Trời cao thường sử dụng nhiều cách để giáo hóa thế nhân, trong đó những câu chuyện thần bí được ghi lại trong quá khứ chính là để cảnh báo người đời không được lầm đường lạc lối.
Lịch sử từng ghi lại rất nhiều từng người bị âm phủ bắt nhầm, nên có cơ hội được du ngoạn địa phủ. (Ảnh: Write Light)
Lật giở những cuốn cổ thư, mới thấy được có rất nhiều chuyện kỳ lạ được ghi lại trong các triều đại. Những chuyện âm sai bắt nhầm người, người này mới được đến địa phủ du ngoạn, sau đó trở về với những lời cảnh báo mắt thấy tai nghe.
Câu chuyện được kể trong bài viết này xảy ra vào thời Nam Tống. Một ông lão 85 tuổi, do sự nhầm lẫn ngoài ý muốn đã đến địa phủ, tận mắt chứng kiến rất nhiều cảnh tượng. Ông cũng thuật lại trải nghiệm của mh sau khi hoàn dương, lời kể được quan văn huyện lý tỉ mỉ ghi chép lại.
Ông Hoàng, tên là Đại Ngôn, người Phố Thành, ở tại quận Quảng Đức. Vào ngày 4 tháng 11 năm Thiệu Hưng thứ 27 (năm 1157), Hoàng Đại Ngôn bị bệnh đã lâu, tim tạm thời ngừng đập, chìm trong hôn mê, ông ta nghe thấy có một đồng tử mặc quần áo màu vàng gọi ông ra cửa.
Họ đi trên đường lớn, nhưng chỉ thấy hai bên đường là hàng liễu rủ và nước ao trong vắt. Mặc dù hiện tại đã là mùa đông, nhưng ông lại thấy những bông hoa sen, vốn chỉ nở rộ vào mùa hè.
Điều kỳ lạ là, đi bộ hơn chục dặm, nhưng không bắt gặp người dân nào. Xa xa có thể thấy thấp thoáng cung điện lâu đài nguy nga, cảnh tượng rực rỡ chói lọi.
Hoàng Đại Ngôn thấy hàng vạn phạm nhân đứng dưới điện đường. Trên điện, bốn người đội mũ Thông thiên, mặc áo bào màu vàng, mỗi người ngồi một chỗ khác nhau.
Một quan lại gọi ông Hoàng đến nói: “Ngươi vẫn chưa tận số, bị bắt đến đây là do nhầm lẫn”. Nói xong, lệnh cho một đồng tử áo xanh dẫn ông ra ngoài cửa đông.
Hoàng Đại Ngôn quay lại nhìn những người khác, họ đều bị áp giải đi về phía bắc. Khung cảnh bên ngoài cửa đông giống như phố thị ở dương gian, quán xá san sát, người qua lại như thoi đưa.
Đi chưa được bao xa, lại thấy một cung điện hoa lệ, có rất nhiều cai ngục đầu trâu đứng vây quanh cả trong lẫn ngoài. Có một vị vua đội ngọc miện, tay cầm ngọc khuê, ngồi một cách uy nghiêm.
Một sai dịch mặc quần áo màu tím hỏi ông lão: “Lúc còn sống ông đã làm những việc tốt nào?”. Hoàng Đại Ngôn nói: “Ngày xưa khi binh loạn, ta từng bị hai tên cường đạo cướp tiền của. Nhưng chẳng bao lâu sau chúng bị bắt. Người đồng hương muốn giết chúng. Khi đó ta nảy lòng từ bi, bỏ ra hai vạn tiền và chuộc tội chết cho bọn chúng”.
Ngoài ra, còn kể làm mấy việc như sống không sát sinh, tụng kinh Phật và xây dựng các tượng thần… Sai dịch mặc quần áo màu tím bảo ông đứng dưới một tấm gương lớn để chiếu lại cuộc sống kiếp trước, thấy ông cũng không hề có oan trái gì.
Tổng trưởng ty cho phép Hoàng Đại Ngôn trở về. Phó quan Vương Tuần tha thiết dặn dò Hoàng Đại Ngôn: “Ông sẽ được trở lại nhân gian. Khi gặp người trần, ông nhất định phải thuyết phục bọn họ tu nhân tích đức, kính nể trời đất, hiếu thuận cha mẹ, luôn giữ tâm bình đẳng…
Không được giết hại sinh mạng, không tham lam chiếm của cải không phải của mình, không tham luyến nữ sắc, không ôm lòng đố kỵ, không phỉ báng người thiện lương, không làm tổn thương người khác.
Một khi làm điều ác, khi đã tận số sẽ rơi vào địa ngục sâu thẳm tăm tối, mãi mãi không có ngày được giải thoát. Cho đến khi ác nghiệp được trả, mới có thể đầu thai vào đường ngạ quỷ, súc sinh. Có hàng trăm lời cảnh báo trong kinh Phật khuyên răn mọi người hành thiện, đó đều là những lời nói thật”.
