Vật liệu sinh học kỳ diệu và những khám phá mới về hình học nhãn khoa đã dẫn dắt giáo sư Ernst Muldashev và những nhà khoa học Nga dấn thân vào hành trình đến Himalaya để khám phá nguồn gốc loài người.
Sau phần 3 về các chủng tộc người xa xưa, chúng ta quay lại câu chuyện giữa Giáo sư Ernst Muldashev và vị lạt ma trường phái Bonpo ở Nepal (di cư từ Tây Tạng) trong chuyến thám hiểm Tây Tạng lần thứ nhất (1996).
Lạt ma giáo phái Bonpo (giữa) và Muldashev (trái) (nguồn: Muldashev)
“Vậy ta nói chuyện về hang động,” Muldashev đề nghị. “Người xô-ma-chi nhất thiết phải được bảo quản nơi hang động à, thưa ngài?”
“Không chỉ trong động, mà cả dưới nước.”
“Tại khu vực này của thế giới, nơi chúng ta đang có mặt đây, chỉ có thể hỏi chuyện về hang động. Xin ngài cho biết, hang động có nhiều người xô-ma-chi không ?”
“Nhiều” – vị lạt ma Bonpo đáp.
“Vậy tại sao đến giờ không ai nhìn thấy trong hang có người xô-ma-chi?”
“Khó lắm. Như đã quy định các hang động đó đóng kín, còn lối vào bí mật. Mặt khác, hang động trong núi này nhiều vô kể, trong hang có biết bao nhiêu là nhánh, khó có thể tìm được cái gì trong ấy. Trong hang có cả đền thờ, nhưng ngoài những Người đặc biệt thì không ai biết về chúng”.
“…Có thể làm quen với những con Người đặc biệt đó được không, thưa ngài?”
“Được, nhưng vô ích. Tất cả họ sẽ trả lời ngài như nhau: “Ngay với Chúa Trời tôi cũng không nói ra điều đó”.
“Họ định mua chuộc những người đó à”.
“Có lẽ họ định như vậy”.
“Nhưng rồi thế nào”.
“Vô ích! Những người của chúng tôi và trước hết, những con Người đặc biệt đó cho rằng, sự sống nơi trần gian, nói gì đến tiền bạc, chả là cái gì nếu đem so với sự vĩ đại của Người! Định kỳ họ vẫn nhìn thấy Người! Họ thuộc dưới quyền của Người! Họ là đầy tớ của Người! Nhận tiền đối với những con người đặc biệt là tội phạm thượng. Cái đó không thể so được: tiền bạc”
“… Xin ngài lạt ma Bôn-pô cho biết, nếu trong số những Người đặc biệt đó có một kẻ phẩm chất kém, phản bội lời thề thì sao? Nếu hắn ta cử ai đó lọt vào hang?”
“Hắn sẽ là kẻ giết người”.
“Kẻ giết người ư? Giết ai?”
“Cái người đã được chỉ lối vào và đã tới đó, chờ chết. Ai chỉ đường cho kẻ đó, người ấy đã đưa hắn đến chỗ chết!”
“Tôi hiểu, hành động của những sức mạnh khác thường… Chỉ có Người mới có quyền cho phép vào”.
“Ngài hãy lưu ý và nhớ cho”- vị lạt ma Bonpo nhìn Muldashev chằm chằm nói,– “những Người đặc biệt chỉ là các đầy tớ của Người. Mọi cái đều do Người định đoạt! Được phép vào cũng phải do Người!”
Như vậy, lạt ma giáo phái Bonpo đã khẳng định sự tồn tại của các hang động trong đó có người nhập xô-ma-chi. Nhưng ông cũng khẳng định rằng rất khó để những người trông nom hang động xô-ma-chi chia sẻ thông tin và còn khó khăn khó khăn gấp bội, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng để có thể vào các động xô-ma-chi.
Buổi trò chuyện với lạt ma Bonpo đã kéo theo hàng loạt các buổi gặp gỡ khác, mà kết quả là chúng giúp Muldashev biết được khu vực có một hang động xô-ma-chi và tên của hai Người đặc biệt canh giữ động xô-ma-chi đó.
