Lạc Chung Lân sống vào triều Thanh, năm Thuận Trị thứ 16 (năm 1659), ông nhậm chức Tri huyện ở huyện Chu Chất, thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Khang Hy, vị Hoàng đế tại vị lâu nhất nhà Thanh lên ngôi năm 1662.

Mùa hè năm đó, tỉnh Thiểm Tây hứng chịu một đợt mưa xối xả, nước sông Vị tràn vào bờ Nam, sắp sửa nhấn chìm toàn huyện Chu Chất. Lạc Chung Lân tắm gội, trai giới, tự mình quỳ xuống cầu khấn giữa trời mưa. Mưa ngừng rơi. Nước sông bỗng chốc cũng giảm xuống, dòng chảy chuyển hướng chảy về phía Bắc vài dặm. Huyện Chu Chất thoát khỏi nạn lũ lụt.

trieu-dinh-dai-thanh

Đơn giản hóa luật thuế, chấm dứt nạn ăn hối lộ

Năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1651), Lạc Chung Lân được thăng chức Tri phủ ở Thường Châu, thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay.

Lúc bấy giờ, các huyện trực thuộc Thường Châu đều phải chịu thuế rất nặng. Luật thuế bao gồm nhiều điều khoản rắm rối phức tạp, tạo sơ hở cho các quan lại hủ bại moi tiền của dân chúng. Lạc Chung Lân đã đơn giản hóa luật thuế, chỉnh đốn công tác quản lý nhà nước và giảm bớt tệ quan liêu. Với các quy định và điều luật minh bạch mới, quan lại không còn có thể lợi dụng để phạm pháp nữa.

Theo lệ cũ, mỗi năm mỗi huyện trực thuộc phải nộp cho những người chịu trách nhiệm vận chuyển bằng đường thủy ba vạn kim tiền.

Lạc Chung Lân nói: “Nếu lấy của mỗi huyện ba vạn kim tiền, chẳng phải đó là từ tiền thuế của bách tính?” Do đó ông đã nghiêm khắc bãi trừ thông lệ này. Không ai trong những người chịu trách nhiệm vận chuyển bằng đường thủy còn dám ăn đút lót nữa.

Năm Thuận Trị thứ 9 xảy ra nạn lũ lụt nghiêm trọng ở Giang Tô. Lạc Chung Lân đã cho mở kho lương thực của quan phủ, thuyết phục phú nông và địa chủ mang lương thực ra cứu giúp dân chúng. Do đó dân chúng trong phủ của ông đã không phải lưu vong chạy nạn để tránh nạn đói.

Mùa hè năm Thuận Trị thứ 10 lại xảy ra đại hạn hán ở trong vùng. Lạc Chung Lân mặc quần áo vải bố và đi dép cói, ông đi bộ trên mặt đất khô cằn nứt nẻ để cầu mưa. Ông hướng lên trời tạ tội, nước mắt lăn dài trên mặt, ông nói: “Con là quan Tri phủ mà không có đức, đã làm liên lụy tới bách tính.”

(Theo “Thanh sử cảo”, quyển 476, Liệt truyện 263, Tuần lại 1)