Có một chàng trai từ ngàn dặm xa xôi tìm đến Đại sư Thích Tế ở chùa Nhiên Đăng.
Chàng trai kính cẩn thưa rằng:
– Con là một thư sinh luôn biết Tam cương, Ngũ thường… Từ xưa đến nay, con không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn hồng trần, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử!
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng:
– Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và biết mình nên làm gì.
Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy giúp mình một cái thùng và một cái gáo múc nước.
Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư. Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai:
– Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy.
Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói:
– Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không?
Chàng trai thở dài gật đầu thưa:
– Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng.
Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói:
– Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ.
Vừa nói, Đại sư vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá dao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước.
Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng:
– Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào.
Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ.
Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư:
– Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần…
Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng:
– Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn… không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị dao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước, chính là những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ, khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm.
Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng.
Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước. Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng:
– Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt.
Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng:
– Vì sao Ngài lại nói như thế?
Đại sư Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi.
Đại sư bảo chàng trai:
– Những lời bịa đặt, vu khống, sỉ mạ thấp hèn bỉ ổi… rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang.
Chàng thanh niên bỗng nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Đại sư Thích Tế:
– Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng, sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi.
Đại sư Thích Tế mỉm cười.
Lời bàn:
Ví dụ sinh động của vị Đại sư gợi ra nhiều suy tưởng. Quá trình chiếc lá từ khi bị rớt xuống đáy thùng, cho đến khi nhập dòng suối, thản đãng mà trôi đi, phải chăng chính là quá trình tu tâm tính?
Tu luyện không nhất nhất phải đến nơi chùa chiền, đền đài, hay quy y ở ẩn chốn núi sâu, rừng già nào đó. Kỳ thực, người xuất tâm muốn tu luyện, trước hết, họ cần trở thành người tốt – là người tốt trong xã hội người thường, dần dần tu lên trên, “phản bổn quy chân”, tìm về bản ngã thánh khiết.
Quả thật, “Nhân chi sơ, tính bản Thiện”, tức là con người sinh ra, bản tính vốn thiện lành, như chiếc lá sạch trên cành vậy. Thế rồi khi chúng ta lớn lên, thuận theo dòng chảy xô bồ của xã hội, cùng với những quan niệm rất bất hảo, chỉ muốn giành lợi cho cá nhân, mà đạo đức của chúng ta rớt xuống. Vẫn có những người giữ tâm tính rất tốt, nhưng suy cho cùng thì vẫn là ở trong xã hội, vẫn chứng kiến và thậm chí là nạn nhân của thị phi, và cũng không thể hoàn toàn tránh khỏi những lời phỉ báng, vu khống. Dù là tình huống nào, thì có lẽ, chúng ta đều bị “vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế”, tựa như “chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng”.
Chúng ta đối diện với hết thảy những bất công, trớ trêu của cuộc sống, và cả những quan niệm đạo đức sai lệch của chính bản thân mình, tựa như những gáo nước dội liên tiếp lên chiếc lá sạch vậy. Có va chạm, ắt sẽ có đau đớn, và có dao động. Nhưng chiếc lá sạch kiên định, chỉ lắc lư vài cái, rồi lại nổi lên. Sở dĩ chiếc lá có thể nổi lên vì nó nhẹ. Tâm chúng ta cũng vậy. Khi gặp sự việc không như ý, ta có thể dao động, nhưng rồi ta biết coi nhẹ những lợi ích vật chất, biết xả bỏ sự oán hận, tranh đấu, những suy nghĩ không tốt khác, tâm ta sẽ nhẹ nhàng, ta sẽ bình thản vượt qua. Vượt qua rồi, ta có thể tiến lên cảnh giới mới trong tư tưởng.
Nếu không có những gáo nước đó, làm sao chiếc lá có thể thoát ra khỏi cái thùng kia đây? Phải chăng đây chính là cách “trả nghiệp” để có thể thật sự thoát khỏi khổ đau, cũng là quá trình mà tâm tính đã đề cao lên, xuất được tâm từ bi để đối đãi với những lời bịa đặt? Chính những gáo nước ấy đã làm chiếc lá sạch hơn và có thể nổi lên miệng thùng, rồi nhập vào dòng suối chảy ra biển lớn đấy thôi. Như vậy, chiếc lá có lẽ còn nên cảm ơn những gáo nước xối xả, lạnh buốt ấy.
Con người sống trên đời cũng vậy, đối diện với những lời lẽ thị phi, vu khống, hay những bất công gặp phải, hãy thử nghĩ theo cách ngược lại xem, biết đâu kiếp trước mình cũng đã đối xử với họ như vậy, vậy thì nay hãy cứ bình thản thôi, nào có gì để uất ức, oán hận? Hơn nữa, giả sử họ có đặt điều, nhưng nếu tâm ta rất trong sáng, hành vi của ta cũng rất chính, thì có ai nghe theo những điều vu khống ấy chăng? Một tốt, một xấu đặt cạnh nhau, chẳng phải chính là chiếc gương phản chiếu rõ nhất ư?
Vậy nên, đừng để những lời phỉ báng, sỉ nhục, hay nghịch cảnh làm chúng ta nản lòng, nhụt chí. Hãy cứ ung dung, thản đãng, làm một người tốt thôi, bạn nhé!
Theo Đại Kỷ Nguyên