Cuộc sống khó khăn trước kia của tôi
Từ khi có ký ức, tôi đã thường xuyên bị đau đầu và ho. Mỗi khi chuyển mùa, bụng tôi lại rất đau, và tôi phải chịu những cơn đau đầu kèm sốt cao. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi bị bệnh tim kèm theo những cơn đau, đường huyết thấp, huyết áp thấp, và bệnh hen suyễn nghiêm trọng. Bệnh lệch xương cụt bẩm sinh cũng khiến tôi vô cùng đau đớn, không thể ngồi bình thường, người luôn ngả về phía trước.
Điều này khiến tôi trở nên ngày càng lập dị, tính tình nóng nảy và cáu gắt. Bố mẹ lo lắng tôi sẽ không lấy được chồng. Khi tôi đính hôn, bố mẹ tôi không ủng hộ quyết định đó do gia đình anh ấy quá nghèo và ở cách nhà tôi 200 km. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc đến sức khoẻ của tôi, bố mẹ đã đồng ý.
Chúng tôi đính hôn vào tháng 3, đến tháng 8 thì tôi có thai, nhưng vẫn chưa đăng ký kết hôn. Tôi bàn với chồng tổ chức hôn lễ vào tháng 12. Tiệc cưới được tổ chức ở nhà bố mẹ tôi, gia đình chồng không chi trả chút nào. Chúng tôi sống trong một căn phòng nhỏ trong nhà bố mẹ tôi; căn phòng quá nhỏ chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường đôi. Tới lúc đó, tôi vẫn chưa gặp mẹ chồng.
Tháng 5, tôi sinh một bé trai. Vài tháng sau, mẹ chồng tới thăm tôi. Bà rất không vui. Bà nói: “Lại là con trai. Chị dâu cả của con có ba đứa con trai lớn. Chị dâu thứ có hai con trai, và con lại thêm đứa nữa. Mẹ không có cháu gái.”
Vì tôi có thai trước khi kết hôn, nhà chồng tôi đã không đưa sính lễ. Tôi không thể ngẩng đầu lên với gia đình chồng. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của bố mẹ anh ấy không tốt, họ vẫn coi thường tôi. Sau khi đến, mẹ chồng tôi thường vô tình hay hữu ý nhắc đến đám cưới của hai con trai lớn. Tôi cảm thấy bị coi thường, nhưng vẫn nhẫn chịu. Sao tôi lại rơi vào hoàn cảnh này? Lòng tự trọng của tôi biết để đâu?
Thời điểm đó, lương của chồng tôi không cao, chúng tôi chỉ đủ sống. Anh ấy thậm chí không kiếm đủ tiền để đưa con đi khám bệnh. Do đó, đến khi con tôi lên hai, tôi phải đi làm để kiếm thêm tiền hỗ trợ gia đình. Chúng tôi gửi con trai tới nhà mẹ chồng và nhờ bà chăm sóc cháu. Dù thời tiết trở lạnh, tôi phải làm việc 10 tiếng một ngày ngoài vườn rau để nhận 6 tệ mỗi ngày. Dù sao cũng có thu nhập! Tôi thường ôm ảnh con trai đi ngủ, và khi thức dậy thì gối ướt đẫm nước mắt.
Đại Pháp đã cải biến tôi
Khoảng một tháng sau, có người nói với tôi về lớp học Pháp Luân Công ở địa phương. Tôi nói: “Chẳng phải Pháp Luân Công là khí công? Tôi không luyện khí công. Tôi không muốn học. Tôi không muốn chữa bệnh. Chẳng ai chữa được bệnh của tôi cả.” Nhưng người đó nói: “Pháp Luân Công khác với những môn khí công khác. Chị hãy thử xem! Nếu chị thấy không tốt, chị có thể bỏ.”
