Trong trời đất bao la, mọi người đều tin rằng có một bàn tay vô hình, đến lúc thích hợp sẽ trừng phạt kẻ ác, ban thưởng người lương thiện. Đây chính là điều mà người ta hay nói “trời cao có mắt!”.
Năm 31-32 Khang Hi (1692 – 1693), ở Tây An phát sinh nạn đói. Lương thực thiếu thốn, giá hàng hóa lên nhanh, giá gạo cũng tăng cao, một đấu gạo bán cả ngàn đồng. Người dân nghèo không thể mua được gạo mà ăn, chỉ còn biết chết đói nằm bên đường.
Huyện Vị Nam có một người tên là Triệu Ngọ, anh ta nghĩ đủ mọi biện pháp để đổi lấy một chút lương thực, nhưng khó mà làm thế mãi được. Vì vậy Triệu Ngọ mang theo mẹ già và vợ cùng đi đến “miền đất lành” – khu vực tỉnh Hồ Quảng để ăn xin.
Trên đường đi, mẹ của Triệu Ngọ đi lại khó khăn nhưng lại ăn uống rất nhiều, Triệu Ngọ trở nên khó chịu với bà. Nhưng Vương Thị – vợ của Triệu Ngọ lại đối đãi với mẹ chồng rất hiếu thuận, cho dù bụng ăn không no, nàng vẫn cẩn thận chăm sóc mẹ chồng già yếu.
Tháng tư năm Khang Hi thứ 30, cả nhà Triệu Ngọ đi đến khu vực miền núi của Thương Châu. Triệu Ngọ nói với vợ: “Mẹ già đi lại không tiện, nàng gánh hành lý đi trước, ta sẽ dìu mẹ từ từ đi theo sau”. Vương Thị cũng tin là thật, nên gánh hành lý tranh thủ lên đường đi trước.
Đi được một đoạn, Vương Thị ngồi nghỉ bên đường để chờ người nhà. Không lâu sau chỉ thấy Triệu Ngọ một mình vội vàng chạy đến, nhưng không thấy mẹ chồng đâu. Vương Thị mới hỏi chồng: “Mẹ đâu rồi?”. Triệu Ngọ nói: “Chỉ một lát nữa sẽ đến thôi”.
Vương Thị bức xúc nói: “Mẹ đã già rồi, chàng sao có thể để cho mẹ đi một mình như vậy được!”. Vì vậy đưa gánh hành lý cho Triệu Ngọ, còn bản thân chuẩn bị đi dọc lại theo đường cũ để tìm mẹ chồng. Không ngờ Triệu Ngọ thẹn quá hóa giận, tát cho Vương Thị mấy chục cái liền, rồi tự mình gánh hành lý đi trước.
Vương Thị đi trở lại đến một chỗ hẻo lánh, trông thấy mẹ chồng bị trói trên một cái cây, trong miệng bị nhét đầy đất, cũng sắp tắt thở rồi. Vương Thị nhìn thấy vô cùng hốt hoảng, vội vàng cởi trói cho bà, đồng thời lấy đất trong miệng của bà ra, rồi nhanh chóng đưa bà tới suối để rửa sạch, lúc này mẹ chồng mới dần dần tỉnh lại.
Mẹ chồng và con dâu cùng ngồi nghỉ ngơi một lát, Vương Thị cõng mẹ chồng đi được hai dặm, chợt thấy đồ đạc của nhà mình vương vãi khắp nơi. Vương Thị nhìn xung quanh thấy quần áo rồi đồ dùng bị dính máu, lúc này trong tâm đã hiểu rõ, nàng khóc lóc nói:
“Ông trời ơi! Triệu Ngọ đại nghịch bất hiếu, bị hổ ăn thịt rồi. Nhưng anh ấy cũng không phải là chết do bị hổ ăn thịt, mà chính là bị thần linh khiển trách!”. Người qua đường nghe thấy nàng nói, ai cũng phải thở dài ngao ngán.
Vương Thị tiếp tục cõng mẹ chồng đi trên đường thật lâu, khi đến chỗ một doanh trại. Nàng lúc này vừa mệt vừa đói, không thể đi được nữa rồi, liền để mẹ chồng xuống, hai người đều ngồi nghỉ một chút.
