Đến cuối triều nhà Nguyên, Trung Hoa xuất hiện một người am hiểu chiêm tinh tài giỏi. Người này họ Lưu, tên Cơ, tự là Bá Ôn, tinh thông binh pháp, sách lược, túc trí đa mưu, nhìn xa trông rộng, có thể khiển gió điều mưa, lại liệu sự như thần. Ông đã giúp Chu Nguyên Chương tập hợp bách tính vào ngày rằm tháng tám, khởi binh diệt Nguyên đoạt Kim Lăng, trở thành khai quốc công thần nổi tiếng lừng lẫy triều nhà Minh.

Câu chuyện ly kỳ về sự ra đời của Lưu Bá Ôn

Lưu Bá Ôn là người tinh thông mệnh lý học. Trong dân gian cũng có truyền thuyết kể ông là Thần tiên hạ phàm đến để trợ giúp Minh Thái Tổ thành tựu đại nghiệp. Trong các câu chuyện dân gian và trong các tác phẩm văn học, ông thường được nhắc đến với tài thần cơ diệu toán, biết trước tương lai, nhìn thấu kim cổ. Hơn nữa, ông còn có tài hô phong hoán vũ, thần thông quảng đại.

Cha của Lưu Bá Ôn là Lưu Dược. Tương truyền rằng cha mẹ của Lưu Bá Ôn là những người có tâm địa vô cùng tốt. Một ngày, có một vị Bạch hạc tiên sư hóa thành một người ăn mày chốc đầu bẩn thỉu đến nhà Lưu Dược ăn xin. Hai vợ chồng họ không những không chê ghét mà còn cho người ăn mày ấy ăn cơm. Hơn nữa, họ còn lên núi hái cây thảo dược về chữa trị cho người ăn mày này.

Bạch hạc tiên sư cảm động trước tấm lòng lương thiện của hai vợ chồng họ nên muốn đền đáp cho họ. Bạch hạc tiên sư bảo vợ chồng họ sau này hãy chôn cất hài cốt tổ tiên ở dưới chân núi Ngũ Phong Sơn, ngày sau tất sẽ sinh được nhân tài. Về sau, Lưu Dược đã nghe theo lời chỉ bảo của người ăn mày này. Ba năm sau thì vợ chồng Lưu Dược đã sinh được một người con trai, chính là Lưu Bá Ôn.

Lúc vừa chào đời, Lưu Bá Ôn không khóc như những đứa trẻ bình thường khác, giống như một người bị câm vậy. Ngay lúc cha mẹ của Lưu Bá Ôn đang rất lo lắng thì Bạch hạc tiên sư lại xuất hiện, vẫn với thân phận là người ăn mày năm xưa. Bạch hạc tiên sư nói với hai người họ rằng: “Đứa trẻ này mi thanh mắt tú, thiên đình đầy đặn, địa các vuông tròn, ngày sau tất sẽ thành người tài”.

Nói xong, Bạch hạc tiên sư đưa tay sờ lên yết hầu của đứa trẻ, rồi vỗ vỗ lên ngực mấy cái, thoáng chốc đứa trẻ há miệng phát ra tiếng khóc. Bạch hạc tiên sư lập tức từ biệt hai vợ chồng họ mà rời đi.

Ngay từ thuở nhỏ, Lưu Bá Ôn đã rất thông minh, có khả năng hơn người, những gì đã nhìn qua là không quên, đọc sách một lần là có thể thuộc. Cho nên, Lưu Bá Ôn được các thầy dạy học hết sức khen ngợi và tán thưởng.

Tranh minh hoạ chân dung Lưu Bá Ôn (ảnh: Baidu).

Lưu Bá Ôn tới viếng mộ Khổng Minh

Gia Cát Lượng thời Tam Quốc là một người có kiến thức về thiên văn và địa lý uyên thâm, ông cũng là người tinh thông âm dương, có thể hô phong hoán vũ. Không những vậy ông lại có tài thao lược, có sự hiểu biết thấu đáo về lịch sử, đa mưu túc trí, thần cơ diệu toán. Ông đã hỗ trợ Lưu Bị bắt đầu sự nghiệp, bày mưu tính kế, bách chiến bách thắng, cai trị Thục Hán, cúc cung tận tụy tới lúc lâm chung. Ông tài hoa hơn người, tiếng lành đồn xa, công lao to lớn, là tấm gương mẫu mực và được người được xưng là bậc kỳ tài tế thế từ cổ tới nay.

