Con người làm bất cứ điều gì, dù có che giấu được cả thiên hạ cũng không qua khỏi mắt của quỷ thần. Bởi vậy làm việc gì cũng phải cân nhắc nặng nhẹ, chớ làm điều ác kẻo đến cuối cùng sẽ phải gặp tai họa.
Chết đi sống lại hai lần vì một quyển sách
Chú của tôi là Cao Tổ Ái Đường, rất nổi tiếng trong giới văn học vào cuối thời nhà Minh, ông rất yêu thích học vấn của Trịnh-Khổng (là một quyển kinh học do học giả Trịnh Huyền và Khổng An Quốc đồng tác giả). Bất kể là xuân, hạ, thu, đông, ông đều đọc đến nửa đêm.
Vào một đêm nọ, ông nằm mơ thấy mình đi đến một đại sảnh có treo tấm bảng “Văn nghi”, trong đại sảnh có hơn 10 người đang ngồi cùng bàn làm việc. Trong cơn mê man, ông cảm thấy như những người này hết thảy đều là người quen cũ của mình.
Bất chợt khi đó họ nhìn thấy Ái Đường, đều kinh ngạc kêu lên: “Ông còn phải chờ 7 năm nữa thì mới có thể tới nơi này, bây giờ còn quá sớm!”.
Ái Đường mơ tới đây thì đột nhiên thức tỉnh, biết mình sống không còn bao lâu, nên mỗi ngày đều ở bên ngoài du ngoạn. Tình cờ ông có gặp một đạo sĩ, cả hai nói chuyện với nhau rất hợp ý, nên đã cùng nhau ăn uống no say.
Sau khi từ biệt, đạo sĩ ở trên đường gặp được Hồ Môn Đức là con trai người đầy tớ của Ái Đường, ông nói với Hồ Môn Đức rằng: “Ta có một quyển sách quên đưa cho chủ nhân ngươi, ngươi mang về cho ông ta đi”.
Ái Đường sau khi nhận được quyển sách, lật ra thấy nội dung toàn viết về những bùa chú có thể đuổi thần sai khiến quỷ. Ông ta lấy làm vui thích nên mỗi ngày đều tự giam mình ở nhà, chú tâm học tập, dần dần toàn bộ những thứ bùa chú pháp thuật kia hết thảy đều tinh thông.
Mỗi khi rảnh rỗi, ông thường mang những tiểu thuật này ra chơi đùa cho qua ngày đoạn tháng. Đến 7 năm sau, vào triều đại Sùng Trinh năm Đinh Sửu, quả nhiên ông bị bệnh qua đời.
Người nhà có đem thi hài ông đặt ở sảnh đường. Chết được nửa ngày thì Ái Đường bỗng tỉnh lại, ông nói với người nhà: “Ta không tôn trọng Ngũ Lôi Pháp, tùy ý sử dụng chơi đùa, gặp phải báo ứng. Âm phủ sai ta thu hồi quyển sách này, nhanh lên đem nó thiêu hủy đi”.
Người nhà nghe vậy lập tức đem sách đi đốt, sau đó ông cũng liền tắt thở. Tuy nhiên, chưa đến nửa ngày sau, ông lại sống dậy rồi nói: “Âm phủ kiểm tra, quyển sách này không đầy đủ, còn thiếu 3 trang, lệnh ta trở lại tìm kiếm”.
Người nhà lại vội đi kiểm tra, quả nhiên thấy trong đống tro còn có 3 trang chưa bị đốt hết, nên vội vàng thiêu hủy, Ái Đường lại tắt thở.
Toàn bộ câu chuyện ly kỳ này là do tổ phụ Diêu An Công của tôi ghi lại trong gia phả. Ông cũng là nghe ông cố của ông kể lại, còn ông cố của ông lại nghe từ cao tổ kể lại. Và cao tổ lại chính là người đã đốt quyển sách kia. Cho nên, sao có thể nói là không có quỷ thần cơ chứ?
Trương mỗ nói dóc bị quỷ tới trêu đùa
Trương mỗ người Hương Lý, lòng dạ cực sâu, tâm địa âm hiểm quỷ quyệt, cho dù có là người thân ruột thịt của hắn, thì hắn cũng không có được một câu thật lòng. Người này miệng mồm lanh lợi, biết ăn nói, rất nhiều người đều bị hắn lừa gạt.
Do đó nhiều người mỉa mai đặt cho hắn biệt hiệu là “Thóc hạng mã”. Câu này ý nói là một con ngựa mà không có cái bờm. Mà từ Bờm (trong từ bờm ngựa), lại đồng âm với từ Tung (trong từ tung tích), ngụ ý nói Trương mỗ này là người ăn nói mập mờ, nói không có căn cứ, nói dối không chớp mắt, làm cho người ta không cách nào tin nổi.
Có một ngày, Trương mỗ cùng cha của hắn đi đêm nên bị lạc đường. Xa xa phía trước, hắn nhìn thấy mấy đoàn người đang ngồi, Trương mỗ liền hướng về phía mấy người kia để hỏi thăm.
Mấy người kia đều nói “hướng bắc”. Trương mỗ liền đi về hướng bắc, kết quả một lúc sau thì bị rơi vào trong vũng bùn.
Trương mỗ lại quay lại hỏi đường, những người đó lại nói “Chuyển sang hướng đông”, Trương mỗ nghe theo, thì sau đó thiếu chút nữa là chết chìm, vùi lấp ở trong vũng bùn không ra được.
Khi này, Trương mỗ nghe thấy có tiếng mấy người kia vỗ tay cười nói: “Thóc hạng mã, bây giờ ngươi đã biết nói bậy nói bạ hại người như thế nào rồi chứ?”
Thanh âm này gần bên tai hắn, nhưng lại không thấy được bóng dáng của những người này, lúc đó hắn mới biết bản thân đã bị ma quỷ đùa bỡn.
Chúc Di (Theo SOH, Tinhhoa biên dịch)