Đoàn thám hiểm: 1) Giáo sư Ernst Muldashev – trưởng đoàn, 2) Tiến sĩ vật lý Valery Lobankov – phó đoàn, 3) Valentina Yakovleva, 4) S.A. Selivestrov, 5) V.G. Gafarov, 6) Tiến sĩ Paristra – Ấn Độ, 7) S. Riel – Nepal, 8) K. Budaacharaiya (nguồn: Muldashev)
Những Người đặc biệt trông nom động xô-ma-chi ở Tây Tạng
Người đặc biệt thứ nhất 60 tuổi, người thứ hai 95 tuổi. Cả hai đều trông trẻ hơn tuổi do ảnh hưởng của năng lượng tại động xô-ma-chi. Cả hai đều có gia đình và sinh sống trong ngôi nhà như mọi người trong bản.
Ba ngày đầu, đoàn thám hiểm và hai Người đặc biệt nói chuyện về nhiều đề tài khác nhau. Nhưng hễ động đến xô-ma-chi là họ im ngay tức thì. Nếu cứ hỏi mãi về động xô-ma-chi, thì họ trả lời cụt lủn: “Đó là bí mật”.
Người đặc biệt 60 tuổi nói gì?
Sau ngày thứ 5, khi đã tạo được sự tin tưởng và thân thiện, Muldashev mới hẹn gặp được Người đặc biệt (60 tuổi) để trao đổi và được biết: người canh giữ động cần được đại hội các lạt ma phê chuẩn, đồng thời phải có khả năng nhập định thành công để ra vào động trong trạng thái định và được “Ngài” cho phép.
““Ngài” đó là ai?” Muldashev hỏi.
“Ngài – đó là người ở trong động xô-ma-chi.”
“Người đó có ngoại hình bình thường hay khác thường?”
… (Im lặng)
… “Ngài lui tới động xô-ma-chi thường xuyên không?”
“Trong tháng, tôi đến đó một lần.”
“Ngài lưu lại động xô-ma-chi bao lâu?”
“Trung bình ba tiếng đồng hồ”
“Ngài lui tới động xô-ma-chi vào ngày nào trong tháng?”
“Chỉ tuần trăng tròn mới được vào động xô-ma-chi hoặc 11 và 12 ngày sau khi trăng tròn cũng được. Tôi đến lúc trăng tròn. Không phải tất cả, mà chỉ vào gian được phép vào…”
“Thế trong các gian khác của động cũng có người đang nhập định?”
“Đó là điều bí mật”
… “Trước khi vào động ngài có khấn không?”
“Trước khi vào động một tuần, tôi bắt đầu tham thiền. Còn khi bước vào gian đầu tiên trong động, cách biệt với gian xô-ma-chỉ một cái ngách, tôi bắt đầu khấn và gia tăng thiền. Chỉ sau đó tôi mới có thể tới chỗ Thân xác.”
“Thân xác trông ra sao?”
… (Im lặng)
Người đặc biệt 60 tuổi trông giữ động xô-ma-chi Tây Tạng (phải) và Muldashev (trái) (nguồn: Muldashev)
“Ở phòng đầu của động nơi ngài khấn và tăng cường tham thiền, ngài có cảm thấy tác động của các lực khác thường không?”
“Có, chính trong phòng đó bắt đầu cảm nhận thấy những lực khác thường. Khấn và tăng cường thiền là để thích nghi với tác động của lực đó. Nếu không sẽ có cảm giác không thể vào được.”
“Vì sao, thưa ngài?”
“Có thể chết.”
Vậy ngài cảm thấy thế nào khi thấy không thể thích ứng với tác động của các lực khác thường?”
“Đầu đau và… không hào hứng đến động… Chỉ muốn ra khỏi động. Cảm thấy bực mình, vì đã không thích nghi được. Thật nguy hiểm chết người, nếu đã bước vào động mà chưa cảm thấy sẵn sàng… Ở gian đầu tiên, nơi bắt đầu cảm nhận tác động của những lực khác thường khá lớn, ở đó không có người nhập định. Chỗ nguy hiểm nhất là cái ngách nối gian đầu tiên với các gian khác; tựa hồ như ở đó tập trung các lực khác thường. Qua cái ngách đó là đến các gian xô-ma-chi, một vài gian trong số đó tôi được phép ra vào” – Người đặc biệt ít tuổi chia sẻ.
“Ngài đã thấy gì trong các gian xô-ma-chi đó?”
“Đó là bí mật.”
“Khi nói chuyện người xô-ma-chi có há mồm không?”
“Khẽ mở, nhưng hiếm khi nói chuyện.”
“Thân thể người xô-ma-chi trông thế nào?”
“Gần như thân thể bình thường, có thể hơi vàng hơn một tí.”
