Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo vào hôm thứ Bảy ngày 25/4 rằng không có bằng chứng nào cho thấy những người xét nghiệm dương tính với coronavirus là được miễn nhiễm và bảo vệ chống lại tái nhiễm.

Cảnh báo cho thấy việc cấp “Giấy xác nhận miễn dịch” có thể thúc đẩy sự lan rộng tiếp tục của đại dịch.

“Hiện tại không có bằng chứng cho thấy những người đã hồi phục từ COVID-19 và có kháng thể là được bảo vệ khỏi lây nhiễm lần thứ hai”, WHO cho biết trong một tuyên bố.

“Cho đến ngày 24/4/2020, không có nghiên cứu nào đánh giá liệu sự hiện diện của kháng thể đối với SARS-CoV-2 có đảm bảo khả năng miễn dịch đối với lây nhiễm tiếp theo của virus này ở người hay không”.

Một số chính phủ, muốn nới lỏng giãn cách xã hội để dần dần người dân được quay trở lại làm việc và nối lại hoạt động kinh tế, đã đưa ra ý tưởng ban hành các tài liệu chứng thực khả năng miễn dịch của mọi người trên cơ sở các xét nghiệm huyết thanh cho thấy sự hiện diện của kháng thể trong máu.

Nhưng hiệu quả của việc miễn dịch nhờ kháng thể vẫn chưa được xác minh và dữ liệu khoa học hiện tại không chứng minh được việc cấp “Giấy chứng nhận miễn dịch” hay “Giấy chứng nhận không có rủi ro” là đảm bảo cho sự miễn nhiễm trở lại, WHO cảnh báo.

Tại thời điểm này trong đại dịch, không có đủ bằng chứng về hiệu quả của miễn dịch qua kháng thể trung gian để đảm bảo tính chính xác của “Giấy chứng nhận miễn dịch” hoặc “Giấy chứng nhận không có rủi ro”.

“Những người cho rằng họ miễn nhiễm với lây nhiễm lần thứ hai vì họ đã nhận được kết quả xét nghiệm dương tính có thể bỏ qua lời khuyên về sức khỏe cộng đồng”, WHO cho biết.

“Việc sử dụng các chứng chỉ như vậy có thể làm tăng rủi ro của việc lan truyền đại dịch tiếp tục.”

WHO cũng tin rằng các xét nghiệm huyết thanh học hiện đang sử dụng “cần xác nhận bổ sung để xác định độ chính xác và độ tin cậy của chúng”.

Đặc biệt, các xét nghiệm cần phải phân biệt phản ứng miễn dịch đối với coronavirus mới với các kháng thể được tạo ra trong quá trình lây nhiễm bởi một trong sáu loại coronavirus trên người đã biết, bốn trong số đó là phổ biến, gây cảm lạnh nhẹ thông thường.

Hai loại coronavirus còn lại đã gây nên các đợt dịch bệnh MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).

“Những người bị nhiễm một trong những loại virus này có khả năng tạo ra các kháng thể ảnh hưởng đến các kháng thể được tạo ra để phản ứng lây nhiễm do SARS-CoV-2 gây ra”, WHO cho biết, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần phải xác định chúng một cách rõ ràng.

Theo NTDVN.COM