Mọi người hễ nghe đến “Sư tử Hà Đông” hay “Sư tử Hà Đông hống” liền hiểu ngay đó là chỉ những bà vợ hay nổi đóa, hung hãn, làm cho người chồng phải sợ hãi, nó còn ẩn dụ để chế giễu những anh chồng sợ vợ. Nguyên lai của câu nói này cũng rất phức tạp. Thật ra “Sư tử hống” vốn là một từ trong Phật Gia, là biểu hiện của sự uy nghiêm. Vậy tại sao nó lại được so sánh với những bà vợ hung dữ đây?

Điển tích về thành ngữ “Sư tử Hà Đông”

Chuyện kể rằng, thành ngữ “Sư tử Hà Đông” bắt nguồn từ nhà văn hào Tô Đông Pha vào triều Tống. Khi Tô Đông Pha bị giáng chức đến Hoàng Châu, có một người bằng hữu tên là Trần Lý Thường (Trần Tháo) rất thích đàm cổ luận kim, hay lui tới chỗ ông để trò chuyện. Trần Lý Thường sống tại Kỳ Đình của Hoàng Châu (nay thuộc Hoàng Châu, Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc), rất tín ngưỡng Phật Pháp, thường tìm hiểu về thiền định, tự xưng là Long Khưu. Tuy nhiên, Lý Thường tính tình lại hiếu khách, trong nhà có cả một đoàn ca kỹ riêng, vào lúc có tiệc đãi khách sẽ tấu nhạc múa hát để góp thêm phần vui vẻ. Thê tử của Lý Thường tên là Liễu Thị, xuất thân từ vùng Hà Đông (Lãnh thổ tỉnh Sơn Tây, phía Đông của sông Hoàng Hà). Liễu Thị tính hay ghen tuông, đanh đá, tiếng vang khắp nơi. Hoàng Đình Kiên gửi cho Lý Thường một bức thư, trong đó viết rằng phải để tâm đến “Giờ cần uống thuốc” của Liễu Thị, ám chỉ nguyên nhân cớ sự này là từ Lý Thường mà ra.

Tô Đông Pha có một bài thơ “Ký Ngô Đức Nhân Kiêm Giản Trần Lý Thường”. Những cảm khái khi học Thiền mà thường ngày hay chia sẻ với Lý Thường cũng được đưa vào trong bài thơ:

“Long Khưu cư sĩ diệc khả liên

Đàm không thuyết hữu dạ bất miên

Hốt văn hà đông sư tử hống

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.”

Dịch nghĩa:

“Long Khưu cư sĩ thật đáng thương

Đàm tiếu đến đêm mà không ngủ

Bỗng nghe sư tử Hà Đông hống

Gậy tuột khỏi tay tim bàng hoàng.”

 

“Sư tử Hà Đông” chính là xuất phát từ đây.

Trần Lý Thường thích đãi khách, bày yến tiệc thường tổ chức cho các ca kĩ đàn hát mua vui, vào lúc mà mọi người đang cao hứng nhất, từ sát vách trong phòng truyền ra tiếng gầm gừ tức giận như tiếng sư tử hống của thê tử Liễu Thị, Trần Lý Thường sợ run người, trong lòng lo sợ không yên, cả cây gậy cầm trong tay cũng rơi tuột xuống. Bởi vì Liễu Thị là người vùng Hà Đông, cho nên Tô Đông Pha thêm chữ “Hà Đông” trước chữ “Sư tử”, ý muốn nói đến thê tử của Lý Thường là Liễu Thị. Sở dĩ Lý Thường là người trong tâm luôn hướng Phật nên Tô Đông Pha đã mượn từ “Sư tử hống” trong Phật giáo để trêu đùa ông.

“Sư tử hống” là từ trong Phật giáo dùng để nói đến Bồ Tát, Phật Đà khi giảng Pháp có uy lực thần kì, trấn áp hết thảy tà thuyết ngoại đạo, giống như khi sư tử hống thì muông thú phải khuất phục, chỉ sự uy nghiêm của Đức Phật. Trong “Phẩm Phật Quốc – Kinh Duy Ma Cật) có ghi: “Diễn Pháp vô úy, do như sư tử hống”. “Sư tử hống” ở đây cũng phiếm chỉ truyền kinh thuyết Pháp, ví dụ như trong “Kinh niết bàn” cũng có “Phẩm sư tử hống”.

“Hà Đông” và “Sư tử hống” vốn là hoàn toàn là hai khái niệm khác nhau. Ngày nay mọi người dùng cụm từ “Sư tử Hà Đông” khá phổ biến. Trần Lý Thường với Liễu Thị vùng Hà Đông có duyên nên vợ nên chồng, tạo ra một điển cố lưu truyền cho đời sau. Lại nhờ có sự hóm hỉnh hài hước của Tô Đông Pha tiên sinh, “sư tử” và “Hà Đông” lại được khéo léo ghép lại với nhau, cụm từ “Sư tử hà Đông” vì thế mà trở nên có hàm ý rất sâu xa.

 

Dịch từ: https://epochtimes.sg/%e6%b2%b3%e4%b8%9c%e7%8b%ae%e5%90%bc%e6%80%8e%e4%bc%9a%e5%92%8c%e6%82%8d%e5%a6%bb%e7%89%b5%e7%ba%bf%ef%bc%9f/

Tác giả: Dung Nãi Gia

Phụ trách biên tập: Vương Du Duyệt