Hôm qua (ngày 4/6), người Hoa ở khắp nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn, trong đó hoạt động kỷ niệm tại Công viên Victoria là hoạt động lớn nhất. Năm nay có hơn 180.000 người tham gia thắp nến tưởng niệm, số người tăng 50% so với năm ngoái, và tiếp tục đạt con số kỷ lục.

ScreenHunter_11Hơn 180.000 người tham gia thắp nến tưởng niệm thảm sát Thiên An môn 1989

8 giờ tối ngày 4/6 (giờ Hồng Kông), Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc đã tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm sự kiện thảm sát Thiên An Môn (hay còn gọi là sự kiện Lục Tứ). Một tiếng trước khi buổi lễ bắt đầu, đã có rất nhiều người đến, đến 7h50 tối thì số người đã chật 6 sân bóng trong Công viên Victoria. Buổi thắp nến tưởng niệm bắt đầu được 40 phút, vẫn còn có rất nhiều người tiếp tục đến. Nhiều người không thể vào được nữa, nhưng họ vẫn kiên trì đứng bên ngoài vỉa hè để cùng thắp nến tưởng niệm. Sau khi ban tổ chức tuyên bố 6 sân bóng, bên ngoài vỉa hè, sân bóng rổ đã đông chật người, phía cảnh sát đã buộc phải dựng hàng rào thép để ngăn những người đến sau.

Sau buổi lễ tưởng niệm, Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc dự tính năm nay số người tham dự khoảng hơn 180.000 người, nhiều hơn con số 115.000 người hồi năm ngoái, số người tham dự cũng đạt mức kỷ lục trong các năm. Còn theo phía cảnh sát cho biết, thống kê năm nay có khoảng 37.000 người tham dự, gấp hai lần năm ngoái (khoảng 17.000 người).

ScreenHunter_1 ScreenHunter_2 ScreenHunter_3 ScreenHunter_4 ScreenHunter_5 ScreenHunter_6 ScreenHunter_7 ScreenHunter_8 ScreenHunter_9 ScreenHunter_10

 

Buổi lễ thắp nến tưởng niệm năm nay được tiến hành theo thông lệ hàng năm, có các tiết mục như dâng hoa, mặc niệm, đọc điếu văn, châm đuốc, đọc tuyên ngôn đại hội tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ, tất cả cùng hát bài hát dân chủ, phát các đoạn video ghi hình lời phát biểu của thành viên “Các bà mẹ Thiên An Môn”.

Ngoài khẩu hiệu “Bình phản Lục Tứ” (Sửa lại oan sai) buổi lễ năm nay còn hô khẩu hiệu “phản đối dẫn độ tới Trung Quốc, rút lại luật xấu” để phản đối chính phủ Hồng Kông hiệu đính “Luật đào phạm”.

Tại buổi lễ, bà Lý Lan Cúc – người từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào Lục Tứ năm 1989 đã lên sân khấu phát biểu, bà chia sẻ về tình huống xảy ra vào năm 1989 tại Thiên An Môn. Trong buổi tối xảy ra thảm sát, Lý Lan Cúc từng nghe thấy từ xa tiếng súng nổ, tận mắt chứng kiến đạn báo hiệu và chiếc áo đầy máu của người bạn quét qua trong đêm u ám, cuối cùng, bà đã cùng các sinh viên Hồng Kông khác lên xe cứu hộ rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn.

Ca sĩ Hoàng Diệu Minh lên sân khấu hát ca khúc mới để tưởng niệm sự kiện này. Hoàng Diệu Minh cũng từng đến Bắc Kinh ủng hộ phong trào sinh viên. Ông cho biết, 30 năm qua ông đều đứng dưới sân khấu, hôm nay ông lên sân khấu là bởi vì “Một nước hai chế độ” tại Hồng Kông đã bắt đầu dần “biến mất”, hy vọng mọi người tập hợp tại đây cùng nhau ngăn chặn “cự thú” (thú khổng lồ) thảm sát người dân năm xưa sẽ không tiếp tục tùy tiện tiêu diệt thế hệ tiếp theo của Hồng Kông. Ông cũng kêu gọi người dân Hồng Kông vào ngày 9/6 tới, hãy xuống đường phản đối luật dẫn đào đào phạm tới Trung Quốc.

