Dưới các hoàn cảnh cùng cực, ví như gần kề cái chết (trải nghiệm cận tử), tâm trí vẫn có thể hoạt động tốt, thậm chí tốt hơn bình thường, dù não bộ bị thương tổn, đây là kết luận rút ra được từ hàng nghìn trường hợp trải nghiệm cận tử được ghi nhận.

trai-nghiem-can-tu(ảnh qua Youtube)

Nếu tâm trí chỉ là một chức năng của não bộ, thì sẽ hợp lý khi cho rằng nếu não bộ bị tổn thương, tâm trí cũng sẽ gặp trục trặc. Hầu hết các nghiên cứu não bộ hiện nay đều nhận định như vậy, nhưng một loạt các bằng chứng lại cho thấy điều khác hẳn.

Tâm trí có thể tồn tại độc lập với não bộ?

TS. Alexander Batthyany là giáo sư ngành tâm lý học lý thuyết và triết học tâm thần ở Liechtenstein và tại khoa khoa học nhận thức của trường Đại Học Viên (Áo). Trong nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Nghiên cứu Cận tử, TS Batthyany và đồng nghiệp đã khảo sát hàng ngàn trường hợp trải nghiệm cận tử (near-death experience – NDE) để biết được chất lượng hình ảnh và khả năng nhận biết của tâm trí trong quá trình trải nghiệm.

Ông kết luận:

“Mức độ khủng hoảng sinh lý càng nghiêm trọng (càng gần cái chết), thì những người trải nghiệm NDE càng dễ xuất hiện hoạt động nhận thức và cảm quan rõ ràng và phức tạp hơn”.

Một trong những mục tiêu của TS Batthyany là tái lập một vài nghiên cứu trước đó về chất lượng hình ảnh và khả năng nhận biết của tâm trí trong trải nghiệm cận tử.

TS. Batthyany tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (IANDS). (Ảnh chụp/YouTube)
TS. Batthyany tại Hội Thảo năm 2014 của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử (IANDS). (Ảnh chụp/YouTube)

Trong một nghiên cứu năm 2007 của Đại học Virginia (Mỹ), có tiêu đề “Các trải nghiệm dị thường: Cận tử và hiện tượng liên quan”, 52,2% số người trải nghiệm NDE được hỏi đã báo cáo nhìn thấy các cảnh tượng rõ nét hơn [khi mức độ khủng hoảng sinh lý trở nên càng nghiêm trọng].

Trong một cuộc khảo sát với 1.122 người trải nghiệm NDE, Bác sĩ Jeffrey Long, nhà sáng lập Tổ chức Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử (Near Death Experiences Research Foundation – NDERF), phát hiện rằng khoảng 74% báo cáo một “trạng thái nhận thức và tỉnh táo tăng cường”.

“Tôi cảm thấy cực kỳ tỉnh táo, sắc bén và tập trung. Hồi tưởng lại, cảm giác đó giống như nửa ngủ khi vẫn còn sống, và hoàn toàn tỉnh táo sau khi bị tuyên bố là đã chết”, theo chia sẻ của một người trải nghiệm NDE trong nghiên cứu của TS Batthyany.

“Tâm trí tôi rất rõ ràng, suy nghĩ của tôi nhanh chóng và quyết đoán. Tôi có một loại cảm giác giải thoát, tự do và hài lòng khi không còn bị cơ thể câu thúc. Tôi cảm thấy một sự liên kết với tất cả mọi thứ xung quanh theo một cách không thể lý giải. Tôi cảm thấy dường như suy nghĩ của tôi trở nên nhanh hơn hay thời gian trôi chậm lại đáng kể”, một người trải nghiệm NDE khác nói.

Tuy rằng ở một mức độ nhất định, nghiên cứu của TS Batthyany đã xác nhận kết quả của các nghiên cứu trước đó về sự gia tăng chức năng nhận thức và cảm quan trong trải nghiệm NDE, phương pháp của ông vẫn có một vài hạn chế. Ông cho rằng những hạn chế này có thể dẫn tới một con số ước tính thấp hơn cho phần trăm những người trải nghiệm NDE xuất hiện trạng thái nhận thức tăng cường.

Những con số thống kê đáng lưu ý về trạng thái cận tử

Để xem xét các điểm hạn chế của phương pháp, ông đã thu thập hàng ngàn bản tường thuật viết tay từ các kho lưu trữ trên mạng, ví như trên trang mạng NDERF, rồi chạy qua một chương trình máy tính để lọc các từ có liên quan đến thị giác hoặc nhận thức (ví như “nhìn” hoặc “nghĩ”).

Sau đó ông và các đồng nghiệp đã định lượng chất lượng hình ảnh hoặc khả năng nhận biết của tâm trí được miêu tả trong các bản tường thuật này (một mẫu có số lượng nhỏ hơn) trên một thang đo từ -2 to +2. Họ tiếp tục thu hẹp phạm vi nghiên cứu xuống những bản tường thuật kể lại chi tiết đến tình trạng bệnh lý theo kèm trải nghiệm NDE. Trong nghiên cứu này, họ chỉ xem xét các bệnh nhân có trải nghiệm NDE sau khi bị ngừng tim hoặc ngừng hô hấp.

Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu đã trực tiếp hỏi những người trải nghiệm NDE về chất lượng hình ảnh hoặc khả năng nhận biết của tâm trí trong trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của mình, TS Batthyany chỉ có thể phân tích các thông tin được đưa ra trong các trường hợp NDE chung chung. Nên rất có thể khi ông cho rằng không có thay đổi gì trong chất lượng hình ảnh hay khả năng nhận biết trong một số trường hợp, thì trên thực tế lại có sự thay đổi nhưng người trải nghiệm NDE đó chưa miêu tả đủ chi tiết nên đã bị sót.