Thật khéo thay, lúc ấy Thái thú Đới Lương Tá đang ở trại Long Câu phát lương thực để cứu trợ thiên tai. Đới Thái thú nhìn thấy hai mẹ con bên đường, mới gọi Vương Thị đến để hỏi thăm, bởi vậy biết được chuyện gì đã xảy ra. Đới Thái thú cảm thấy Vương Thị là người hiếu đức, liền ban thưởng cho nàng không ít tài vật, để nàng trở về quê Vị Nam có thể phụng dưỡng mẹ chồng thật tốt.
Người xưa có câu “Trong trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu” và “thiện ác có báo”, nhưng không ai có thể ngờ tội bất hiếu lại có thể nhận báo ứng nhanh đến vậy. (Ảnh: Pinterest)
Mọi người thường nói “Nhân gian như là sân khấu kịch”, những sự tình trên thế gian đều tuần hoàn lặp lại, cách đây hơn năm trăm năm cũng diễn ra một câu chuyện tương tự như vậy…
Năm thứ ba Càn Đạo thời Tống Hiếu Tông (năm 1167), Lam Thúc Thành đảm nhiệm chức Thái thú Lâm Xuyên. Người nhà của ông cũng đi theo đến Phong Thành, dọc đường ở bờ suối, nghe đâu dân chúng ở chỗ ấy có xảy ra một chuyện, cũng đem chuyện này báo lại cho Thái thú. Lam Thái thú thuật lại chuyện này cho đại học sĩ Hồng Mại, nhờ ông ghi lại để truyền cho đời sau.
Lúc ấy ở Giang Tây xảy ra lũ lụt, dân chúng ở gần bờ sông phải nhanh chóng di dời chỗ ở. Tại Phong Thành có một người nông dân cũng chuẩn bị mang mẹ già, vợ và hai con đi về phía Lâm Xuyên.
Giữa đường, bọn họ gặp phải một dòng suối, người chồng nói với vợ: “Bây giờ lương thực quá đắt, căn bản không thể đủ ăn. Chúng ta một nhà năm người cũng khó mà sống nổi. Bây giờ ta sẽ cõng hai con vượt qua suối trước, nàng ở phía sau chậm rãi đi tới. Mẹ già đã bảy mươi tuổi, vừa già lại bị bệnh, thành vô dụng rồi, còn liên lụy đến người khác nữa. Dứt khoát phải bỏ bà lại ở chỗ này thôi. Bà nhất định sẽ không qua suối được đâu, trong nhà bớt đi một miệng ăn cũng coi như là may mắn rồi”. Vì vậy cõng hai đứa bé băng qua suối trước, rồi cứ hướng Bắc mà đi.
Người vợ thương xót mẹ chồng, thật sự không đành lòng bỏ bà ở lại, vì vậy dìu bà cùng đi qua suối. Không ngờ hai chân lại sa vào vũng lầy, người vợ cúi đầu lấy giày lên, cảm giác có một “cục đá” vướng vào tay, mới thuận tay mà cầm lên, thì thấy đó chính là một thỏi bạc.
Người vợ vui mừng nói với mẹ chồng: “Vì quá nghèo chúng ta mới phải đi tha hương. Không ngờ lại được ông trời ban cho khối bạc này, tuy không thể làm chúng ta giàu có được, nhưng chắc cũng có thể dùng để làm kế sinh nhai. Chúng ta trở về thôi, xem chỗ nào được thì dựng nhà để ở”.
Nói xong liền dìu mẹ chồng lên bờ, để cho bà ngồi xuống đợi, còn nàng một mình đi qua suối để báo cho chồng biết tin này.
Nàng lên bờ tìm thì chỉ thấy hai con nhỏ đang ngồi nghịch đất cát. Nàng liền hỏi: “Cha của các con đâu rồi?”. Con nhỏ nói: “Chúng con vừa đến đây, cha đã bị một con trâu đầu vàng có vằn đen cắn lôi vào trong rừng cây rồi”.
Người vợ nghe xong vô cùng kinh hãi, nhanh chóng chạy vào trong rừng, không may người chồng của nàng đã bị hổ ăn thịt rồi, chỉ còn sót lại một ít xương và tóc.
Người xưa có câu “Trong trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu” và “thiện ác có báo”, nhưng không ai có thể ngờ tội bất hiếu lại có thể nhận báo ứng nhanh đến vậy.