Thân ở thế gian, hơn nữa ở cùng với người, thử hỏi tại sao chúng ta không dùng tâm của mình để chiếu rọi thế giới này? Hay cũng có thể nói, tâm cảnh của bạn chiếu rọi bạn thế nào thì vận mệnh của bạn chính là như thế ấy.
Dục vọng, dưới góc nhìn của Vương Dương Minh thì nó chính là căn nguyên khiến con người ta không thể phát huy đầy đủ lương tri. Một khi lương tri đã bị các loại ham muốn cá nhân che lấp, dẫu trong tâm biết rõ thiện ác đúng sai, nhưng bởi tư dục dẫn động, nên vẫn không triển hiện ra được. Sau một thời gian dài như vậy, sự khôn ngoan và đạo đức của chúng ta dần dần bị che mất, thứ còn lại chỉ là một thân xác với tâm hồn đã bị hư hại.
Hàng ngày, mỗi người chúng ta đều luôn nhìn vào trong gương để trang điểm, chải chuốt và chỉnh đốn y phục của mình. Vậy sao không hàng ngày chỉnh đốn tư tưởng của mình? Cuộc đời này ai thiếu nợ ai những gì? Cuộc sống trước nay vốn không thiếu nợ ai thứ gì. Nếu không ngại, chúng ta hãy cùng đọc ba câu chuyện nhỏ liên quan đến phẩm hạnh của Vương Dương Minh, không chừng mỗi chúng ta đều sẽ có được gợi ý nho nhỏ từ trong đó.
Làm người cần có lòng tin vào chính mình, vững tin vào giá trị của bản thân
Khi Vương Dương Minh còn làm huyện lệnh tại Lư Lăng, có bắt được một tên trộm tội ác chất chồng. Tên trộm này hết sức ngoan cố, không cách nào lấy được khẩu cung của hắn. Vương Dương Minh phải đích thân thẩm vấn, tên trộm lấy thế “heo chết không sợ nước sôi” lớn tiếng quát: “Muốn chém muốn giết cứ việc, đừng phí lời!”.
Vương Dương Minh nói: “Tốt thôi, hôm nay không thẩm vấn. Nhưng, thời tiết quá nóng, hay là ngươi cởi áo ngoài ra đi, chúng ta thoải mái nói chuyện”. Tên trộm nói: “Cởi thì cởi!”.
Một lát sau, Vương Dương Minh lại nói: “Thời tiết thực là quá nóng, chi bằng ngươi cởi luôn cái áo trong ra đi!”.
Tên trộm vẫn thản nhiên nói: “Ở trần cũng là việc bình thường, có gì đâu”.
Một lát sau, Vương Dương Minh lại nói: “Đã ở trần rồi, chi bằng cởi luôn cái quần cộc ra luôn, trên mình không mảnh vải che thân, há càng không tự tại hay sao?”.
Vẻ hào sảng của tên trộm đột nhiên biến mất, vội hoang mang xua tay nói: “Không được! Không được!”.
Vương Dương Minh nói: “Có gì mà không được? Ngay đến cả chết nhà ngươi còn không sợ, còn để ý gì đến cái quần cộc? Xem ra nhà ngươi vẫn có tâm liêm sỉ, có lương tri, chưa hẳn là kẻ tồi tệ!”.
Tranh vẽ Vương Dương Minh (ảnh: Sina).
Mọi người thường than trách lòng người sao quá hiểm ác, nhưng qua câu chuyện này, Vương Dương Minh đã cho chúng ta biết, dù là kẻ tội ác tày trời, trong tâm họ cũng có lương tri. Minh bạch được điểm này, chúng ta sẽ thấy rõ sự quan trọng đối với kẻ lầm lỗi là cảm hóa chứ không phải trừng phạt. Đây chính là từ bi.
Cũng có người cảm thấy chính mình là kẻ hoàn toàn xấu xa, tự vứt bỏ mình, nhưng Vương Dương Minh bảo rằng không có người nào là hoàn toàn xấu xa, mỗi một người đều có điểm tốt đẹp, đều có phẩm chất trân quý. Mọi người cần có lòng tin vào chính mình, vững tin vào giá trị của bản thân.
