Ngày 20/7/2017 là tròn 18 năm xảy ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại Lục. Thời gian qua, một số nhà bình luận chính trị Trung Quốc cho rằng ông Tập Cận Bình nếu muốn đẩy mạnh cải cách tư pháp và có được lòng dân thì không thể không giải quyết vấn đề của Pháp Luân Công.
Theo tài liệu của Hiệp hội Nhân quyền Mỹ, từ ngày 25/4 đến 19/7/1999, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã liên tiếp gửi 2 lá thư trong nội bộ Đảng và 3 văn kiện mệnh lệnh nội bộ, yêu cầu các tổ chức trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phục tùng quyết định cá nhân của mình, và bắt đầu trấn áp toàn diện Pháp Luân Công. Từ một câu nói sẽ “tiêu diệt Pháp Luân Công trong 3 tháng!” của ông Giang mà cuộc bức hại nhân quyền này đã xảy ra trên toàn quốc.
Các thành viên trong “tập đoàn” Giang Trạch Dân thông qua Ủy ban Chính Pháp khống chế hệ thống công an, tòa án, viện kiểm sát, quốc an, cảnh sát vũ trang, bất cứ lúc nào cũng có thể điều động nguồn tài nguyên ngoại giao, giáo dục, tư pháp, Quốc vụ viện, quân đội, y tế để chấp hành cụ thể mệnh lệnh bức hại.
Chuyên gia về Trung Quốc, ông Hoành Hà đã chỉ ra những thành viên chủ chốt thuộc “tập đoàn” Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công gồm có: ông Giang Trạch Dân, La Cán, Chu Vĩnh Khang, Lưu Kinh, v.v…
Tạp chí Tân Kỷ Nguyên từng dẫn lời một nhân viên tình báo quân khu Thành Đô tiết lộ, vào tháng 4/1999, khi ông Giang Trạch Dân muốn đàn áp Pháp Luân Công, có 6 trong 7 vị thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc không đồng ý với quyết định này. Tuy nhiên, ông Giang lại bày mưu cho tâm phúc bịa đặt tin tức tình báo giả, vu khống Pháp Luân Công có ý định “lật đổ ĐCSTQ”. Với lý do này, ông Giang ép buộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị phải gật đầu đồng ý đàn áp Pháp Luân Công.
Ngày 10/6/1999, “Phòng 610”, cơ quan chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công được thành lập, đứng đầu là Bí thư Ủy ban Chính Pháp La Cán. Đây là một tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật và thực thi bất kỳ mệnh lệnh nào của ông Giang Trạch Dân.
Ông Chu Vĩnh Khang vì tích cực đàn áp Pháp Luân Công ở tỉnh Tứ Xuyên mà nhanh chóng được thăng quan tiến chức. Tháng 12/2002, ông Chu được đặc cách thăng chức làm Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Trật tự Trị an Xã hội Trung ương, Phó Bí thư Ủy ban Chính Pháp. Năm 2007, ông La Cán về hưu, ông Chu Vĩnh Khang lên thay chỗ và đóng vai chính trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Từ khi “Phòng 610” được thành lập đến năm 2009, ông Lưu Kinh liên tục đảm nhiệm chức Phó chủ nhiệm và Chủ nhiệm phòng này.
Trong thời gian ông Bạc Hy Lai ở Liêu Ninh và Trùng Khánh đã toàn lực phối hợp bức hại Pháp Luân Công, thậm chí còn vọng tưởng thông qua bức hại Pháp Luân Công một mạch thăng quan rồi tiến hành đoạt quyền soán vị.
Tổ chức điều tra nhân quyền độc lập tại nước ngoài đã chỉ ra, hiện nay những quan chức cấp cao của ĐCSTQ bị “ngã ngựa” như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Lý Đông Sinh, Tô Tống; quan chức về hưu như Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Lý Lam Thanh, Lý Trường Xuân; còn có một số người hiện vẫn đang công tác như Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ đều là những người đã tham gia bức hại Pháp Luân Công.
Chuyên gia Hoành Hà phân tích, đặc điểm các cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ là luôn lôi kéo mọi người tham gia “dính máu”, để dù là ai lên chấp chính cũng vì tâm lý tự bảo vệ bản thân mà không thể tùy tiện lật lại bản án.
Nhưng sau sự kiện ông Vương Lập Quân chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ và giao ra chứng cứ đảo chính của “tập đoàn” ông Giang Trạch Dân, từ đó chính quyền của ông Tập Cận Bình quyết định triển khai chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng, chính là dùng hình thức này để làm cho những người như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch lần lượt “ngã ngựa”.
Theo thống kế của The Epoch Times, tính đến nay đã có 31 “lão hổ” bị “ngã ngựa” tại các tỉnh thành ở Trung Quốc, trong số đó có 28 người từng tham gia bức hại Pháp Luân Công. Hơn 100 quan chức cấp cao trong chính phủ bị “ngã ngựa”, một nửa trong số đó bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công ra thông báo điều tra.
Bình luận viên thời sự chính trị Hạ Tiểu Cường từng có bài viết chỉ ra, Đại Lục dưới sự thống trị của ĐCSTQ, án oan, án giả lớn nhất chính là vấn đề về Pháp Luân Công. Nếu ông Tập Cận Bình muốn đẩy mạnh cải cách tư pháp thì không thể bỏ qua vấn đề Pháp Luân Công đầy mẫn cảm này; nếu muốn Trung Quốc có một tương lai tốt đẹp, thì càng không thể nào trốn tránh vấn đề cần hay không cần giải thể sự chuyên chế của ĐCSTQ.
Ông La Vũ, con trai của đại tướng từng tham gia xây dựng chính quyền ĐSCTQ La Thụy Khanh, cũng từng lấy danh xưng anh em để nhắc nhở ông Tập Cận Bình, hiện nay muốn có được lòng dân, ắt phải giải quyết vấn đề về Pháp Luân Công và nhanh chóng kết thúc chế độ độc đảng chuyên chế.
Theo trang Minghui.org đưa tin, từ tháng 5/2015 đến 20/7/2017, đã có khoảng 209.908 người tập Pháp Luân Công và người thân của họ đã gửi đơn kiện, đơn tố cáo ông Giang Trạch bức hại Pháp Luân Công lên Cơ quan Kiểm sát tối cao. Cùng với đó, các nước và khu vực như châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Ukraina, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan cũng đồng loạt hưởng ứng, trên toàn thế giới hình thành một làn sóng ủng hộ người dân Trung Quốc Đại Lục kiện ông Giang Trạch Dân.
Hiện giới quan sát đang rất chăm chú theo dõi cuộc bức hại này khi nào sẽ kết thúc và chính quyền Bắc Kinh sẽ xử lý “tập đoàn” ông Giang Trạch Dân và món nợ lịch sử này thế nào.