Vương Tuần lại dặn dò Hoàng Đạo Ngôn: “Xin hãy gửi chuyển lời nhắn cho gia đình ta. Trước đây, khi ta ở chốn quan trường, sao có thể không từng mắc sai lầm? Tuy nhiên, ta cũng đã cứu được 31 người không đáng tội chết, khiến bọn họ được miễn tội, tích lũy được một ít âm đức, vì vậy sau khi chết được làm việc ở đây.
Xin hãy nhắc gia đình ta làm cho ta một bộ quần áo, chăm chỉ tụng kinh niệm Phật, dâng sớ tấu bẩm Thành Hoàng, để chuộc tội lỗi còn lại của ta.
Người trần tạo công đức cho người chết, bắt buộc phải được sự công nhận của Thành Hoàng, mới có thể tạo phúc. Nếu như khi đón năm mới, sát sinh vật sống để tế bái thần linh, tổ tiên sẽ không được hưởng dùng. Hai chuyện này nhất định phải nắm rõ”.
Người hành thiện thì có thể lại đầu thai làm người, hưởng hạnh phúc an lạc; kẻ làm điều ác, thì sẽ phải vào địa ngục sâu thẳm, mãi mãi chịu thống khổ vô biên. (Ảnh: Flickr)
Vương Tuần nói tiếp: “Tại lầu Vô Ưu, quan phủ sẽ gặp thiện nam và tín nữ, dựa vào việc bọn họ hành thiện nhiều hay ít, sẽ ban cho ác quả và phúc phần khác nhau. Đối với những phạm nhân của địa ngục, họ cũng bị áp giải đến đây, giống như các tù nhân được đặc xá của châu, quận những kẻ tội nhẹ cũng có thể được đầu thai, tốt nhất là đến đó xem thử”.
Hoàng Đại Ngôn đến đó, nhìn thấy cái gọi là lầu Vô Ưu thì ra là được tạo thành từ vô số châu báu. Lầu cao chót vót chọc trời, từ trên xuống dưới đều tỏa ra ánh sáng đẹp đẽ. Rất nhiều người thiện lương đang đứng vây quanh.
Những người thiện lương mặc quần áo lộng lẫy, cầm những bông hoa thơm và quyển Kinh, thong thả đi giữa những đám mây màu sắc hoặc đứng trên những bậc thang màu vàng xây bằng ngọc. Còn những phạm nhân địa ngục, kẻ nào tay cũng bị xiềng xích, vừa sợ sệt vừa tiều tụy quỳ ở ngoài cửa.
Lúc ông chuẩn bị trở về, rất nhiều người quen biết lần lượt ủy thác cho ông, thay họ về dặn dò con cháu phải làm nhiều công đức. Chuyện bọn họ giao phó, đều là những chuyện bí mật lúc còn sống, người ngoài không thể biết.
Sau khi Hoàng Đại Ngôn tiếp nhận sự giao phó của những người quen này, thì có một đồng tử đến đưa Hoàng Đại Ngôn trở về. Trên đường đi, Hoàng Đại Ngôn nhìn thấy một ngọn núi sắt, ngọn núi đang rực lửa bốc cháy dữ dội, những phạm nhân rơi vào núi sắt chịu đựng không nổi sự thiêu đốt, ai nấy đều kêu la thảm thiết.
Lại đi qua một ngọn núi, nhưng lại thấy những cái cây không có lá, thì ra những cái cây đó đều là những thanh kiếm thẳng đứng, với những lưỡi dao sắc nhọn gắn bên trên. Phạm nhân trèo lên thanh kiếm, mỗi giây mỗi khắc đều chịu nỗi đau tận cùng khi bị dao cắt.
Tiếp tục di chuyển về phía trước, đi qua một hang động, bên cạnh một dòng sông hôi thối. Đồng tử dẫn đường nói: “Người trần vứt cơm thừa, rượu thừa, trà thừa vào trong mương, thần Thổ địa sẽ cất giữ cho họ. Khi họ chết, sẽ mang cho họ ăn”.
Đồng tử dẫn Hoàng Đạo Ngôn đi thêm mấy dặm đường, thì lại đến nơi ở của một vị vương. Người này dặn dò: “Ông trở lại nhân gian, có thể sống thêm 5 năm nữa, hãy chuyển lời của ta cho người trần, người hành thiện thì có thể lại đầu thai làm người, hưởng hạnh phúc an lạc; kẻ làm điều ác, thì sẽ phải vào địa ngục sâu thẳm, mãi mãi chịu thống khổ vô biên. Hơn nữa yêu cầu người nghe được những lời này, phải truyền cho người khác biết”.
Nói xong, đồng tử mặc áo xanh đưa ông ra khỏi cổng Trường Xuân, và sau đó nhìn thấy bông hoa sen mà ông thấy khi đến. Khi ông đang băng qua cây cầu, Hoàng Đạo Ngôn vô tình ngã xuống cầu và bị đánh thức, lúc này đã là mùng 8, ông đã hôn mê trong bốn ngày.
Năm đó ông Hoàng đã 85 tuổi. Một quan văn ở quận Sùng Nhân tên là Tần Giáng, sau khi nghe chuyện này, ông đã đặc biệt giúp ông Hoàng ghi chép lại.
(Câu chuyện dựa theo “Di kiên bính chí” quyển 8)