Trải qua lịch sử các triều đại, Trung Quốc có nhiều cách trị bệnh dân gian đa dạng, cũng có nhiều đạo thuật chữa bệnh rất khác thường. Mặc dù đó đều là những mẹo vặt, nhưng đôi khi nó cũng có tác dụng trừ tà trị bệnh hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu bệnh mắc phải có oan tình gì đó, thì đạo thuật chữa bệnh có linh nghiệm đến đâu cũng không thực hiện được, bởi vì nó không thể tháo giải được khúc mắc oán giận. Trong “Di Kiên Chí” có một câu chuyện kể về người đạo sĩ không dùng đạo thuật một cách tùy tiện, rất đáng để chúng ta học hỏi.

Vào thời Nam Tống, có một viên quan tuần tra tên là Tôn Sĩ Đạo ở vùng cửa biển Phúc Châu, bình thường ông phụ trách huấn luyện binh giáp, và tuần tra địa phương, chức quan tương đối trọng yếu. Bởi vì Tôn Sĩ Đạo từng đi theo một vị cao nhân học được không ít đạo thuật, cho nên biết sử dụng chú pháp để trị bệnh rất linh nghiệm. Bởi vậy, nhiều người đã tìm đến ông để điều trị một số căn bệnh nan y.

Lúc bấy giờ có một viên quan tư pháp họ Vương, chức quan lên đến Đề Hình, người em dâu của ông ta mắc bệnh, và mỗi lần cô ta phát bệnh, thì đều chỉ thẳng vào Vương Đề Hình, rồi lôi trực tiếp tên ông ra mắng không tiếc lời. Tình trạng cứ như thế hơn một năm.

Vương Đề Hình đã mời rất nhiều người đến nhà mình để tổ chức các lễ cúng trừ tà, nhưng đều không có tác dụng. Vương Đề Hình nghe được tiếng tăm của Tôn Sĩ Đạo, nên đã sai người đến nhà để mời ông về giúp giải quyết vấn đề.

Tôn Sĩ Đạo yêu cầu gia đình nhà họ Vương phải thi hành trai giới trong bảy ngày, sau đó ông mặc áo choàng Đạo gia, đốt hương cúng bái, đích thân viết tấu thư nêu lại tình trạng của nhà họ Vương, sau đó hành lễ cúng trời, rồi đốt tấu thư kia đi để gửi lên trời cao.

Sau khi người em dâu của Vương Đề Hình biết được chuyện này, đã nói rằng: “Cho dù Tôn đại nhân có thể xua tà đuổi bệnh đi nữa, thì nỗi oan ức của ta vẫn không thể dứt được”.

Tôn Sĩ Đạo liền mời người em dâu của Vương Đề Hình ra gặp. Vương Đề Hình nói: “Cô ta bị bệnh thành như thế, gọi cô ta ra đây, chắc chắn sẽ bị mắng chửi càng quấy, làm sao có thể để cô ta ra ngoài gặp khách chứ?”

 

Tôn Sĩ Đạo nói: “Không sao cả, hãy để tôi thử nói chuyện với cô ta“. Người em dâu đó vui vẻ đồng ý: “Vâng. Xin hãy đợi một chút, tôi đi rửa mặt chỉnh trang xong sẽ ra”.

Một lúc lâu sau, em dâu của Vương Đề Hình mới bước ra cửa, mọi người nhìn thấy cô ta ăn mặc gọn gàng, dáng vẻ đoan trang, trông rất bình thường.

Một lúc lâu sau, em dâu của Vương Đề Hình mới bước ra cửa, mọi người nhìn thấy cô ta ăn mặc gọn gàng, dáng vẻ đoan trang, trông rất bình thường. (Ảnh từ pic1.win4000)

Em dâu của Vương Đề Hình gặp Tôn Sĩ Đạo nói rằng: “Gia đình tôi có bốn người đều không có tội, nhưng họ đã mất mạng. Tôi cầu xin trời cao cho tôi trả được món nợ máu này, pháp sư ngài tốt hơn là không nên nói nhiều lời”. Rồi cô ta đưa cho Tôn Sĩ Đạo xem vết thương trên ngực của mình, và nói: “Chúng tôi đã bị tra tấn đến chết bởi sự tàn nhẫn của ông ta, nỗi oan ức này làm sao có thể giải tỏa được?”.

Tôn Sĩ Đạo đã ra sức khuyên bảo và chỉ dẫn cô ta bằng những lời lẽ tốt đẹp, người em dâu này của Vương Đề Hình nghe xong dường như đã hiểu được chuyện, liên tục dập đầu cảm tạ ông, rồi quay trở về phòng.

Tôn Sĩ Đạo nói nhỏ với Vương Đề Hình: “Ông có còn nhớ những gì đã xảy ra ở Nam Kiếm Châu (Nam Bình, Phúc Kiến) không?”. Nhưng Vương Đề Hình lại không thể nhớ ra, Tôn Sĩ Đạo liền viết tên của bốn người lên bàn tay của mình rồi cho ông ta xem. Sau khi Vương Đề Hình xem qua, thì chỉ cúi đầu im bặt, khuôn mặt đầy vẻ hoảng hốt và hối hận.

Nguyên là, Vương Đề Hình từng làm Thông Phán ở Nam Kiếm Châu, huyện do ông cai quản từng xảy ra một vụ án trộm cắp, ông đã cho người đi tìm bắt, và bắt được một cặp vợ chồng, hai người này đã bao che cho những tên trộm, mặc dù tội phạm phải không đến nỗi chết, nhưng Vương Thông Phán vẫn kết án tử hình.

Con gái của cặp vợ chồng này đã được gả cho làng bên cạnh, nghe nói cha mẹ mình bị hại, liền tức tốc về chịu tang, cô đã nguyền rủa chửi bới Vương Thông Phán giết oan cha mẹ mình, nên ông ta đã vô cùng giận dữ, liền bắt giữ người phụ nữ này và giết chết ngay tại chỗ. Bởi vì người phụ nữ này lúc đó đang mang thai, nên đã dẫn đến cái chết một xác hai mạng người. Do đó, Vương Thông Phán đã giết oan hết bốn người.

Tôn Sĩ Đạo cho biết: “Nỗi oan này tôi không có cách nào chữa khỏi được, chỉ có thể tạm thời làm cho cô ta bình tĩnh được thôi. Nếu như sau này bệnh của cô ta lại tái phát, thì cũng đừng tìm đến tôi nữa”.

Sau khi Tôn Sĩ Đạo rời khỏi, thì quả nhiên người em dâu đó đã ở yên trong một thời gian, nhưng hai tháng sau đó, bệnh cũ lại tái phát, và mãi cho đến sau khi Vương Đề Hình qua đời, thì người em dâu đó cuối cùng mới ở yên, và trở lại cuộc sống bình thường.

Đạo thuật thế gian không đủ khả năng để tháo gỡ khúc mắc của những kẻ oán hận, cho nên không dám tùy tiện can thiệp đến chuyện nhân quả, mà chuyện oan oan tương báo trên thế gian này diễn ra vô tận, không có hồi kết.

Nếu có thể tháo gỡ khúc mắc của lòng thù hận, và tháo gỡ những cục diện oan oan tương báo, thì sẽ là một loại cứu rỗi cho những người đã làm tổn thương mạng sống của người khác và những kẻ bị hại.

(Theo “Y Kiên Đinh Chí” quyển II)

Theo Tinh hoa