Những tháng vừa qua, giới khoa học đã chứng kiến các hiện tượng hiếm gặp ở Bắc Cực như sét đánh, mưa rơi, nhiệt độ nóng bất thường… gây ra những hậu quả nghiêm trọng và cực kỳ khó lường. Mới đây nhất là những cơn bão có thể đem nhiệt lên vùng cực gây tan băng nhanh chóng ở khu vực này.
Theo hình ảnh bản đồ vệ tinh trên trang Earth Nullschool, hiện có một cơn bão lớn đang đi vào khu vực Vịnh Hudson và Hành Lang Tây Bắc (Northwestern Passage) thuộc lãnh thổ Canada ở Bắc Cực. Bên cạnh đó cũng có thêm một cơn bão đang hình thành ở khu vực phía Nam đảo Greenland và di chuyển lên Bắc Cực ngang qua Biển Na Uy. Và đây là những cơn bão sẽ đem nhiệt lên vùng cực, gây tan băng ở tốc độ kinh khủng nhất.
Các nhà khoa học tại Đại học Tokyo đã sử dụng hệ thống siêu máy tính để tạo ra các mô hình thời tiết từ các số liệu thu thập được, như nhiệt độ, độ ẩm, gió, dòng chảy đại dương và lượng mưa. Bản đồ này đã tạo sự chú ý lớn trong dư luận khi nó cho thấy những cơn bão bất thường đang đẩy nhanh sự tan băng ở vùng cực. (Ảnh: Earth Nullschool)
Những hiện tượng lạ thường khác gần đây
Ngoài 2 cơn bão, những tháng gần đây, giới khoa học cũng chứng kiến các hiện tượng bất thường khác hiếm khi xảy ra ở Bắc Cực như mưa rơi, sét đánh, nhiệt động nóng kỷ lục…
Các nhà khoa học cho biết, họ rất đã ngạc nhiên khi phát hiện mưa rơi ngay cả trong mùa đông lạnh giá kéo dài ở Bắc Cực. Điều đó cho thấy thời tiết ở vùng cực này đã bắt đầu ấm lên và có hình thái khí hậu như vùng cận cực và ôn đới.
Cụ thể, nếu trước đây trong giai đoạn đầu của nghiên cứu khoảng những năm 1980, chỉ có khoảng 2 cơn mưa hàng năm vào mùa đông, còn hầu hết các cơn mưa thường xảy ra vào mùa hè, khi nhiệt độ không khí ở mức 0 độ C, thì đến năm 2012 con số ấy đã tăng lên 12 cơn mỗi năm.
Một dấu hiệu khác cho thấy Vành đai Bắc Cực cũng đang trải qua một loạt thời tiết đáng sợ là việc xuất hiện những đợt sấm sét ở bầu trời cách điểm cực khoảng 483km. Đương nhiên từ trước đến nay Bắc Cực vẫn có sấm sét, nhưng chưa chúng bao giờ ở gần đến vậy.
Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, các cơn mưa đang xuất hiện thường xuyên hơn ở đảo Greenland (Đạn Mạch) làm đẩy nhanh quá trình tan băng
2019 còn có thể là một năm tai họa khác đối với Bắc Cực khi nhiệt độ tại đảo Greenland đã tăng lên mức kỷ lục, đẩy nhanh tốc độ tan băng khiến giới khoa học dự báo khối lượng băng tan năm nay có thể vượt mức kỷ lục ghi nhận năm 2012.
Theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ) vào ngày 26/7, nhiệt độ ở ngôi làng Markusvinsa phía Bắc Thụy Điển tại rìa phía Nam Vành đai Bắc Cực đã chạm ngưỡng 34,8°C. Đáng chú ý hơn, nhiệt độ này được ghi nhận vào buổi chiều, và đó cũng là con số kỷ lục được ghi nhận tại khu vực này.
Những con số tương tự cũng xuất hiện tại các vùng lãnh thổ khác. Như làng Saltdal của Na-Uy, nhiệt độ lên tới 35,6°C, còn Alaska – vùng đất thường xuyên ngập chìm trong băng giá – cũng phá kỷ lục khu vực với 32°C.
Hình ảnh cháy rừng ở Bắc Cực. (Ảnh: NASA)
Bên cạnh đó, những đợt cháy rừng lớn kinh khủng trải rộng khắp Alaska, Alberta, Greenland và Siberia cũng đang khiến tình hình ở vùng đất băng giá này tệ hơn rất nhiều.