Dịch bệnh đến, hàng loạt công ty đóng cửa, sản xuất đình trệ, nhiều công ty cắt giảm nhân sự, và nỗi lo thất nghiệp cận kề. Dù bạn có không may nằm trong danh sách đó, thì hãy tự trấn an bản thân rằng, dịch bệnh qua đi, một tương lai khác sẽ chờ bạn. Tuy nhiên, không có công việc ổn định, chỉ có năng lực ổn định. Để không bị “tụt” lại phía sau, bạn hãy giữ vững 4 nguyên tắc dưới đây.

1. Nghịch cảnh là cơ hội để bạn trưởng thành

Bạn có thể đã nghe câu nói này: “Cá bơi ngược dòng là cá sống, người vượt nghịch cảnh người thành công”. Mỗi người trong chúng ta, có ai mà chưa từng phải trải qua những hoàn cảnh gian khó khác nhau. Có những thử thách gian nan ấy, chúng ta mới nhận biết được sự quý giá của hai từ “thành công”. Bạn cũng đã nghe rằng trước khi trở thành những người thành công và giàu có, hầu hết các doanh nhân trên thế giới đều nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng họ không bỏ cuộc mà coi những thất bại đó là động lực và bài học để tiến lên phía trước. 

Hãy nói về Steve Jobs, khi mới 17 tuổi ông đã bỏ học tại một trường đại học đắt ngang StanFord, đã trải nghiệm cuộc sống ở nhiều khía cạnh khác nhau: tham gia các lớp học sáng tạo, tìm hiểu về tâm linh, lắp ráp máy tính… Và vào năm 1976, cùng với Steve Wozniak, hai người đã khai sinh ra Apple trong Gara để xe của cha mẹ Jobs. Sau khoảng 10 năm, từ chỗ chỉ có hai người, Apple đã mở rộng quy mô tới 4000 nhân viên và tài sản trị giá ước lượng khoảng 2 tỷ USD. 

Steve Jobs, khi mới 17 tuổi ông đã bỏ học tại một trường đại học đắt ngang StanFord, và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều khía cạnh khác nhau: tham gia lớp học sáng tạo, lắp ráp máy tính…
Steve Jobs, khi mới 17 tuổi ông đã bỏ học tại một trường đại học đắt ngang StanFord, và trải nghiệm cuộc sống ở nhiều khía cạnh khác nhau: tham gia lớp học sáng tạo, lắp ráp máy tính… (Ảnh: Getty)

Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng; năm 1985, vì bất đồng với các thành viên trong Ban giám đốc của công ty, Steve đã bị yêu cầu rời khỏi công ty do chính mình sáng lập: “Tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy”, Steve chia sẻ. 

Việc bị sa thải khỏi Apple đã trở thành cú sốc lớn với Steve Jobs tại thời điểm đó. “Nhưng có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xảy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút, nhưng với tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu lại”, Steve bộc bạch.

Sau khi rời khỏi Apple, ông bắt đầu xây dựng công ty Next và một công ty khác có tên là Pixar. Năm 1996 khi Apple mua lại Next, Jobs đã quay trở lại làm việc cho “Táo khuyết”. Tại thời điểm đó, Apple đang bên bờ vực phá sản và chính Steve Jobs đã vực dậy thương hiệu này và đưa công ty đến đỉnh cao thành công.

Mặc dù bị chính công ty của mình sa thải vào năm 30 tuổi, nhưng Steve Jobs vẫn không từ bỏ tình yêu của mình và quyết làm lại từ đầu.
Mặc dù bị chính công ty của mình sa thải vào năm 30 tuổi, nhưng Steve Jobs vẫn không từ bỏ tình yêu của mình và quyết làm lại từ đầu. (Ảnh: Getty)

Cuộc sống vốn rất công bằng, bạn bỏ bao nhiêu công sức bạn sẽ gặt hái được bấy nhiêu thành quả, dù có thể đôi khi vị ngọt ấy sẽ đến chậm hơn mong đợi của bạn. Nhưng đừng nản chí, bạn đã từng bị sa thải khỏi chính nơi mà bạn từng đặt viên gạch đầu tiên ở đó như Steve Jobs chưa? Mọi thứ không bao giờ là tuyệt vọng nếu con người ta vẫn giữ vững hy vọng. 

