Có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Con người mất 2 năm để học cách nói chuyện, nhưng phải dùng cả đời để học cách im lặng. Trong “Cảnh thế thông ngôn” thì viết rằng: “Thị phi là do nói nhiều, phiền toái do quá thể hiện”.
Thị phi là do nói nhiều
Trong “Cảnh thế thông ngôn” có một mẩu chuyện nhỏ như sau: Một ngày nọ, Vương An Thạch và Tô Đông Pha chơi trò chơi đố chữ, Vương An Thạch nói rằng chữ “Pha – 坡” trong tên Tô Đông Pha là vỏ của đất (土 là đất, 皮 là vỏ), vì vậy nó là một con dốc.
Tô Đông Pha không chịu như thế, bảo Vương An Thạch làm sao có thể giải thích như vậy được? Chẳng lẽ chữ “trượt – 滑” là xương của nước sao (氵là bộ ba chấm thủy (nước),骨 là xương)? Vương An Thạch nghe vậy không nói nên lời.
Tô Đông Pha cứ nghĩ rằng bản thân mình tài cao vời vợi, trông thấy Vương An Thạch trả lời không được, liền muốn tiếp tục làm tới. Thế là Tô Đông Pha bắt đầu trêu chọc Vương An Thạch rằng: “Nhưng mà chữ ‘Cưu – 鸠’ thực sự là chín con chim (九 là 9, 鸟 là chim), ngài có biết tại sao không?”
Vương An Thạch rất chân thành thỉnh giáo Tô Đông Pha, Tô Đông Pha đáp rằng, “trong “Mao Thi” có viết: ‘Chim kêu ở nương dâu, có 7 chú chim non’, vậy thì tính luôn cả cha và mẹ chúng thì vừa đúng 9 con rồi phải không?” Vương An Thạch bị trêu chọc, liền nổi giận đùng đùng. Lập tức giáng Tô Đông Pha xuống làm Thứ sử ở Hồ Châu.
Trong đời sống thực tế, cũng có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy, có người nghĩ rằng bản thân mình giỏi hơn người khác về một phương diện nào đó, mà cứ nói thao thao bất tuyệt, đặc biệt là ở nơi làm việc, sự kiêu ngạo và đắc ý không chừng mực sẽ khiến người khác thấy phản cảm, từ đó nhen nhóm mầm mống tai họa.
Khi chúng ta mạnh hơn những người khác, đừng phát ngôn quá nhanh, khiêm tốn im lặng mới là chuyện đúng đắn, từ bỏ cơ hội phát huy tài năng và nhường lại một chút cho người khác, chúng ta không mất điều gì cả, mà người khác cũng sẽ vì điều đó mà vui vẻ hơn, đây là tốt cho đôi bên, ai cũng có lợi.
Khi chúng ta nhìn thấy khiếm khuyết của người khác, đừng vội nói ra điều gì trước chốn đông người mà khiến người kia rơi vào thế bất lực, không phải người khác không nhìn ra điều đó, mà là người khác họ khôn ngoan.
Nhanh miệng trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ đưa pháo lửa dội về bản thân mình mà thôi. Trong “Hồng lâu mộng” có một chuyện như sau: Vương Hi Phụng nhìn thấy người đào hát trông giống Lâm Đại Ngọc, nhưng cô ta chỉ nói là “rất giống với một người”.
Cả Tiết Bảo Thoa và Giả Bảo Ngọc đều biết rằng ý cô ta muốn nói là giống với Lâm Đại Ngọc, nhưng họ vẫn giữ im lặng, Sử Tương Vân thì buột miệng thốt ra “trông giống như Lâm tỷ tỷ”, do đó đã khiến người khác thấy tức giận chỉ vì chuyện cỏn con.
Đừng bình luận về người khác ở đằng sau lưng họ, chúng ta phải biết rằng tai vách mạch rừng. Giữ miệng của chính mình chính là đang giữ gìn phước lành, những từ ngữ mà chúng ta nói ra cuối cùng sẽ đưa tất cả lửa nóng tập trung vào chính mình thôi. Nói ít nghe nhiều, nói nhiều thì mất chính là một chân lý.