“Người xô-ma-chi có mặc quần áo không?”
“Ngài có mặc quần áo, nhưng cũng có thể chẳng mặc gì.”
“Ngài có nhìn thấy con mắt thứ ba ở người xô-ma-chi không?”
“Không có con mắt thứ ba. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nó.”
“Kích thước người xô-ma-chi thế nào – to hay bình thường”
“Đó là bí mật”
“Người xô-ma-chi nằm ở tư thế nào?”
“Ngài tọa trong tư thế Đức phật”
“Thân xác người xô-ma-chi khi sờ vào thế nào?”
“Lạnh và chắc nịch”
“Vậy tại sao ngài lại được ra vào một vài gian xô-ma-chi. Các gian xô-ma-chi còn lại có gì?”
“Với Thượng đế tôi cũng không nói ra điều đó.”
Khi Giáo sư Muldashev đưa cho Người đặc biệt này xem bức hình người Atlan giả định (sau này Muldashev mới biết bức hình đó chỉ người Lemuria), ông ta tỏ ra rất xúc động, nhưng cũng không cung cấp thêm thông tin bí mật nào khác.
Người đặc biệt 95 tuổi nói gì?
Ngày hôm sau, Giáo sư Muldashev đến gặp Người đặc biệt lớn tuổi. Người này cũng tỏ ra vô cùng xúc động khi nhìn thấy bức hình giả định của Muldashev. Nhưng cũng vì những quy định rất nghiêm ngặt, ông cũng chỉ cung cấp thông tin vô cùng dè dặt nhưng lại vô cùng quý giá cho đoàn thám hiểm:
“… Xin ngài cho biết xô-ma-chi là cái gì?” Muldashev đề nghị.
“Điều đó tôi cũng không thể nói được. Ngay với Chúa Trời, tôi cũng không nói ra điều ấy. Và Người đặc biệt kia cũng không nói.”
“… Những người trong hang động có lồng ngực nở hay bình thường?”
“Một số người có lồng ngực nhỏ, số khác bình thường.”
“Những người trong động to lớn hay nhỏ bé.”
“Có người to lớn, có người như những người bình thường.”
“Hộp sọ của người trong động to hay như những người bình thường?”
“Hộp sọ của họ đủ kiểu. Một số thì to, số khác to và dài như hình tháp, số nữa thì bình thường. Tóc người nào cũng dài.”
“Xin ngài cho biết: ngài có thấy người trong động có “con mắt thứ ba” không?”
“Đó chỉ là biểu tượng thôi.”
“Người trong động có con mắt to như thế nào?”
“Một số mắt to, số khác bình thường như mọi người.”
“Ngài có thấy mí mắt trên của những người mắt to có chỗ cong không?”
“Tôi không nhìn kỹ. Trong trạng thái xô-ma-chi, hai con mắt khép hờ. Tôi chỉ có thể nói hai con mắt to, trông khác thường.”
… Bỗng người đặc biệt lớn tuổi cầm bức hình lên, và không đợi Muldashev hỏi, ông nói: “Nếu trong động có khuôn mặt như trên hình vẽ thì thân thể của họ to và béo. Nếu là khuôn mặt kiểu bình thường thì người cũng nhỏ bé hơn.”
Người đặc biệt 95 tuổi trông giữ động xô-ma-chi Tây Tạng (trái), phiên dịch Kiram (giữa) và phó đoàn khảo sát Valery Lobankov (phải) (nguồn: Muldashev)
Như vậy, theo thông tin mà Người đặc biệt lớn tuổi cung cấp, trong hang động xô-ma-chi mà ông vẫn vào, có cả những người bình thường lẫn người khổng lồ của các chủng tộc khác nhau, với các đặc trưng cơ thể khác nhau, bao gồm cả người Lemuria giống như bức hình giả định của Muldashev.
“… Liệu những người thuộc các nền văn minh trước đây vẫn được bảo quản trong trạng thái xô-ma-chi không?” Muldashev hỏi.
“Có, việc đó có thể làm được.”
“… Người trong động có thể ở trong trạng thái xô-ma-chi bao lâu?”
“Điều đó còn tùy thuộc vào sức mạnh tâm linh. Người xô-ma-chi có thể ở trong động nghìn năm, triệu năm và lâu hơn thế nữa. Nhưng tôi mới sống được 95 năm, vì vậy tôi khó nói điều đó.”