Nhà báo Trình Tường lên sân khấu phát biểu, chỉ thẳng chính phủ Bắc Kinh đã nói dối 30 năm qua, che giấu chân tướng thảm sát Lục Tứ, khiến cho rất nhiều người Hồng Kông cho rằng năm đó họ không hề giết người. Do đó, ông cho rằng, cần thiết phải xuất bản cuốn “Tôi là phóng viên – Dấu vết ngày 4/6” (/ I am a Journalist, My June 4 Story) do 60 phóng viên trong sự kiện Lục Tứ cùng viết, để tiết lộ sự thật về cuộc thảm sát này.

Ông Châu Diệu Minh (Chu Yiu-ming ), người bị kết án trong phòng trào “Chiếm lĩnh Trung Hoàn” hồi năm 2014 cũng lên sân khấu phát biểu. Ông nói, bản thân mình chưa bao giờ quên tiếng súng và xe tăng trong đêm xảy ra thảm sát Lục Tứ đó. Ông còn cho biết, đến nay chỉ cần vẫn còn người bất đồng chính kiến bị bỏ tù, thì Hồng Kông sẽ không có tự do thực sự, ông kêu gọi mọi người cần có lòng tin, dùng tình yêu, lương thiện và công bằng chính nghĩa để đối kháng lại chính quyền bất nghĩa.

Buổi lễ còn phát video lời phát biểu của bà Trương Tiên Linh – thành viên của “Các bà mẹ Thiên An Môn”. Đến nay bà vẫn nhớ như in về cuộc thảm sát đẫm máu và tàn ác của đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như việc sinh viên, người dân Bắc Kinh coi thường cái chết để ngăn cản quân đội cách đây 30 năm. Bà cho biết, “Mặc dù trong nhóm Những bà mẹ Thiên An Môn có 56 người đã qua đời, nhưng những người chúng tôi còn sống, vẫn sẽ trước sau như một, gánh vác trách nhiệm từ những người đã khuất, dù đường còn bao nhiêu gập ghềnh, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình!”

Theo BBC và truyền thông tại Hồng Kông đưa tin, buổi lễ tưởng niệm tối ngày 4/6 còn có các nhân sĩ ở các nơi trên thế giới tới tham dự, trong đó có nhiều vị đến từ Trung Quốc Đại lục. Những vị nhân sĩ đến từ Đại lục cho biết, thông qua các kênh thông tin bên ngoài, họ đã hiểu được sự tồn tại của Lục Tứ, cảm ơn Hồng Kông tổ chức kỷ niệm Lục Tứ. Còn có du khách Đại lục dùng tên thật trả lời phỏng vấn, biểu thị không sợ hãi chính quyền Trung Quốc trả thù sau cuộc phỏng vấn, đồng thời cũng mong muốn năm nào cũng được tới tham dự lễ tưởng niệm.

Sau khi kết thúc buổi lễ tưởng niệm, Chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc Hà Tuấn Nhân (Albert Ho) cho biết, 180.000 người tới tham dự đã phản ánh người Hồng Kông “dùng ký ức chiến thắng sự lãng quên, lấy dũng khí để khắc chế sự sợ hãi”. Ông còn cho biết, số người tham gia năm nay cao kỷ lục có lẽ liên quan đến luật dẫn độ tội phạm đến Trung Quốc, tuy nhiên người tham gia buổi lễ chủ yếu vẫn lấy việc tưởng niệm liệt sĩ Lục Tứ là chính.

Tổng hợp
(Trithucvn, Photo by Gettyimages.com)