Nhân quả báo ứng là chân lý bất biến trong vũ trụ, vô luận con người tin hay không tin thì đều phải chịu nhận sự chế ước này. Có người khi nghe nói đến nhân quả báo ứng liền lập tức tin tưởng, từ đó tự giác tuân thủ đạo đức, sống một cuộc đời lương thiện.

3_7_1338134065_18_1338083006-set-danh1-03e04Tiếng sét thần kỳ đánh chết kẻ ác. (Ảnh minh họa: t/h)

Nhưng cũng có người không tin và cũng không muốn nghe, cho rằng người khác không nhìn thấy những việc mình làm, không có ước thúc của tâm linh, tùy tiện gây ra nhiều tội nghiệp, vì làm trái với thiên lý và lương tri nên phải gặp ác báo.Nhiều thí dụ cụ thể đã được ghi chép lại trong các cuốn cổ thư để cảnh báo hậu nhân, dưới đây là một số câu chuyện.

  1. Tiếng sét thần kỳ đánh chết kẻ ác, người tốt sống lại

“Tên vô lại” là biệt hiệu của một thiếu niên hư hỏng, anh ta ngang ngược hống hách, chuyện tốt không làm, chỉ làm chuyện xấu, bụng dạ xấu xa, mọi người gọi là “tên vô lại”, còn tên thật của anh ta thì đã hoàn toàn bị quên lãng.

Tên vô lại có một người anh trai, đi đây đó làm ăn buôn bán, chỉ có chị dâu một mình ở nhà. Một hôm, có một cậu bé đến nhà chơi, tên Ngô Sinh, là cháu trai của chị dâu. Cậu bé đến thị trấn để mua gạo, đi ngang qua đây, vì đi liền một mạch, nên vừa đói vừa khát, liền đặt bao gạo ở trước phòng khách, ra phòng sau ăn cơm với người cô.

Sau khi ăn xong, Ngô Sinh quay lại phòng khách chuẩn bị gánh ngũ cốc tiếp tục lên đường, nhưng đưa mắt nhìn quanh, bao gạo đã không cánh mà bay.

Ngô Sinh khóc lóc nói với cô: “Cha già đang đợi ở nhà để dùng bao gạo này, giờ gạo không còn, cha sẽ đuổi cháu ra khỏi nhà. Cháu thà chết ở đây, chứ không đành lòng nhìn thấy cha già phải tức giận nhịn đói”.

Người cô thấy cháu khóc sướt mướt đáng thương, hết lời an ủi, lấy gạo trong nhà đóng thành một bao, bảo cháu gánh về.

Ngô Sinh mới đi được nửa đường, thì bị tên vô lại chặn lại nói: “Hôm nay ngươi trộm gạo của nhà người ta, người ta sai ta đến đòi, ngươi mau đặt gạo xuống, nếu không, ta sẽ trói ngươi lại, nhốt ngươi vào nha môn”. Ngô Sinh từ nhỏ vốn thật thà, nhát như chuột, thấy tình hình như vậy, liền bất đắc dĩ bỏ gạo lại.

Tên vô lại gánh gạo về nhà, nói với chị dâu: “Đúng là đồ đàn bà thối tha, không biết xấu hổ, huynh của ta không có nhà, ngươi lại dám lén lút đem gạo cho đàn ông khác. Ta đã cướp về rồi, đợi huynh của ta trở về, ta sẽ nói hết với huynh ấy!”.

Người chị dâu biết hắn không từ việc ác nào, nói được là làm được. Nên bèn giải thích: “Đó không phải ai xa lạ, là cháu của chị, đi mua gạo tạt vào đây. Lúc đến thăm chị thì làm mất gạo, không dám về nhà, nên chị mới đong cho cậu ấy một bao”.

Tên vô lại bỏ ngoài tai những lời đó, hắn lại nói một tràng rằng chị dâu tư thông với người khác, rồi nghênh ngang bỏ đi. Chị dâu không thể chứng minh cho sự trong sạch của mình, càng nghĩ càng tức, liền treo cổ tự tử.