Nếu trưởng thành là một quá trình thì thành công có thể coi là đích đến của quá trình đó; và nghịch cảnh là “chất xúc tác” cho cuộc hành trình. Nếu bạn thấy mình đang bị “bất hạnh” trước con virus, có thể chưa tới giờ tàu vào bến, nhưng ngược lại bạn cũng hãy tự hỏi: Bạn đã nỗ lực đủ chưa? 

2. Kết nối và giao tiếp tốt với mọi người

Có câu nói: “Lời nói chính là danh thiếp đặc biệt của một người”. Một người biết cách giao tiếp, vừa biết thể hiện bản thân, vừa biết cách để ý đến cả phản ứng của những người xung quanh thường là những người nổi bật, xuất chúng. Không nên vì chán nản trong dịch bệnh mà bạn chỉ ngồi thu lu một góc ở nhà, “cáu bẳn” với tất cả bạn bè hay người thân, và cắt đứt mọi mối quan hệ. 

Trong Tam quốc diễn nghĩa, thừa tướng Gia Cát Khổng Minh đã đem ba tấc lưỡi sang Đông Ngô khuyên vua tôi Tôn Quyền liên minh đánh Tào Tháo. Một bên ông tranh luận phản biện với anh tài Giang Đông, một bên từ tốn nho nhã giải thích cho Tôn Quyền. Vừa đấm vừa xoa đã làm hai nhà Tôn-Lưu liên hợp đánh Tào, làm nên trận Xích Bích lẫy lừng. Một người có tài có thể sử dụng lời nói thiên biến vạn hóa, mục đích là đạt được công việc của mình. 

Tranh vẽ Gia Cát Lượng
Tranh vẽ Gia Cát Lượng. (Ảnh: Getty)

Có một công ty, cấp trên nhắn cho mọi người tìm lại danh sách khách hàng cao cấp trong năm qua. Duy chỉ có một nhân viên ngồi tìm lại danh sách đó, sau đó hỏi sếp xem có cần tổng hợp của cả những người khác vào trong đó hay không. Người quản lý đó nói rằng, trong tất cả mọi người, chỉ duy nhất có nhân viên đó phản hồi lại yêu cầu của ông. Cũng lại có người nhân viên, chuyên đem chuyện của người khác ra nói cho vui miệng, nói rất nhiều trên các nhóm chat công sở, sau này bị sếp phát hiện người nhân viên đó quả thực đã mất đi rất nhiều điểm trong mắt sếp, dù trước đó trong công việc anh ta có làm tốt thế nào. 

Lời nói đúng lúc cũng rất quan trọng. Những gì bạn nói ra giống như một tấm gương, trong gương chính là hình ảnh của bạn mà những người khác thấy. Những điều bạn nói và thể hiện mỗi ngày, cách bạn phản ứng đều trở thành tiêu chí đánh giá của người khác. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý đến “lời ăn tiếng nói” của mình, những lời lẽ thị phi không cần thiết hoặc gây tổn hại cho người khác thì không nên nói. Ngay từ bé đã học những câu thành ngữ như: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hoặc “học ăn, học nói, học gói, học mở”… Chính vì cách chúng ta nói chuyện, giao tiếp sẽ thể hiện tư tưởng, tinh thần cũng như phương thức làm người của cá nhân đó. Làm được điều này, cơ hội việc làm luôn rộng mở với bạn. 

