Một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy, con người trong thời thơ ấu càng gần gũi thiên nhiên, thì càng nhận được nhiều lợi ích khi trưởng thành và trong quãng đời còn lại.

1

Gần gũi với thiên nhiên giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tâm thần của trẻ em. (Ảnh minh họa)

Khi các siêu đô thị thi nhau mọc lên, việc thiếu vắng các khoảng không gian tự nhiên ngoài trời có thể gây ra hậu quả tiêu cực, kéo dài cả đời đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Ngược lại, những người may mắn được lớn lên trong môi trường gần gũi với thiên nhiên sẽ có sức khỏe tốt hơn. Một nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, được công bố trên Tạp chí International Journal of Environmental Research and Public Health còn cho thấy, những lợi ích này sẽ kéo dài suốt đời đối với sức khỏe tinh thần.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ gần 3.600 người ở 4 quốc gia châu Âu và phát hiện rằng, những trải nghiệm tiếp xúc với tự nhiên ở thời thơ ấu này có liên quan đến cảm giác lo âu và trầm cảm ở tuổi trưởng thành.

Điều phối viên nghiên cứu Wilma Zijlema cho biết, điều này cho thấy tầm quan trọng của “không gian xanh lá” (môi trường trên mặt đất) và “không gian xanh dương” (môi trường nước) đối với con người. Vấn đề không dừng lại ở chỗ con người có đánh giá cao thiên nhiên hay không, mà thiên nhiên còn ảnh hưởng đến “trạng thái tâm lý lành mạnh ở tuổi trưởng thành”.

Sau khi những người tham gia trả lời các câu hỏi như “Khi còn bé, bạn có từng đi bộ trong công viên quốc gia hay chơi trong vườn hay không?”, họ được kiểm tra tâm lý, xác định cảm giác lo âu, trầm cảm và mệt mỏi trong tháng vừa qua.

Kết quả cho thấy: Những người ít tiếp xúc với thiên nhiên đạt điểm kiểm tra sức khỏe tâm thần thấp hơn. Cho dù khi trưởng thành họ dành nhiều thời gian hòa mình vào thiên nhiên đi chăng nữa thì điểm số vẫn không khá hơn. Ngoài ra, những người này không hiểu nhiều về tầm quan trọng của không gian thiên nhiên.

“Nhìn chung, những người tham gia có tuổi thơ ít tiếp xúc với thiên nhiên đánh giá thấp tầm quan trọng của môi trường tự nhiên”, nhà nghiên cứu môi trường Myriam Preuss cho biết.

Các tác giả kết luận: “Những nghiên cứu theo chiều dọc đo lường khách quan các dữ liệu sức khỏe và sự tiếp xúc với thiên nhiên khi còn nhỏ là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ dùng chúng để điều tra xem việc kết nối với thiên nhiên, thời gian và các hoạt động mà con người dành ra để hòa mình vào thiên nhiên thời thơ ấu có mối liên hệ như thế nào với sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của họ trong suốt quá trình sống”.

Việc tiếp xúc với không gian xanh còn có tương quan với những thay đổi trong cấu trúc não bộ đang phát triển của trẻ, theo một nghiên cứu khác ở Barcelona, Tây Ban Nha, được công bố năm 2018. Tác giả của nghiên cứu Mark Nieuwenhuijsen chia sẻ:

“Nhìn chung, tôi nghĩ lý do cho việc này là, bộ não của chúng ta được thiết lập cho môi trường như khi chúng ta còn sống ở thảo nguyên và rừng rậm với thiên nhiên bao quanh. Nhưng chỉ trong vòng vài thế kỷ, con người bắt đầu sống trong đô thị, não bộ của chúng ta chưa thể điều chỉnh kịp thời để thích nghi với điều đó. Việc này sinh ra một loại cảm giác căng thẳng, và lưu ý, não bộ thường được phát triển khi ta còn nhỏ”.

2Việc tiếp xúc với không gian xanh còn có tương quan với những thay đổi trong cấu trúc não bộ đang phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra còn có 2 kết quả nghiên cứu khác đáng để chúng ta lưu tâm:

  • Những người sống trong các khu dân cư ít cây xanh có nguy cơ rối loạn tâm thần cao hơn ở tuổi trưởng thành (nghiên cứu ở Đan Mạch).
  • Những người có xu hướng “sống xanh” từ thuở nhỏ sẽ ít có nguy cơ trầm cảm hơn khi trưởng thành (nghiên cứu ở Mỹ).

3Những người có xu hướng “sống xanh” từ thuở nhỏ sẽ ít có nguy cơ trầm cảm hơn khi trưởng thành. (Ảnh minh họa)

Hiện nay có những bằng chứng thuyết phục để nói lên rằng những khu đô thị ít khoảng xanh có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của những thế hệ tương lai. Do đó, cùng với sự phát triển của các khu đô thị, các nhà khoa học ở Viện Sức khỏe Toàn cầu đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo không gian tự nhiên cho trẻ em, sân trường có nhiều cây xanh, thậm chí có thể thúc đẩy chương trình giảng dạy hòa nhập với tự nhiên.

Hiện nay, 73% người dân châu Âu sống ở khu vực thành thị. Đến năm 2050, con số này có khả năng sẽ tăng lên 80%. Ở châu Á, tỷ lệ hiện nay là 49%. Thật khó để xác định chúng ta cần tiếp xúc với tự nhiên bao nhiêu là đủ, nhưng với các thành phố đang bành trướng và thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp lại, việc dành ra một chút không gian xanh có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe lâu dài của con người.

Tuy nhiên, ở hầu hết các nước, chương trình giảng dạy ở trường thường ít hoặc không có các hoạt động ngoại khóa ngoài thiên nhiên. Nên dễ thấy rằng, trẻ em thật thiệt thòi khi không có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm để trân quý thiên nhiên và thụ hưởng những lợi ích tuyệt vời do thiên nhiên mang lại.

Bảo San (Theo Science Alert)