Suy hô hấp do tổn thương phổi sẽ dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng, lúc này bác sĩ cần dùng máy thở để cung cấp cho bệnh nhân thêm oxy, kéo dài thời gian sống cho họ và gia tăng cơ hội trong điều trị. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp điều trị này…
Hiện nay, dịch virus ĐCSTQ (còn gọi là dịch viêm phổi Vũ Hán, hay dịch COVID-19) vẫn đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới. Ở những quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, không chỉ nguồn nhân lực y tế bị thiếu hụt trầm trọng, mà trang thiết bị y tế, cụ thể là máy thở, cũng không đủ để duy trì sự sống cho những bệnh nhân đang nguy kịch.
Tuy nhiên tại New York, một bác sĩ tin rằng việc sử dụng máy thở có thể không đem lại hiệu quả, thậm chí còn gây hại. Bác sĩ này đã phát hiện có gần 80% bệnh nhân nặng đặt nội khí quản bị tử vong. Rốt cuộc sự thật ra sao?
Máy thở và những bất lợi ít ai biết
Suy hô hấp do tổn thương phổi sẽ dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng, lúc này bác sĩ cần dùng máy thở để cung cấp cho bệnh nhân thêm oxy, kéo dài thời gian sống cho họ và gia tăng cơ hội trong điều trị. Nhưng do thiếu hụt trang thiết bị y tế, các bác sĩ ở những điểm nóng trong đại dịch không ngừng phải đối mặt với câu hỏi khó khăn: “Nên cứu ai?”. Còn trên giường bệnh, nhiều người lớn tuổi thậm chí đã nhường máy thở của mình, từ bỏ hy vọng sống. Tuy nhiên, chuyện chưa dừng ở đó.
Theo đài Associated Press đưa tin vào ngày 09/4, các quan chức chính quyền thành phố New York đã cho biết có ít nhất 80% bệnh nhân vẫn tử vong sau khi được sử dụng máy thở. New York là khu vực đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch viêm phổi Vũ Hán tại Hoa Kỳ, với 268.581 trường hợp nhiễm và 20.861 trường hợp tử vong (tính đến ngày 24/4).
Những lý do khiến máy thở không đủ khả năng cứu sống được bệnh nhân:
- Trước mắt chưa có thuốc đặc trị virus nên tình trạng suy hô hấp có thể kéo dài.
- Bệnh nhân suy hô hấp nặng thường có tỷ lệ tử vong cao.
- Tác dụng phụ của máy thở có thể gây tổn thương cho phổi của bệnh nhân nhiều hơn.
Theo giải thích của bác sĩ Tô Nhất Phong, chuyên khoa lồng ngực tại Đài Loan, bình thường chúng ta sẽ thở dưới một áp lực âm. Có nghĩa là để chúng ta hít vào, thể tích khoang lồng ngực sẽ tăng và tạo thành một áp lực âm, tạo nên lực hút để “kéo” không khí vào phổi. Ngược lại, máy thở sử dụng áp lực dương, tức là sử dụng áp lực nhân tạo, đẩy luồng khí vào phổi, các phế nang theo đó căng phình ra, chu trình này có thể gây tổn thương thực thể cho phế nang.
Ngay cả với một bệnh nhân không có vấn đề về phổi, thở máy vẫn có khả năng làm phổi bị tổn thương. Do đó, thời gian sử dụng máy thở nên “càng hữu hạn càng tốt”.
Bình thường, lưu lượng khí và nồng độ khí oxy từ máy thở không nên quá cao. Lưu lượng khí đi vào phổi quá cao tương đương với lực máy thở đẩy vào phổi sẽ mạnh, và phổi sẽ có khả năng bị tổn thương thực thể nghiêm trọng hơn. Nồng độ oxy trong khí hít vào quá nhiều sẽ làm tăng áp suất oxy trong phế nang, và sẽ gây viêm phế nang. Do đó, các thông số này cần được điều chỉnh tùy theo nhu cầu của từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, với trường hợp viêm phổi nặng, bệnh nhân cần được cung cấp oxy với nồng độ 80-,90%, thậm chí 100% (oxy nguyên chất). Bác sĩ Tô Nhất Phong giải thích rằng, khi ấy do chức năng trao đổi khí trong phế nang đã rất kém, nên buộc phải cung cấp oxy nồng độ cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lúc này vì phổi đã rất mong manh nên tình trạng viêm sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Không chỉ vậy, hiện tại chưa có phương pháp đặc hiệu điều trị COVID-19, rất khó dùng thuốc kháng virus để làm giảm lượng virus trong cơ thể bệnh nhân, nên việc điều trị triệu chứng cũng khó. Do đó, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân có thể kéo dài từ 3 đến 4 tuần, thậm chí lâu hơn, dẫn đến thời gian thở máy cũng phải kéo dài thêm.
