Có người tuy sống ở dương gian, nhưng lại giữ chức vụ ở âm giới, những người này đều có thể qua lại giữa hai giới âm dương. Trong rất nhiều điển tích xưa đã từng ghi chép về những chuyện lạ như vậy.
Người phụ nữ thời Đường khỏi bệnh, trở thành nữ sứ giả nhiếp hồn
Trong cuốn “Minh báo ký” của Lại bộ Thượng thư Đường Lâm đời nhà Đường, có ghi chép về câu chuyện đi lại giữa hai giới âm dương này.
Ở Khúc Phụ thuộc tỉnh Duyện Châu thời nhà Đường có người họ Nghê mua được một thê tử họ Hoàng Phủ, cô vì bị bệnh nên thành tâm cầu nguyện với Thái Sơn Phủ Quân, không lâu sau thì khỏi bệnh.
Có điều từ đó về sau, cô đã có thêm một thân phận mới – “sứ giả nhiếp hồn của âm giới”, nhận lệnh đi hút hồn phách của người trần.
Mỗi khi âm giới phái cô đi hút hồn phách của con người, cô đều giống như bị hôn mê nằm yên ở đó, không hề động đậy, mỗi lần như thế kéo dài đến hai ngày. Sau khi làm xong việc, cô mới tỉnh lại, trở về với trạng thái bình thường.
Cứ như thế, cô đã hút không ít hồn phách của con người. Cô nói, có một lần cô nhận lệnh đi hút hồn phách của con gái lĩnh quân họ Bàng. Bởi vì sân nhà họ Bàng đã lập đàn trai giới tụng kinh, mọi người đều tụng niệm, cô vì thế mà quanh quẩn rất lâu cũng không thể bước vào trong nhà.
Sau đó, nhân lúc giờ nghỉ, cô nhìn thấy có người cầm một cây nến đi vào phòng của bệnh nhân, cô liền vào theo, lấy mất hồn phách của cô con gái nhỏ nhà lĩnh quân họ Bàng.
Có người hỏi cô vì sao lại lấy mạng của tiểu thư họ Bàng, cô nói, con trai thứ tư của Thái Sơn Phủ Quân muốn lấy mạng của cô ấy, mà Phủ Quân lại không biết chuyện này.
Người phụ nữ họ Hoàng Phủ còn nói rất nhiều điều về địa phủ. Cô nói, địa phủ vô cùng ngăn nắp, rất có nề nếp quy củ. Cô còn nói, người ở địa phủ cáo trạng người trên dương gian rất nhiều. Chỉ là, người bị cáo trạng cũng có chút may mắn, sứ giả địa ngục không thể hút hồn phách của người đó; nếu như người đó thực sự có tội, muốn lấy được hồn phách của người đó, lại rất dễ dàng.
“Minh báo ký” còn viết rằng, lúc ấy, người phụ nữ làm quan chức cho địa phủ vẫn còn sống. Hơn nữa còn có đến ba bốn người đàn ông cũng giữ chức vụ ở địa ngục như cô ta, thế nhưng điều đáng tiếc là, Đường Lâm không biết tên của bọn họ, không có ghi chép lại.
Danh nhân giới tư pháp đảm nhận chức quan địa phủ
Vào thời kỳ cuối nhà Thanh, đầu thời Dân Quốc, cũng có người trần có thể qua lại giữa hai giới âm dương.
Lúc này, giới tư pháp có một người tên là Lê Chú. Năm Lê Chú mười chín tuổi, vào một đêm kia, ông ta đã mơ một giấc mơ, trong mơ có người muốn ông giúp đỡ, ông ta liền đồng ý ngay. Sau bốn năm ngày, người đó lại tiếp tục xuất hiện trong giấc mơ của Lê Chú, nhưng lại dùng xe ngựa đưa Lê Chú đến công đường tra hỏi tội phạm ở địa phủ.
Từ đó về sau, ngày nào sau giờ ngọ hoặc là giữa đêm khi Lê Chú đang ngủ, cũng đều đi vào địa phủ ở trong mơ. Cứ như vậy, ông ta làm thẩm phán địa ngục suốt 4, 5 năm.
