Cuộc khảo sát mới đây của đại học Nottingham về long trung thực, kết quả Trung Quốc cùng Việt Nam là những nước không trung thực nhất thế giới.
Năm 2011 Trung Quốc từng dậy sóng trước sự kiện bé Duyệt Duyệt bị xe cán nằm bên đường, nhưng 18 người đi qua không một ai quan tâm, khiến bé bị cán thêm một lần nữa và tử vong.
Ở Trung Quốc giờ đây người ta không dám làm bất cứ một hành động nào giúp đỡ người khác bởi vì không biết người cần giúp đỡ kia là đóng kịch hay giả, dần dần con người trở nên thờ ơ vô cảm với nhau.
Con người sống giả tạo khiến hàng hóa giả cũng tràn lan khắp nơi.
Suy thoái đạo đức ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn suy thoái kinh tế nhiều
Nhiều người Trung Quốc ngày nay thường băn khoăn “Xã hội Trung Quốc đang có vấn đề gì vậy” nhưng lại quên không nhìn lại mình xem “Mình đang có vấn đề gì”.
Gần đây, một bài viết nói về thảm cảnh xã hội Trung Quốc được nhiều người chia sẻ trên mạng weixin. Theo đó tác giả cho rằng Trung Quốc ngày nay nhìn bề ngoài hào nhoáng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xã hội đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều người Trung Quốc vừa đặt vấn đề “Xã hội này đang xảy ra chuyện gì”, nhưng lại sống theo kiểu“không phải việc của mình thì không quan tâm”… Tác giả kết luận: “Suy thoái đạo đức còn đáng sợ hơn nhiều suy thoái kinh tế!”
Bài viết được mở đầu: Trung Quốc đương đại, nhìn bề ngoài phồn vinh nhưng tiềm ẩn hiểm họa xã hội nghiêm trọng, cơ sở vật chất dù sung túc nhưng tinh thần con người thì trống rỗng. Dục vọng thả cửa cùng lối sống thượng tôn kim tiền khiến lòng người ồn ào nông cạn, con người đứng trước thách thức nghiêm trọng về văn hóa tinh thần: ích kỷ, giả tạo, hời hợt, vô trật tự…. Biểu hiện chủ yếu như:
1. Nguy cơ về lý tưởng sống
Đa số người Trung Quốc ngày nay sống không có lý tưởng, chỉ biết oán trời trách người nhưng lại vô trách nhiệm với bản thân, chỉ thích an hưởng lạc thú, sống theo chủ nghĩa thực dụng, theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
2. Đạo đức xuống cấp
Thói nịnh hót để thăng quan tiến chức; không từ thủ đoạn vì tư lợi; im lặng trước cái ác; vui thích trước nỗi bất hạnh của người khác; cá lớn nuốt cá bé; dục vọng kim tiền làm nhân tâm cạn kiệt; những giá trị đạo đức như hiền lành, nhẫn nhịn, liêm khiết trở thành dở hơi; nhân nghĩa lễ trí tín bị mai một; những thảm họa xã hội như bạc đãi cha mẹ, ruồng bỏ con thơ, nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, đĩ điếm… ngày càng tràn lan; ngày ngày đều xảy ra cảnh giết người, cướp giật, trộm cắp, tham ô, phản bội. Người Trung Quốc xưa không biết cửa chống trộm là thứ gì, còn ngày nay nhà nhà dùng cửa chống trộm. Do lưu manh xuất hiện khắp nơi nên nữ công nhân ai cũng sợ đi làm ca đêm…
3. Bị đồng tiền thao túng
Xã hội Trung Quốc ngày này nhìn đâu cũng thấy “hàng giả”: Rượu giả, thuốc giả, lời giả, ý giả, tình giả, văn bằng giả, con số giả, thành tích giả, thông tin giả… Đây chính là hệ quả của lối sống theo chủ nghĩa duy lợi cực đoan khiến không ai quan tâm chuyện luân lý, dễ hiểu tiêu chí hàng đầu trong khi lựa chọn chuyên ngành học của thanh thiếu niên là học những ngành thời thượng (hy vọng kiếm được nhiều tiền), coi thường những học vấn nền tảng như lịch sử, triết học, địa lý. Xu thế yêu chuộng rác văn hóa lên ngôi: văn hóa thức ăn nhanh, văn hóa nhục dục, văn hóa bạo lực…, có thể thấy rõ qua những hình ảnh quảng cáo thô thiển và trơ trẽn tràn ngập trên xe buýt và nơi công cộng. Người người biến thành cỗ máy kiếm tiền, sẵn sàng giết người vì tiền, muốn phóng viên giơ máy chụp ảnh cái đầu trâu thì người chủ con trâu phải đưa tiền trước…
4. Thờ ơ với trách nhiệm xã hội
Con người không còn biết tôn kính trời đất khiến luân lý biến đổi khác thường, nhân tâm thành ma quỷ, nhiều người không biết tuân thủ những quy tắc chung tại nơi công cộng, chính quyền thì điên cuồng vơ vét tài nguyên gây ô nhiễm môi trường… Không lẽ giọt nước cuối cùng chính là nước mắt của chúng ta?
5. Văn hóa giải trí rẻ tiền lên ngôi
Mở truyền hình ra nếu không phải cảnh bạo lực thì là cảnh tình cảm ủy mị cốt để lấy nước mắt người xem, những giá trị giáo dục chân chính ngày càng hiếm hoi, nhiều cơ quan truyền thông vì bị đồng tiền chi phối nên bất chấp tất cả để lôi cuốn nhiều người chú ý mà không quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Lão Tử nói: “Mất Đạo, rồi mới có Đức, mất Đức, rồi mới có Nhân, mất Nhân rồi mới có Nghĩa, mất Nghĩa rồi mới có Lễ. Lễ là cái vỏ mỏng của trung tín nhưng là đầu mối của hỗn loạn…” (Đạo táng nhi hậu Đức, Đức táng nhi hậu Nhân, Nhân táng nhi hậu Nghĩa, Nghĩa táng nhi hậu Lễ, phù Lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ). Nhìn thời đại ngày nay những ai có trách nhiệm đều không khỏi cảm thấy run sợ: Người Trung Quốc ngày nay còn trung tín không?
Không còn văn hóa tiến bộ soi đường cho tinh thần, không dùng văn hóa dẫn dắt con người quay về những giá trị đạo đức chân chính thì sự lớn mạnh của văn minh vật chất chỉ khiến loài người tiến nhanh hơn đến ngày diệt vong.
Học làm người thì phồn vinh mới bền vững
Một tòa cao ốc đồ sộ nguy nga mất nhiều công sức xây dựng, nhưng hoàn toàn có thể tan tành trong chốc lát vì một chút bất cẩn của con người (kiếm củi ba năm thiêu một giờ), cho nên nếu chỉ biết chạy theo tiến bộ vật chất mà bỏ quên những giá trị văn hóa tinh thần thì chẳng khác nào cứ cố xây nhà cao mà không chú ý đến sức chịu đựng của cái móng. Vì thế, người Trung Quốc phải quay về những giá trị văn hóa truyền thống, phải giáo dục giới trẻ hiểu được ý nghĩa chân chính của hai chữ “làm người”; hiểu được thiện ác có báo, nhân quả báo ứng không phải chuyện viển vông; biết cách nhận diện chính tà để có lựa chọn đúng đắn trong ứng xử. Làm được như thế thì sự phồn vinh của xã hội mới có nền móng vững chắc.
Tinh Vệ biên dịch từ Secretchina
Theo daikynguyenvn.com