Một tia sét trung bình sở hữu năng lượng lên tới 300 triệu vôn, nếu bị đánh trúng thì thật khó để hình dung điều gì sẽ xảy ra. Thế nhưng, có phải ai cũng có thể bị sét đánh hay chỉ có một số kiểu người mới bị như vậy?
Cổ nhân tin rằng nhân loại vốn là do Thần tạo ra dựa theo hình dáng của bản thân. Đồng thời, Thần cũng đặt định ra những quy phạm đạo đức cho con người như cha mẹ cần phải yêu thương con cái (phụ mẫu phải từ), con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, giữa người với người không được thất tín… Nếu nghe theo lời dạy của Thần, thì con người sẽ được ban cho hạnh phúc, an khang, trường cửu; còn nếu làm trái với an bài của Thần, con người sẽ phải gánh chịu thống khổ, tai nạn, tiêu vong.
Tương truyền, sấm sét vốn là sức mạnh và là công cụ mà Thần dùng để thực thi công lý trên cõi nhân gian. Những người bị sét đánh thường là những người phớt lờ lời răn mà tiếp tục làm sai, gây nên những tội ác to lớn. Và tất nhiên sẽ có những trường hợp ngoại lệ.
Ngông cuồng bắn Thiên Thần, bị sét đánh chết
Vũ Ất là vua thứ 27 của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người kiêu ngạo, liều lĩnh và tàn nhẫn. Các quan khuyên vua nên tôn kính thần linh, nhưng ông ta không nghe. Thay vào đó, ông ta đã có những việc làm khá bệnh hoạn và hoang tưởng. Những việc làm của Vũ Ất bị Sử ký gọi là “vô đạo”.
Lần nọ, Vũ Ất sai người tạc tượng gỗ, gọi đó là “Thiên Thần”. Sau đó ông chơi cờ với một viên quan đóng vai đại diện cho “Thiên Thần”. Vì sợ làm mất lòng nhà vua, nên viên quan thường xuyên thua. Vũ Ất dương dương tự đắc vừa hạ nhục “Thiên Thần”, vừa tiện tay rút thanh kiếm đeo bên người của cận vệ, chém nham nhở lên thân tượng gỗ. Bức tượng gỗ chẳng mấy chốc biến thành những miếng gỗ vụn.
Vũ Ất treo một túi da chứa đầy máu tươi trên một cái giá gỗ cao và bắn tên vào, gọi là “Bắn Trời”. (Ảnh qua ximalaya.com)
Một lần khác, Vũ Ất treo một túi da chứa đầy máu tươi trên một cái giá gỗ cao và bắn tên vào, mũi tên phóng đi, túi da rơi “bịch” một tiếng, rách một lỗ lớn, máu tươi đổ “ào” nghe như tiếng thác đổ lênh láng trên mặt đất… Thế là ông ta liền cười một cách điên dại và gọi đó là “Bắn Trời” (xạ thiên).
Vào năm thứ năm Vũ Ất cai trị, ông ta đi săn ở vùng đất giữa Hoàng Hà và sông Vị Thủy. Trời bỗng nhiên kéo mây mưa tới và ông ta bị sét đánh chết, tình cảnh vô cùng thê thảm.
Cậu bé mù xây cầu bị sét đánh chết
Có một câu chuyện được ghi chép từ thời Bao Công (11/4/999 – 20/5/1062), vị quan nổi tiếng thanh liêm, công trực thời nhà Tống. Thuở ấy tại một làng nọ có một cậu bé chừng mươi tuổi, chân bị gãy, cha mẹ mất sớm nên cậu phải sống một cuộc sống ăn xin cơ cực. Thế nhưng dù hoàn cảnh khó khăn đến vậy, cậu bé lại là một người rất tử tế và thường xuyên giúp đỡ những người khác.
Bao Công nổi tiếng thanh liêm, công trực nên được người đời xưng tụng là Bao Thanh Thiên.
Một hôm, vì không muốn dân làng bất tiện khi phải lội qua con suối lớn trước làng mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, vô cùng nguy hiểm, thế là cậu bé với thể trạng què quặt đã gom từng tảng đá lớn về bên suối để xây cầu cho mọi người. Tuy nhiên người trong làng cho đó là chuyện khôi hài của một cậu bé khùng nên không để ý đến.
Ngày qua ngày, mặc kệ nhọc nhằn, vất vả, đống đá dần dần lớn lên và trở thành một cái gò, thấy vậy dân làng bắt đầu hiểu ra. Nhiều người đã bắt đầu góp thêm sức vào, chẳng mấy chốc đã đủ đá xây cầu. Rồi người ta thuê thợ xây dựng đến làm. Trong quá trình cùng làm, không may cậu bé bị mảnh đá bắn mù cả hai mắt. Nhưng bất chấp ‘đã què lại thêm mù’, cậu bé vẫn không một lời ca thán và cố gắng trong khả năng của mình cùng góp sức xây cầu với dân làng. Người dân thấy vậy mà thương cảm vô cùng.
Cuối cùng, sau những tháng ngày nhọc nhằn vất vả, cây cầu đã được xây xong. Dẫu không nhìn thấy gì, nhưng trên khuôn mặt của cậu hiện một nụ cười rạng rỡ. Đột nhiên một tiếng sấm nổ vang dù trời quang mây tạnh. Và người ta thấy cậu bé ăn mày đáng thương đã bị sét đánh chết ngay trên chiếc cầu mới xây.
