Chuyện xưa kể rằng, có một vị Thái thú vì muốn chiếm đoạt long châu, đã nảy ra ý định giết rồng. Suy nghĩ này vừa khởi phát đã làm kinh động đến Thổ địa, lập tức bị Thổ địa hiện thân cảnh cáo…
Thủy Tinh xuống nước lấy bảo vật trợ giúp chủ nhân trở nên giàu có
Khoảng những năm đầu Trinh Nguyên thời Đường Đức Tông, có một người tài không chịu ra làm quan tên là Châu Hàm. Một hôm, Châu Hàm nhìn thấy một người dân tộc Di đang giới thiệu một cậu bé 14-15 tuổi với tất cả mọi người. Người ấy nói rằng đứa trẻ này rất giỏi việc lặn xuống nước và có thể đi bộ trong nước, thậm chí có thể ở dưới nước mấy ngày liền cũng không thành vấn đề.
Châu Hàm cảm thấy rằng cậu bé này thật phi thường, nên đã thu nhận cậu bé về làm việc cho mình, và đổi tên cho cậu thành Thủy Tinh. Một năm nọ, Châu Hàm ngồi thuyền từ nước Thục đến Giang Lăng. Khi đi qua khu vực hẻm núi Cù Đường, ông nói Thủy Tinh lặn xuống đáy để xem nước sâu đến nhường nào.
Không ngờ Thủy Tinh lặn xuống chỉ một lúc rồi đã ngoi lên, hơn nữa còn mang lên rất nhiều đồ vật bằng vàng bạc, khiến Châu Hàm vui mừng khôn xiết. Với sự giúp đỡ của Thủy Tinh, Châu Hàm đã dựa vào những báu vật có được từ dưới nước mà trở nên giàu có.
Châu Hàm có một người bạn tên là Vương Trạch, ông ta là một vị Thái thú ở Tương Châu. Khi Châu Hàm đến Hà Bắc, tiện thể ghé thăm Vương Trạch. Vương Trạch vô cùng vui mừng, nên đã dẫn Châu Hàm cùng đi du ngoạn, rồi còn mở tiệc mừng, vui vẻ cả ngày không ngớt.
Truyền thuyết về chiếc giếng bát giác (8 cạnh)
Một ngày nọ, cả hai người đến chiếc giếng bát giác ở phía Bắc Tương Châu, chiếc giếng này được làm bằng đá cong tự nhiên, thành giếng được ghép thành một hình bát giác. Miệng giếng rất rộng, khoảng hơn 3 trượng.
Điều kỳ lạ là mỗi buổi sáng sớm và chập tối đều có một đám mây dày đặc bốc ra từ giếng, rồi lan ra cách đó hơn một trăm bước. Vào ban đêm, trong giếng sẽ phát ra một ngọn lửa sáng rực màu đỏ chiếu thẳng lên trời, lúc ấy, nhìn xung quanh sáng rõ như ban ngày.
Từ thời xa xưa, địa phương này đã có một truyền thuyết dân gian kể rằng có một con rồng vàng sống dưới giếng bát giác này. Đôi lúc trời hạn hán không mưa, người dân sẽ đi đến quanh giếng để thắp nhang khấn vái, thì y như rằng đều được linh nghiệm.
Thái thú Vương Trạch nói rằng: “Chiếc giếng kỳ diệu như vậy, chắc hẳn là trong đó phải có kho báu, nhưng tiếc là không cách nào lấy nó ra được”. Châu Hàm cười nói: “Điều này có khó khăn gì? Dễ dàng thôi mà!”. Thế là ông sai Thủy Tinh lặn xuống nước.
Thủy Tinh liền cởi quần áo và nhảy xuống nước, sau một thời gian khá dài, mới chui ra khỏi giếng và nói với Châu Hàm: “Có một con rồng vàng rất lớn sống ở đó, vảy rồng đều màu vàng kim. Con rồng đó đang ngủ và ôm mấy viên minh châu. Con muốn lấy đi những viên long châu đó, nhưng lại không có dao trong tay, sợ rằng rồng vàng bỗng đột nhiên thức giấc, cho nên con không dám chạm vào nó. Nếu như con có một thanh kiếm, dù cho rồng vàng có tỉnh dậy đi nữa, thì con cũng có thể cả gan giết chết nó”.
Vì đoạt long châu mà Thái thú động sát tâm
Châu Hàm và Vương Trạch nhìn vào xa xăm, Vương Trạch liền đưa thanh kiếm tốt nhất của mình cho Thủy Tinh, hy vọng rằng cậu ấy sẽ lấy được long châu. Thủy Tinh uống một ít rượu, rồi vác thanh kiếm nhảy xuống nước.
Một chốc sau, có rất nhiều người tụ tập quanh giếng để xem chuyện hay. Lúc này, đột nhiên có một người nhảy ra khỏi giếng, đó chính là Thủy Tinh. Sau đó, mọi người lại nhìn thấy một con rồng vàng, dài vài trăm thước, móng vuốt sắc nhọn vô cùng. Rồng vàng bay lên không trung để bắt lấy Thủy Tinh, một lúc sau cả người lẫn rồng lại trở xuống giếng.
Mọi người đều lo lắng đứng xem mà không ai dám đến gần giếng cả. Châu Hàm nhìn thấy rồng vàng bắt Thủy Tinh đi, trong lòng cảm thấy rất đau đớn. Vương Trạch thấy thanh kiếm không thể tìm lại được, nên cũng rất lấy làm tiếc.
Chính ngay lúc đó, có một ông lão đến cạnh họ. Ông lão mặc một chiếc áo choàng màu nâu, vẻ ngoài rất giản dị và khiêm tốn. Ông lão nói với Vương Trạch: “Ta là thổ địa của vùng này. Thái thú ông sao lại dám xem nhẹ bá tánh của mình như thế? Con rồng vàng sống trong giếng này, chính là sứ giả của thiên đình, chuyên cai quản những vật báu và bảo vệ sinh linh cả một phương. Sao ông dám nhân lúc rồng đang ngủ, dùng gươm đến để cướp đi long châu của nó chứ!
Rồng vàng nếu nổi cơn thịnh nộ, có thể sử dụng sức mạnh làm động cả đất trời, quật vỡ núi non, phá tan đồng ruộng, biến ruộng đất khắp nơi trở thành sông hồ cả, rồi hàng vạn người đều sẽ làm mồi cho cá, gia đình của ông có thể giữ được mạng nữa không?
Ngày trước, Chung Li không tham của báu, Mạnh Thường Quân tự động trả lại châu báu, sao ông không học họ, mà lại dung túng cho kẻ tham lam xảo trá đi cướp kho báu. Kẻ đó đã bị rồng ăn mất để tu luyện ra những viên long châu rồi!”.
Thái thú Vương Trạch vô cùng hối hận và xấu hổ nên không nói nên lời. Vị thổ địa nói với Vương Trạch rằng: “Ông phải sám hối ngay lập tức và thành tâm cầu nguyện, đừng để rồng vàng quá tức giận!”.
Khi ông lão vừa dứt lời thì cũng bỗng biến mất. Vương Trạch tự biết rằng mình đã làm sai, nên không dám không nghe theo chỉ dẫn của Thần linh, liền vội vàng chuẩn bị ngay lễ vật, cúng tế rồng vàng để cầu được thứ tội.
(Trích trong “Thái Bình Quảng Ký – Quyển thứ 422 – Long Ngũ”)
Tuệ Tâm, theo NTDTV