Bạn của Lê Chú biết được câu chuyện thần kỳ này, liền viết những gì Lê Chú nhìn thấy ở địa phủ thành quyển “U Minh vấn đáp ký”. Theo những gì sách ghi chép, Lê Chú là bộ hạ dưới trướng Đông Nhạc đại đế, đảm nhận chức vụ thẩm phán, quản lý năm tỉnh Hoa Bắc. Đông Nhạc đại đế là một trong Ngũ Nhạc đại đế, là vị thần do Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống nhân gian xem xét thiện ác, cũng là thượng cấp của Diêm Vương, người chưởng quản địa phủ.
Lê Chú chủ yếu phụ trách xét xử những người chết trong vòng mười tháng, thẩm tra xử lí những việc thiện ác họ đã làm nơi trần thế. Qua thời hạn mười tháng, sẽ có vị quan khác phụ trách.
Lê Chú nói, nhiều kiếp trước ông ấy từng làm thẩm phán, vì thế, khi liên quân tám nước tiến đánh Bắc Kinh, vì số người chết trong chiến loạn quá nhiều, âm giới quá bận rộn, thế nên tìm Lê Chú giúp đỡ xét xử người chết.
Hiểu biết sơ lược về ma quỷ nơi địa phủ
Lê Chú làm thẩm phán nơi địa phủ suốt 4, 5 năm, đã quan sát địa phủ thật tỉ mỉ. Ông ấy nói, âm giới cũng có đồ ăn thức uống, nhưng không ngon bằng trên trần gian. Những ma quỷ chúng sinh nơi địa phủ một lần ăn uống là có thể no cả một ngày, không cần mỗi ngày ăn ba bữa.
Âm giới cũng có cả ngày lễ, có tiệc tùng, cũng có cưới hỏi và sinh con đẻ cái; có cả con đường buôn bán quy mô nhỏ, mua một ít thức ăn, tạp hóa, dùng tiền giấy mà người trần gian đốt xuống thì đều có thể mua được.
Cách ăn mặc của chúng ma quỷ nơi địa phủ cũng giống với người trên dương thế, cũng có giường chiếu, chăn bông các thứ, nhưng Lê Chú chưa từng thấy họ sử dụng chúng. Bởi vì quỷ hồn có thể tùy ý dựa vào mọi thứ, cứ thế nhắm mắt nghỉ ngơi, không giống như người dương gian phải ngủ bảy tám tiếng đồng hồ.
Thẩm phán địa phủ xét xử công bằng, kị nhất là giết người và tà dâm
Dương gian có hình phạt, thì địa phủ cũng có. Lê Chú nói hình phạt nơi địa phủ không những đa dạng, mà còn nghiêm khắc hơn hình phạt của nhân gian gấp trăm lần.
Có người từng hỏi, thẩm phán địa phủ có từng xử sai án hay không? Lê Chú trả lời rằng: “Không thể xảy ra sai sót được”. Ông nói, bởi vì địa phủ luôn điều tra tội trạng của các linh hồn một cách cẩn thận và luôn có bằng chứng xác thực, địa phủ xét xử cũng rất công bằng. Hơn nữa địa phủ cũng rất tôn kính đức hạnh, nam lấy trung hiếu làm đầu, nữ lấy tiết hạnh và hiếu đạo làm đầu; tội danh đáng căm ghét nhất chính là sát sinh và dâm loạn.
Nữ sứ giả nhiếp hồn thời Đường họ Hoàng Phủ và Lê Chú cuối thời Thanh đầu thời Dân Quốc đi lại giữa hai giới âm dương, đem lại không ít những thông tin về địa phủ, giúp người đời có thêm nhiều hiểu biết và kính nể hơn một chiều không gian khác mà con người không thấy được.
Những ghi chép này cũng đã giúp cho những người có khát vọng đi tìm chân tướng của sinh mệnh, mở ra một cái nhìn mới hơn, nhận thức hơn về một thế giới khác.
Tiểu Minh