Bấy giờ nhằm lúc Bao Công đi thị sát qua làng, dân làng liền kéo nhau kêu oan với ông, rằng tại sao trời xanh lại hại người tốt. Trước câu chuyện quá thương tâm, và cảm thấy quá bất công, Bao Công chẳng cầm nổi lòng mình, bèn viết “宁行恶勿行善” (ninh hành ác vật hành thiện: thà làm điều ác còn hơn làm điều thiện).
Không lâu sau, nhà vua hạ sinh một hoàng tử. Thế nhưng đứa bé lại khóc không ngừng khiến các quan đại phu cũng đành bó tay. Nhà vua cho mời Bao Công đến để xem xét tình trạng của đứa bé. Ông thấy hoàng tử da dẻ trắng trẻo mịn màng, và trong lòng bàn tay dường như có một hàng chữ nhỏ. Ghé mắt vào nhìn kỹ thì chính là “宁行恶勿行善”! Bao Công giật mình kinh hoàng, ông bèn nâng cánh tay hoàng tử lên và bôi xóa những chữ đó đi, chúng lập tức biến mất, và đứa bé cũng lập tức ngừng khóc.
Video: Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?
Đêm ấy Bao Công ngả đầu lên chiếc gối “âm dương địa phủ” và lập tức trong mộng đi đến cõi âm gian. Diêm Vương kể cho ông rằng hoàng tử đó vào mấy đời trước từng làm việc đại gian ác, nên Thần đã an bài phải trả nghiệp ác ấy trong ba đời: đời thứ nhất què cụt, đời thứ hai mù loà, và đời thứ ba bị sét đánh chết. Nhưng khi què quặt xin ăn, cậu bé đã luôn vì người khác mà làm việc tốt, nên Thần đã rút ngắn thời gian trả nghiệp và khiến cậu bé ăn xin bị mù.
Sau khi mù, không những không oán thán mà cậu bé vẫn luôn hành xử thiện lương. Vì lý do ấy mà Thần đã an bài lại một lần nữa để cậu bé trả hết nghiệp trong một đời, và được chuyển sinh thành một hoàng tử để hưởng một cuộc sống giàu sang phú quý nhờ đời trước đã chịu khổ tích đức. Đây là một gợi ý đến Bao Công từ thiên thượng rằng một người không nên xem xét sự việc qua những hiển lộ bề mặt.
Bà mụ độc ác, thề độc ứng ngay lên thân
Vào năm Càn Long thứ 57 đời Thanh (1792), với sự giúp sức của một bà mụ, một cặp vợ chồng hiếm muộn nọ ở tỉnh Liêu Ninh đã sinh hạ được một đứa con trai. Sáng hôm sau, người cha phát hiện bốn thỏi bạc mà ông để dưới gối đã không cánh mà bay.
Nghi ngờ rằng bà mụ đã lấy số bạc, người cha đã hỏi bà ta có lấy chúng không, nếu lấy thì đưa lại cho ông hai thỏi để cúng thần linh mừng đứa trẻ chào đời, hai thỏi còn lại là dành cho bà ấy. Vừa nghe người cha nói xong thì bà mụ liền nổi giận và nguyền rủa: “Nếu ông nói oan cho tôi, con ông sẽ chết; nếu tôi lấy cắp bạc, tôi sẽ bị sét đánh chết.” Nghe vậy người cha đành phải trở về nhà.
Ba ngày sau, gia đình nhờ bà mụ đến tắm cho em bé. Bà mụ không đến, nhưng con gái của bà ta đã đến. Đêm đó, em bé đột nhiên chết không rõ nguyên do. Lúc này hai vợ chồng chỉ biết khóc nức nở an ủi nhau trong đau buồn. Sau đó, họ chôn cất đứa bé trên đồng. Những người hàng xóm chứng kiến sự việc xảy bàn tán với nhau rằng có vẻ như bà mụ đã đúng.
Không lâu sau, trên trời có những tiếng sấm sét kỳ lạ và kèm theo đó là mùi lưu huỳnh nồng nặc trong không khí. Theo cái mùi đó, mọi người tìm đến cánh đồng và nhìn thấy bà mụ và cô con gái, cả hai quỳ trên mặt đất và đã bị sét đánh chết. Mỗi người đang cầm hai thỏi bạc trên tay.
Bỗng nhiên, họ nghe thấy có tiếng khóc phát ra từ nơi đứa bé đã được chôn cất. Họ tìm thấy đứa bé vẫn còn sống, với một cây kim trồi ra khỏi rốn. Ngay khi đó, cha mẹ cháu bé mới nhận ra rằng con gái bà mụ đã đâm đứa bé bằng cây kim trong khi tắm, điều này khiến cho đứa bé bị tê liệt tạm thời. Người làng đã chứng kiến hay nghe sự việc đều kinh ngạc và họ đã biết ai đúng ai sai.
Sét đánh người là chuyện ngẫu nhiên hay đã có an bài? (Ảnh: Pinterest)
Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn hay nhắc nhở với nhau rằng: “Trên đầu ba thước có thần linh”. Người đang làm, Trời đang nhìn. Từng ý niệm, từng hành vi của mỗi người đều có Thần linh giám sát, ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về cử chỉ và lời nói của bản thân mình. Chỉ có hành thiện, tích đức, không làm việc xấu ác thì mới có thể tránh khỏi kết cục thảm khốc trong tương lai.