lưng hơi gù, đi lại không giống người nên đã cười và trêu chọc người này là khỉ. Tỳ kheo này đã phạm phải khẩu nghiệp, không thể tu viên mãn. Vậy nên khi thác đi phải xuống đường súc sinh đầu thai làm khỉ trong nhiều kiếp cho tới khi gặp ta”.
Khi Đức Phật kể xong câu chuyện, tất cả các đệ tử đều ngộ ra rằng, không chỉ hành động mà lời nói có ác ý cũng đều tạo nghiệp. Ác khẩu chính là khẩu nghiệp và người gây ra nó buộc phải nhận báo ứng.
Bởi vậy nếu làm người, cho dù thấy bất bình bao nhiêu, cũng không nên dùng lời cay nghiệt để nói người khác. Khẩu nghiệp gây ra sẽ phải tự gánh, và nghiệp báo có thể rất nặng, như câu chuyện của Mật Sinh ở trên.
Để tránh khẩu nghiệp, con người nên có tâm nhẫn và tấm lòng bao dung, đối với mọi sự việc trên đời cần vị tha rộng lượng. Sống như vậy mới mong tránh được khẩu nghiệp và nhân được phúc báo về sau.
Theo Minhbao