Người thích khinh miệt, hạ thấp, chèn ép người khác, phẩm hạnh tu dưỡng thường là thấp kém, với loại người này cách nhìn của họ vốn không đáng để trong tâm. Trái lại người có cảnh giới tu dưỡng cao thâm, sâu sắc như Vương Dương Minh thì thường đều luôn có thể nhìn thấy được ưu điểm và sở trường của người khác. Rất nhiều khi không phải là do bạn đã sai hoặc vô dụng, chỉ là bạn chưa gặp được người có năng lực tán thưởng bạn mà thôi.
Tâm là nguồn gốc của mọi vấn đề
Mùa xuân năm nọ, Vương Dương Minh cùng người bạn của mình du ngoạn trong núi sâu. Người bạn chỉ vào một bông hoa nở trên vách đá, rồi nói với Vương Dương Minh rằng: “Ông thường nói rằng, ‘ngoài tâm không có vật gì, ngoài tâm không có việc gì, ngoài tâm không có lý gì. Vạn vật trong thiên hạ đều ở trong tâm ta, do tâm ta kiểm soát’. Ông hãy nhìn xem bông hoa này, tự nở tự tàn nơi vách núi, tâm của ông có thể khống chế được nó không? Lẽ nào tâm của ông bảo nó nở thì nó mới được nở, tâm của ông bảo nó rụng thì nó sẽ tự rụng hay sao?”.
Vương Dương Minh trả lời một cách sâu xa rằng: “Khi ông chưa nhìn thấy bông hoa này, thì nó và tâm ông đều quy về tĩnh lặng. Khi ông đến đây và nhìn thấy bông hoa này, thì nhất thời biết được màu sắc, vẻ đẹp của nó. Như vậy chứng tỏ rằng bông hoa này đã không ở ngoài tâm ông nữa. Hoa đương nhiên là tự nở tự tàn, nhưng nó có thể khuấy động tâm ông không, điều này lại do bản thân ông quyết định. Dẫu cho đất lở trời sập, hồng thủy ngập trời, sấm vang chớp giật, mưa như thác đổ, chỉ cần tâm ông tĩnh lặng, thì tâm ông mãi luôn ở chốn đào nguyên, ung dung vui vẻ”.
Xem ra, mọi vấn đề của tâm, truy căn nguyên đến cùng, thật ra đều chỉ là vấn đề của tâm mình. Thế gian dẫu cho hiểm ác thế nào, chỉ cần tâm ta không động, thì không gì có thể khuấy động tâm ta được.
Ảnh minh họa: Shutterstock.
Không phải thế gian này thiếu nợ bạn, mà là bạn thiếu nợ chính mình
Một ngày kia, Vương Cấn đi chơi bên ngoài về. Vương Dương Minh hỏi ông: “Ông đã thấy được những gì nào?”. Vương Cấn nói với giọng điệu kinh ngạc dị thường: “Tôi nhìn thấy đâu đâu cũng đều là thánh nhân”.
Nguyên câu nói này của Vương Cấn có thâm ý khác, trước khi ông bái Vương Dương Minh làm thầy, thì chính là một người cuồng ngạo, không xem ai ra gì. Sau khi bái sư cũng không thay đổi được phần nào tính khí “cao ngạo” đó.
Vương Dương Minh nhiều lần nói: “Người người đều có thể trở thành thánh nhân”. Vương Cấn không tin, mãi luôn cho rằng cảnh giới của thánh nhân là điều không sao với tới được, vậy nên ông nói “tôi nhìn thấy đâu đâu cũng đều là thánh nhân”, chính là muốn giễu cợt Vương Dương Minh.
Vương Dương Minh đã đáp lại với ngụ ý sâu sắc rằng: “Ông đã nhìn thấy đâu đâu cũng là thánh nhân, chứng tỏ ông đã có được tấm lòng bao dung, hữu ái và thiện ý vô hạn. Với người như vậy, hỏi xem ai lại không muốn gần gũi, ai lại không yêu mến chứ? Nếu đạt được đến cảnh giới ‘nhìn thấy đâu đâu cũng đều là thánh nhân’, xác thật ông đã là thánh nhân thật sự rồi đó”.
Chỉ một câu nói này đã nói ra được cảnh giới tu dưỡng mà một người nên có, cũng đã nói ra được phương thức tốt nhất để giáo hóa người đời, ấy là lấy thân làm gương, cảm hóa người đời. Vậy nên đừng nghi ngờ hay oán trách thêm nữa, chỉ là tu dưỡng của bạn chưa đủ sâu dày, làm chưa được tốt mà thôi. Nguyên vốn không phải là thế gian này mắc nợ bạn thứ gì, mà chính là bạn đang mắc nợ chính mình.