“… Trong động ngài có thể nói chuyện với những người đang định không?”, Giáo sư Muldashev hỏi.
“Đó là điều bí mật”.
Dường như, câu trả lời “đó là điều bí mật” của những Người đặc biệt cho một số câu hỏi chính là gián tiếp của câu trả lời “Có”.
“Xin ngài cho biết chúng tôi có thể vào trong động xô-ma-chi được không? – Muldashev đột ngột hỏi câu hỏi chính.
“Các vị không qua được thử thách đâu. Ngoài tôi và Người đặc biệt ít tuổi hơn, không ai qua được hết” – Người đặt biệt 95 tuổi trả lời.
“Cứ thử xem sao.”
“Việc đó nguy hiểm chết người.”
“Động cơ của chúng tôi là tốt lành…” – Muldashev tha thiết đề nghị.
“Điều đó không có ý nghĩa.”
“Tuy vậy vẫn có thể thử được không?”
Muldashev có cảm giác Người đặc biệt lớn tuổi có cảm tình với đoàn của ông. Ông ta đáp:
“Để tôi suy nghĩ đã, mai mời các vị đến gặp tôi.”
Vào động xô-ma-chi ở Tây Tạng
Hôm sau gặp lại, Người đặc biệt lớn tuổi nói:
“Chúng tôi quyết định cho phép một người trong các vị vào gian đầu tiên của động. Đằng nào thì các vị không thể vào các gian khác, các vị không qua được thử thách. Không một ai có thể vượt qua cái đó.”
“Các vị cần lưu ý, nếu các vị cảm thấy trong người khó chịu, hãy quay về ngay. Nếu không, các vị sẽ chết. Các vị rõ chưa?” Người đặc biệt lớn tuổi nhấn mạnh.
“Thế có mang đèn đi được không?”
“Được, nhưng loại yếu thôi.”
Đoàn thám hiểm nhất trí để Giáo sư Muldashev vào động xô-ma-chi.
Động xô-ma-chi cách bản làng khoảng 2-3 cây số. Cửa vào của nó giống như vô số các hốc đá bình thường khác.
Tranh: núi tuyết và bóng của Ernst Muldashev (tác giả: Dementiev Alexandr)
Kể về quá trình vào động xô-ma-chi, Muldashev viết:
… Đi được một vài mét thì tới gian phòng rộng rãi. Tôi thấy rét. Tôi chụp lên đầu cái mũ trượt tuyết. Đi tiếp 15-20 mét tôi dừng lại và không cảm thấy tác động gì.
… Tôi bật đèn và tiếp tục đi tiếp. Tới phía đối diện tôi nhìn thấy một cái ngách nữa rộng khoảng 2 mét. Tôi nghĩ: “Có lẽ rào cản tâm năng của động xô-ma-chi bắt đầu từ cái ngách này.
Vừa đi vừa lắng nghe cảm giác của mình, tôi tiến gần tới cửa cái ngách đó. Mọi cái đều bình thường. Nhưng cách cửa vào ngách một, hai mét, tôi cảm thấy hơi bồn chồn. Thoạt đầu tôi tưởng mình sợ và cố gắng trấn áp cảm giác đó. Khi bước vào ngách bỗng tôi thấy sợ mà không biết vì sao, đi tiếp vài chục mét trong ngách cảm giác đó bỗng biến mất, nhưng thay vào đó là nỗi tức giận ghê gớm vô cớ. Đi tiếp vài chục bước nữa thì thấy đầu đau.
Nói chung, tôi có thể nói về mình tôi là người gan dạ, không phải lần đầu tiên tôi trèo núi vào hang. Tôi cảm thấy rõ ràng tâm trạng sợ hãi và phẫn uất từ đâu đó đến, tức là nguyên nhân không ở trong bản thân tôi.
Bước tiếp vài chục bước nữa, cảm giác uất ức gia tăng, còn đầu đau như búa bổ. Nén chịu cảm giác đó, tôi đi tiếp gần 10 mét nữa. Đầu đau tới mức tưởng như không chịu được nữa. Tôi dừng lại, tắt đèn và trong bóng tối như mực, tôi cố tập trung để giải thoát nỗi đau.
