Người xưa cho rằng có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh; có tướng mà tâm vô, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất; Sự thực là hình tướng một cá nhân sẽ tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.

Phật gia giảng ‘tướng do tâm sinh’. (Anh: Secret China)

Văn hoá Thần truyền: “tướng do tâm sinh”

Thành ngữ “tướng do tâm sinh” là có nội hàm của văn hoá truyền thống Trung Quốc, xuất hiện cả trong Phật gia và Đạo gia. Thông thường chữ tướng ở đây là để chỉ hình thức biểu hiện của sự vật, tức là cái hình tượng xuất hiện bề mặt của các sự vật mà người ta nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày; mà biểu tượng ấy biến hoá đa đoan, thảy đều do nhân tâm khác nhau mà thành ra các trạng thái biểu hiện khác nhau.

Phật gia giảng “tướng do tâm sinh”, chủ yếu là để chúng sinh hiểu rằng “khả kiến chi vật, thực vi phi vật” (vật có thể thấy kia, thực ra là ‘phi vật’), “vật sự giai không, thực vi tâm chướng, tục nhân chi tâm, xứ xứ giai ngục” (vạn sự vạn vật thảy là không, thấy là thực là vì cái chướng ngại trong tâm; cái tâm phàm tục ấy, đâu đâu cũng là giam ngục). Chữ tướng này làgiả tướng, hư tướng, huyễn tướng, chứ không phải chân tướng; thế nên mới bảo người ta đừng chấp trước vào cái tướng này, kẻo bị vạn vật thế gian làm phiền luỵ; nếu từ đó mà siêu thoát ra được, thì ấy là đến bờ hạnh phúc bên kia rồi.

Chữ tướng đang nói đến ở đây, thông thường là nói về diện tướng, cũng là nói vềtướng mạo của toàn thể cá nhân ấy. “Tướng do tâm sinh” do vậy mà được hiểu là: người ta có tâm cảnh thế nào thì cái tướng mạo là thế ấy, người ta có tâm tư truy cầu gì thì có thể thông qua nét mặt tư thái mà nhận ra được. Trong «Tứ Khổ Toàn Thư» luận thuật rằng: “vị tướng nhân chi tướng, tiên thính nhân chi thanh, vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành, vị sát nhân chi hành, tiên khán nhân chi tâm” (đừng nhìn tướng mạo người, trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta; đừng nghe thanh âm người, trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta; đừng quan sát hành vi người, mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta). Âu cũng là nhấn mạnh rằng cái “tâm” quyết định cái “tướng” của con người; rằng biến hoá của diện tướng cũng là biến hoá của tâm biểu hiện ra bên ngoài.

Cố sự Bùi Độ, Bùi Chương là một ví dụ rất tốt để minh hoạ.

Bấy giờ là thời triều đại nhà Đường, Bùi Độ thuở nhỏ sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, trên đường gặp một vị Thiền Sư Nhất Hạnh. Đại Sư nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng; ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết; vì vậy bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu khổ hạnh. Mấy ngày sau, Bùi Độ nhặt được trên núi Hương Sơn một chiếc đai ngọc của nữ nhân và tìm trả cho người ta, nhờ thế mà cứu được tính mệnh cha mẹ cô gái ấy. Hôm sau lại gặp Thiền Sư Nhất Hạnh. Đại Sư coi mặt Bùi Độ mục quang trong sáng, thần thái đã khác hẳn. Ngạc nhiên quá, Đại Sư bèn hỏi chuyện, và sau khi nghe kể, ông cười lớn và nói: “tấm thân bẩy thước chẳng bằng khuôn mặt bẩy tấc; khuôn mặt bẩy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc; cái mũi ba tấc chẳng bằng một khối tâm”. Thiền Sư bèn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện. Quả nhiên Bùi Độ sau làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là “danh tướng toàn tài”, đương thời đã thành danh “huân cao trung nguyên, vang danh biên ngoại”. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”, “uy danh đức độ của ông sánh với Quách Phần Dương”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lãnh hơn người.

Cổ nhân Trung Quốc tin rằng tâm cảnh thế nào thì tướng mạo thế ấy. (Ảnh: Sound Of Hope)

