Nhân quả báo ứng là chân lý bất biến trong vũ trụ, vô luận con người tin hay không tin thì đều phải chịu nhận sự chế ước này. Nhiều thí dụ cụ thể đã được ghi chép lại trong các cuốn cổ thư để cảnh báo hậu nhân, dưới đây là một số câu chuyện.
Lâm Hy là một người sống vào triều đại nhà Tống, đã từng giữ chức Trung thư xá nhân. Thời đó, Trung thư xá nhân là một chức vị quan trọng, không chỉ phụ trách các loại văn thư của lục phòng (lại, hộ, lễ, binh, hình, công), mà quan trọng hơn cả là khởi thảo chiếu lệnh của Hoàng đế. Tuy nhiên, không lâu sau khi Lâm Hy nhậm chức, do ông ta đã làm nhiều việc bất lương, cũng chính là nói phẩm hạnh của ông ta không có gì tốt đẹp, nên đã bị giáng chức, phải rời khỏi kinh thành.
Chương Đôn khi đó đang là Tướng quốc. Ông ta luôn muốn hãm hại những người chính trực muốn can gián Hoàng đế. Vì không tìm được người thích hợp để đảm nhận chức Trung thư xá nhân nên ông ta rất buồn phiền. Đúng lúc này có người tiến cử Lâm Hy cho ông ta. Vừa hay Lâm Hy đến kinh thành nhậm chức tri phủ Thành Đô, thế là Chương Đôn liền triệu kiến ông ta, hứa hẹn với ông ta về việc phong quan tiến chức. Lâm Hy cho rằng đây là một cơ hội tốt nên đã đi theo Chương Đôn, dốc lòng dốc sức dùng mực bút để đả kích và gièm pha các nhân sĩ trực ngôn.
Lúc bấy giờ, các chiếu lệnh vu oan, giáng chức những người như Tư Mã Quang đều là do Lâm Hy khởi thảo, lời lẽ và cách hành văn “vô cùng thậm tệ”, người đương thời không ai là không phẫn nộ. Lâm Hy và anh em Tô Thức đã từng có giao vãng với nhau, ông ta đã từng miêu tả cha con Tô Thức bằng một câu đối như thế này: “phụ tử dĩ văn chương quan thế, mại uyên, vân, tư mã chi tài; huynh đệ dĩ phương chính quyết khoa, quan triều, đổng, công tôn chi đối” (cha con đều đứng đầu về văn chương trong mỗi thế hệ, uyên thâm vô cùng, tài năng như họ nhà Tư Mã; anh em đều chính trực trong công việc triều chính, cương trực và trách nhiệm, sánh ngang với họ nhà Công Tôn). Vậy mà khi soạn thảo chiếu lệnh để giáng chức Tô Thức, ông ta đã viết, “Tô Thức, cùng với cha và em trai, đều tham lam và lạm quyền. Họ thường lừa dối người khác vì lợi ích bản thân”.
Chương Đôn đã đặt những người như Lâm Hy vào các chức vị quan trọng, kết thành một bè lũ gian tà, khiến nhiều đại thần bị đi đày ở Lĩnh Nam, rất nhiều người đã bị liên lụy. Không những vậy, Chương Đôn còn muốn giết tất cả những người bị đi đày, khiến họ tan cửa nát nhà. Người trong thiên hạ lúc bấy giờ đều biết rằng những trung thần kia là bị oan uổng. Tống Triết Tông đã nói: “Trẫm tuân theo di chế của tổ tiên, chưa từng bao giờ giết hại đại thần, phải phóng thích họ ra và không được trị tội họ”. Do vậy, Chương Đôn và những người của ông ta không còn tiếp tục làm loạn được nữa.
Thực tế, Lâm Hy không phải là không nhận thức được những hành vi đê hèn của mình. Một lần nọ, sau khi thảo xong chiếu lệnh để gièm pha một người khác, ông ta đã ném cây bút xuống đất và nói: “Danh dự và tiết tháo của ta đã bại hoại quá rồi!”. Ông ta biết rõ rằng mình đang vu oan hãm hại người khác và việc này sẽ hủy hoại danh tiết của ông ta. Tuy nhiên, ông ta đã quá ham mê quan cao lộc hậu, giữa “danh tiết” và “quyền vị” thì ông ta lại lựa chọn “quyền vị”.
Sau khi Chương Đôn thất thế và bị bãi chức, Lâm Hy đã bị giáng chức nhiều lần. Sau này ông ta bị bệnh, mười đầu ngón tay của ông ta bị thối rữa và bị rụng hết, lưỡi cũng bị lở loét và rụng ra.
Xem tiếp Phần 2
Theo minhhue.net