Con người đến được với nhau là duyên, sống với nhau là nợ nghiệp. Hết thảy mọi sự việc trên đời đều liên quan đến hai chữ duyên phận, đều đã có an bài từ rất xa xưa…
Cha bỏ mẹ con tôi đi từ khi tôi còn rất nhỏ. Vào một buổi tối mùa đông rất lạnh, có lẽ nó là ngày đại hàn thì phải. Cha về nhà vào lúc giữa khuya, tôi nghe thấy tiếng cãi vã của cha: “Tôi không chịu được cảnh nghèo khổ này nữa rồi, tất cả là do cô nên tôi mới phải như vậy”.
Nói xong ông đặt tờ giấy ly hôn đã viết sẵn lên bàn, ông liếc nhìn tôi một cái rồi bước đi. Tôi chạy ra ôm lấy cha: “Cha ơi cha đừng đi, cha ơi…”
Ông đứng khựng lại một lúc, hất mạnh tay tôi ra rồi bước đi trong đêm tối. Hai mẹ con tôi đã ôm nhau khóc suốt đêm hôm đó, dường như con suối bên nhà, cái cây trước cửa cũng đều khóc cùng chúng tôi.
Nhà tôi vốn sống trong cảnh bần hàn, hàng ngày lo đủ bữa ăn là tốt lắm rồi, mùa đông tôi còn không có đủ áo ấm để mặc. Từ ngày cha bỏ nhà đi cuộc sống hai mẹ con tôi càng thêm vất vả, cơ cực, có nhiều lúc mẹ tôi phải ra chợ nhặt những bó rau thừa người ta vứt lại để mang về ăn.
Cái rét của mùa đông rồi cũng dần qua đi. Hằng đêm trong giấc mơ tôi đều thấy cha về mua rất nhiều quà và đồ chơi cho tôi. Sáng nào tôi cũng ra tận đầu ngõ để ngóng cha về. Tôi luôn ước rằng một ngày nào đó ông sẽ quay về với hai mẹ con tôi. Nhưng hết ngày này qua tháng khác ông vẫn không trở về…
Đêm hôm trước mấy chú chim khách rủ nhau tới trước cổng nhà kêu hót líu lo. “Mẹ! mẹ ơi chim khách kêu ngoài cổng, ngày mai cha sẽ về phải không mẹ?”, tôi chạy tới hỏi mẹ. Mẹ không nói gì cả mà chỉ ôm tôi khóc.
Vào một buổi chiều trong cái nóng oi bức của mùa hè, trong lúc mẹ con tôi đang ăn cơm, có một người đàn ông trạc tuổi cha ăn mặc rách rưới bẩn thỉu nằm trước cổng nhà tôi. Nhìn có vẻ như chú rất đói và mệt. Thương tình, mẹ đưa chú vào trong nhà, tôi nhanh nhảu rót cho chú cốc nước: “Chú uống nước đi ạ”.
Mẹ tôi lại hỏi: “Thế có đói không?”
Chú ngẩng đầu lên nhìn mẹ con tôi vừa cười vừa nói: “Đói… dạ đói ạ”.
Mẹ liền sai tôi xuống bếp mang nồi cơm độn sắn lên cho chú ăn. Tôi nhìn mẹ lưỡng lự nói: ”Nhưng mà…’’ có lẽ nồi cơm này là nồi cuối cùng trong nhà chúng tôi đã mấy ngày rồi mẹ con tôi chỉ được ăn một bữa.
Tôi cúi đầu xuống hậm hực miễn cưỡng làm theo lời mẹ. “Đây anh ăn đi, khổ thân”, vừa nói mẹ vừa đưa cho chú bát cơm trộn đầy lẫn sắn. 1 bát rồi lại hai bát, ba bát… “Trời ơi! Chú ăn hết cơm rồi”, tôi há mồm, mắt tròn xoe. Vậy là mẹ con tôi lại phải chịu cái đói hành hạ nữa rồi.
Ăn xong chú lăn ra ngủ ngáy oang cả góc nhà. Thì ra chú là người thiểu năng trí tuệ bị lạc mất gia đình lưu lạc tới nơi đây, suốt mấy ngày không được ăn, lại còn bị người ta đánh đuổi. Khi tỉnh dậy cứ khăng khăng gọi mẹ tôi là vợ rồi chạy ra ôm tôi: “Con… con trai”, cứ như là một người cha xa gia đình lâu ngày được trở về vậy.
Nhìn chú hiền lành lại ngốc nghếch, nên mẹ nghĩ để chú trong nhà cũng tốt. Chú ở với mẹ con tôi như vậy đó, hàng ngày buổi sáng chú theo mẹ lên nương làm rẫy, buổi chiều lại đi kiếm củi với tôi để lên thị trấn bán lấy tiền, hàng xóm có việc gì thuê chú đều làm hết không nề hà, được bao nhiêu tiền chú đều đưa hết cho mẹ. Cuộc sống của chúng tôi cũng vì thế mà khấm khá dần lên.
