Nhiều người cho rằng Mạnh Khương Nữ khóc đổ trường thành là một câu chuyện tố cáo sự “tàn bạo” của Tần Thủy Hoàng. Nhưng thật ra, sự thật có đúng là như thế? Ý nghĩa thật sự đằng sau câu chuyện này là gì?
Câu chuyện về Mạnh Khương Nữ diễn ra tại Tề quốc, thời Xuân Thu. Hậu nhân đem vị chiến tướng Kỷ Lương của Tề quốc thời Xuân Thu vượt thời gian biến thành nhân vật chính trong câu chuyện truyền thuyết Mạnh Khương Nữ khóc đổ trường thành, thậm chí một số nơi còn vì vậy mà xây dựng các miếu thờ. Kỳ thực, trường thành mà nàng Mạnh Khương Nữ khóc đổ không phải chỉ Vạn Lý Trường Thành thời Tần quốc, mà chỉ về trường thành nước Tề.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử Đông Chu liệt quốc của nhà văn Phùng Mộng Long thời cuối nhà Minh đã làm rõ sự thật về câu chuyện truyền thuyết cách đây mấy trăm năm. Đại tướng Kỷ Lương của Tề Trang Công không may chết trận, để lại vợ góa. Vì cả hai đều không có con, nên nàng Mạnh Khương thị đã phục ở bên quan tài tướng công khóc tròn ba ngày, mọi người vô cùng cảm động vì tình cảm phu phụ sắt son đều chảy nước mắt theo nàng.
Sau ba ngày, Tề thành bỗng nhiên sụp đổ một mảng to, chính là bị tấm lòng chân thành của nàng làm cảm động. Đến thời sau, truyện bị thay đổi thành Phạm Kỷ Lương chết do bị ép đi xây Vạn Lý Trường Thành, vợ chàng là Mạnh Khương Nữ đến tìm phu quân chợt nghe tin chàng đã qua đời, đau lòng quá độ mà khóc lóc, cuối cùng một góc trường thành sụp xuống, để lộ ra di thể Phạm Kỷ Lương. Câu chuyện sai lệch ấy cứ thế truyền đi cho đến ngày hôm nay.
Năm thứ hai sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, ông đã hạ lệnh cho xây dựng nên một con đường nối liền Tần quốc cũ và sáu nước còn lại, được gọi là “trì đạo”, có nghĩa “đường xe ngựa chạy”. Ở giữa là “ngự đạo”, đường dành riêng cho hoàng thượng, hai bên gọi là “bàng đạo” (đường bên cạnh). Đây là một con đường vô cùng rộng, dài và bằng phẳng, có thể thoải mái phóng xe ngựa vun vút chạy trên đường.
Tiếp đó, ông hạ lệnh tu sửa những con đường thông đến Hàm Dương, kinh đô thời đó. Phía bắc dẫn đến Cửu Nguyên, nay là vùng Bao Đầu, Nội Mông, phía đông nối đến tỉnh Sơn Đông, phía nam tới quận Nam Hải, nay là vùng Quảng Châu, phía tây Bắc nối đến quận Lũng Tây, nay là tỉnh Cam Túc.
Trì đạo rộng từ 33m đến 50m, có nơi rộng đến cả trăm mét, tương truyền người ta xây con đường ấy gặp núi mở núi, gặp sông biến thành cầu. Mặt đường vô cùng bằng phẳng, người ta dùng vôi kết hợp với đất nện mà làm nên. Trải qua mưa gió hơn 2.000 năm, con đường đã bị hủy nhiều, nhưng từ những phần còn lại cũng đủ để ta hình dung ra hình ảnh trì đạo lúc bấy giờ, chất lượng thực sự rất đáng khâm phục.
Ảnh minh họa.
Để diệt trừ hậu họa dân du mục phương Bắc nhiều lần xâm phạm, Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng trường thành chống đỡ bên ngoài khi bị tập kích. Giữa các nước đều đã được xây dựng trường thành, nhưng tại phương Bắc thì trường thành không được xây dựng hoàn chỉnh lắm. Vậy nên sau khi thống nhất đất nước, ông đã cho lệnh đem các trường thành chắn giữa các nước đập bỏ, cùng với đó xây dựng trường thành nối ba nước Tần, Triệu, Yên ở phương Bắc lại, tránh quân Hung Nô lại lần nữa xâm phạm. Đời sau gọi đây là Vạn Lý Trường Thành, vang danh thiên hạ.
Xây dựng Vạn Lý Trường Thành được coi là một trong những công lao vĩ đại của Tần Thủy Hoàng. Tôn Trung Sơn sau này đã từng rất nhiều lần ca ngợi sự vĩ đại của trường thành: “Công lao sự nghiệp của cả Tần và Hán cũng không một cái nào có thể so với Vạn Lý Trường Thành…”, “Công trình vĩ đại nhất của Trung Quốc chính là trường thành”, hay “Từ điểm này mà xét, nếu không có sự bảo hộ của Trường Thành, Trung Quốc đã mất mình vào tay địch phương Bắc, không cần đợi đến thời Tống, Minh, mà ngay từ thời chiến tranh Sở – Hán đã không còn”.
Ngày nay, Vạn Lý Trường Thành được xem là một trong bảy kỳ quan thế giới, không chỉ mang tính văn hóa truyền thống truyền lại, kỹ thuật cao siêu của người xưa được lưu lại, mà còn bởi ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ bờ cõi đất nước, bảo vệ được văn hóa Trung Hoa Thần truyền bao ngàn năm qua.