Người ta nói rằng, Lưu Bá Ôn là Gia Cát Lượng tái thế, là Khổng Minh hoàn dương chuyển sinh. Bá Ôn cũng tự phụ coi mình tài cao kỹ tuyệt, đức cao vọng trọng thường tùy tiện bình phẩm, trong tâm có điều không phục. “Khổng Minh học vấn uyên thâm, ta so với ông ấy chỉ kém 1 ly, Khổng Minh đức năng phi phàm, ta so với ông ấy chỉ thiếu một chút. Khổng Minh trí huệ siêu việt, ta so với ông ấy chỉ kém một ti (đề-xi-mi-li-mét; một phần vạn phân). Khổng Minh có thể dự trước đoán sau, chưa đoán đã biết, ta so với ông cũng không hề thua kém”.

Lưu Bá Ôn thậm chí còn cả gan thách thức: “Sinh thời Gia Cát Lượng liệu sự như thần có thể biết được sau khi mất ai sẽ là người tới viếng mộ tế lễ đầu tiên, người nào đến đào mộ ông, và ghi vào trong sách để trong mộ đá và lưu truyền qua các thời đại. Ta quyết định sẽ đích thân tới viếng mộ Khổng Minh, nếu ông ấy có thể liệu sự như thần và biết được, ta sẽ đến quỳ gối dập đầu 1000 cái. Khổng Minh nếu không đoán ra được, ta sẽ chê cười vì tài năng ông ấy thấp hơn ta ba thước”. Sau khi tới viếng mộ Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn đã vô cùng bái phục phải thốt lên rằng: “Bá Ôn mắt không thấy tiên hiền, nói năng vô lễ, thấy được những điều này thì kinh sợ, không dám nhiều chuyện”

Một ngày nọ, Lưu Bá Ôn dẫn theo tùy tùng ngồi kiệu bát cống đích thân tới viếng mộ Khổng Minh. Sau khi xuyên qua cổng vòm cao ông bước lên những bậc thang lát đá hoa trước mặt là một tượng đài khổng lồ, phía trên có năm chữ do đích thân ‘Ngọa long sơn nhân’ (một biệt danh khác của Gia Cát Lượng) đích thân viết: “Ngô đáo vô nhân đáo”, tạm dịch: Ta tới không ai tới.

Lưu Bá Ôn chắp tay khom người thi lễ, ngẩng đầu đảo nhìn xung quanh và không nhịn được cười một cách diễu cợt: “Ngọa Long sơn nhân, thư pháp thật đẹp, nét bút cứng cáp có sức sống, chữ viết hùng hồn đầy khí thế, so với Phục Hy thật không thua kém chút nào. Chỉ có điều dự đoán sự vụ có hơi kém, thấp hơn ta một bước. Không ngờ đường đường chính chính là thừa tướng của Thục quốc, chỉ có trước mắt không có phía sau. Một người mưu trí có thể đoán biết sự tình năm trăm năm trước mà không biết việc của 1000 năm sau, đúng là hư danh. Bá Ôn ta dám cười Người thấp hơn ta ba thước, cuối cùng không ngờ rằng ông tới ta cũng tới rồi. Những lời dự ngôn trên bia đá sai rồi, chỉ để lừa gạt người thế gian, chi bằng đạp đổ đập nát đỡ chướng tai gai mắt người đời”. Lời ông vừa dứt, đám tùy tùng đi theo sau tiến về phía trước hai bước, vác tấm bia đá lên đập thành ba mảnh.

Diễn viên Hoắc Chính Kỳ thủ vai Hoàng đế Chu Nguyên Chương trong phim “Thần cơ diệu toán Lưu Bá Ôn” (ảnh: Sohu).

Lưu Bá Ôn vô cùng kiêu ngạo, sau khi nhìn thấy tấm bia, không kìm được cười lạnh một tiếng. “Nghe nói Gia Cát Lượng Khổng Minh được coi là người có năng lực nhất thiên hạ, theo những gì ta thấy, e rằng không phải. Từ nay về sau, danh hiệu năng lực “đệ nhất thiên hạ” này ngoài Lưu Bá Ôn ta không ai xứng đáng!”. Lưu Bá Ôn chắp tay sau lưng, quay lưng lại đi với bộ dạng huênh hoang đắc ý. Lưu Bá Ôn đi chưa được 20 bước đã có một tảng đá lớn chắn đường đi. Lưu Bá Ôn lệnh cho thuộc hạ lau đi lớp bụi mờ, từng nét chữ khắc trên phiến đá hiện lên một cách rõ ràng. Sau khi nhìn dòng chữ trên phiến đá, tùy tùng của Lưu Bá Ôn vô cùng hoang mang, lo lắng. Lưu Bá Ôn khi đó hắng giọng hét lớn: “Sai lầm, đúng là ta sai lầm. Học trò tự cao tự đại, không biết trời cao đất dày, đập vỡ bia đá bôi nhọ làm nhục tiên sư, tội đáng muôn chết”. Hóa ra, trên phiến đá có năm chữ “Chỉ Bá Ôn được đến” do chính Khổng Minh viết.

