Vào lúc 4:30 chiều thứ Tư (ngày 17/7), trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Trump đã gặp 27 nạn nhân sống sót sau cuộc đàn áp tôn giáo đến từ 17 quốc gia, trong đó có bà Trương Ngọc Hoa là một người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump chính thức gặp gỡ người tập Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp.
Bà Trương Ngọc Hoa (Zhang Yuhua), 59 tuổi, đã bị cầm tù và tra tấn ở Trung Quốc trong 7 năm rưỡi chỉ vì cự tuyệt từ bỏ đức tin của mình trước khi đào thoát đến Mỹ năm 2015.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần theo trường phái Phật gia đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo suốt 20 năm. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (một trang web của Pháp Luân Công), hàng trăm nghìn người theo tập pháp môn này đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và trung tâm tẩy não. Tại đây chính quyền tra tấn họ dã man hòng ép buộc từ bỏ đức tin của mình.
Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Trump đã gặp bà Trương Ngọc Hoa cũng như những nạn nhân sống sót trong các cuộc đàn áp tôn giáo khác từ 17 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Iran, Pakistan và Burma, để tái khẳng định cam kết về tự do tôn giáo của chính phủ Mỹ.
Sự tham gia của bà Trương Ngọc Hoa tại sự kiện này đánh dấu mốc lần đầu tiên một người tập Pháp Luân Công chính thức gặp gỡ với Tổng thống Mỹ.
Tại Phòng Bầu Dục, bà Trương Ngọc Hoa đã nói với Tổng thống Trump: “Tôi là một học viên Pháp Luân Công. Chồng tôi vẫn còn ở trong tù. Ông ấy cũng là một học viên Pháp Luân Công.”
Ông Trump hỏi: “Đó là nhà tù nào?”
Bà Trương trả lời: “Là Nhà tù Tô Châu ở Giang Tô. Tôi rất lo lắng cho chồng mình, bởi vì đã từng có một học viên Pháp Luân Công bị giam trong nhà tù này 3 năm, sau khi về nhà đã nôn ra rất nhiều máu và tử vong.”
Bà Trương Ngọc Hoa từng là Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga của Học viện Ngoại ngữ thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh, và là ủy viên Ủy ban Pháp lý Nam Kinh và Đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc lần thứ 12. Tuy nhiên, vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà đã bị bắt bốn lần, trong đó ba lần bị đưa vào trại cải tạo lao động, còn phải chịu án tù 7 năm 7 tháng, bà đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn như cấm ngủ, giam trong phòng kín, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, bị ép chạy hàng giờ dưới ánh nắng mặt trời gay gắt…
Còn chồng bà Trương là ông Mã Chấn Vũ (Ma Zhenyu) từng là kỹ sư thiết kế radar của Viện nghiên cứu số 14 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc. Ông Mã cũng bị chính quyền Trung Quốc bức hại vì không từ bỏ Pháp Luân Công, bị bắt cóc, bỏ tù và tra tấn nhiều lần. Ngày 18/9/2017, ông Mã bị ĐCSTQ bắt giữ lần thứ năm chỉ vì viết thư cho lãnh đạo ĐCSTQ nói rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông bị kết án 3 năm tù và phạt 30.000 nhân dân tệ. Bà Trương không nghe được bất kỳ tin tức gì về chồng kể từ khi ông bị kết án.
Trong cuộc gặp mặt, bà Trương còn nói với Tổng thống Trump về vấn nạn mổ cướp nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn. Bà lo lắng chồng mình có thể bị tra tấn đến chết như hàng nghìn người tập Pháp Luân Công khác, thậm chí có thể giết để mổ cướp tạng như nhiều nạn nhân khác. “Mổ cướp nội tạng vẫn tồn tại, chúng ta cần phải có hành động”, bà Trương nhấn mạnh.
Bà Trương còn nhắc đến nhiều cáo buộc của các tổ chức phi chính phủ và các nhà điều tra độc lập, dựa trên nhiều bằng chứng khác nhau, về việc ĐCSTQ giết hại người tập Pháp Luân Công để lấy nội tạng phục vụ cho cấy ghép. Bà cũng kêu gọi chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky đối với các quan chức Trung Quốc đã tham gia vào giam giữ, tra tấn và giết hại người tập Pháp Luân Công.
Bà nói: “Tôi hy vọng chính phủ Hoa Kỳ, các phương tiện truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền có thể giúp giải thoát cho chồng tôi và hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công vô tội đang bị bỏ tù khác.”
Tổng thống Trump đã bày tỏ sự đánh giá cao ý kiến của bà Trương. Ông nói: “Mỗi người trong số các bạn đều đã phải chịu đựng rất nhiều vì đức tin của mình. Mỗi người trong số các bạn giờ đây đã trở thành nhân chứng quan trọng cho việc thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.”
17 nạn nhân sống sót sau các cuộc đàn áp tôn giáo này cũng sẽ tham gia Hội nghị Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo ở Washington do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức. Hội nghị 3 ngày, từ 16-18/7 này là sự kiện về tự do tôn giáo lớn nhất thế giới.
Đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback cho biết chính phủ Mỹ sẽ công bố các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường thúc đẩy tự do tôn giáo tại Hội nghị ngày 18/7 trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence.
Cuối năm 2016, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu, cho phép Tổng thống Hoa Kỳ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay thực thể pháp lý nào ở nước ngoài vi phạm nhân quyền.
Hồi tháng Năm vừa qua, giới chức Chính phủ Mỹ đã chia sẻ với một số nhóm tôn giáo và tín ngưỡng rằng, họ có ý định xem xét nghiêm ngặt hơn đối với các đơn xin thị thực, sẽ từ chối cấp thị thực cho những kẻ đàn áp nhân quyền và tôn giáo, bao gồm thị thực di cư và thị thực ngoài di cư (như du lịch, thăm gia đình, kinh doanh), người đã lấy được thị thực (bao gồm cả những người có thẻ xanh) cũng có thể bị từ chối nhập cảnh.
Giới chức Chính phủ Mỹ cũng nói với nhóm Pháp Luân Công tại Mỹ rằng, họ có thể đệ trình danh sách những kẻ bức hại cho Chính phủ. Theo đó, đoàn thể Pháp Luân Công tại Mỹ sẽ dựa theo luật nhập cư Mỹ và Thông cáo của Tổng thống để đưa vào danh sách những kẻ bức hại với nguồn thông tin đáng tin cậy và chính xác, nộp cho Chính phủ Mỹ để đề nghị không cấp thị thực cho nhập cảnh. Những kẻ bức hại không chỉ giới hạn ở những kẻ bắt bớ đàn áp trực tiếp, mà còn bao gồm kẻ xây dựng các chính sách đàn áp, ra mệnh lệnh và kẻ cộng tác.
Theo trithucvn