Tôn giáo từ xưa đến nay vẫn được xem là chỗ dựa tinh thần cho hàng triệu triệu con người, đồng thời, những người lãnh đạo tôn giáo, tăng nhân, đạo sĩ, mục sư… thường rất được kính trọng. Thế nhưng, khi những sứ giả của Thần này trở nên bại hoại, con người biết bám víu vào đâu?

Khi sứ giả của Thần trở nên bại hoại…

Thời gian gần đây, Giáo hội Công giáo liên tiếp hứng chịu những đợt bê bối liên quan đến tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong giới linh mục. Vụ lạm dụng gây chấn động nhất gần đây liên quan đến hồng y Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục Washington, người bị cáo buộc quấy rối nhiều bé trai và phải từ chức hồi tháng 7/2018.

Hồng y Theodore McCarrick bị cáo buộc quấy rối nhiều bé trai và phải từ chức hồi tháng 7/2018.

Ngay sau đó, một bồi thẩm đoàn ở bang Pennsylvania hôm 14/8 công bố báo cáo gây sốc, cho thấy hơn 300 linh mục đã được các giám mục và lãnh đạo nhà thờ che giấu hành vi quấy rối tình dục trẻ em trong suốt 70 năm, khi họ thuyết phục các nạn nhân không trình báo và nhà chức trách không tiến hành điều tra.

Năm 2017, tòa án Liverpool, Anh kết án linh mục 74 tuổi Michael Higginbottom 17 năm tù vì đã nhiều lần cưỡng hiếp một bé trai vào thập niên 1970. Truyền thông Anh đã gọi Higginbottom là “ác quỷ đội lốt linh mục”, kẻ đã dùng gậy và dây thừng trừng phạt nạn nhân trước khi cưỡng hiếp suốt 6 tháng, khiến cậu bé nhiều lần “cầu nguyện để được chết”.

Những câu chuyện tưởng chừng như khó tin này lại liên tục xuất hiện khiến cho thế giới phải bàng hoàng. Có lẽ, ít ai có thể tưởng tượng được, trong một môi trường thanh tịnh, tôn nghiêm như vậy lại có thể xảy ra những hành vi bại hoại khiến người ta nghĩ đến cũng cảm thấy khiếp sợ như thế?

Điều đáng nói là những sự việc này đã kéo dài rất nhiều năm, nhưng không một ai hay biết. Trong bài phát biểu của một bồi thẩm đoàn bang Pennsylvania về vụ 300 linh mục quấy rối tình dục trẻ em, ông nói: “Đã có nhiều báo cáo về tình trạng trẻ em bị xâm hại trong các Nhà thờ Công giáo, nhưng con số chưa bao giờ kinh khủng như vậy”. Ông còn nói: “Đối với nhiều người trong số chúng ta, những câu chuyện này xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó. Nhưng giờ chúng ta đã biết sự thật: chúng diễn ra ở khắp mọi nơi”.

Những câu chuyện này có vẻ chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Chắc hẳn, đằng sau nó vẫn còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác đã và đang diễn ra hằng ngày nhưng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.

Nhiều người có lẽ vẫn chưa quên vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ bản tố cáo của hai cựu Đô giám chùa Long Tuyền tại Bắc Kinh, nội dung tố cáo Phương trượng chùa Long Tuyền là Thích Học Thành (Shi Xuecheng), hiện là Ủy viên Thường vụ Chính hiệp toàn quốc và là Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, với cáo buộc lạm dụng tình dục nhiều nữ tu.

Thích Học Thành, phương trượng chùa Long Tuyền, hiện là Ủy viên Thường vụ Chính hiệp toàn quốc và là Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. (Ảnh qua VOA News)

Theo đơn tố cáo, nhiều nữ đệ tử dù có được một thời gian tiếp xúc với Phật giáo, nhưng hiểu biết về nền tảng lý luận và giới luật Phật giáo rất yếu, không nắm được khái niệm và ý nghĩa của Phật giáo. Điểm yếu này đã bị Thích Học Thành lợi dụng, thông qua thủ đoạn xuyên tạc ý nghĩa tu luyện để thực hiện hành vi trái giới luật và đạo lý.

Thích Học Thành đã mượn phương pháp tà giáo, trêu chọc nữ tu thông qua tin nhắn, kích thích ham muốn tình dục của các nữ tu, làm cho các nữ đệ tử sinh tình cảm dựa dẫm vào ông ta và bị ông ta kiểm soát. Vụ tố cáo đã dấy lên lo ngại về sự băng hoại đạo đức vô cùng nghiêm trọng tại những nơi được cho là linh thiêng nhất này.

Trang mạng Sohu từng đăng bài viết với tiêu đề “Phá vỡ hình tượng truyền thống của tăng nhân, hòa thượng tự xây dựng chùa, uống rượu ăn thịt, vẽ tượng khỏa thân”. Trong đó cho biết, 3 hòa thượng đã tự xây dựng một ngôi chùa tại Ô Đang, Quý Dương, Trung Quốc, sống buông thả phóng túng. Họ hút thuốc, uống rượu, vẽ tranh, đọc sách, tham thiền, tự xưng mình là người cải cách.