Tên vô lại nghe thấy, trong lòng mừng thầm, liền gọi mấy tên lưu manh, trói Ngô Sinh lại. (Ảnh minh họa: t/h)

Ngô Sinh nghe tin cô tự vẫn, vội về hộ tang, khóc nói: “Cái chết của cô, đều là do cháu”. Tên vô lại nghe thấy, trong lòng mừng thầm, liền gọi mấy tên lưu manh, trói Ngô Sinh lại, đưa lên quan phủ để kiện.

Đột nhiên, cơn dông ùn ùn kéo đến, trời đất âm u, người đối diện còn chẳng thấy mặt nhau. Một lúc sau, trời quang mây tạnh, thì mọi người thấy tên vô lại đã bị sét đánh chết ngoài cửa, còn người chị dâu thì sống lại một cách thần kỳ.

Khi dọn dẹp căn phòng của tên vô lại, phát hiện thấy hai bao gạo đều ở đó. Ngô Sinh liền gánh gạo của mình trở về, còn người chị dâu cũng được sống những ngày yên ổn. Mọi người đều nói: “Ác nhân ắt có ác báo, quả đúng là thiên lý chiếu rọi!”.

(Trích trong “Nhĩ thực lục” của Lạc Quân triều Thanh)

  1. Bức hại ngông cuồng, báo ứng của Tào Dật Âu

Tào Dật Âu sở dĩ nổi tiếng, không phải chỉ vì bà là vợ của Khang Sinh, mà bà với Khang Sinh đều là những tay sát nhân và đàn áp trong giới chính trị hiện đại của Trung Quốc. Trong một số chuyện, bà thậm chí còn độc ác và nham hiểm hơn Khang Sinh.

Lúc còn sống, Tào Dật Âu từng mắc một căn bệnh lạ, căn bệnh này có liên quan lớn đến những năm tháng điên cuồng vô lối trong giới chính trị của bà.

Sau khi Khang Sinh chết, Tào Dật Âu từ con hẻm Tiểu Thạch ở Bắc Kinh chuyển đến căn lầu số 22 Mộc Tê Địa, ngôi lầu này vốn được xây riêng dành cho cán bộ cấp bộ trưởng, ông Vương Quang Mỹ cùng rất nhiều lão cán bộ đã từng bị Khang Sinh, Tào Dật Âu bức hại đều đã từng sống ở đây.

Sau khi Tào Dật Âu chuyển đến ở trong nhà lầu này, lúc nào cũng cảm thấy giống như sống trong nhà ngục. Những lời nguyền rủa, oán hận của mọi người khiến bà ta ngày đêm sợ hãi, lo lắng, đau khổ, căng thẳng không yên.

Bà ta sợ tiếng gõ cửa, sợ tiếng vang, và càng sợ người, nhất là những người già và người trung niên đã từng bị bà bức hại. Bà thường mơ thấy ác mộng cả ngày lẫn đêm, mơ thấy có rất nhiều người hung ác hình thù quái dị muốn giết, đuổi đánh bà. Về sau thậm chí ngay giữa ban ngày còn nhìn thấy những oan hồn đến tìm bà ta đòi mạng, khiến bà hoảng sợ không chịu nổi dù chỉ một ngày.

Một hôm chạng vạng tối, cháu gái bà vừa đi vào phòng, bà liền ngã vật xuống đất, quỳ lạy đứa cháu gái, kêu khóc rằng: “Bây giờ có người muốn tìm ta trả thù, muốn giết hại ta, làm ơn hãy cứu ta mau lên, nếu không ta sẽ chết mất!”.

Đứa cháu gái không hề hoang mang vì mấy năm gần đây, Tào Dật Âu điên điên khùng khùng, nói năng lung tung, nói những lời chẳng đâu ra đâu, làm những chuyện khó hiểu đã là chuyện như cơm bữa, hơn nữa càng ngày càng nghiêm trọng. Năm 1991, bà đã kết thúc một đời của mình trong sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi.

Đó là những năm cuối đời bệnh tật của Tào Dật Âu. Sau khi mất đi quyền thế, Tào Dật Âu sống trong những ngày tháng bị người đời lên án và chỉ trích.

Tuệ Tâm, theo Secret China