Lúc này, Lưu Bá Ôn vô cùng xấu hổ, nhanh chóng tới hành lễ một cách thành khẩn. Sau khi hành lễ, thân nặng tựa đá đeo, chân mềm như bún, không cách nào có thể đứng lên được. Ngay khi không thể đứng dậy, Lưu Bá Ôn bỗng dưng nhìn thấy một hàng chữ được khắc phía dưới của phiến đá, rằng: “Bá Ôn đội mũ hành lễ, bỏ mũ có thể đứng dậy”. Bá Ôn cảm giác Khổng Minh như đang ở trước mặt. Ông nhanh chóng bỏ mũ, khi ấy cơ thể dường như được thả lỏng, hành lễ 3 lần nữa rồi từ từ đứng dậy.

Khi nhìn thấy tấm bia đá đầu tiên, Lưu Bá Ôn tỏ ra vênh váo hung hăng, không thèm quan tâm bao nhiêu thì khi nhìn thấy tấm bia đá thứ hai, trong tâm ông lại kinh sợ, khiếp đảm, sợ tới tái mặt ngây người làm mất đi dáng vẻ oai phong lẫm liệt ban đầu. Bá Ôn tâm phục khẩu phục, từ mộ trở về một mực cung kính tới đền thờ Khổng Minh thiết án thắp hương làm lễ bái sư. Nhìn thấy trên bàn đặt một bát nước lạnh, dưới gầm giường để một đôi giày thiết triều với những hoa văn thêu tinh tế đẹp đẽ thì vô cùng tò mò. Khói hương nghi ngút làm ông lâng lâng cầm bát nước lên uống hết, lại xỏ chân vào giày đi quanh nhà ba vòng rồi vừa cười vừa nói: “Uống nước của thầy để thanh liêm không tham lam, mang giày của thầy để đi cho chính không bị sai lệch”.

Khi bước ra cửa ngẩng đầu lên nhìn, ông nhìn thấy hai hàng chữ vàng được Gia Cát Lượng viết trên bức tường lớn đối diện: “Đi giầy của ta, uống nước của ta, đi tới Sa Khâu (nghĩa là: Cồn cát) gặp hung tai”. Vô tình nhìn thấy những dòng chữ này, Bá Ôn biết chuyến đi này không tốt, sợ đến ù tai hoa mắt, sắc mặt tái mét càng lo lắng đau khổ.

Luôn tự coi mình cao hơn trời, gan to bằng trời, cả đời giao chiến chỉ thắng không bại, mưu sự chỉ tốt không xấu, hôm nay trước mặt Khổng Minh lĩnh giáo, Bá Ôn tự cảm thấy mình thấp hơn ba thước, nhát gan hơn ba phần. Thấy Gia Cát Lượng dự đoán mình sẽ có nạn, Bá Ôn liệu sự tính toán biết rằng có điều bất chắc tai họa sẽ một sớm một chiều. Bá Ôn quay đầu nhìn lại những chữ vàng trên tường hồi lâu, rồi thản nhiên ngâm nga viết: “Nhân sinh các hữu chí, báo quốc các hữu đồ, phong vũ các hữu lịch, thọ tuế các hữu chung. Cai tử bất đắc hoạt, cai hoạt tử bất đắc”, tạm dịch: Cuộc sống mỗi người có chí riêng, báo quốc mỗi người tự có đường đi, mưa gió mỗi người tự có trải nghiệm, thọ mệnh mỗi người tự có định số. Nếu phải chết thì không sống được, nếu phải sống thì không chết được”. Sau đó hướng tới tượng Khổng Minh hành lễ, và từ từ ra khỏi cổng lớn lên kiệu đi về.

Khi đi tới con đường nhỏ và rẽ về phía nam để ra đường lớn, ông ngập ngừng hồi lâu rồi bỗng nhiên suy tư và vội vàng hỏi: “Từ đây tới thị trấn Sa Khâu bao xa?”. Phu kiệu trả lời: “Khoảng 80 dặm”. Bá Ôn nhíu mày, mở rèm kiệu lên nhô đầu ra và đưa tay chỉ: “Quay lại đi chếch về hướng đông nam 50 dặm, sau đó lại hướng về phía tây nam 50 dặm, đi vòng thành một hình tròn, băng qua thị trấn Sa Khâu”. Phu kiệu tuân mệnh hành sự, im lặng không nói câu gì.

