Vào triều Tống (960-1279), ở Quảng Lăng (thuộc Dương Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay) có một người tên là Lý Giác, hành nghề buôn bán mưu sinh.
Ảnh minh họa
Lý Giác thấy những người cùng nghề với mình thường hay cân dối, mua nặng bán nhẹ, mua rẻ bán đắt, trong lòng ông vô cùng chán ghét kiểu làm ăn này. Ông thường khuyên bảo hoặc ngăn cản những thương nhân khác đừng làm ăn gian dối nữa.
Trong khi buôn bán, Lý Giác luôn luôn giao dịch công bằng, ngay cả đối với trẻ em và người già, vốn là những người dễ dàng bị lừa gạt bởi những kẻ buôn bán tham lam. Ông hài lòng với khoản lợi nhuận ít ỏi để nuôi sống gia đình.
Ấy vậy mà thuận theo thời gian, gia cảnh nhà ông cũng dần dấn khấm khá hơn lên.
Thời đó có một vị tướng trùng họ và tên với Lý Giác, làm chức quan Chế trí sử trông coi vùng đất dọc sông Hoài, gồm tỉnh An Huy và Giang Tô ngày nay.
Một đêm nọ, vị tướng kia nằm mộng thấy mình đi lạc vào trong một động Tiên và nhìn thấy có tên “Lý Giác” trong sổ ghi tên các Thần Tiên. Ông vô cùng vui mừng tưởng rằng tương lai mình đã thành Tiên rồi. Tuy nhiên, có hai vị đồng tử lại nói với ông: “Vị Lý Giác này không phải là tướng công mà là một dân thường ở Quảng Lăng.”
Sau khi vị tướng nọ tỉnh dậy, ông đi tìm Lý Giác ở Quảng Lăng và hỏi người này đã làm những gì mà lại có tên trong danh sách Thần Tiên. Thương nhân Lý Giác trả lời rằng ông không làm cái gì cả, ông chỉ dùng cái tâm chính trực công bằng và hòa ái để đối nhân xử thế mà thôi.
Sau này, thương nhân Lý Giác sống thọ hơn 100 tuổi, ông đã thành Tiên sau khi qua đời.
(Theo “Cảm ứng Thiên hối biên”)
Nguồn: Minhhue.net