Bài viết cho biết, 3 hòa thượng này còn đang dự định đưa ra quan niệm Phật học mới, phá vỡ hình tượng tăng nhân vốn có, tương dung với thời đại. Trong đó một hòa thượng còn muốn vẽ bộ tranh tượng Phật khỏa thân…

Chùa chiền, đền tự vốn là chốn linh thiêng để thờ phượng Thần Phật, là nơi thanh tịnh để người chuyên tu tu luyện, thoát ly thế tục, trừ bỏ dục vọng, trở về với cõi vĩnh hằng cực lạc. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua, tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc đã bị làm cho méo mó, lệch lạc. Trung Quốc cho phép các tổ chức Phật giáo và Đạo giáo tồn tại chỉ để ngụy trang cho chính sách tự do tôn giáo. Trong khi trên thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ thị các nhà sư giả trà trộn vào tổ chức tôn giáo để làm con rối cho Đảng.

Vào hồi cuối năm 2017, Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hải Nam tổ chức “Lớp bồi dưỡng học tập tinh thần Đại hội 19”, hòa thượng Ấn Thuận, đương nhiệm Phó hội trưởng Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc kiêm Hội trưởng Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hải Nam chủ trì lớp học đã đề xướng các Phật tử chép lại “báo cáo Đại hội 19”.

Ông nói “báo cáo Đại hội 19 là Phật kinh đương đại, tôi đã chép tay 3 lần, và còn đang chuẩn bị tiếp tục chép thêm 10 lần”. Ông Ấn Thuận còn nói, đồ đệ Phật giáo đầu tiên cần làm một công dân tuân thủ pháp luật “yêu nước yêu đảng”, sau đó mới nói đến tín ngưỡng Phật giáo.

Điều này cho thấy sự lệch lạc rất lớn trong tư tưởng của những người làm cái gọi là lãnh đạo tôn giáo. Họ rốt cuộc còn là người tu hành hay chỉ là con rối trong tay chính quyền, đang làm nhiệm vụ tuyên truyền thay cho chính phủ?

Lời tiên tri về thời mạt kiếp

Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế đã từng nói với các đệ tử về tình huống Phật giáo thời kỳ mạt pháp sẽ xuất hiện sự diệt tận không thể độ nhân được nữa. Trong Kinh Phật cũng đều có ghi lại về những điều ấy.

“Phật thuyết pháp diệt tẫn kinh” (còn gọi là “Pháp diệt tận kinh”) là bộ sách kinh điển của nhà Phật, theo tính toán của tiền nhân thì nó được dịch từ thời Lưu Tống (420 – 479). Nội dung của bộ sách là những dự đoán của Phật Đà về quá trình tiêu vong của Phật giáo, cũng chính là nói về thời mạt pháp khiến nhiều hiện tượng dị thường xuất hiện.

Theo “Pháp diệt tận kinh” ghi chép lại, Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với Tôn giả A Nan và các tín đồ, chúng sinh có mặt lúc ấy rằng, sau khi ngài ly thế, cũng chính là vào thời kỳ mạt pháp mạt kiếp thì Phật pháp mà ngài truyền sẽ bị phá hư, diệt vong. Là một người giác ngộ đại trí đại huệ, Phật Thích Ca Mâu Ni thập phần hiểu rõ vận mệnh pháp mà ngài truyền giảng.

Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp cho Tôn giả A Nan và các tín đồ. (Ảnh: Tinh Hoa)

Trong “Pháp diệt tận kinh” viết: 

“Tự cung vu hậu bất tu đạo đức, tự miếu không hoang, vô phục tu lý, chuyển tựu hủy hoại. Đãn tham tài vật, tích tụ bất tán, bất tác phúc đức; phán mại nô tì, canh điền xung thực, phần hủy sơn lâm, thương hại chúng sinh, vô hữu từ tâm; nô vi tì khưu, tì vi tì khưu ni, vô hữu đạo đức, dâm điệt trọc loạn, nam nữ bất biệt. Lệnh đạo bạc đạm, giai do tư bối; hoặc tị huyện quan, y ỷ ngô đạo, cầu tác sa môn, bất tu giới luật, nguyệt bán nguyệt tận, tuy danh tụng giới, yếm quyện giải đãi, bất dục thính văn, sao lược tiền hậu, thiết hữu đậu giả, bất thức tự câu, vi cường ngôn thị, bất tư minh giả, cống cao cầu danh, hư hiển nha bộ, dĩ vi vinh ký, vọng nhân cung dưỡng”.