Vì chú ngốc nghếch nên hay bị mọi người bắt nạt. Có một lần chú đào ao cho nhà ông Tam xóm bên cả buổi sáng, “thằng Tâm nó rất thích ăn khoai lang đó” thế là chú được trả công bằng một rổ khoai lang. Tôi không khỏi xúc động khi chú cười hì hì rồi đưa khoai cho tôi. Có người độc miệng nói: “Nhà mẹ con mày thiếu đàn ông nên dẫn một thằng khờ về đó à?.. . Hà hà’’ rồi nhìn tôi lắc đầu, lúc đó chú chỉ nhìn lên và cười hì hì…
Những cơn gió mùa mang theo mưa phùn lớt phớt báo hiệu một mùa đông nữa lại tới. Tối hôm đó tôi bị sốt cao, đã có lúc hôn mê, mà nhà thầy thuốc ở rất xa, mẹ tôi lại không có ở nhà. Ngày đó quê tôi phương tiện rất thô sơ. Chú đã cõng tôi trên lưng vừa đi vừa nói: “Cố gắng lên, cố gắng lên”.
Đêm đó chú đã cõng tôi đi năm cây số đường rừng để tới nhà thầy thuốc. Có lúc đi qua đoạn đường trơn trượt ngã rúi rụi chú cũng cố gắng che chắn cho tôi: “Không sao đâu con trai”, chú cười rồi đứng dậy đi tiếp. Đến nơi chú cố gắng hết sức để gõ cửa rồi lăn ra ngất xỉu.
Sau lần đó chú rất lo lắng cho tôi lên lúc nào cũng kè kè bên cạnh tôi vậy. Ngay cả lúc đến trường chú cũng tranh chỗ với bạn cùng bàn tôi vì sợ tôi bị bắt nạt đến nỗi bác bảo vệ phải dùng hết sức mới lôi chú ra khỏi lớp học được. Chú cứ ngồi vậy trước cửa lớp học một lúc lại nhìn bên này, một lúc lại nhìn bên kia, lúc thì đi đi lại lại với vẻ mặt rất nghiêm trọng. Dường như chú muốn loại bỏ đi tất cả các mối nguy hiểm tới con trai mình.
Những lúc tôi buồn chú luôn giả danh các nhân vật ngộ nghĩnh pha trò cho tôi vui. Những ngày tháng yên bình cứ như vậy trôi đi, nhưng cuộc sống thật là khắc nghiệt, số phận thật nghiệt ngã, có lẽ ông trời muốn lấy đi của tôi mọi thứ. Tai họa lại ập đến nhà tôi.
“Chính, Chính ơi mau đỡ mẹ mày vào trong nhà con ơi”, bác Đức hàng xóm kêu lên.
“Mẹ, mẹ, bác ơi mẹ cháu bị sao thế này? hu hu…”, tôi run rẩy kêu lên.
“Bác không biết, mẹ mày đang làm nương thì ngất xỉu, chắc do trời nắng quá đó mà”, bác từ tốn nói, “Pha cho mẹ cốc nước gừng là tỉnh ngay thôi con ạ… thôi bác phải ra đồng làm tiếp đây”.
Từ lúc đó mẹ không làm được việc gì nữa, mỗi khi xúc động lại ngất xỉu như hôm trước. “Choang” bát cháo rơi xuống nền nhà vỡ tung tóe. Hai tay mẹ run lên không kiểm soát được “Mẹ, mẹ ơi!, mẹ bị sao thế? Hu hu…”, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc nức nở.
Thấm thoát hai tháng đã trôi qua kể từ khi phát bệnh, chuyện sinh hoạt của mẹ, tôi đều phải gánh vác, hàng ngày buổi sáng khi đi học về tôi vào bếp nấu cơm, bón cho mẹ ăn, chiều lại cùng chú đi lấy củi.
Sáng nay tiếng chim lợn kêu vang ngoài đầu ngõ, tôi có cảm giác một điều gì đó sắp sảy ra. Bầu trời đang trong xanh bỗng dần tối đen, mây đen ùn ùn kéo đến, tôi và chú vừa kịp mang bó củi về nhà thì trời mưa như trút nước. “Chính vào đây với mẹ”, giọng mẹ yếu ớt gọi tôi. Tôi vội chạy đến bên giường nắm lấy tay mẹ…
Mẹ kể, mẹ bị một căn bệnh hiểm nghèo di truyền từ bà ngoại, khi phát tác sẽ vô phương cứu chữa: “Con đừng có đau buồn quá nhé, phải sống thật tốt, thật khỏe mạnh, chăm sóc chú ngốc, đợi cha con về nữa biết chưa”, nói xong mẹ từ từ nhắm mắt rồi vĩnh viễn ra đi. Tôi ôm mẹ vào lòng kêu khóc thảm thiết. Tại sao ông trời lại đối xử với tôi như vậy, tại sao người lương thiện lại phải chịu cảnh khốn cùng như vậy? Tại sao cha lại bỏ mẹ con tôi đi? Tôi căm thù ông.