3. Tận tâm làm việc đến nơi đến chốn 

Ở nơi tôi làm việc có rất nhiều người trẻ đáng lẽ phải là những nhân viên nhanh nhẹn ưu tú, hoạt bát năng động, nhưng làm một thời gian lâu trong công ty họ hình thành một thói quen rất thụ động, “có lợi cùng hưởng, có nạn thì chạy”. Những việc gì liên quan đến quyền lợi bản thân thì quản, còn lại những việc chung như dọn dẹp showroom, bê vác sản phẩm thì có khi cấp trên nói nửa ngày không thấy mấy ai động chân động tay vào. Thậm chí có những người ngay cả đến việc của bản thân cũng để quản lý nhắc nhở rất nhiều. Dần dần, người mới học người cũ, có những nhân viên mới tham gia công ty cũng đã học được thói lười biếng này của nhân viên cũ. 

Có lần, sếp yêu cầu làm thẻ giá mới dán lên sản phẩm; nói đến mấy ngày cũng không có mấy ai làm. Cuối cùng hai nữ đồng nghiệp nhận công việc này, tỉ mỉ cẩn thận ngồi lập bảng giá, in ấn, cắt ghép… Cuối năm một trong hai người đạt doanh số cao nhất phòng, sếp thưởng mấy tháng lương. Các đồng nghiệp khác lúc ấy mỗi người hãy còn chưa đủ doanh số, mới tá hỏa chạy đi chạy lại tìm cách. Họ cơ bản ngay từ đầu đã không làm việc một cách nghiêm túc tận tình, nước đến chân mới nhảy liệu có thể kịp không? 

Bạn muốn có được thành công, nếu không thể làm việc tận tâm, thì bạn không thể gặt hái được kết quả xứng đáng.
Bạn muốn có được thành công, nếu không thể làm việc tận tâm, thì bạn không thể gặt hái được kết quả xứng đáng. (Ảnh: Pixnio)

Một lần khác, khách hàng yêu cầu cử người xuống hỗ trợ sản phẩm, người nữ đồng nghiệp này cẩn thận đi cùng nhân viên kỹ thuật xuống tận nơi giám sát công trình, tư vấn giúp khách hàng phương án lắp đặt tốt nhất; sau đó với các công trình khác, vị khách này chỉ yêu cầu người này phục vụ. Lúc nhận mục tiêu công việc cho năm mới, sếp rất tự tin khuyến khích người nhân viên này nhận mục tiêu cao hơn năm trước. Bởi vì người sếp đó thấy được năng lực trong công việc của cô. 

Vậy mới biết rằng, bạn muốn có được thành công, nếu không thể làm việc tận tâm, liệu thành công có đến với bạn không? Có người làm việc gần mười năm ở công ty tôi vẫn nguyên một vị trí. Không phải họ an phận và vui vẻ với công việc đang có, mà mặc dù họ rất muốn thăng tiến và nghĩ rằng dựa vào năng lực cũng như thâm niên của mình, cấp trên đáng lẽ phải để họ ở vị trí tốt hơn từ lâu rồi. Nhưng họ không biết rằng, năng lực ngoài yếu tố về hiểu biết kỹ thuật, còn phải bao gồm cả cái tâm ở trong đó. Tiếc là đến giờ họ vẫn chưa nhận ra được, nên vẫn mãi dậm chân tại chỗ. 

4. Trau dồi bản thân, học tập không ngừng

Ở Nhật Bản có một phương thức như thế này, một người có thể chỉ làm một công việc trong 20, 30 năm thậm chí bắt đầu từ khi đi làm đến khi nghỉ hưu. Tại sao thế? Họ quá nhàm chán nên chỉ muốn làm một công việc suốt đời ư? 

