Trong chiến dịch đàn áp tôn giáo mới tại Trung Quốc, bên cạnh việc phá dỡ và cấm xây dựng tượng Phật ngoài trời, nhiều chùa chiền, đạo quán cũng bị đóng cửa hoặc phá hủy. Chính quyền thậm chí còn lựa chọn phá dỡ các công trình tôn giáo trong đêm hoặc tảng sáng, nhằm tránh gặp phải áp lực biểu tình hay cản trở từ cộng đồng Phật tử hay Đạo sĩ địa phương, tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin.
Phật tử gọi chính quyền địa phương là “phường trộm cướp”
Chùa Diệu Liên thuộc Vũ An, Hàm Đan, Hà Bắc, là một ngôi chùa có lịch sử hơn 200 năm. Năm 2015, các Phật tử địa phương đã quyên góp tiền để xây dựng lại chùa trên nền chùa cũ. Kể từ đó, chùa Diệu Liên là một địa điểm tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương.
Ngày 22/5 vừa qua, chùa Diệu Liên đã bị phá dỡ. Chính quyền đưa ra lý do là chùa Diệu Liên “không được cấp phép” và “chiếm dụng đất trồng trọt”.
Theo người dân địa phương, vào ngày phá dỡ, các quan chức trục xuất tất cả các nữ tu sĩ và các Phật tử tại gia khỏi chùa. Nhằm bảo vệ ngôi chùa, các Phật tử đã quỳ xuống van xin. Tuy nhiên, các quan chức ngạo mạn nói: “Đây là chính sách quốc gia. Chùa phải bị phá hủy! Ai cản cũng vô ích.”
Nhà chức trách còn đe dọa sẽ gây áp lực thôi việc người thân của các Phật tử nếu họ tiếp tục cản trở. Một người đã bị bắt vì cố gắng cản trở việc phá dỡ. Tuy nhiên, các Phật tử vẫn tiếp tục kiên trì.
Đến chiều tối, các quan chức đã nói dối và hứa hẹn rằng họ sẽ không phá hủy sảnh chính của chùa, mà chỉ phá hủy các sảnh phụ. Tuy nhiên sau khi người dân tản đi, đêm hôm đó, toàn bộ ngôi chùa đã bị phá hủy.
Một Phật tử nói trong giận dữ: “Chính quyền không chỉ bắt người và phá hủy chùa, mà còn muốn bòn rút các thanh thép trong kết cấu chùa để bán sau khi đã phá chùa. Đúng là phường trộm cướp!”
Trong hoàn cảnh tương tự, một ngôi chùa khác tại Vũ An cũng bị cưỡng chế phá dỡ với nguyên nhân “chiếm dụng đất trồng trọt”. Nhiều tượng Phật trong chùa cũng bị hủy hoại. Người chủ chùa nói: “Chùa này được xây dựng trên nền chùa cũ. Nó không hề chiếm dụng đất trồng trọt. Chúng tôi đã xin phép và được đồng ý, nhưng giờ chính quyền lại buộc tội chúng tôi xây dựng trái phép trên đất trồng trọt. Ai có thể chống lại chính sách của ĐCSTQ?”
“Hơn cả Đại cách mạng văn hóa”
4 giờ sáng ngày 6/6/2019, hơn 100 nhân viên chính quyền, bao gồm cả viên chức từ cục An ninh và cục Tôn giáo, đã có mặt tại một đạo quán ở Song Áp Sơn, Hắc Long Giang. Họ mang theo 2 máy xúc lớn cùng xe tải để phá dỡ đạo quán. Đáng chú ý, người chủ đạo quán này không hề nhận được thông báo gì về việc phá dỡ, hơn nữa chính quyền lại chọn đúng thời điểm ông ta rời khỏi đạo quán vào ngày hôm đó.
Cận cảnh việc chính quyền Song Áp Sơn phá dỡ đạo quán.
Theo một nhân chứng, các tượng Đạo và các vật phẩm quý giá đã bị chôn vùi cùng đạo quán này. Một tín đồ địa phương nói với phóng viên Bitter Winter rằng đạo quán được xây dựng năm 2013, có đầy đủ giấy phép. Tuy nhiên, đạo quán bị phá hủy với lý do nó “không đăng ký với cục Tôn giáo”.
Cũng theo tín đồ này, người chủ đạo quán đã bị thiệt hại khoảng 200.000 Nhân dân tệ, và đã tìm luật sư để khiếu nại. Vị luật sư cho rằng mặc dù hoàn toàn có đủ cơ sở để kiện tụng, nhưng khuyên người chủ nên từ bỏ, vì điều này sẽ làm “xúc phạm tới Đảng Cộng sản” Trung Quốc. Nếu tiếp tục, chính quyền địa phương có thể sẽ khiến người chủ đạo quán trả giá nặng nề hơn.
Đống đổ nát còn lại của đạo quán.
Một tín đồ Đạo giáo địa phương chia sẻ: “Đảng nói công trình nào xây dựng trái phép, thì nó sẽ bị phá hủy, dù cho người dân thường có thiệt hại ra sao. Còn khắc nghiệt hơn cả Đại cách mạng văn hóa.”
“Người dân không dám nói lý với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng luôn tự cho là đúng đắn trong mọi việc. Người ta không tìm được chỗ để đòi bồi thường. Điều duy nhất có thể làm là im lặng chịu đựng”, một tín đồ khác chia sẻ.