Con người thế gian sống trong cõi mê, vốn không biết được mình là ai, thường hay tạo nghiệp, nhưng một khi hốt nhiên tỉnh ngộ, nếu có thể chuyên tâm tu luyện, một ngày kia viên mãn phi thường.

vien man, tu luyện, Cơ Duyên, Bài chọn lọc, Giữ lời hứa, vị tu hành quay lại để cho hổ ăn thịt, không ngờ lại được thăng thiên viên mãn. (Minh họa: internet)

Đây là một câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Xưa kia, có một thôn trên núi tên là Thụy Lâm, sơn thôn này có khoảng mấy trăm hộ gia đình. Nơi đây đã bao thế hệ sinh sống bằng nghề trồng trọt, người dân thì vô cùng thuần phác. Trong sơn thôn chỉ có duy nhất một người nhiều thói hư tật xấu, còn trẻ tuổi tên là Trần Trung Hành. Anh chàng này từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, lên 12 tuổi thì ông bà cũng qua đời, nên không được dạy dỗ. Trần Trung Hành chỉ biết hết ăn lại nằm, không chịu làm việc. Về sau, cái tính ỷ lại và lười biếng đã thành thói, anh ta tới các nhà trong thôn để xin ăn, nhưng không ai muốn cho. Đói quá làm liều, anh ta việc gì cũng có thể làm ra được, cả dân làng đều muốn tránh xa anh ta.

Có một ngày, Trần Trung Hành đến nhà một đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng này sợ sệt nên không dám thờ ơ, đành bưng nước rót trà cho cậu, sau đó còn nấu cơm, làm thịt một con gà trống chiêu đãi, chỉ mong sao anh ta ăn xong thì nhanh nhanh ra khỏi nhà. Họ không nghĩ rằng anh ta đã nhìn thấy trong nhà còn có một con gà mái và đàn gà con, nên sẽ ở lại đây để ngày mai ăn nốt con gà mái kia. Đến tối, Trần Trung Hành ngủ lại nhà họ, hai vợ chồng nhường phòng cho anh ta, còn mình thì xuống bếp ngủ tạm.

Đến đêm khuya, Trần Trung Hành trong giấc mơ giật mình tỉnh giấc, anh ta vừa nghe được cuộc nói chuyện của gà mái cùng đàn gà con: “Các con nếu có cơ hội chuyển sinh làm người, cũng không nên học theo Trần Trung Hành, anh ta làm nhiều chuyện xấu như vậy, tương lai chắc chắn có báo ứng”. Trần Trung Hành nghe xong kinh hãi vùng dậy, lắp bắp không thành tiếng. Anh ta nhớ lại những việc mình đã gây ra, cảm thấy mình đúng là người xấu, quả là quá hồ đồ rồi, thậm chí không bằng một con gà.

Sáng sớm hôm sau, Trần Trung Hành từ biệt hai vợ chồng trẻ, trước khi đi, anh ta hỏi hai vợ chồng có biết ở đâu có thể sám hối chuộc tội không. Hai vợ chồng kia nói cho anh ta biết, cách đây không xa, trên núi có một ngôi chùa rất lớn, trong chùa có một lão hòa thượng tên là Lai Duyên, chắc chắn ông biết cách dạy anh sám hối. Trần Trung Hành đi lên núi, tìm được lão hòa thượng, và muốn xuất gia.

Lai Duyên nói: “Chúng ta ở trên này đồ ăn rất ít, mỗi ngày cũng phải có người xuống núi hóa duyên, thường thì bữa có bữa không, ta chỉ e rằng anh sớm muộn gì cũng không chịu nổi cái khổ này mà xuống núi thôi “.

Trần Trung Hành tỏ vẻ quyết tâm, nói nhất định có thể chịu đựng được.

Lai Duyên lại nói: “Ở đây, chúng ta có một quy định đối với người mới xuất gia. Ở sau chùa có một cái miếu nhỏ bằng đá, anh phải ở trong đó 7 ngày, trong thời gian này tuyệt đối không được ăn uống gì. Nếu vượt qua được 7 ngày này thì mới được giữ lại, còn không thì có thể xuống núi bất cứ lúc nào”.