Chúng ta luôn ngưỡng mộ các sản phẩm đạt đến mức tinh tế đẳng cấp từ đất nước hoa Anh Đào này. Triết lý của họ đó là, không cần đưa ra nhiều sản phẩm mới, tính năng mới, mà tiếp tục phát triển dựa trên những sản phẩm đang có. Họ sẽ hoàn thiện nó ngày càng tốt hơn nữa, bán cái cốt lõi của sản phẩm chứ không bán tính thời đại của nó. Đó chính là cái học đạt đến sự tinh tế và thâm thúy nhất mà người Nhật duy trì hàng trăm năm. Ngày nay, những sản phẩm từ Nhật Bản vẫn luôn nằm trong top được tìm mua nhiều nhất trên thế giới. Văn hóa khiêm tốn, điềm tĩnh, ham học hỏi của người Nhật trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. 

Triết lý của người Nhật Bản đó là, không cần đưa ra nhiều sản phẩm mới, tính năng mới, mà tiếp tục phát triển dựa trên những sản phẩm đang có.
Triết lý của người Nhật Bản đó là, không cần đưa ra nhiều sản phẩm mới, tính năng mới, mà tiếp tục phát triển dựa trên những sản phẩm đang có. (Ảnh: Getty)

Hãy tiếp tục câu chuyện về tinh thần hiếu học này. Một lần tôi được nói chuyện với quản lý đào tạo của nhãn hàng Miele – nhà sản xuất thiết bị thương mại và thiết bị nội địa cao cấp của Đức. Khi được nghe giới thiệu về định hướng phát triển và phương thức nghiên cứu sản xuất của công ty, tôi thấy rằng thương hiệu này cũng không chú trọng vào việc nghiên cứu các sản phẩm mới, mà cũng tập trung vào các sản phẩm đã có từ trước. Họ muốn đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, mà không phải là sản xuất nhiều nhất có thể, và luôn trung thành với slogan “Immer Besser” (luôn luôn tốt hơn). Điều này có nghĩa là Miele sẽ làm tất cả những gì có thể để “mãi mãi tốt hơn” so với đối thủ cạnh tranh và “mãi mãi tốt hơn” so với những gì họ đã có. 

Từ hai câu chuyện trên tôi lại ngẫm đến câu thành ngữ của người Việt: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Ngày nay chúng ta vẫn cho rằng, học thật nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau mới trở nên ưu tú, hoàn hảo. Đó đương nhiên là một điểm tốt. Nhưng khía cạnh mà tôi muốn nói đến ở đây đó là, lĩnh vực chuyên môn của bạn cũng đã là một thế giới rộng lớn cho bạn thỏa sức phát triển. Ở bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng coi trọng những nhân viên có chuyên môn cao. Chính vì thế mà những người làm các công việc như kỹ thuật, thủ công, nghệ thuật… được trả lương rất cao và thậm chí sau tuổi nghỉ hưu nếu họ vẫn có mong muốn được tiếp tục công việc thì chế độ đãi ngộ đối với họ còn tốt hơn. Lấy ví dụ như trong ngành thời trang, các sản phẩm cao cấp luôn là sản phẩm làm bằng tay trong hàng nghìn giờ đồng hồ, và số lượng thường chỉ giới hạn một đến hai sản phẩm (vì mức độ thủ công của nó). 

Trên đây là bốn nguyên tắc trong công việc mà người viết muốn đưa đến bạn đọc để có một “năng lực ổn định”. Theo tôi, không chỉ trong công việc mà trong bất kỳ một trường hợp hay khía cạnh nào của cuộc sống, chúng ta cũng có thể áp dụng cả bốn yếu tố trên: nỗ lực, tận tâm, giao tiếp tốt, không ngừng học hỏi. Đó đều sẽ mang lại lợi ích to lớn cho bạn. Tôi thích một câu nói của Tổng thống Donald Trump: “Tôi cố gắng học hỏi từ quá khứ, nhưng tôi lên kế hoạch cho tương lai bằng cách tập trung tuyệt đối vào hiện tại”. Những người thành đạt thường là những người có phẩm hạnh và năng lực phi thường nhưng họ luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Vì vậy, ngại gì một con virus, có lẽ đây là cơ hội để bạn “mài rìu” và tỏa sáng trong tương lai!  

Theo : NTDVN