Người tu đạo thời xưa có nhiều vô số kể, bọn họ có thể bay trên trời, hay đi xuống lòng đất, thậm chí có thể biến hóa tùy ý, nhưng người ngoài ít ai có thể biết được, có khi ở ngay bên cạnh chúng ta, mà chúng ta cũng không hay biết gì.
Lật xem những sách cổ trong lịch sử, có thể tìm thấy không ít những ví dụ thực tế, có những việc đối với người hiện đại mà nói thì thật không thể tưởng tượng được, nhưng nó lại là sự thật.
Năm Thiên Bảo thứ 13, nhân ngày Tết Trùng Cửu, vua Đường Huyền Tông đi đến Sa Uyển để săn bắn, lúc ấy trong mây xuất hiện một con hạc đang bay lượn.
Đường Huyền Tông tự mình kéo cung bắn trúng con hạc. Con hạc mang theo mũi tên từ từ hạ xuống, khi cách mặt đất còn khoảng một trượng, nó đột nhiên vỗ cánh nhắm hướng Tây Nam mà bay đi. Tất cả mọi người đều nhìn theo nó, phải rất lâu sau mới biến mất.
Cách thành Ích Châu 15 dặm về phía Tây có một đạo quán. Đạo quán này địa thế dựa vào núi ở sát sông, vây quanh là cây tùng, cây quế, núi sâu rừng thẳm. Ở bên trong đạo quán, nếu không phải là người tu luyện chuyên tâm thì không thể ở lại đây được.
Phía Đông đạo quán có một tự viện cực kỳ tĩnh mịch. Có một người tự xưng là đạo sĩ núi Thanh Thành, tên gọi là Từ Tá Khanh, dáng vẻ thuần phác, một năm thường đến đây vài lần. Người già ở trong đạo quán bởi vậy mà không đến chánh đường của viện này, chỉ chờ Từ Tá Khanh đến.
Mà Từ Tá Khánh mỗi lần đến nơi đây thì ở lại 3 ngày, 5 ngày, hoặc 10 ngày nửa tháng rồi lại đi, ông nói là sẽ trở về núi Thanh Thành. Mọi người ở đạo quán đều rất ngưỡng mộ ông.
Có một ngày ông bỗng nhiên từ bên ngoài đi tới, thần sắc không được vui. Ông nói với mọi người ở trong viện: “Lúc tôi đi ở trong núi, vô tình bị mũi tên bắn trúng, chỉ một lát sau là ổn. Nhưng mũi tên này không phải là của một người bình thường.
Mũi tên bắn trúng chim hạc, con hạc mang theo mũi tên từ từ hạ xuống. (Bức tranh “Càn Long hoàng đế lạc nhạn đồ” do Lang thế Ninh thời nhà Thanh vẽ)
Tôi treo mũi tên này ở trên tường, năm sau chủ nhân của mũi tên này sẽ đến đây, hãy mang trả lại cho ông ta. Nhất định đừng ném nó đi!”. Đạo sĩ còn lấy bút viết lên trên tường: “Thời điểm giữ mũi tên này là ngày 9/9 năm Thiên Bảo thứ 13”.
Khi Đường Huyền Tông lánh nạn đến Tứ Xuyên, ban ngày nhàn hạ ngồi trên xe du ngoạn, ngẫu nhiên đi tới đạo quán này, rất ưa thích cảnh đẹp nơi đây, liền đi xem tất cả các đạo thất.
Sau khi đi vào chánh đường của viện này thì nhìn thấy cái mũi tên, liền sai tùy tùng lấy lại để xem. Ông xem xét thì thấy đây là một mũi tên ngự dụng (thứ vua dùng), vô cùng ngạc nhiên, vì vậy mới hỏi thăm đạo sĩ ở trong đạo quán, đạo sĩ liền kể chi tiết lại mọi việc.
Đường Huyền Tông nhìn thấy chữ của Từ Tá Khanh để lại, thì ra đây chính là mũi tên mà năm trước đi săn ở Sa Uyển đã bắn ra. Từ Tá Khanh đại khái chính là con hạc bị trúng tên kia.
Đường Huyền Tông cực kỳ sửng sốt, liền cất mũi tên này đi và coi nó như là một bảo vật. Về sau mọi người cũng không gặp lại Từ Tá Khanh nữa.
(Trích từ “Thái bình quảng ký” quyển 36)