Đội ngũ chuyên gia của Viện Công nghệ Rochester (RIT) ở thành phố New York, Mỹ, vừa phát hiện một hành tinh khổng lồ mới chào đời, chỉ cách Trái đất 330 năm ánh sáng, theo báo cáo trên Research Notes of the American Astronomical Society.

Hầu hết các hành tinh được các nhà thiên văn học tìm ra đều là những hành tinh “lớn tuổi”, được hình thành từ hàng triệu năm trước và đã có những gắn kết cố định với ngôi sao chủ của chúng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của RIT vừa phát hiện ra một ngoại hành tinh khổng lồ vừa mới được hình thành, quay quanh một ngôi sao chủ trẻ, cách Trái đất khoảng 330 năm ánh sáng. Đây là ngoại hành tinh gần với Trái Đất nhất.

Hành tinh này được biết đến với tên gọi 2MASS 1155-7919 b, nằm trong Tổ hợp ngôi sao Epsilon Chamaeleontis, một tổ hợp các ngôi sao nằm trên thiên cầu nam gần chòm sao Yển Diên

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra hành tinh này bằng cách sử dụng những dữ liệu thu thập được từ đài quan sát thiên văn Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. 

Khám phá này đã được đăng tải lên Research Notes of the American Astronomical Society (Ghi chú nghiên cứu của Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ).

Hành tinh này quay quanh một ngôi sao chủ có tuổi đời 5 triệu năm tuổi, trẻ hơn Mặt trời 1 nghìn lần. Tuy nhiên, nó lại cách rất xa ngôi sao chủ. Khoảng cách từ nó tới ngôi sao chủ của mình xa hơn khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời 600 lần.

Bà Annie Dickson-Vandervelde, tác giả chính của nghiên cứu kiêm học viên theo học văn bằng Tiến sĩ chuyên ngành công nghệ và khoa học vật lý thiên văn tại Học viện Công nghệ Rochester cho hay: “Hành tinh này rất trẻ và chỉ bằng 10 lần độ lớn của sao Mộc. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã phát hiện ra một hành tinh ‘sơ sinh’, có lẽ vẫn đang trong giai đoạn hình thành”.

Các quan sát trong tương lai có thể cung cấp thông tin cho các nhà khoa học nguyên nhân tại sao hành tinh này lại nằm ở một vị trí cách xa với ngôi sao chủ của nó như thế. Điều này có thể cung cấp những kiến thức sâu rộng hơn về những hành tinh lớn có quỹ đạo quay rộng. Nhưng bản thân phát hiện này còn giúp các nhà thiên văn học trong công cuộc nghiên cứu về quá trình hình thành các hành tinh khí khổng lồ.

Tuy chúng tôi đã phát hiện ra nhiều hành tinh thông qua kính viễn vọng không gian Kepler và các loại kính viễn vọng không gian khác nhưng hầu hết trong số chúng đều là những hành tinh ‘già’“, bà Dickson-Vandervelde cho biết.

Hành tinh này cũng là ví dụ thứ 4 hoặc 5 về các hành tinh lớn có khoảng cách xa ngôi sao chủ của chúng, và các lý thuyết gia vẫn đang tìm ra nguyên nhân tại sao những hành tinh này có thể hình thành cách ngôi sao chủ ở khoảng cách xa như vậy”.

Theo Tinh hoa