Bùi Chương là người Giang Đông tỉnh Sơn Tây. Cha mẹ của Bùi Chương có quan hệ rất thân với thần tăng Đàm Chiếu Pháp Sư. Pháp Sư giỏi về thuật tướng số, ông coi tướng Bùi Chương, thấy thiên đình bạo mãn, địa các phương viên (đỉnh trán và cằm đầy đặn phúc hậu), là tướng tương lai làm nên sự nghiệp danh giá, nhất định thành tựu. Khi hai mươi tuổi, Bùi Chương cưới Lý Thị làm vợ. Một năm sau đó anh đến Thái Nguyên làm quan, vợ con phải để lại ở nhà. Mấy năm sau Bùi Chương trở về gặp Đàm Chiếu Pháp Sư, thì Pháp Sư rất ngạc nhiên thấy tướng mạo của anh đổi khác hẳn: thiên đình lép kẹp, cằm nhọn, lòng bàn tay có hắc khí xoay chuyển. Pháp Sư bèn bảo rằng anh ta e rằng sẽ gặp hoạ, phải cẩn thận; rồi gạn hỏi xem anh có làm gì thất đức không. Bùi Chương suy xét rồi kể rằng mấy năm ở Thái Nguyên chỉ phạm mỗi việc thông dâm với dân nữ là trái với luân lý mà thôi, chứ không làm gì bất lương cả. Đàm Chiếu Pháp Sư thở dài thườn thượt nói: “Vốn dĩ cậu có tương lai tốt đẹp, sao chẳng biết trân quý? Tư thông với vợ người ta, cậu đã huỷ hết phúc đức của mình rồi. Thật quá là đáng tiếc!” Dần dần về sau Bùi Chương thật sự gặp đại hoạ. Một lần, khi đang tắm thì bị hành thích, một đao trúng bụng, gan ruột phòi ra bỏ mạng.

Thời cổ có câu: “hữu tâm vô tướng, tướng do tâm sinh; hữu tướng vô tâm, tướng tuỳ tâm diệt” (có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh; có tướng mà tâm vô, thì tướng ấy cũng tuỳ tâm mà tiêu mất); ấy là ý bảo rằng: hình tướng một cá nhân là tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.

Kỳ thực, từ Trung Y cổ đại cũng như sinh lý học và tâm lý học hiện đại là có thể thấy rằng đạo lý “tướng do tâm sinh” cũng giản đơn thôi. Cái tướng mạo của người ta là do ‘hình’ và ‘thần’ hợp lại mà thành. Hình tướng thuần thục sinh lý thuận chính; thần thái cũng là bao quát nhân tố sinh lý; cũng phụ thuộc vào sự tu chỉnh của hậu thiên nữa. Nhất cử nhất động từng ý từng niệm trong sinh hoạt, qua thời gian thì dần dần cũng củng cố ra trên khuôn mặt, nghĩa là “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có gì bên trong ắt xuất hình bên ngoài). Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ tác dụng lên thân thể; nếu như tâm niệm an hoà tĩnh tại, thần thanh khí sảng, cái nhìn rộng mở, lỗi lạc quang minh, thì sẽ khiến khí huyết hài hoà, ngũ tạng an định, công năng chính thường, thân thể khoẻ mạnh, ắt sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái bay bổng; ai gặp mặt cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy thân thiện an hoà một cách tự nhiên.

Có thể nhìn nhận quan hệ giữa tướngtâm như thế này: “tướng” là bề mặt, là biểu hiện bên ngoài; “tâm” là bên trong, là hoạt động bên trong; “tướng” là hư cấu bất thực, ở trạng thái bị động, là phản ánh ra ngoài của “tâm”; “tâm” thế nào thì “tướng” thế nấy; “tướng” là tuỳ theo “tâm” biến hoá mà biến hoá theo, cũng gọi là “cảnh tuỳ tâm chuyển”, “tướng tuỳ tâm thiên” (cảnh thay đổi theo tâm, tướng thiên di theo tâm). Cũng có thể coi “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm” (theo quan hệ nhân-quả).

Nếu bản thân một cá nhân không làm chủ tể nổi tâm của chính mình, thì bị sẽ bị động theo ảnh hưởng và lôi kéo của hoàn cảnh bên ngoài, chính đã là “tâm tuỳ cảnh thiên” (tâm chạy theo cảnh) rồi. Nếu có thể làm được bất động tâm, thế thì, chính là đã chế ước được ngoại cảnh không cho phát sinh biến hoá; cho nên, Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng: “Thế gian vạn vật giai thị hoá tướng, tâm bất động, vạn vật giai bất động, tâm bất động, vạn vật giai bất biến” (Vạn vật thế gian đều cái tướng được biến hoá ra, tâm bất động, vạn vật sẽ đều bất đông, tâm bất động, vạn vật sẽ đều bất biến).

Vì vậy mới có thể nói, dẫu hoàn cảnh có hiển tướng thế nào đi nữa, thì đều là “tâm” mình quyết định; “tướng” là bóng ảnh bên này của “tâm”. Làm người thì nên có tâm cảnh thế nào? Tuân Tử viết: “tướng hình bất như tướng tâm, luận tâm bất như luận đức”. Cuốn «Thái Thanh Thần Giám» —cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trong thuật xem tướng thời xưa— có luận về đức thế này: “vi đức chi tiên, vi hành chi biểu” (lấy đức làm đầu, lấy hành vi làm biểu đạt), “đức tại hình tiên, hình cư đức hậu” (đức có trước hình, hình ở sau đức), “khứ nghiệp tùng Thiện, tiêu tai tỵ hung” (trừ nghiệp hành thiện, tiêu tai giải nạn), cũng rất có đạo lý vậy.

Nhược Thủy
(Theo Minhhue.net)