Cuộc đấu đá giữa 2 phe Giang – Tập diễn ra nảy lửa chưa phân thắng bại
Sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải nhiều bài bình luận lên án Mỹ “bắt nạt” Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại và khoa trương về quyết tâm “chiến đấu đến cùng” của Trung Quốc thì lúc này cũng nổi lên một cuộc chiến tuyên truyền khác. Thay vì nhắm mục tiêu vào Mỹ, vòng đấu truyền thông gần đây nhất lại là cuộc chiến nội bộ giữa hai phe “bồ câu” và “diều hâu” trong nội bộ Đảng.
Trong khi những chú bồ câu đổ lỗi cho những con diều hâu vì ủng hộ “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” thì những con diều hâu đả kích bồ câu là “những kẻ đầu hàng”.
Cuộc khẩu chiến truyền thông giữa phe bồ câu và phe diều hâu trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc là dấu hiệu của sự chia rẽ phe phái trong nội bộ Đảng (Ảnh: The Japan Times)
Những chú bồ câu chống lại “chính sách đóng cửa”
Trong một bài xã luận ngày 3/6, tạp chí tài chính Trung Quốc Tài Kinh (Caijing) kêu gọi nhân dân Trung Quốc cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặc biệt là với những tiếng nói ủng hộ việc đóng cửa đất nước, đòi thiết lập bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hệ sinh thái kinh tế và thương mại tách biệt với thế giới.
“Lịch sử đã chứng minh rằng việc thiết lập một hệ thống tách biệt, tự giới hạn, cô lập sẽ không dẫn đến đâu cả. Việc thúc đẩy những ý tưởng kiểu đó sẽ chỉ phù hợp với mong muốn của một số kẻ có tư tưởng bệnh hoạn và gây tổn thất đáng kể đến lợi ích của dân tộc”, bài xã luận chỉ ra.
Tuy nhiên, bài viết này đã nhanh chóng bị xóa khỏi Internet. Ba ngày sau, cuộc chiến được mở đầu bởi một bài báo tiếng Trung ở hải ngoại.
Diệp Thượng Châu, một học giả kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, đã đăng tải một bài viết trên website Thời báo Tài chính Trung Quốc vào ngày 6/6, trong đó chỉ trích Bộ Tuyên truyền trung ương Trung Quốc vì đã tuyên truyền mạnh mẽ, quá mức thô bạo và lỗi thời về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
“Trong kỷ nguyên thông tin mới này, chúng ta cần tôn trọng thời gian của độc giả và cần học cách viết rõ ràng và chính xác. Tôi khuyên các kênh truyền thông nhà nước hãy dừng cái gọi là “năm bình luận và chín phê bình”. “Bộ Chân lý”, hãy suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Nếu [chế độ] ĐCSTQ cố gắng đòi hỏi quyền lực cả trong và ngoài nước thì tất sẽ bại và loại hành vi như vậy sẽ hứng thêm chỉ trích từ cộng đồng quốc tế”, ông viết.
Liên quan đến “năm bình luận và chín bài phê bình”, ông Diệp giải thích rằng loạt bài tuyên truyền chiến tranh thương mại của Trung Quốc bao gồm: năm bài viết về “Mỹ đang bắt nạt Trung Quốc như thế nào”, chín bài la lối yêu cầu Mỹ “chấm dứt những cáo buộc vô căn cứ về Trung Quốc” và chín bài tuyên truyền với nhân dân Trung Quốc rằng “Mỹ sẽ bị đánh bại”.
Toàn bộ viễn cảnh rất bất thường, bởi ông Diệp không phải là một nhà bất đồng chính kiến nhưng ông lại công khai thực hiện một cuộc tấn công táo bạo vào trung tâm tuyên truyền trung ương Trung Quốc và thậm chí còn gọi nó là “Bộ Chân lý” với giọng điệu mỉa mai.
Truyền thông nhà nước đả kích phe “thân Mỹ”
Phe “bồ câu” lập tức trở thành mục tiêu của truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đã viết một bài bình luận vào ngày 7/6, nói rằng một bộ phận nhỏ nhân dân đang ủng hộ việc “đầu hàng Mỹ”.
Trong văn hóa Trung Quốc, “những kẻ đầu hàng” luôn bị coi là đáng khinh nhất, ngay cả khi kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần so với quân đội Trung Quốc.
“Họ quả quyết rằng Trung Quốc đang ở thế bất lợi và chúng ta cần phải thỏa hiệp với Mỹ”, “Họ thậm chí còn quả quyết rằng các yêu cầu từ Mỹ là “có lý, công bằng về mặt pháp lý và cần thiết”. Họ đổ lỗi một chiều cho Trung Quốc về cuộc chiến thương mại và cáo buộc Trung Quốc đã “đáp lại lòng tốt bằng sự vô ơn”. Tất cả đều là hành vi xu nịnh… Họ đang cố gắng làm sụp đổ tinh thần kháng chiến của nhân dân Trung Quốc”, theo bài viết của Tân Hoa Xã.
Phát biểu của ông Tập về mối quan hệ với Mỹ bị phớt lờ
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về những xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế ở St. Petersburg, Nga vào ngày 7/6/2019. Tuy nhiên, những phát biểu này của ông đã vắng bóng trên truyền thông Trung Quốc.
Theo Sputnik – truyền thông nhà nước Nga, ông Tập nói rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có các quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ. Mặc dù hai nước hiện có một số xung đột thương mại “nhưng thật khó có thể tưởng tượng được rằng Trung Quốc và Mỹ có thể hoàn toàn tách biệt với nhau. Tôi không muốn thấy điều đó xảy ra và tôi tin rằng những người Mỹ nào thân thiện với Trung Quốc cũng như người bạn của tôi – Tổng thống Trump – cũng không muốn thấy điều đó xảy ra”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về sự kiện này nhưng lại tập trung vào quan hệ hữu nghị và hợp tác trong tương lai giữa Nga và Trung Quốc, trong khi hoàn toàn bỏ qua bình luận của ông Tập về “các mối quan hệ” và “tình bạn” với Mỹ.
Theo nhà bình luận thời sự Shi Shi, những hiện tượng này cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Ông nói với Epoch Times rằng trong nội bộ đảng và ngay cả trong giới lãnh đạo cấp cao nhất, phải có khá nhiều đảng viên thân Mỹ.
“Tuyên truyền hiện nay chống lại phe thân Mỹ là một dấu hiệu cho thấy số người thân Mỹ không hề nhỏ, và đối thủ của họ phải tổn hao tâm sức để đối phó với nhóm người này”, ông bình luận.
Thiên Thảo’s Blog biên dịch từ The Epoch Times.