Không chỉ New York, các quốc gia và khu vực khác cũng gặp phải những khó khăn tương tự trong vấn đề điều trị bệnh nhân nguy kịch.
Máy thở không phải là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao
Một số bác sĩ ở New York hiện nay cho rằng, máy thở không nhất thiết có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 và hầu hết bệnh nhân không thể hồi phục dù đã được thở máy. Một số bác sĩ New York còn định giảm bớt việc sử dụng máy thở cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ Tô Nhất Phong lại cho rằng lý luận như vậy rất không thỏa đáng: “Bệnh nhân bị viêm phổi nặng nếu không được thở máy thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 100%”.
Trong trường hợp bình thường, nếu được đặt nội khí quản và thở máy, thì tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân bị suy hô hấp nặng là chỉ khoảng 2-5%. Thế tại sao tỷ lệ tử vong tại New York lại cao hơn nhiều so với các khu vực khác cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID -19?
1. Máy thở rất khan hiếm và không thể đặt nội khí quản cho bệnh nhân kịp thời
Về nguyên tắc, nếu bệnh nhân nặng vẫn còn cơ hội sống sót, thì nên đặt nội khí quản và hỗ trợ thở máy cho họ, tranh thủ thêm thời gian để điều trị. Ở những nơi dịch bệnh rất nghiêm trọng, bác sĩ Tô Nhất Phong cho rằng, rất có thể là bệnh nhân cần phải đợi một thời gian, và cho đến khi tình trạng thiếu oxy máu trở nên rất nghiêm trọng thì mới được đặt nội khí quản. Nhưng lúc này bệnh nhân đã bị suy chức năng tim, phổi, thậm chí là suy đa tạng và việc đặt nội khí quản gần như đã muộn, do đó tỷ lệ tử vong thường cao.
2. Thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức bệnh nặng
Khi có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra, máy thở và phòng bệnh có thể được đáp ứng nhanh chóng, nhưng số nhân viên y tế có thể vận hành máy thở chuyên nghiệp thì rất khó có thể đào tạo theo kịp. Một đội ngũ chăm sóc đặc biệt về hô hấp cần bao gồm: bác sĩ chuyên khoa về lồng ngực, bác sĩ gây mê, bác sĩ chuyên khoa hô hấp và y tá có kinh nghiệm.
Bệnh nhân viêm phổi nặng cần được chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu nhân viên y tế, nhiều bác sĩ ở các khoa không liên quan cũng được điều động ra tiền tuyến để chăm sóc bệnh nhân, như bác sĩ X-quang, bác sĩ tâm thần, thậm chí là sinh viên y khoa chưa đủ tiêu chuẩn. Đội ngũ y tế không chuyên này sẽ gặp ít nhiều vấn đề trong điều trị:
- Thời gian được đặt nội khí quản quá muộn hoặc thao tác đặt nội khí quản chậm, kéo dài thời gian thiếu oxy của bệnh nhân
- Thiếu kinh nghiệm trong việc cài đặt và điều chỉnh các thông số máy thở như áp lực khí cung cấp, mode thở (chế độ thở).
- Thiếu hiểu biết đầy đủ về chăm sóc bệnh nhân thở máy, bao gồm cả cách sử dụng kháng sinh và thực hiện các liệu pháp chăm sóc đặc biệt.
- Nếu bệnh nhân không cải thiện, rất khó để đánh giá phải làm gì tiếp theo.
Theo bác sĩ Tô Nhất Phong cho biết, phải mất 7 năm để đào tạo bác sĩ chuyên khoa về lồng ngực. Họ mất 1 năm làm bác sĩ nội trú, 3 năm đào tạo nội khoa, 2 năm đào tạo lồng ngực và 1 năm đào tạo chăm sóc chuyên về lồng ngực. Đồng thời, các bác sĩ cũng cần có thêm nhiều năm để trau dồi kinh nghiệm lâm sàng, chưa kể một số bác sĩ không có sẵn giấy phép hành nghề.
Do đó, rất khó để các đội y tế không chuyên đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, và việc dự đoán tỷ lệ tử vong cao là điều tự nhiên. Ngược lại, tình hình dịch kiểm soát tại Đài Loan tốt hơn là do các bệnh viện hiện vẫn cung cấp đủ nguồn lực y tế. Tỷ lệ đặt nội khí quản là 7% đến 8%, vì vậy số người tử vong thấp, chỉ có 6 người.