Trời càng lúc càng mưa to hơn, sấm chớp sáng khắp một vùng. Đoàng đoàng một tiếng sét vang lên xé toạc bầu trời, chú ngốc đang rên rỉ trong nhà đột nhiên hoảng hốt la hét rồi bỏ chạy đi giữa trời giông bão. Sao ông trời lại lấy đi những người thân yêu bên cạnh tôi vậy, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi mà? Vậy là chỉ còn lại một mình tôi trên cõi đời này, tôi gào thét trong đau đớn tuyệt vọng, hàng xóm láng giềng mọi người cùng nhau giúp tôi xây cho mẹ một căn nhà bằng đất.
“Mẹ ơi! Vậy là từ giờ mẹ không còn phải chịu khổ nữa rồi, nơi thiên đường mẹ hãy yên nghỉ mẹ nhé!”, tôi bốc từng nắm đất rắc lên ngôi nhà của mẹ. “Đêm nay con sẽ ở lại đây với mẹ, con sẽ không bỏ mẹ đi như bố đâu mẹ à”. Tôi đã ngủ lại với mẹ… “Chính à! Con hãy về đi, đừng ra đây nữa, hãy mạnh mẽ lên, nếu không mẹ sẽ không yên lòng đâu, rồi mẹ sẽ lại về nhà thăm con”, trong giấc mơ giọng mẹ vang lên rồi biến mất. “Không mẹ đừng đi, đừng bỏ con lại một mình mẹ ơi”, tôi gào khóc khi tỉnh dậy.
Đêm trước một trăm ngày mẹ mất, mẹ lại về trong giấc mơ, mẹ mặc một bộ đồ màu trắng, trong tay cầm một củ khoai, món mà ngày trước mẹ con tôi hay ăn nhất. Đưa cho tôi mẹ nhìn âu yếm, mẹ nói: “Lần này mẹ về để tạm biệt con lần cuối”, mẹ kể kiếp trước:
“Trong triều đại nhà Lý mẹ đã ngu muội không phân biệt đúng sai nghe theo lời kẻ xấu mà vu khống bôi nhọ danh dự một người tu luyện Phật Pháp, làm cho họ phải chịu đựng cảnh tan cửa nát nhà. Xuống địa ngục mẹ phải chịu muôn vàn đau khổ không thể diễn tả được, kiếp này phải hoàn trả nốt tội nghiệp, người tu luyện đó là cha con kiếp này, kẻ xấu đã xúi giục mẹ chính là con và chú ngốc.
Con cũng đừng oán trách ai nữa, mọi chuyện đều có nhân duyên và an bài rồi, đừng thù hận cha con nữa, mai này lớn lên phải làm người tốt, sống chân thật, lương thiện và nhẫn nại con nhé, ngày mai mẹ sẽ chuyển sinh thành một bé gái, mẹ con ta sẽ gặp lại sớm thôi”, nói xong xoa đầu tôi, mẹ theo một thiên thần bay đi mất. “Mẹ… mẹ.. ơi!” tôi kêu lên giật mình tỉnh dậy, không tin vào mắt mình nữa.
Lúc tỉnh dậy thấy chú ngốc đang cầm tay tôi. “Chú ngốc chú đừng bỏ con mà đi nữa”. Chú nhìn tôi hiền từ và nói: “Chú không bỏ con đâu”. Nhìn chú khác mọi ngày quá, dường như không còn là chú ngốc ngày nào. “Chú, chú nói đi, những ngày qua chú đã đi đâu?”
“Chú không còn ngốc nữa, chú vốn là một người rất thành đạt, có công ty riêng, một người vợ đảm đang và một đứa con trai kháu khỉnh”.
(Ảnh: Internet)
Trước kia vì mải mê công việc chú dần đánh mất gia đình, chú trọng tiền tài, danh vọng hơn gia đình. Chú hay về trễ, thường xuyên công tác vắng nhà, thường xuyên không dùng bữa với gia đình. Chú cho rằng kiếm tiền mang về là tốt nhất rồi.