Trần Trung Hành không nói lời nào, liền đi tới chỗ cái miếu nhỏ kia. Nhịn được 3 ngày, tới giữa trưa ngày thứ tư, có một tiểu hòa thượng bưng bát cơm còn đang bốc hơi, ra ngồi ở gần đó, vừa ăn vừa nói: “Sư phụ bảo tôi nói với anh, nếu anh không nhịn được, thì có thể ăn chút cơm cùng tôi rồi xuống núi đi”. Trần Trung Hành không lên tiếng, cứ như vậy 7 ngày chẳng mấy chốc đã trôi qua.

Sau khi được giữ lại chùa, Trần Trung Hành giống như đã biến thành một người khác, việc nặng nào cũng đều tranh làm, lão hòa thượng thấy vậy rất hài lòng. Vào mùa đông năm ấy, tuyết rơi phủ trắng núi, lương thực tích trữ trong chùa cũng hết, lão hòa thượng lo lắng, không biết nên làm thế nào. Trần Trung Hành thấy vậy, chủ động gặp lão hòa thượng để xin xuống núi hóa duyên. Nhưng lão hòa thượng lo rằng mưa gió bão tuyết như vậy, e rằng đi đường sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Trần Trung Hành vẫn tỏ vẻ nhất quyết muốn đi, nói chút nguy hiểm đó có đáng gì. Lão hòa thượng đành phải đồng ý.

Trần Trung Hành mạo hiểm gió tuyết, vượt qua bao khó nhọc cuối cùng đã xuống được thôn làng. Người dân trong thôn thấy Trần Trung Hành nay đã thay đổi, trở nên tốt hơn, ai ai cũng đều vui mừng, mọi người rủ nhau đem gạo tới để anh vác lên núi.

vien man, tu luyện, Cơ Duyên, Bài chọn lọc, Đến một quãng đường đỡ dốc và gập ghềnh hơn thì bỗng từ đâu có một con hổ xuất hiện trước mặt Trần Trung Hành. (Minh họa: internet)

Trần Trung Hành nhanh chóng lại tiếp tục lên đường quay về, anh cố gắng không biết mệt mỏi leo lên núi. Đến một quãng đường đỡ dốc và gập ghềnh hơn thì bỗng từ đâu có một con hổ xuất hiện trước mặt anh. Kỳ lạ thay, con hổ này lại nói được tiếng người, nói với anh: “Ta đói rồi, ta phải ăn ngươi”. Trần Trung Hành bình tĩnh nói với hổ: “Lão hổ à, có thể đáp ứng thỉnh cầu của ta không? Để cho ta đem số lương thực này về chùa rồi ta sẽ quay lại cho ngươi ăn thịt”.

Hổ nói: “Ta dựa vào đâu để tin ngươi đây, ngươi không trở lại thì ta chết đói à?”.

Trần Trung Hành nói: “Ta là người xuất gia, tuyệt nhiên không nói dối, ta sẽ giữ lời hứa của mình”.

Hổ nói: “Được rồi, ta tin ngươi một lần vậy”.

Trần Trung Hành vác túi lương thực về chùa, sau đó tới từ biệt lão hòa thượng. Lão hòa thượng dường như đã biết hết thảy mọi chuyện nên không nói gì, ông liền gọi các hòa thượng trong chùa tới tiễn Trần Trung Hành ra khỏi chùa.

Sau khi Trần Trung Hành ra khỏi chùa thì không ngoảnh đầu lại, anh bình thản đi tới chỗ con hổ kia. Trong khoảnh khắc đó, anh cưỡi lưng hổ bay lên trời, đã viên mãn rồi. Lão hòa thượng nhìn thấy cảnh tượng tráng lệ ấy bèn chắp tay trước ngực, lẩm bấm nói: “Cậu ta tu đã rất nhiều đời rồi, chúng ta ở đây cũng là vì sự viên mãn của cậu ta”.

***

Trên đời này có vô số người hữu duyên, có cơ duyên tu luyện, cũng là vì trong lịch sử họ đã từng trải qua quá trình tu luyện cực kì gian khổ. Sống ở trong mê, khiến họ vô tri mà tạo thành bao nhiêu tội nghiệp chất thành núi; rồi một ngày họ chợt tỉnh ngộ vào bước trên con đường tu luyện, tu cho đến khi viên mãn. Vậy với những ai có cơ duyên tu luyện, thì hãy trân quý, nắm bắt lấy cơ duyên ngàn năm mới được này!

Hoàng Sâm, dịch từ NTDTV

Theo tinhhoa.net