Trên thế gian này, có những người có chút học vấn mà đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là hơn nhất. Nhưng người có cảnh giới tinh thần càng cao thâm, lại càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân và càng thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Phật Thích Ca khi mô tả vũ trụ quan của mình đã nói “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, ý là to lớn đến vô cùng, nhỏ bé đến vô tận. Ông giảng về học thuyết “Tam thiên đại thiên thế giới”, cho rằng một hạt cát cũng có một vũ trụ bên trong. Ngày nay vật lý học khám phá ra rằng dưới tề bào có phân tử, dưới phân tử có nguyên tử, dưới nữa lại còn có những vi hạt nhỏ bé hơn. Sự chuyển động của các hành tinh trong hệ ngân hà quanh vùng lõi, sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, sự chuyển động của electron quanh hạt nhân nguyên tử là tương đồng tương đối, đại đồng tiểu dị. Từ đó mà suy ra rằng con người cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé, bên trong một hạt cát nhỏ bé, bên trong một hạt cát nhỏ bé… mà thôi.
Kỳ thực, tu dưỡng và năng lực của con người cũng giống như thế, “Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên”, người tài còn có người tài hơn, bên ngoài bầu trời còn có bầu trời khác. Đời người là hữu hạn nhưng tri thức, sự hiểu biết là không có giới hạn. Bởi vậy, làm người phải biết lấy “Sự học là vô chừng”, khiêm tốn ham học hỏi, kính nghiệp kính sư, đừng vì chút kiến thức ít ỏi mà vội kiêu ngạo, coi thường người khác.
Trong cuốn “Bác Vật Chí” có ghi lại câu chuyện về Tiết Đàm học âm nhạc từ Tần Thanh như sau.
Tần Thanh nổi danh về âm nhạc vào thời kỳ Chiến Quốc. Ông không chỉ thông hiểu về âm luật mà tiếng ca của ông còn làm rung động lòng người.
Thời ấy, có một người tên là Tiết Đàm, nghe danh tiếng của Tần Thanh nên từ xa đến, xin bái Tần Thanh làm thầy để theo học âm nhạc. Sau một thời gian học tập, khi còn chưa hoàn toàn học hết tài nghệ của Tần Thanh truyền đạt, thì Tiết Đàm đã cảm thấy mình đã học đủ rồi, thậm chí tài nghệ đã vượt cả Tần Thanh rồi, liền cho rằng không cần tiếp tục học nữa. Nghĩ vậy nên Tiết Đàm muốn từ biệt thầy để trở về quê hương.
Tần Thanh cũng không cảm thấy phật ý hay ngăn cản Tiết Đàm rời đi. Ngày Tiết Đàm lên đường, ở trạm dừng chân bên đường lớn, Tần Thanh chuẩn bị một mâm cỗ để hai người từ biệt nhau. Trong yến tiệc, khi hàn huyên, Tần Thanh vừa vỗ vỗ chiếc bàn vừa cất giọng hát một ca khúc bi ai. Tiếng ca của Tần Thanh vang xa, làm chấn động cả rừng cây gần đó, tựa hồ như đám mây trắng cũng không trôi nữa mà dừng lại nghe ông hát.
Tiết Đàm nghe xong trong lòng vô cùng cảm kích nhưng cũng vô cùng xấu hổ. Tiết Đàm hiểu ra rằng bản thân mình tự cao tự đại, không biết rằng còn rất nhiều tài nghệ cao thâm mà bản thân không hiểu, quả thực là còn kém xa sư phụ của mình. Thế là Tiết Đàm hướng đến Tần Thanh tạ tội, đồng thời thỉnh cầu xin ở lại tiếp tục học ca hát từ Tần Thanh. Cũng từ đó, Tiết Đàm không bao giờ dám nghĩ tài nghệ của mình đã hơn cả thầy nữa.
Trong cuộc sống có không ít người giống như Tiết Đàm vậy, biết được chút tri thức, học được chút tài nghệ liền mạo phạm người bề trên, khinh mạn bạn bè cùng trang lứa. Thậm chí có không ít người khi đạt được một chút thành tựu trong sự nghiệp, trong học tập liền coi thường những người khác. Đây đều là bởi vì người ấy không hiểu được rằng sự học là vô chừng. Học tài nghệ cố nhiên quan trọng, nhưng học làm người là học cả đời, là quan trọng hơn hết. Không phân biệt người đó làm nghề gì, cũng không phân biệt bằng cấp, bất luận là ai, ở địa vị nào, học làm người, học làm người tốt cũng là không có điểm dừng.
Kỳ thực, cho dù là nghệ thuật, tài nghệ, học vấn hay tu thân, những sở học ấy đối với bất kỳ ai mà nói đều là không có điểm dừng. Một người có tâm tự mãn, tự cao tự đại sẽ chỉ biết dừng lại và tự trói buộc chính mình, khiến bản thân mình không thể tiến thêm được nữa. Một người nếu có thể vĩnh viễn mang trong mình sự khiêm tốn và cung kính thì sẽ ngày càng học hỏi và dung nạp được nhiều tri thức hơn. Người thực sự có bản lĩnh và tài năng không cần khoa trương bản thân mà vẫn tự tỏa sáng.
Danh họa người Ý, Leonardo da Vinci từng nói: “Một chút tri thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất.” Một người chỉ có tâm khiêm tốn học tập, không bao giờ kiêu ngạo tự mãn thì mới có thể bước đến đỉnh cao của sự nghiệp.