… Tôi tập trung tư tưởng, huy động hết ý chí để chiến đấu với cái đau khủng khiếp… không có kết quả gì. Cơn đau đầu cứ như đợt sóng đều đặn xô tới. đầu như muốn vỡ tung. Nhưng khó chịu nhất không phải là cơn đau đầu mà là tâm trạng uất ức, không biết vì đâu. Tôi không thể hiểu vì sao tôi nổi giận. Tôi có cảm giác tức tối trong lòng và muốn trở ra ngoài. Rồi tôi hiểu ra: tôi uất ức, vì tôi đang đi tới đó – vào sâu trong động huyền bí; chính các bộ phận tâm hồn tôi chịu trách nhiệm về trạng thái đối với lập với sự thỏa mãn – sự tức giận – đã bị tác động.
Tôi bật đèn và huy động phần ý chí cuối cùng. Tôi bước tiếp về phía trước vài bước. Tôi thấy mình đột ngột yếu sức, đầu đau phát điên lên được, lòng dạ phẫn uất không để tôi yên. Tôi hiểu rằng, không được đi tiếp nữa, nếu không sẽ mất mạng. Tôi chiếu đèn lên phía trước. Không hiểu sao tôi không còn cảm nhận cánh tay cầm đang giơ ra về phía trước. Trong cái động lạnh giá, không biết mồ hôi ở đâu ra làm mờ cả mắt.
Tia sáng đèn rọi chiếu mờ mờ đoạn cuối ngách và gian động lớn tiếp nối sau đó. Nén cơn đau, và tâm thần rối loạn, hoàn toàn, tôi nhìn về phía trước…
Tia sáng đèn lờ mờ chiếu lên những vách đá và vài chỗ trồi lên mặt sàn. Gì thế? Nhẽ nào đó là hình thù những người đang ngồi nhập xô-ma-chi. Đúng, có vẻ như hình người. Dưới ánh sáng của chiếc đèn, tôi thấy họ khổng lồ.
Tôi không thể nói gì thêm nữa. Tôi quay lại và lê bước đi ra. Lúc bước ra khỏi cửa ngách vào gian đầu tiên, tôi vấp ngã đập bên đầu gối thương tích xuống nền đá.
Tôi đứng giữa gian đầu tiên… Tôi từ từ hiểu ra rằng mình còn sống. Suy nghĩ rành mạch, đầu hết đau, không còn cảm giác phẫn uất. Tôi hiểu, chỉ cần tiến thêm một chút nữa về phía trước là tôi bỏ mạng.
… Người Lemuria, người Atlan! Họ còn sống, hàng triệu năm nay họ vẫn sống đó… – Tôi lại nhớ đến cái cảm giác trong cái ngách đầu tiên dẫn đến động xô-ma-chi. Chà, Ngài mới mạnh mẽ làm sao! Ngài bí ẩn đó là ai? Người Lemuria-Atlan? Tôi nhớ một Bậc được bí truyền (người tu luyện) đã nói rằng, Sam-ba-la không cần canh giữ – nó mạnh hơn con người trên mặt đất nhiều… Tôi sẽ không bao giờ thắng được Ngài, nếu không được phép của Ngài…
Song vẫn còn chút ít nghi hoặc. Nhỡ đâu tôi đã cảm nhận phóng đại tác động của tâm năng? Nhỡ đâu tôi đã tưởng tượng ra mọi cái đó? Tôi quay lại và bước vào ngách dẫn đến động xô-ma-chi.
Mọi cái lặp lại theo trình tự như trước.
Đến đúng chỗ đó, trước cửa ngách, tôi có cảm giác bồn chồn… Tiếp đến là cảm giác sợ hãi chuyển nhanh sang tâm trạng uất ức quen thuộc và cơn đau đầu như búa bổ. Càng tiến về phía trước, tâm trạng bực tức và cơn đau đầu càng gia tăng và đến đúng chỗ đó, thì tôi không chịu được nữa, người kiệt sức. Tôi không còn đủ sức giơ tay và chiếu đèn. Tôi quay lại.
Tôi lại đứng giữa gian thứ nhất, lại tắt đèn và nghe ngóng các cảm giác. Tất cả cảm giác lui dần, riêng cảm giác suy yếu còn lại rõ hơn cả.
… Tuy vậy, tôi nhớ lại trong khoa học những tư liệu đã được kiểm nghiệm ba lần mới đang tin cậy, tôi huy động sức lực cuối cùng và lại bước vào cái ngách dẫn đến gian xô-ma-chi. Qua “khu vực” các cảm giác bồn chồn và tới “khu vực” bực tức và đau đầu, tôi không thể bước tiếp tới chỗ có cảm giác mạnh nhất. Tôi không còn sức lực nữa.