Cái ngày con trai chú trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện chú cũng không về bên cạnh nó được, chú vô cùng ân hận, đau khổ, dằn vặt, chạy một mạch về nhà từ sân bay, nhưng khi vừa về tới nhà mở cửa ra chú nhìn thấy vợ mình đang ôm một người đàn ông, đó lại chính là người bạn thời thơ ấu của cô ấy.
Một nỗi thống khổ tột cùng, uất ức chú bỏ đi, vừa chạy vừa kêu khóc thảm thiết, chú ngất đi lúc nào không biết, khi tỉnh lại đã mất hết trí nhớ lang thang đến nhà tôi. Chú nói trong đêm mưa giá đó, chú bị một tia sét đánh trúng bất tỉnh nhưng không chết, trong cơn mê man bất tỉnh đã mơ thấy mẹ tôi, khi tỉnh lại mọi ký ức đều đã khôi phục hoàn toàn.
Đúng lúc này một giọng nói vang lên: “Cậu sai rồi, mọi chuyện nhìn thấy đều không như cậu nghĩ đâu”.
“Cha”, tôi thốt lên rồi chạy ra ôm chầm lấy cha: “Con nhớ cha lắm, cha biết không?”, tôi vừa khóc vừa nói.
“Cha xin lỗi con trai, cha sai rồi, từ giờ cha không bỏ con đi nữa đâu”, cha ôm chặt tôi và nói. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được cha ôm vào lòng như vậy, cảm giác thật ấm áp. Ôm tôi một lát rồi cha nói: “Con ngồi xuống để cha nói chuyện với chú nha”, tôi lưỡng lự không muốn rời khỏi vòng tay của cha, tôi sợ rằng cha lại bỏ tôi mà đi một lần nữa. Như hiểu được suy nghĩ của tôi vậy, cha xoa nhẹ đầu tôi và nói: “Cha không đi nữa đâu”.
Rồi tiếp tục câu chuyện với chú: “Hôm đó vì quá đau khổ trước sự ra đi của con trai, Thiện đã ôm lấy tôi để cho vơi bớt nỗi đau, đúng lúc đó thì cậu về, chúng tôi chưa kịp giải thích thì cậu đã bỏ đi. Cô ấy đuổi theo nhưng không kịp. Chúng tôi hoàn toàn trong sáng.
Tôi luôn cho rằng có nhiều tiền thì sẽ hạnh phúc, nhưng khi chứng kiến cảnh gia đình cậu tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ, tôi nhận ra rằng gia đình mới là điều quý giá nhất, phải biết trân trọng và gìn giữ, tuy có nghèo khổ nhưng vẫn thương yêu nhau là được”.
Trầm ngâm một lát, với vẻ mặt ân hận rồi cha nói tiếp: “Tôi luôn hận vợ mình vì cô ấy mà tôi mất đi công danh sự nghiệp, vì cô ấy mà tôi phải về nơi cô quạnh nhàm chán này, chính tâm thù hận đó mà tôi đã đánh mất gia đình mình”, cha ngưng lại một lúc, lấy tay lau nước mắt rồi cha nói tiếp: “Tôi đã hứa với lòng mình ngay khi giúp Thiện tìm được cậu, tôi sẽ về xin lỗi vợ và con, sẽ chung sống bên họ chọn kiếp người, dù cuộc sống có nghèo đói tôi cũng cam lòng, nhưng… không kịp nữa rồi”.
Lúc này giọng của cha đã nấc lên thành từng tiếng, dường như cha đã muốn khóc thật to, nhưng ông vẫn nén lại: “Vào cái ngày cậu bỏ đi vợ cậu đã mang bầu được 1 tháng, định khi cậu về sẽ nói cho cậu biết, để cậu nguôi ngoai phần nào nỗi mất mát kia. Gần một năm qua chúng tôi tìm cậu khắp mọi nơi, cách đây ba ngày tôi đã nằm mộng gặp vợ mình, được cô ấy chỉ về đây. Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành, chỉ có người đã chết mới báo mộng thôi, có lẽ nào. Tôi đã muộn mất rồi!”, giọng cha nghẹn ngào.
Khi nghe cha nói chú như chết lặng người, khuôn mặt ngây dại ngồi sụp xuống, lúc nãy chú còn định dạy cho cha một bài học. Chú ước gì lúc đó mình nhẫn nại một chút, không hấp tấp, không để cảm xúc điều khiển thì mọi chuyện đâu đến cơ sự như ngày hôm nay.
Đúng lúc này, một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi mang bầu bước vào, cô nhìn chú rồi xoa bụng mình mỉm cười rồi nói: “Nó đã mười tháng rồi vẫn chưa chịu ra, là bé gái bướng bỉnh đây”. Hai người họ ôm nhau rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Vậy là tôi lại đã có một người mẹ, hai người cha và một em gái. Một cuộc sống mới bắt đầu từ đây.
Theo Daikynguyenvn