Trong thư pháp có rất nhiều việc là giống với võ thuật hay tu đạo, đều yêu cầu không chỉ là khổ luyện mà còn cần lĩnh ngộ. Bởi vậy, luyện thư pháp không phải là việc làm quen tay, nhìn quen mắt, mà là nuôi dưỡng nội hàm, mở mang trí tuệ của bản thân.

Trong lịch sử rất nhiều nhà thư pháp đều có những lĩnh ngộ bắt nguồn từ thiên nhiên, ví như tiếng mưa rơi trên tường, chữ viết trên cát, tiếng động vật di chuyển giữa đám cỏ… từ đó mà ứng dụng vào nhịp điệu tay, hình thức, cách thể hiện… Chẳng hạn như bút pháp của Hoàng Sơn Cốc bắt nguồn từ việc quan sát động tác chèo thuyền, từ đó tạo thành bút pháp “Nhất ba tam chiết” (Một làn sóng gẫy làm ba). Kỳ thực bút pháp này từng loáng thoáng xuất hiện trong chữ Lệ Thư.

Lịch sử của nhân loại vô cùng lâu đời, lại mang tính lặp lại, rất nhiều thứ cổ nhân sớm đã phát hiện hoặc phát minh ra, người đời sau lại lặp lại tương tự thế. Những thứ gọi là “thư pháp hiện đại”, người ta hắt, vẩy, hay vẽ thư pháp bằng tóc, bằng ngón tay, hoặc lòng bàn tay nhuốm đầy mực mà viết chữ, hết thảy những thứ này từ tận thời Đường đều đã có người thử. Tuy vậy cuối cùng chúng đều bị coi là tiểu đạo tiểu thuật, không đáng nhắc tới nên cũng không được ghi chép lại tỉ mỉ.

Thật ra, viết thư pháp không nên mơ tưởng cao xa, bởi học viết chữ chẳng thể có con đường tắt, chỉ có thể nỗ lực từng bước một, như hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước chân. Bản thân viết thư pháp không chỉ là luyện tay luyện mắt luyện thân, mà còn bồi dưỡng đạo đức và trí tuệ.

Những đại sư thư pháp cổ đại và những danh nhân chân chính thời hiện đại đều phải nỗ lực cả một đời hàng chục năm. Để có sự tinh xảo trong thư pháp, “Thư Thánh” Vương Hy Chi khổ luyện tới mức quên ăn, quên ngủ. Chỉ riêng một chữ “Vĩnh” (永 – vĩnh hằng, vĩnh cửu), ông phải mất tới 15 năm mới bằng lòng.

Ngày nay, nhiều người cảm thấy thư pháp thật đơn giản, chỉ cần lắng nghe phương pháp của thầy cô là đã hiểu. Khi nghe phương pháp của giáo viên, cứ ngỡ rằng mình đã nắm vững rồi, nhưng đây là sai lầm lớn nhất của những người bắt đầu học thư pháp. Đến lúc cầm bút, e rằng cũng khó có mấy người làm được mà không phải trải qua khổ luyện.

Kỳ thực nghe thấy không đồng nghĩa với việc đã biết, biết rồi không có nghĩa là đã minh bạch, minh bạch không có nghĩa là đã giỏi, giỏi rồi không có nghĩa đã thành thục, thành thục rồi lại càng chưa thể là bậc cao minh.

Con trai của Vương Hy Chi là Vương Hiến Chi mãi cho đến năm 45 tuổi, thư pháp mới có thể tạm coi là xuất chúng, nhưng vẫn còn kém xa so với phụ thân. Vậy mà Vương Hy Chi chỉ cho con có một lời khuyên duy nhất: dùng 18 chum nước lớn mài mực viết đến khi dùng cạn chỗ nước đó thì mới thành tài.

Người ta có thể xuất phát điểm với “mong muốn làm được”, nhưng để có được sự cao thâm trong thư pháp, người ta phải làm đến mức quên đi cái cá nhân, cái tôi ấy. Cùng một đạo lý như vậy, hơn ngàn năm qua, những người giỏi viết văn nhiều vô số, nhưng những bậc thi nhân tài hoa tuyệt thế lại chẳng có mấy người. Cũng vậy, âm nhạc đâu phải chỉ là một phương pháp xướng ca, mỹ thuật đâu phải chỉ là kỹ xảo vẽ vời, đâu phải chỉ cần học được phương pháp và kỹ thuật đó, thì bản thân đã có thể trở thành một nhà sáng tác. Vương Hy Chi 1700 năm nay vẫn chưa ai sánh được, 700 năm nay Triệu Mạnh Phủ không có đối thủ, 500 năm nay Văn Trưng Minh trước sau vẫn là số một, 300 năm nay Vương Đạc vẫn một mình chiếm cứ đỉnh cao. Mỗi người trong số họ đều bước lên tới đỉnh cao của nghệ thuật nhờ vô cùng nhiều nhân tố hội tụ như tài năng, lực học, nhân cách…, thiếu đi bất cứ nhân tố nào cũng không thể đạt được thành tựu như vậy.

Theo Trí Thức Việt Nam

 

Ngày nay, không phải ai cũng có thể làm một nhà thư pháp. Bởi lẽ muốn trở thành một nhà thư pháp thì phải có hiểu biết sâu sắc về văn hoá như văn học, hội hoạ, điêu khắc, lịch sử, kiến trúc, mỹ học… Tuy vậy, biết cách thưởng thức thư pháp lại không phải điều quá khó khăn. Chỉ có điều đa phần những người học viết thư pháp chỉ học viết chữ, đa số những người dạy thư pháp, cũng chỉ dạy viết chữ, rất ít người thực sự dạy và học cách thưởng thức một bức thư pháp như thế nào. Chỉ cần được thư pháp gia chân chính chỉ dạy một thời gian ngắn là có thể hình thành được những khái niệm hoàn chỉnh về thư pháp, hiểu được những nhân vật quan trọng, những bia chạm khắc, hay thư tịch còn lưu lại trong lịch sử thư pháp, cũng như những nội hàm tinh tuý sâu sắc đằng sau.

Dù đạo lý là vậy, nhưng người không có tu dưỡng thì không thể hoàn toàn thưởng thức được cái đẹp của thư pháp. Điều này cũng giống như nghe nhạc vậy, có người hiểu, có người không, có người khóc vì một bản nhạc, nhưng có người lại chỉ thấy bình thường mà thôi. Ý nghĩa của việc “thưởng thức thư pháp” cũng lại chính là rèn luyện những phẩm chất văn hoá và sự tu dưỡng sâu sắc, từ đó hình thành một tâm thái sống có nhân cách, phẩm vị và giá trị quan đúng đắn.