Một bần nữ họ Điền có gia cảnh nghèo khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng chỉ với 10 hạt gạo cùng hai thước vải thô, lại có thể cảm động trời xanh.

1 (1)
Hình mình họa

Thời nhà Tùy, ở núi Chung Nam có một vị cao tăng đắc đạo, pháp danh là Thích Phổ An, rất được mọi người kính trọng và yêu quý. Hễ ông xuất hiện ở đâu là mọi người lại tụ tập ở đó.

Người có thể nghèo nhưng nội tâm không nghèo

Có một ngày, cao tăng Phổ An và rất nhiều hòa thượng cùng đi đến thôn Đại Vạn. Ở thôn này có một gia đình họ Điền, vì gia cảnh bần hàn, bốn người con gái của Điền gia đều rơi vào cảnh không đủ cơm ăn áo mặc.

Trưởng nữ Điền gia tên là Hoa Nghiêm, vừa tròn 20 tuổi xuân xanh. Cô nghe nói cao tăng Phổ An đã vào thôn liền muốn đi cúng dường tăng nhân. Hoa Nghiêm nhìn bốn phía trong ngôi nhà tranh, chỉ có hai thước vải khô, không có đồ vật gì đáng giá để đi cúng dường.

Hoa Nghiêm đau lòng vì gia cảnh của mình nghèo khó, than thở vì kiếp trước không làm nhiều việc phúc đức, cô ngẩng đầu lên bi phẫn và khóc. Đột nhiên, cô nhìn thấy lỗ hổng trên cây xà ngang có một lỗ hỗng nhỏ, bên trong có một nhúm thóc nằm vương vãi. Cô lấy xuống nhìn kỹ, tìm ra được mười hạt gạo.

Mặc dù gạo rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng cô vẫn dụng tâm bóc vở trấu, chà sạch lớp cám bên ngoài, định mang cùng với hai thước vải thô dâng lên cúng dường thánh tăng. Nhưng cúi đầu nhìn lại, bản thân mình áo mặc không đủ che thân, lại không dám đi ra ngoài. Thế là đợi sau khi trời tối, cô lén lút đến bên cạnh phòng của tăng nhân, đặt hai khúc vải thô xuống, rồi để mấy hạt gạo vào trong thùng.

Thành tâm thành ý cúng dường, hạt gạo biến thành màu hoàng kim óng ánh

Hoa Nghiêm âm thầm cầu nguyện: “Bởi kiếp trước tôi tham lam keo kiệt, nên kiếp này gặp phải quả đắng như vậy. Bây giờ, tôi thành tâm thành ý sám hối trước Đức Phật. Dùng chút phẩm vật mọn này, cúng dường các vị tăng nhân. Từ nay về sau, nếu như sự nghèo túng của tôi đã trả đủ, thì xin hãy biến những hạt gạo trong thùng trở thành màu hoàng kim”. Nói xong, Hoa Nghiêm lau nước mắt, rồi lặng lẽ quay về.

Sáng sớm hôm sau, mọi người nhìn thấy gạo trong thùng đều biến thành màu hoàng kim. Sau khi tìm cách nghe ngóng, mọi người mới hiểu ra sự tình giữa đêm bần nữ cúng dường tăng nhân, vì thế ai nấy đều tán thưởng tấm lòng chân thành của cô gái. Có một nghĩa sĩ nghe được câu chuyện lạ kỳ này, liền ra tay giúp đỡ Điền gia nghèo khó. Trưởng nữ Hoa Nghiêm cuối cùng xuất gia tu đạo.

Từng có người hiếu kỳ cho rằng bần nữ không phải bố thí vàng bạc, tội lỗi của kiếp trước sao có thể vì một chút cúng dường mà bỏ qua được? Chu An Sĩ của triều đại nhà Thanh nói: “Tuy rằng chỉ là hai thước vải, mười hạt gạo, nhưng đối với Điền nữ Hoa Nghiêm, đó là tất cả gia sản, cô đã đem hết gia sản để đi bố thí. Vậy thì tội lỗi của kiếp trước, sao có thể không được xóa bỏ chứ?”

Trong Kinh Thánh cũng có một câu chuyện với tình tiết tương tự. Có một quả phụ nghèo đi đến Thánh Điện, bà tới thùng tiền quyên góp và để vào đó hai lượng tiền. Sau khi chúa Giê-su nhìn thấy đã nói với mọi người, tiền mà người quả phụ này để vào đều nhiều hơn so với những người khác. Bởi vì mọi người chỉ bố thí khi mình đã có tiền dư. Nhưng người quả phụ này thì không phải thế, bà đã đem số tiền để trang trải cuộc sống của mình đi bố thí cho người khác.

Câu chuyện bần nữ cúng dường mười hạt gạo thời nhà Tùy cũng tương tự như câu chuyện quả phụ đóng góp tiền nơi Thánh Điện xảy ra cách đây hơn 2000 năm khi chúa Giê-su còn tồn tại. Tuy ngôn ngữ khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, nhưng tấm lòng thành tâm thành ý của họ thì bất luận ở văn hóa nào, trong thời đại nào, cũng đều ánh lên vẻ hào quang lấp lánh.

Hồng Liên, theo NTD