Trong số những người trải nghiệm NDE có thể nhìn thấy trong quá trình, khoảng 47% nói rằng thị lực của họ được tăng cường. Và 41% có thị lực không đổi, “và đây là điều khá ấn tượng, bởi vì những bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy kịch (cận tử), và thường bị bất tỉnh”, TS Batthyany nói.

Trong số những người trải nghiệm NDE có đề cập trực tiếp đến trạng thái tâm lý và nhận thức trong quá trình, khoảng 35% nói rằng họ có một trạng thái tâm lý và nhận thức tăng cường. Và khoảng 61% báo cáo có trạng thái nhận thức như bình thường trong quá trình bị ngừng tim hoặc ngừng hô hấp.

Các hạn chế của phương pháp

TS Batthyany cũng đã cẩn thận lưu ý đến các hạn chế khác trong phương pháp của ông, ví như khả năng nhận được một số báo cáo NDE giả thông qua mạng Internet. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng những hạn chế về mặt phương pháp này có lẽ sẽ không ảnh hưởng đến kết luận tổng thể, rằng những người trải nghiệm NDE thường có thể nhìn thấy và nhận biết sự vật hiện tượng một cách rõ ràng.

Lấy ví dụ, về rủi ro gặp phải các báo cáo NDE giả, ông viết: “Trên trang NDERF, nguồn cung cấp lớn nhất các trường hợp NDE được nghiên cứu ở đây, có không đến 1% trường hợp NDE được đăng tải bị loại bỏ do lo ngại về tính xác thực của chúng. Ngoài ra, với số lượng báo cáo nhiều đến vậy, ít có khả năng các báo cáo giả có thể làm thiên lệch đáng kể các kết quả của chúng tôi theo hướng này hay hướng khác.

Giới y học đã ghi nhận được trường hợp những bệnh nhân, bị mắc chứng Alzheimer hay chứng mất trí, biểu hiện ra một tư duy rời rạc không mạch lạc và hay nói năng lảm nhảm trong rất nhiều năm, lại đột nhiên khôi phục được sự minh mẫn ngay trước khi qua đời.

Ngoài những nghiên cứu NDE kể trên, các nghiên cứu về hiện tượng minh mẫn cuối đời (terminal lucidity) và trí nhãn (mindsight) cũng đã củng cố kết luận cho rằng tâm trí vẫn có thể có các hoạt động ý thức phức tạp ngay cả khi chức năng não bị tổn thương nghiêm trọng, TS Batthyany nói.

Hiện tượng minh mẫn cuối đời và trí nhãn

TS Batthyany đã nghiên cứu hiện tượng minh mẫn cuối đời ở các bệnh nhân Alzheimer. Đây là một hiện tượng trong đó những bệnh nhân bị mắc chứng Alzheimer hay chứng mất trí, biểu hiện ra tư duy rời rạc không mạch lạc và hay nói năng lảm nhảm trong rất nhiều năm, lại đột nhiên khôi phục được sự minh mẫn ngay trước khi qua đời.

Khi bộ não bị thoái hóa giai đoạn cuối, người ta cho rằng khả năng thiết lập sự liên kết mạch lạc giữa ký ức và suy nghĩ-cảm xúc đã không còn, nên cái cá nhân “trọn vẹn” đó không thể xuất hiện lại nữa. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm này, dường như toàn bộ tâm trí sẽ hiện lên trở lại, với tất cả các liên kết não bộ còn vẹn nguyên.

Trí nhãn là khả năng người mù có thể nhìn được trong trải nghiệm NDE.

Khả năng này đã được nghiên cứu bởi nhiều người, một trong số đó là GS Kenneth Ring từ Đại học Connecticut. GS Ring phát hiện ra rằng 15 trong tổng số 21 đối tượng nghiên cứu bị mù đã báo cáo nhìn thấy một số cảnh tượng nào đó trong trải nghiệm NDE.

Có phải là ảo giác?

TS Batthyany cho biết rằng một số nhà khoa học nhìn nhận trải nghiệm NDE là ảo giác được sản sinh trong hoạt động sinh lý thần kinh.

“Tuy nhiên, nghiên cứu này và các trường hợp minh mẫn cuối đời và trí nhãn lại cho thấy một điều khác; chúng cho thấy sự hiện diện của một trải nghiệm ý thức phức tạp và cấu trúc ngay trong quá trình suy giảm, phân ly, hay thiếu vắng các yếu tố sinh học thần kinh tương liên thường được cho là nhân tố cấu thành nên trải nghiệm NDE—cũng như trải nghiệm ý thức nói chung”, ông nói.

Ông đi đến kết luận rằng ý thức—bao gồm nhận thức về cái tôi, sự tưởng tượng ra các hình ảnh phức tạp, và trạng thái minh mẫn—đôi lúc có thể tồn tại lâu hơn hoạt động của não bộ, ngay cả khi sóng điện não là một đường bằng phẳng.

Minh mẫn cuối đời và trí nhãn là các hiện tượng cực hiếm, nhưng các trải nghiệm NDE thì lại nhiều vô kể và “kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy năng lực thị giác, suy nghĩ và nhận thức về cái tôi là một điều chắc chắn sẽ xảy ra chứ không phải ngoại lệ trong trải nghiệm NDE”.

TS Batthyany đã viết: “Các nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ chịu trách nhiệm xác nhận hay phủ nhận quan sát không chính thức này của chúng tôi thông qua phân tích chính thức”.

Nghiên cứu của ông, “Sự tưởng tượng hình ảnh phức tạp và nhận thức trong các trải nghiệm cận tử”, đã được đăng trên Tập 34, số 2 của Tạp chí Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử.

Tác giả: Tara MacIsaac
Quý Khải biên dịch
Theo Trithucvn