Tôi quay lại và đi ra. Tôi thấy nhẹ người, khi dưới ánh sáng đèn nhìn thấy cái gian cứu tinh… Ánh sáng ban ngày đập vào mắt nhức nhối, Valery Lobankov chạy tới xiết chặt tay tôi và hỏi thăm: “Còn sống đấy chứ, ông bạn?””
Tâm sự về cảm giác của mình sau khi khám phá động xô-ma-chi, Giáo sư Muldashev chia sẻ:Bức màn bí mật chỉ mới hé mở
“Trong lòng tôi có hai tình cảm mâu thuẫn nhau. Một mặt, tôi sung sướng bởi cuối cùng chúng tôi cũng gặp những con Người đặc biệt, nói chuyện với họ, nhìn thấy động xô-ma-chi, vào đó và thậm chí còn được cảm nhận tác động của rào cản tâm năng lừng danh. Mặt khác, tôi buồn vì cách người xô-ma-chi chỉ còn vài mét mà không thể đến được với họ, xem xét và khảo cứu. Bức rào cản tâm năng, mà tôi đã cảm nhận tác động của nó, đối với tôi là cái gì đó bí hiểm và hùng mạnh.”
Không chỉ vậy, trong các lần thám hiểm Tây Tạng tiếp theo, Giáo sư Muldashev và các thành viên trong đoàn còn có nhiều lần tiếp xúc với các hang động có người xô-ma-chi và cơ chế bảo vệ bằng năng lượng đặc biệt khỏi sự xâm nhập – cũng không nhất định giống như trường hợp bên trên. Có kiểu rào chắn sẽ hút năng lượng, có kiểu rào chắn năng lượng sẽ gây mù tạm thời cho người bước vào.
Ví dụ, tại hang Vasitgupha, Ấn Độ trong đợt thám hiểm lần 3 (1998), đoàn khảo sát sử dụng máy đo hào quang theo hiệu ứng Kirlian phát hiện rằng khi bước vào hang, hào quang của người không được phép sẽ bị phá hủy. Thành viên đoàn thám hiểm Olga Ismitova bị kiệt sức và ngất xỉu khi bước vào hang, khi đó hào quang màu xanh dương và thanh thiên của chị chỉ còn lại loáng thoáng, vài điểm. Đoàn thám hiểm còn phát hiện ra năng lượng vi tế của hang có xu hướng hình thành các kết cấu không gian kiểu kim tự tháp. Có khả năng kim tự tháp trong suốt này đã phá hủy hào quang và hút sinh lực của người vào hang.
Thành viên đoàn thám hiểm Olga Ismitova bị ngất khi bước vào hang xô-ma-chi Vasitgupha (trái), hào quang của cô khi bình thường (giữa), hào quang khi vào hang (phải) (nguồn: Muldashev)
Đợt thám hiểm lần 4 (1999), Muldashev được biết: tại hang xô-ma-chi – chùa Harachi (tiếng Anh là Harati), Nepal, có 7 tầng cửa cần vượt qua để vào tận nơi có người xô-ma-chi. Khi vượt qua cửa thứ nhất, đến cửa thứ hai, người vào hang không được phép sẽ bị mù đột ngột tạm thời. Thị lực của họ chỉ hồi phục khi ra ngoài hang.
Cửa tầng 1 động xô-ma-chi tại chùa Harachi, Nepal (phải), Astaman – người trông giữ ngôi chùa (trái) và Muldashev (giữa) (nguồn: Muldashev)
Chia sẻ về phát hiện hang động xô-ma-chi trong chuyến thám hiểm lần 1, Giáo sư Muldashev tâm sự: “Động xô-ma-chi mới hé mở bức màn bí mật của nó, nhưng chưa mở hoàn toàn. Liệu sẽ có ai đó, vào lúc nào đó, khám phá ra điều bí mật lớn lao của loài người hay không?
Đến giờ, bạn đọc hẳn rất sốt ruột muốn biết ngoài những con người thuộc các nền văn minh tiền sử đang ngồi đả tọa ở trạng thái xô-ma-chi thì bí mật lớn nhất của các hang động xô-ma-chi là gì? Vì sao những Người đặc biệt luôn nói rằng “Với Thượng đế tôi cũng không nói ra điều đó”? Nhưng trước hết, chúng ta sẽ tiếp tục đến với những khám phá vô cùng bất ngờ khác của Giáo sư Ernst Muldashev trong các chuyến thám hiểm Tây Tạng.