Khi đã quyết định đi, tôi lại không thể đi vì có việc bận trong ba ngày. Tính khí ngang bướng của tôi thể hiện: “Tại sao việc gì tôi làm cũng không suôn sẻ. Lần này, tôi quyết tâm phải tham gia lớp học Pháp Luân Công. Không ai có thể ngăn cản tôi!” Sáng ngày thứ tư, lúc trời vẫn còn tối, tôi đã tới lớp để học các bài công pháp. Thời điểm đó, tôi không có đủ tiền để mua sách Chuyển Pháp Luân, nên tôi đã mượn một cuốn. Khi đọc các bài giảng trong sách, tôi đã chấn động: “Đây là cuốn sách tu luyện đến từ thiên thượng! Tôi phải học nó!”
Chồng tôi rất đồng tình và ủng hộ. Mặc dù chúng tôi không có tiền, nhưng vẫn có vừa đủ tiền để mua sách Đại Pháp. Khi tôi muốn có một bức Pháp tượng Sư phụ, tôi cũng có vừa đủ tiền. Tôi cũng muốn mua băng ghi âm các bài giảng Pháp của Sư phụ. Chồng tôi đã đạp xe đi mua cho tôi, cũng có vừa đủ tiền. Nói là “cuộc sống cùng cực” cũng không đủ để diễn tả tình trạng của chúng tôi lúc bấy giờ.
Từ đó, tôi luôn làm mọi việc chiểu theo những yêu cầu của Chân-Thiện-Nhẫn. Khi làm việc ở vườn rau, tôi làm những công việc nặng nhọc và bẩn mà mọi người không muốn làm. Tôi làm thêm giờ trong khi những người khác không muốn. Mặc dù chỉ được trả 6 tệ mỗi ngày, tôi không bao giờ lấy một quả cà chua hay quả dưa chuột cho bản thân khi đi hái rau. Người quản lý biết tôi là người trung thực và có thể tin tưởng được, nên thường giao cho tôi nhiệm vụ hái rau.
Tôi cũng trở nên nhẫn nhịn hơn. Một lần khi đang bán rau ở chợ, người kế toán nói rằng tôi đã trả thừa 50 tệ cho người họ hàng tới đó mua rau. Anh ta nói chắc chắn về chuyện đó và yêu cầu tôi trả lại. Tôi rất bình tĩnh và từ tốn nói: “Thứ nhất, tôi không đưa thừa tiền cho ai, cho dù đó là ai. Thứ hai, nếu anh cứ khăng khăng rằng tôi đã đưa tiền sai, tôi sẽ trả lại số tiền bị mất.” Mặc dù tôi chỉ kiếm được 6 tệ một ngày, vì tôi học Đại Pháp, tôi cần phải trở thành một người tốt.
Nghe thấy tôi nói vậy, người quản lý và những người cùng làm có mặt tại đó nói rằng người kế toán đã sai, không có chuyện đó xảy ra, và tôi đã bị đối xử bất công. Người kế toán không nói gì. Chuyện này đã qua đi. Sau đó, cán bộ thôn đã đến để xác minh sự việc. Khi rời đi, họ nói rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp khác hẳn những người khác.
Từ khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã dừng uống thuốc, từ lúc nào không hay, sức khỏe của bản thân ngày càng tốt lên. Tôi tràn đầy năng lượng. Tôi biết rằng Sư phụ đã gỡ bỏ nghiệp lực cho tôi. Chồng tôi vui mừng nói: “Pháp Luân Công này thật sự tốt. Em hãy luôn tu luyện chăm chỉ!”
Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng
Mùa hè năm 1997, tôi cùng chồng về thăm con trai 2 tuổi ở nhà mẹ chồng. Thằng bé thậm chí không nhận ra tôi. Tôi thật sự rất buồn, ăn cơm cũng không ngon. Tôi đã phải chịu nhiều khổ cực vì con, mà giờ nó không nhận ra tôi. Mẹ chồng thấy tôi không vui, tỏ ra khó chịu và bắt đầu mắng chửi tôi. Bà yêu cầu chồng tôi ly dị. Đứa con rất sợ hãi và bắt đầu khóc. Tôi bình tĩnh nói với chồng: “Nếu anh muốn đi cùng em và con, em sẽ chờ anh 10 phút; anh đi lấy đồ của anh. Nếu anh không muốn đi, em và con sẽ đi.” Chồng tôi khóc nói: “Chờ anh.”