Chú thích:

Những ma sư sau khi đã hủy hoại Phật Pháp, tạo nghiệp xong rồi  cũng không dụng tâm tu đạo đức. Chùa chiền lúc này trở thành nơi ở của kẻ buôn, đầu cơ. Thậm chí chùa chiền hoang phế cũng không có người tu sửa, cuối cùng nhanh chóng bị hủy hoại gần như không còn gì.

Chúng sinh chỉ tham tiền tài vật chất, tích lũy để giàu, cũng không tu phúc đức chân chính. Có kẻ còn bắt đầu buôn bán nô tỳ, bắt nô tỳ cày ruộng trồng trọt, sưu cao thuế nặng. Ngoài ra còn đốt phá rừng, làm tổn hại sinh mạng chúng sinh, không còn một chút thiện tính từ bi nào nữa.

Đến thời đại này, những người có phẩm hạnh xấu xa trở thành nô lệ cho đồng tiền hoặc nô lệ cho danh lợi lại xuống tóc đi tu trở thành sư hoặc ni cô. Họ không những vô đạo đức mà còn dâm dục phóng túng, hành vi hỗn loạn bẩn thỉu, tăng nhân nam nữ chung sống cùng nhau, không còn lo ngại gì về lễ độ luật pháp. Chính đạo suy yếu đều vì đám sư sãi ma quỷ này.

Cũng có những kẻ vì trốn tránh quan trường truy xét mới nương nhờ cửa Phật, cầu nơi dung thân, họ trở thành thầy tu nhưng không thể giữ được giới luật. Tuy bề ngoài vẫn tụng niệm giới luật nhưng trong lòng chán ngán, buông thả, cơ bản là không muốn nghe Phật Pháp, hoặc lược bớt nội dung, không dám nói hết.

Thêm nữa họ không thể học thuộc kinh điển, cho dù thỉnh thoảng có người đọc được nhưng lại không thể hiểu chữ nghĩa và câu cú, bản thân không thông hiểu kinh sách mà không đi tham khảo ý kiến người minh trí, tự cao tự đại, ham danh tiếng mà làm ra những trò hư ngụy, cố ra vẻ tao nhã, tự cho mình vinh quang, trông mong người khác đến cung cấp nuôi dưỡng mình.

Thực tế ngày nay, những người tìm đến nơi cửa Phật hỏi mấy ai mang tâm thành kính đứng trước tượng Phật mong muốn được tu luyện, nguyện ý trở thành người tốt, nguyện ý buông bỏ bớt đi những thói hư tật xấu? Đa số người ta khi đến nơi cửa Phật thì đều mang trong tâm là những gì? Nào là cầu được tai qua nạn khỏi, cầu được tiền tài danh vọng, cầu thuận lợi, cầu tình duyên v.v… đều là tư lợi và dục vọng của bản thân mình.

Đâu là chỗ dựa tinh thần cho chúng sinh thời mạt kiếp?

Theo Kinh Phật, thời đại chúng ta đang sống là thời mạt pháp. Thời nay, để được nghe và tu luyện trong Phật Pháp có lẽ còn khó hơn lên trời.

“Pháp diệt tận kinh” có viết: 

“Lúc Phật Pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn, không thích nghe Pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi.

Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bệnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ”.

Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để lại những lời tiên tri về sự đản sinh của một vị Phật tương lai. Kinh Phật ghi lại: “Long Hoa tam hội nguyện tương phùng, sau năm mươi ức năm, Phật Di Lặc hạ thế, giảng Pháp tam biến, độ hết tất cả chúng sinh hữu duyên”.

Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” có nhắc tới sự đản sinh của một đức Phật Như Lai hay một đức Chuyển Luân Thánh Vương. Sự đản sinh của Ngài sẽ đi cùng dấu hiệu nơi thế gian là những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt, có khả năng mọc trên bất kỳ chất liệu nào như đồng, sắt thép, thủy tinh, keo dán, trái cây, thực vật, hoa tươi hàng năm không phai tàn.

Hoa Ưu Đàm nở rộ trên khắp thế giới. (Ảnh qua ĐKN)

Theo Kinh Phật, Đức Chuyển Luân Thánh Vương là ‘Lý tưởng Vương’, trị vì thế giới bằng cách xoay chuyển Pháp Luân để chính lại Pháp dựa trên chính nghĩa thay vì vũ lực. Dù là người của tôn giáo nào – Phật giáo, Cơ Đốc giáo hay các tôn giáo khác – bất cứ ai có thể lấy từ bi để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội được gặp Đức Chuyển Luân Thánh Vương.

Từ những năm 90 đến nay, hoa Ưu Đàm Bà La lần lượt khai nở khắp nơi trên thế giới. Phải chăng vị Phật Di Lặc của tương lai, Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã hạ thế độ nhân? Nếu đúng là như vậy, có được thân người ngày hôm nay quả là kỳ duyên thiên cổ. Nếu ai lại có cơ duyên tu luyện trong Đại Pháp của Ngài, cá nhân ấy quả là quá may mắn.

Theo Tinh Hoa