Meteora là quẩn thể kiến trúc tu viện Chính Thống giáo ở miền trung Hy Lạp, những tòa tu viện này được xây dựng trên đỉnh các cột đá sa thạch và kết hợp hài hòa với mỏm đá thiên nhiên trông giống như tòa thành nằm giữa không trung, độc lập tách biệt với thế giới, thu hút mọi người ghé thăm.
Địa điểm tham quan đặc biệt này đã được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới.
Quần thể tu viện Meteora nằm trên các cột đá thiên nhiên cao hàng trăm mét ở bình nguyên Thessaly về phía Tây Bắc.
Vào khoảng 60 triệu năm trước, một loạt các cuộc vận động kiến tạo đã đẩy đáy biển lên cao, không chỉ hình thành cao nguyên mà còn khiến những tảng đá được đẩy lên cao nhiều tầng. Dưới sự bào mòn của gió, mưa và nhiệt độ khắc nghiệt, những tảng đá này dần hình thành và trở thành hình dáng như ngày hôm nay.
Meteora trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “đá treo” hoặc “treo trong không trung”. Những tòa tu viện treo giữa không trung này được các tu sĩ xây dựng nên vào khoảng thế kỷ 14–16 bằng các công cụ như lưới, ròng rọc, giỏ và thang v.v…
Trong điều kiện không làm thay đổi địa hình, các tu sĩ này đã xây dựng các tu viện như thể do chính những tảng đá tự mình mở rộng ra vậy.
Với điều kiện giao thông và khoa học kỹ thuật kém phát triển lúc bấy giờ, các tu sĩ đã dựa trên tín ngưỡng mạnh mẽ đối với Chúa Trời để mỗi ngày vận chuyển vật tư xây dựng lên núi cũng như xây dựng thánh đường tu hành của họ bằng từng viên gạch, cuối cùng họ đã tạo nên những tòa thành giữa không trung khiến người đời ngợi ca này.
Trong số tất cả 24 tu viện được xây dựng trên những tảng đá, hiện chỉ có 6 tu viện còn bảo tồn được hiện trạng và mở cửa đón du khách tham quan, trong đó có 4 tu viện là nơi ở của tu sĩ và 2 tu viện là nơi ở của các sơ. Tuy nhiên, số người sống trong các tu viện không đến 10 người.
Năm 1988, Meteora được Tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách di sản thế giới với tiêu chí là di sản kết hợp giữa văn hóa và thiên nhiên. Đến nay, những tu viện như tách biệt với thế giới này đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hy Lạp.