Lúc đó tôi đã quên rằng bản thân là một học viên và đã không giữ vững tâm tính. Khi tôi về nhà, chồng tôi liên tục xin lỗi tôi. Tôi cũng hối hận vì không vượt được khảo nghiệm tâm tính này.
Một thời gian lâu sau, tôi đọc được một bài chia sẻ kinh nghiệm trên tuần báo Minh Huệ. Nội dung của bài báo cũng tương tự tình huống giữa tôi và mẹ chồng, nhưng mâu thuẫn thậm chí gay gắt hơn, thời gian lâu hơn, và sự bất bình sâu đậm hơn. Tuy nhiên, với những điểm hóa của Sư phụ, học viên này đã bình tĩnh buông bỏ những chấp trước người thường và chủ động giải quyết mâu thuẫn với mẹ chồng. Sau đó, mối quan hệ gia đình của họ trở nên hòa hợp.
Tôi đã khóc khi đọc bài báo này. Lúc đó là 5 giờ sáng. Tôi đánh thức chồng và đọc cho anh ấy nghe. Anh ấy không nói gì. Tôi nói: “Hãy xem tầng thứ tu luyện của học viên này và chị ấy đã làm tốt thế nào! Em đã không làm tốt. Em đã sai. Em nên tìm cơ hội quay về xin lỗi mẹ!”
Thời điểm đó, tôi đã có một công việc tốt hơn với thu nhập cao hơn, mặc dù nó khó khăn hơn nhiều so với công việc tại vườn trước kia. Mùa đông năm đó, cháu trai chồng tôi lấy vợ, và chị dâu đã mời chúng tôi về tham dự. Chồng tôi không đồng ý ngay mà nói rằng anh ấy cần bàn với tôi trước. Tôi nói: “Tất nhiên chúng ta sẽ đi rồi. Vả lại, em còn phải xin lỗi mẹ chồng. Chúng ta hãy đi.” Chồng tôi rất cảm động.
Vì cô dâu ở cùng làng, những người đến dự hôn lễ đều quen biết nhau. Đó là một ngôi làng nhỏ, và mọi người đều đã nghe về mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng. Tất cả đều nói rằng tôi sẽ không đến. Khi chúng tôi bước vào nhà, người dân trong làng đã nhìn tôi với ánh mắt đồng tình, họ gật đầu và chào tôi.
Việc này đã khiến nhiều người xúc động, đặc biệt là mẹ chồng tôi, bà đã khóc và nói: “Khi các chị dâu của con kết hôn, mẹ đã chuẩn bị mọi thứ cho chúng. Khi con kết hôn, mẹ già rồi, không thể làm được gì, và mẹ không thể cho con thứ gì. Mẹ xin lỗi!”
Tôi nói: “Mẹ, mẹ đã cho con con trai của mẹ. Con không cần gì khác.”
Qua sự việc này, các chị chồng rất coi trọng tôi. Vào sinh nhật lần thứ 36 của tôi, họ đã bắt tàu tới nhà chúng tôi để chúc mừng. Người chị cả còn lớn hơn bố tôi một tuổi. Họ ngưỡng mộ sự vĩ đại của Đại Pháp, ủng hộ tôi tu luyện và nói sẽ bảo các con dâu học Đại Pháp.
Chúng tôi đã mua một ngôi nhà mới mà không phải xin đồng nào từ bố mẹ hai bên. Chúng tôi tự làm việc để chi trả cho cuộc sống. Theo cách nói của họ: “Cuộc đời chúng tôi đã nở hoa.” Mối quan hệ của tôi với chồng cũng hòa hợp, và bố mẹ hai bên cũng rất hài lòng.
Chúng tôi cũng bắt đầu giúp đỡ bố mẹ chồng nhiều nhất có thể. Một số người cô lớn tuổi chứng kiến việc này đã nói rằng tôi là một người tử tế.