Sau khi đi bộ thêm hàng chục dặm để tránh xa khỏi thị trấn Sa Khâu, ông và đoàn người đã lên tới đường chính trở về kinh đô. Trên đường khi đoàn người đi qua một lòng sông khô cạn lâu ngày, thì gặp một đám trẻ nhỏ chia thành hai nhóm chiếm lĩnh hai gò cát phía đông và phía tây chơi trò trận giả. Đám trẻ ở gò cát phía đông bố trí Bát quái trận, nhóm ở gò cát cát phía tây bố trí theo hướng Trường Xà trận đồ. Hai bên nhặt gạch vụn ném nhau lại dùng gậy gộc tấn công phòng thủ như chơi trận thật, còn kêu la chém giết. “Đông Sa khâu thắng rồi, Tây Sa Khâu thua rồi”.

Lưu Bá Ôn nghe thấy hai từ Sa Khâu thì sợ hãi tới toàn thân đổ mồ hôi lạnh, bỗng chốc cảm thấy như trời đất quay cuồng, chóng mặt hoa mắt. Ông lập tức cho người dừng kiệu, dặn dò kẻ dưới: “Thầy của ta Gia Cát Khổng Minh có thể tính toán liệu định như Thần, thần khẩu tiên ngôn. Ta trốn được khỏi thị trấn Sa Khâu, nhưng chạy không thoát khỏi Sa Khâu hà. Ta chết trong lòng đã hiểu rõ, chết không oán không hận, muốn lưu lại một vài lời khuyên nhủ hậu thế”.

Đoàn tùy tùng lấy bút mực, đưa cho ông viết: “Núi dù cao đến mấy cũng có đỉnh, Trời rộng lớn nhưng là vô biên; ếch ngồi đáy giếng thấy trời nhỏ, nhưng lên cao rồi mới thấy trời cao đất rộng. Mưu mô thắng lo bại cuối cùng bất bại, lấy dài bù ngắn cuối cùng không ngắn; biết sai sửa sai cuối cùng không sai, biết xấu hổ rửa nhục cuối cùng không trơ trẽn. Ta tự cho mình cuồng ngạo, không coi ai ra gì, chưa bao giờ nghĩ mình sai, không muốn bổ sung chỗ thiếu sót của mình, cuối cùng nhận được sự trừng phạt nghiêm khắc của thầy ta. Đưa tới họa táng thân. Lần này tỉnh ngộ rồi, hối hận cũng đã muộn rồi, mong rằng các vị hãy truyền lại lời nhắn của ta tới hậu bối sau này” (nguyên văn: Sơn cao tổng hữu đỉnh, thiên đại khước vô biên; tọa tỉnh quan thiên tiểu, đăng cao vọng thiên khoát. Mưu thắng lự bại chung bất bại, thủ trường bổ đoản chung bất đoản; tri thác cải thác chung bất thác, tri sỉ tuyết sỉ chung bất sỉ. Ngô cư công cuồng ngạo, mục trung vô nhân, tòng lai bất tư quá thác, bất bổ đoản khuyết, chung thụ ngô sư nghiêm trừng. Chiêu lai tang thân chi họa. Thử thời tỉnh ngộ, hối chi dĩ vãn, vọng chúng vị truyền ngô lưu ngôn giới kỳ tử tôn hậu đại). 

Lưu Bá Ôn viết tới đây thì dừng bút, miệng ộc ra máu tươi. Đoàn tùy tùng che mặt khóc thảm thiết, vội vàng mua đồ tang, chuẩn bị quan tài đưa linh cữu về kinh. Trên đường vừa khóc vừa than: “Đại nhân văn võ song toàn, có tài có đức, một đời anh hùng hào kiệt, theo Thái tổ nam chinh bắc chiến, vào sinh ra tử, đặt nền móng cho nhà Minh chịu bao gian nan vất vả, người trong thiên hạ và trời đất đều thấu tỏ. Thật đáng tiếc tính cách kiêu ngạo, khinh người, không thể khoan dung với người, cuối cùng gặp điều bất hạnh bỏ mạng ở Sa Khâu hà. Trước khi lâm trung đại nhân có ngộ ra triết lý nhân sinh cả đời đã trải qua, lưu lại kim thạch chân ngôn khuyên nhủ hậu thế. Đây đúng là hành động của bậc trí giả, làm người ta cảm thấy kính nể, hoài niệm thiên thu”. 

Linh cữu của Lưu Bá Ôn được đưa về kinh đô, long trọng tổ chức và đưa về an táng ở quê nhà. Thông điệp một chữ đáng giá nghìn vàng của ông được in ra và lưu truyền rộng rãi trong dân, mọi người đọc và lưu truyền rộng rãi tới thế hệ sau.

Theo ĐKN.TV