Mối quan hệ của tôi và mẹ chồng trở nên ấm áp. Khi chúng tôi về thăm bà, bà đã đứng chờ sẵn ở trước cửa. Khi tôi bước xuống xe, bà mỉm cười nói: “Cuối cùng con đã tới!” Con rể của bà cười nói: “Mẹ chỉ thích mỗi em!”
Những năm qua, tôi đã nhiều lần nói với bà về Đại Pháp. Bà đã hiểu được sự tốt đẹp của Đại Pháp và Sư phụ. Bà cũng thấy tôi đang cố gắng hết sức để trở thành một người tốt. Bà thường nói với những người tới nhà chơi: “Con dâu út của tôi là một học viên Đại Pháp!”
Vào đông chí năm 2016, tôi nghe tin mẹ chồng ốm nặng và phải nhập viện. Ngày hôm sau, chúng tôi vội vã vào bệnh viện và thấy cả 3 chị gái ở đó. Họ nói rằng bà nhập viện được vài ngày và đã qua cơn nguy hiểm, nhưng vẫn cần thời gian để phục hồi.
Khi nhìn thấy tôi vào phòng, bà ngay lập tức ngồi dậy và tinh thần trở nên phấn chấn. Bà bắt đầu ăn uống lại và nói rằng bà cảm thấy khỏe, muốn xuất viện ngay. Tôi bảo các chị hãy về nhà nghỉ ngơi và để cho tôi chăm sóc mẹ chồng. Họ nói: “Không, em vừa mới xuống tàu. Em cần nghỉ ngơi trước rồi mai quay lại.” Tôi thành tâm nói: “Em đến đây vì để chăm sóc mẹ chồng. Các chị đều đã trên 60 tuổi. Các chị chắc đã mệt rồi!”
Buổi tối, tôi nằm nghỉ trên chiếc ghế dài trong phòng bệnh, đối diện với giường của mẹ chồng. Tôi có thể nhìn thấy bà qua ánh sáng từ ngoài hành lang. Tôi không dám nhắm mắt, sợ rằng bà sẽ cần dùng nhà vệ sinh vào ban đêm. Bà nghĩ tôi đã ngủ nên nhẹ nhàng rời khỏi giường. Tôi ngay lập tức ngồi dậy giúp bà và cùng bà vào nhà vệ sinh. Bà nói: “Mẹ muốn để con ngủ và không muốn đánh thức con!” Tôi nói: “Con không có ngủ. Con vẫn luôn nhìn mẹ!” Mẹ chồng tôi mỉm cười.
Đêm đó tôi không ngủ, đến sáng hôm sau, chị dâu vào đưa đồ ăn sáng. Mẹ chồng tôi đã kể lại chuyện buổi đêm, và chị dâu đã nói tôi quả là tốt. Buổi chiều, tôi nói: “Để con giặt tất và rửa chân cho mẹ lần nữa. Mẹ sẽ thấy thoải mái hơn một chút.” Bà từ chối và nói tất bà rất bẩn. Tôi nói: “Không sao đâu. Con chỉ muốn mẹ thoải mái hơn một chút.” Bà đã đồng ý.
Một phụ nữ lớn tuổi cùng phòng bệnh hỏi, “Đây là con gái út của bà à? Cô ấy ngoan quá!” Chị dâu tôi nói: “Con gái bà đang đứng đây! Cô ấy là con dâu!” Người phụ nữ nói với mẹ chồng tôi: “Bà thật là may mắn! Con dâu tôi còn chưa đến viện thăm tôi!”
Sau khi mẹ chồng tôi hồi phục, cả gia đình bà đều nói rằng người tu luyện Đại Pháp thật sự khác biệt với người thường. Chồng tôi nói với tôi: “Em tu luyện thật tinh tấn! Anh nhờ em mà sẽ được phúc báo!”
Mẹ chồng tôi đã 88 tuổi. Năm ngoái, chúng tôi tặng bà một chiếc vòng tay bằng ngọc làm quà sinh nhật. Bà rất vui và nói: “Mẹ đã thấy những phụ nữ lớn tuổi khác đeo vòng. Mẹ không dám mong có một chiếc cho bản thân.” Bà rất thích chiếc vòng đó.